Trước Công đồng Vatican II, cử hành phụng vụ dường như là chuyện riêng của vị tư tế, mỗi người tham dự như một hòn đảo, tư tế làm việc của tư tế và ngài làm gần như trọn gói mọi phần trong Thánh lễ, còn giáo dân chỉ lo làm việc đạo đức bình dân của mình miễn sao không ai làm phiền đến ai cả. Thế rồi, thật may mắn, một nhận thức mới đã hình thành: cử hành phụng vụ được coi là kinh nguyện chung của Giáo Hội, ai đó muốn cầu nguyện riêng bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu thì tùy, nhưng khi bước vào trong giờ phụng vụ, cộng đoàn đức tin được quy tụ trở thành một thân mình và một tiếng nói chung để cùng nhau công bố sứ điệp Lời Chúa và phụng thờ Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao một trong những chủ đề hàng đầu của cuộc cải cách phụng vụ được trình bày trong Hiến chế Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium = SC) của Công đồng Vatican II là mời gọi các tín hữu tham gia tích cực (actuosa participatio) vào cử hành phụng vụ. Chủ đề “tham gia tích cực” đã trở thành mục tiêu dường như được xem xét trước mọi vần đề khác: trong việc canh tân và cổ võ phụng vụ thánh, cần phải hết sức để tâm đến việc tham dự trọn vẹn và linh động của toàn dân: vì phụng vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, từ đó các tín hữu phải múc lấy tinh thần Kitô giáo đích thực.[1]
Tuy nhiên, sự tham gia tích cực không có nghĩa là chạy theo chủ nghĩa duy hoạt động như thể chúng ta phải hòa nhập vào cộng đoàn phụng vụ theo cách liên tục làm hết điều này đến điều kia đến độ biến cử hành phụng vụ thành ra như một “chuyến bay” non-stop hay một “bản nhạc” không nốt lặng hoặc tệ hơn nữa như một “chương trình văn nghệ” với các tiết mục nối tiếp nhau không ngưng nghỉ. Trái lại, một trong những cách thức quan trọng nhất để có thể canh tân chính chúng ta khi tham dự phụng vụ là: trở nên quen thuộc và dễ dàng tập trung vào tâm hồn mình (cầm lòng cầm trí) cũng như suy niệm trong thinh lặng hầu có thể nhận rõ những thúc bách của Chúa Thánh Thần nơi đó vì giống như mọi cách thức cầu nguyện, cốt yếu của phụng vụ là người tham dự phải thinh lặng chăm chú hướng về Thiên Chúa để rồi Thiên Chúa chăm chú nhìn đến chúng ta.[2]
Những lời tung hô, câu đáp, cử chỉ, thánh ca, và tư thế được coi là những phương tiện qua đó chúng ta tham dự vào phụng vụ, nhưng chính sự thinh lặng cũng là phương thế giúp chúng ta tham dự vào cử hành phụng vụ như vậy vì có thể nói: thinh lặng là lời ca ngợi, là lời chúc tụng xinh đẹp nhất dâng lên Thiên Chúa. Thinh lặng là một thành phần không thể thiếu của cử hành phụng vụ nhưng không may lại là một trong những khía cạnh bị bỏ qua nhiều nhất vì chúng ta e sợ thinh lặng cũng như quên rằng nhịp sống đơn giản mà Thiên Chúa cấy trồng nơi tâm hồn mọi người lại chính là tiết nhịp thinh lặng được tìm thấy trong thiên nhiên. Mẹ Têrêsa Cancutta nói: “Hãy nhìn xem thiên nhiên thế nào – cây, cỏ, hoa – chúng lớn lên trong thinh lặng; hãy nhìn xem tinh tú, mặt trời và mặt trăng, chúng chuyển vận trong thinh lặng ra sao. Chúng ta cần thing lặng để có thể chạm đến các linh hồn.”[3]Tuy vậy, thinh lặng không phải là một thái độ thụ động, không phải chỉ là thời khắc không ngôn từ và không hành động nào diễn ra, trái lại, thinh lặng đúng nghĩa là vượt trên mọi lời để từ cảm nghiệm ý nghĩa (sense experience) cũng như cảm nghiệm chiều sâu (depth experience) chúng ta có cảm nghiệm tôn giáo (religious experience), nghĩa là có thể chạm đến mầu nhiệm cao cả mà lời không thể diễn tả được: đó là thực tại hiện diện của Thiên Chúa siêu việt và thánh thiện nhưng cũng thật gần gũi chúng ta. Thinh lặng là sự cởi mở trước hành động của Thiên Chúa trong chúng ta, gia tăng thái độ chiêm niệm trong phụng vụ và giúp chúng ta chuẩn bị nội tâm một cách sốt sắng hơn.[4]
Những khoảnh khắc thinh lặng trong phụng vụ hết sức quan trọng vì nhờ đó chúng ta mới có thể tìm được “cảm thức linh thánh” như lòng ước mong, tức là cảm nhận về sự hiện diện của Thiên Chúa. “Cảm thức linh thánh” phải là căn bản và bầu khí cho mọi nỗ lực của chúng ta đến độ tác giả Robert Hovda coi đây như là một điều kiện cần và đủ (sine qua non) của phụng vụ. Robert Hovda đặt ra vấn đề: nếu không đạt được “cảm thức linh thánh” thì thử hỏi chúng ta tìm kiếm gì trong phụng vụ, phải chăng là sự an ủi hay những thứ không liên quan gì đến đức tin hoặc có khi chẳng tìm thấy chi cả. Điều này liên quan đến vấn đề thinh lặng, vì nếu không đủ thinh lặng, cảm thức này có thể bị bóp méo hay giảm sút.[5]Còn nếu chăm chút và thực hành thinh lặng vào những thời điểm thích hợp trong phụng vụ chắc chắn chúng ta sẽ nhận được hệ quả tuyệt vời cho cảm thức tôn kính và cảm thức về siêu việt trong cử hành phụng vụ.[6] Có những nhà tu đức quả quyết: Thiên Chúa nói với chúng ta không những qua Kinh Thánh và lời kinh khẩu nguyện mà còn qua thing lặng; Thinh lặng là quê hương của Thượng Đế; Thiên Chúa là sự thinh lặng vĩnh cửu và cư ngụ nơi thinh lặng; Thiên Chúa là bạn hữu của thinh lặng (Mẹ Têrêsa Cancutta); Thinh lặng là ngôn ngữ đầu tiên của Thiên Chúa; Ngôn ngữ mà Thiên Chúa nghe rõ nhất là tình yêu thinh lặng (thánh Gioan Thánh giá); những ý tưởng này không khác gì với những lời của nhà thần bí Meister Eckart: tôi đã không nói Thiên Chúa yêu thích sự thinh lặng hay yêu thích những người phụng thờ thầm lặng, mà là Thiên Chúa giống như sự thinh lặng.[7] Bởi thế, nếu con người muốn tìm gặp và cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa thì điều kiện thiết yếu là thinh lặng. Phụng vụ là một trong những môi trường thuận tiện nhất cho việc tìm gặp và cảm nhận Thiên Chúa, do vậy, rất cần dành chỗ cho sự thinh lặng trong giờ cử hành phụng vụ.
Những khoảnh khắc thinh lặng trong phụng vụ đối với các tín hữu tham dự phụng vụ quan trọng như thế nào thì đối với các thừa tác viên cử hành phụng vụ cũng quan trọng không kém bởi vì chúng là thành phần không thể thiếu được của phụng vụ và của của nghệ thuật cử hành (ars celebrandi).
Vì vậy, đừng biến Thánh lễ hay Giờ kinh Phụng vụ thành một buổi cử hành ồn ào, vội vã[8] như một dịch vụ hay làm mất đi cảm thức linh thánh, ý nghĩa huyền nhiệm.[9] Thay vào đó, chúng ta nên tôn trọng những chỗ thinh lặng cần thiết và giữ sự thinh lặng linh thiêng đúng lúc[10] như đã được Giáo Hội hướng dẫn, chẳng hạn “trong nghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện, mỗi người hồi tâm lại; sau Bài đọc và bài diễn giảng, mỗi người suy gẫm vắn tắt về những gì đã nghe; còn sau khi hiệp lễ thì ca ngợi và cầu xin Chúa trong lòng.”[11] Ngoài ra, cũng nên thing lặng trước Thánh lễ để chuẩn bị tham dự Thánh lễ cho sốt sắng cũng như thing lặng sau Thánh lễ để cảm tạ Chúa.
Thinh lặng là một thái độ rất quan trọng và cần thiết phải giữ để tạo bầu khí phụng vụ: thinhlặng để lắng nghe và thinh lặng để suy niệm và cầu nguyện. Vì mùa Chay là mùa chúng ta gia tăng cầu nguyện và suy gẫm, cho nên đây là thời gian lý tưởng cho việc đổi mới sự thinh lặng trong phụng vụ. Nếu như thinh lặng cần thiết và thích đáng trong tất cả các nghi thức phụng vụ và trong tất cả các mùa phụng vụ, thì mùa Chay là một thời kỳ để chúng ta đi vào sự thinh lặng lâu dài hơn, và là thời gian để học biết nhiều hơn về mục đích cũng như ý nghĩa của sự thinh lặng trong phụng vụ.
I. CỘNG ĐOÀN THINH LẶNG
Khi cộng đoàn quy tụ, Kinh Thánh thường đề cập đến việc khẩu nguyện và ca hát chung, chẳng hạn thánh Phaolô khuyên các tín hữu: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5,19), nhưng cũng có nhiều chỗ khác, Kinh Thánh ám chỉ đến việc cầu nguyện với tấm lòng, cầu nguyện với trí khôn, tức là tâm nguyện hay cầu nguyện trong thinh lặng (Tv 4,5; Sm 1,13; 1Cr 14,15).
Phụng vụ có bản chất là một nghi lễ thuộc cộng đoàn, là hành vi hiệp thông và là hành động của toàn thể Thân mình Chúa Kitô gồm Đầu và các chi thể.[12] Sự thinh lặng nằm trong cử hành phụng vụ là hành động mang tính cộng đoàn. Hơn nữa, thinh lặng chính là một phần trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và cộng đoàn đức tin. Do đó, khi cầu nguyện chung với nhau, mọi thành viên của cộng đồng đều cần có những giây phút thinh lặng đồng loạt, cả các thừa tác viên cũng như toàn thể cộng đoàn phụng vụ, nhằm tạo ra một bầu khí thinh lặng chung giúp mỗi người có thể nghe được lời thì thầm của Thiên Chúa vang lên trong tâm hồn mình giữa muôn vàn thanh âm khác nhau của một thế giới đã quá quen thuộc và thậm chí nghiện ngập sự ồn ào náo nhiệt, nhưng cũng là một thế giới đang đói khát sự thinh lặng.[13] Bởi vậy, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khuyên nhủ phải nỗ lực chăm chút nuôi dưỡng trong cộng đoàn cảm nghiệm về sự thinh lặng và không thể lơ là bỏ qua sự thinh lặng trong phụng vụ.[14]
Khác với nghi thức Thánh lễ Trento trong đó dân chúng cảm thấy có những điều nhiệm mầu và thiêng thánh đang diễn ra nhưng dường như Thánh lễ là “tuồng kịch siêu tự nhiên” chẳng mảy may liên hệ đến cá nhân họ, cho nên họ đọc kinh của họ còn tư tế thi hành chức vụ của tư tế. Ngày nay, sự thinh lặng phụng vụ có tác động lôi kéo cộng đoàn xích lại gần nhau hơn và giúp họ cùng nhau tập trung tâm trí của mình lắng nghe lời cũng như tham dự tích cực vào các mầu nhiệm. Theo thánh Ignatio thành Antiokia (viết cho người Ephêsô), nếu không hiểu được sự thinh lặng của Chúa Kitô thì không thể hiểu được Lời của Người mà nhờ đó họ được trở nên toàn thiện. Nhưng chúng ta chỉ có thể hiểu được sự thinh lặng của Chúa Kitô khi cùng nhau thinh lặng. Như vậy, chúng ta có thể kết luận: mầu nhiệm thinh lặng là một trong những yếu tố góp phần xây dựng cộng đoàn. Sự thinh lặng trong phụng vụ nói chung và trong Thánh lễ nói riêng phải xuất phát từ kinh nghiệm về chiều sâu thần bí mà trải nghiệm ấy được khám phá bởi toàn thể cộng đoàn. Tuy nhiên, sự thinh lặng này cần được hướng dẫn bởi vị chủ sự trong tư cách là người lãnh đạo của cộng đoàn phụng vụ.[15]
II. THỜI ĐIỂM THINH LẶNG ĐẶC BIỆT
Trong Thánh lễ và trong Giờ kinh Phụng vụ, có những thời điểm mọi người cần giữ thinh lặng một cách nghiêm túc và đặc biệt, chúng là:
1. THINH LẶNG TRONG NGHI THỨC THỐNG HỐI
Quy chế Sách lễ Roma hướng dẫn rằng: “Tiếp theo, vị tư tế mời mọi người sám hối. Sau một chút thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc công thức thú tội chung và vị tư tế đọc lời xá giải để kết thúc. Lời xá giải này không có hiệu quả của Bí tích Thống hối.”[16]
Thinh lặng trong nghi thức này không những để hồi tâm suy niệm về thân phận bất toàn và tội lụy của chúng ta, mà nhất là để hướng đến tình thương của Chúa, ngợi khen lòng từ bi lân tuất của Người hầu có thể chuẩn bị tâm hồn mình cử hành sự tha thứ và cảm nhận ơn tha thứ của Chúa qua Bí tích Thánh Thể.[17]
2. THINH LẶNG SAU KHI NGHE CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Trong Cựu Ước, sách các Vua quyển thứ I (19, 9…) viết về cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và tiên tri Elia trên núi Hôrep khi vị ngôn sứ này đang tìm cách trốn tránh sự truy sát của Vua Acáp và hoàng hậu Giêrraben. Thiên Chúa mặc khải cho tiên tri Elia hiểu rằng: gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão, Ngài cũng không ở trong trận động đất, không ở trong lửa nhưng ở trong trong tiếng thì thào êm nhẹ của ngọn gió hiu hiu, tức là Lời Chúa được tiếp nhận một cách thanh thản trong thinh lặng.
Bước sang Tân Ước, câu chuyện của thánh Gioan Baotixita làm chứng rằng “Lời Chúa được vang lên giữa chốn sa mạc” (Lc 3,2). Còn Chúa Giêsu lên tiếng dạy “khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo (Mt 6,6). Trong cuộc gặp gỡ với chị em nhà Bêtania, Ngài nói với Macta: “Con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Mt 12, 26). Không những dạy bằng lời, Ngài còn làm gương bằng cách thường xuyên cầu nguyện nơi hoang vắng và trong thinh lặng lúc sáng sớm, lúc trời còn tối mịt…” (Mc 1,35). Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu dặn dò các ông “đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10,4): nghĩa là phải tránh mọi thứ xáo trộn và rờm rà phụ thuộc bên ngoài làm phân tán sự bình lặng bên trong, làm cho việc rao giảng Lời Chúa trở nên bất lợi, mất đi tính cách hữu hiệu của công cuộc loan báo Tin Mừng.
Như vậy, phải cử hành Phụng vụ Lời Chúa thế nào để tạo thuận lợi cho việc suy gẫm, vì thế, nên tuyệt đối tránh mọi hình thức vội vã, ngăn trở việc hồi tâm. Chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa trong bầu khí thinh lặng. Chính trong sự thinh lặng của nội tâm mình và nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần mà chúng ta ý thức được sự cao cả của Lời Chúa, khám phá ra ý nghĩa cùng sức mạnh của Lời Chúa, làm cho Lời Chúa thành của mình, để Lời Chúa và lời diễn giảng được tiếp nhận và đọng lại trong lòng chúng ta cũng như lời đáp trả qua kinh nguyện được chuẩn bị.[18] Điều này cũng giống như muốn thưởng thức toàn bộ bản nhạc đến từng chi tiết thì những nốt lặng hay những khoảng lặng trong bản nhạc không thể không có. Chúng ta áp dụng việc giữ thing lặng vào trong cử hành Phụng vụ như sau:
1) Thông thường, cả cộng đoàn cùng nhau thinh lặng lắng nghe Lời Chúa và tiếp tục thinh lặng thêm một chút sau Bài đọc I và Bài đọc II của Thánh lễ và sau bài giảng.[19] Trong Phụng vụ Giờ kinh, chúng ta cũng giữ thinh lặng sau khi nghe đọc đoạn Sách Thánh hay bài kinh Sách. Sự thinh lặng như vậy cho phép chúng ta được nhận chìm vào trong Lời Chúa, suy đi nghĩ lại Lời Chúa vừa được công bố và giải thích, chúng ta có thể suy gẫm từ những lời được trích đọc trong Sách Thánh, cảm nhận được những “lời” yêu thương của Thiên Chúa đang nói với tâm hồn mình, những lời mời gọi và lôi kéo chúng ta đến gần bên Ngài hơn nữa. Sách Dẫn nhập Bài Đọc cho Thánh lễ (= BĐ) năm 1981 quy định:
Cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Người diễn ra nhờ Chúa Thánh Thần đòi hỏi khoảng thời gian ngắn thinh lặng, phù hợp với cộng đoàn Phụng vụ, như một cơ hội để đưa Lời Chúa vào trong trái tim và chuẩn bị để đáp lại lời ấy trong cầu nguyện. Những lần thích hợp cho sự thinh lặng trong Phụng vụ Lời Chúa là, chẳng hạn, trước khi Phụng vụ bắt đầu, sau Bài đọc thứ I và thứ II, sau bài giảng.[20]
2) Thật ra, nên thinh lặng ngay cả trước khi nghe công bố Lời Chúa mặc dầu không được quy định trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma. Sự thinh lặng lúc này không phải vì tỏ bày lịch sự với độc viên, thầy phó tế hay linh mục sẽ công bố Sách Thánh, nhưng để giúp chính bản thân mỗi người dễ dàng lắng nghe và tiếp nhận Lời Chúa hơn.
3) Quy chế Tổng quát Phụng vụ các Giờ kinh (= QCGK) đề nghị một thời gian thinh lặng sau mỗi Thánh vịnh của Giờ kinh “để cho tiếng của Chúa Thánh Thần vang dội mãnh liệt hơn trong tâm hồn và để lời cầu nguyện riêng của mỗi người được kết hợp chặt chẽ hơn với Lời Chúa và lời cầu nguyện chính thức của Giáo Hội.”[21]
III. THINH LẶNG SAU HIỆP LỄ
Một loại thinh lặng khác được áp dụng là sau khi rước lễ. Quy chế Tổng Quát Sách lễ Roma đề cập đến việc phải tuân giữ “sự thinh lặng thánh” sau khi mọi người đã hiệp lễ xong: lúc này, vị tư tế và giáo dân tùy nghi cầu nguyện trong lòng một khoảng thời gian.[22] Lúc này, Chúa Thánh Thần cư ngụ trong hồn chúng ta và nói với tâm trí chúng ta trong thinh lặng. Lúc này, thinh lặng là một cách thế và cơ hội giúp chúng ta suy gẫm trong tâm tình biết ơn về món quà sự sống tuyệt vời Thiên Chúa trao ban cho chúng ta phát xuất từ tình yêu vô biên của Ngài. Nhờ tạo ra khoảng không gian cho mầu nhiệm của bản thân và của tha nhân (xét như là những hữu thể thiêng liêng) cũng như khoảng không gian cho mầu nhiệm của Thiên Chúa được diễn ra trong thinh lặng, chúng ta mới có thể cảm nghiệm được tình yêu gặp gỡ và thông hiệp với Chúa Kitô. Chỉ trong sự thinh lặng như thế, chúng ta mới nếm cảm được trọn vẹn hương vị của tình yêu nồng thắm lan tỏa từ chính Chúa Kitô, từ đó, mới có thể ngụp lặn trong mối tình nồng ấm và thẳm sâu của Thiên Chúa.[23] Thánh Gioan Thánh giá khuyên rằng: “Trong thinh lặng và cô tịch, chúng ta hãy khám phá tình yêu vô biên của Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Kitô.”
Mặc dù sau khi rước lễ, thay vì thinh lặng, riêng ca đoàn hoặc toàn thể cộng đoàn cũng có thể hát một Thánh thi, một Thánh vịnh hay một bài Thánh ca ngợi khen nào khác,[24] nhưng chọn lựa thinh lặng sau khi mọi người rước lễ hay dành một khoảnh khắc thinh lặng ngắn rồi mới hát một Thánh vịnh hoặc một bài Thánh ca cảm tạ nhằm kết thúc thời gian thinh lặng, được coi là có hiệu ứng tốt hơn đối với những người tham dự.
Giây phút thinh lặng sau hiệp lễ hết sức linh thiêng và quan trọng nhưng lại thường hay bị lạm dụng ở nhiều nơi để thông báo hoặc dành cho những hoạt động khác, vì thế chúng ta nên tuyệt đối tránh thực hành không thích hợp này. Những thông báo ngắn gọn mang tính mục vụ có thể thực hiện sau Lời nguyện Hiệp lễ và trước khi ban phép lành cuối lễ. Còn nếu muốn thông báo dài hơn hay có những hoạt động khác như chúc mừng, cảm ơn, tặng quà, tặng hoa… như vẫn diễn ra tại các buổi lễ long trọng, thì nên để sau khi đã ban phép lành cuối lễ và sau câu giải tán (“Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an”).
1. THINH LẶNG SAU MỖI LỜI MỜI CẦU NGUYỆN
1) Sau mỗi lời mời dâng lời cầu nguyện. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma chỉ thị rằng mọi người phải giữ thinh lặng giây lát sau khi linh mục nói “Chúng ta hãy cầu nguyện”.[25] Đây không phải là thời khắc: 1] Cho vị chủ tế có cơ hội mở trang Sách lễ cho đúng; 2] Cho các người giúp lễ trở về vị trí của họ; 3] Cho các độc viên Sách Thánh tiến đến giảng đài; 4] Cho những người đi trễ tìm kiếm chỗ ngồi của mình. Đây cũng không phải là thời khắc hay loại thinh lặng để làm rỗng đầu óc mình, xua tan sự chia trí. Thực ra, đây là thời khắc ý nghĩa nhất giúp cộng đoàn tham dự một cách ý thức, tích cực và trọn vẹn vào phụng vụ để “ý thức mình đang ở trước thánh nhan Chúa và có thể gợi lên trong tâm hồn các ước nguyện của mình.”[26] và hợp nhất chúng với lời nguyện của cộng đoàn.
2) Sau mỗi lần nêu ý nguyện trong phần Lời nguyện Tín hữu. Quy chế Tổng Quát Sách lễ Roma nói rằng: “Thầy phó tế, hoặc một ca viên, hay độc viên hay một giáo dân khác xướng các ý nguyện từ giảng đài hay một nơi nào khác xứng hợp. Còn toàn thể cộng đoàn đứng biểu lộ lời nguyện của mình, hoặc bằng những lời kêu cầu chung sau mỗi ý nguyện được xướng lên, hoặc bằng cách cầu nguyện trong thinh lặng.”[27] Chúng ta thấy phần chọn lựa thinh lặng sau mỗi ý nguyện được áp dụng đặc biệt tại nhiều cộng đoàn trong buổi cử hành thứ Sáu Tuần Thánh.
3) Sau khi đã xướng các ý nguyện trong phần Lời nguyện Tín hữu hoặc sau khi đã xướng đọc các lời nguyện trong phần Lời cầu của kinh Thần vụ, vị chủ sự có thể mời gọi cộng đoàn thinh lặng cầu nguyện trong giây lát để mỗi người tiếp tục dâng lên Chúa những ý nguyện thầm kín của mình.
2. NHỮNG KHOẢNH KHẮC THINH LẶNG KHÁC
Ngoài những phần cộng đoàn nên cố gắng tuân giữ thinh lặng như vừa nêu trên, còn nhiều thời khắc thinh lặng khác nữa khi cử hành Thánh lễ (bao gồm cả những phần cá nhân thinh lặng) như sau:
- Khoảnh khắc thinh lặng cho tác viên đọc Tin Mừng cầu nguyện trước khi công bố Phúc Âm. Lúc này, tác viên nên hồi tâm và bày tỏ tôn kính thực sự đối với Lời Chúa, ý thức nhiệm vụ của mình để công bố Lời Chúa cách chính xác, cũng như ý thức nhu cầu phải thanh luyện tâm hồn và môi miệng mình;[28]
- Khoảnh khắc thinh lặng khi chuẩn bị lễ vật như một sự chuẩn bị sẵn sàng để cho Thiên Chúa biến đổi;[29]
- Khoảnh khắc thinh lặng thánh thiêng lúc truyền phép khi vị tư tế nâng cao bánh và rượu đã được thánh hiến nhằm giúp mọi người hướng về Đức Kitô với lòng biết ơn, tôn thờ và cầu xin cho sự biến đổi chính mình: lúc này, người tham dự không thể làm gì khác hơn là lặng lẽ quỳ xuống và chào kính Người;[30]
- Thinh lặng khi dân chúng lắng nghe lời nguyện của linh mục trong Kinh nguyện Thánh Thể để mỗi cá nhân trong tâm tình cầu nguyện thinh lặng của mình có thể nhận lấy âm điệu và đem lời nguyện cá nhân vào lời nguyện cộng đoàn và ngược lại.[31] Muốn được như vậy, vị tư tế không nên đọc một mạch liên tục, không ngắt quãng trong phần này;[32]
- Khoảnh khắc thinh lặng khi vị tư tế chuẩn bị mình bằng việc đọc thầm lời nguyện xin cho rước Mình và Máu Thánh có hiệu quả, còn giáo dân thinh lặng cầu nguyện để chuẩn bị;[33] cũng như khoảnh khắc thinh lặng sau khi chủ tế đọc lời “Đây Chiên Thiên Chúa” để đôi mắt tâm hồn của mọi người hướng về Con Chiên, khoảnh khắc bấy giờ sẽ trở thành thời gian thinh lặng hồng phúc;[34]
- Thinh lặng trước và sau Thánh lễ. Việc chào đón và nói chuyện trước hoặc sau Thánh lễ là cần thiết, nhất là với những khách lạ mới lần đầu đến tham dự Thánh lễ trong cộng đoàn của mình. Tuy nhiên, nên đối thoại với họ và với nhau bên ngoài hơn là ở trong thánh đường, vì ngay cả nhà thờ không đặt nhà tạm bên trong thì vẫn là không gian thánh đòi hỏi chúng ta tôn trọng đặc tính này. Tác viên đọc Sách Thánh nên nhớ rằng, nguyên việc công bố Lời Chúa trên giảng đài mà thôi không đủ mà còn đòi hỏi phải được sửa soạn bằng suy niệm trong thinh lặng để Lời Chúa được thấm nhiễm vào tâm lòng của người tham dự.[35] Tư tế, phó tế cùng với những giúp lễ cũng nên có thời gian thinh lặng chuẩn bị trước Thánh lễ bên trong phòng thánh (phòng áo) trước khi di chuyển ra cuối nhà thờ hay ra cung thánh.[36] Mặc dù Thánh lễ là kinh nguyện hoàn hảo nhất nhưng chúng ta sẽ chẳng bao giờ cảm nghiệm được như vậy trong chính bản thân nếu không chuẩn bị cử hành Thánh lễ trong nguyện cầu thinh lặng vì một lẽ rất giản đơn: sự hiệp thông yêu thương với Chúa trong phụng vụ cần đến sự hiệp thông với Người bên ngoài Phụng vụ.[37] Có thể hát một bài ca kết lễ rồi cộng đoàn thinh lặng ra về hay ở lại tiếp tục cầu nguyện trong thinh lặng, nhưng trong mùa Chay, tốt nhất là không hát bài kết lễ, mọi người có thể ra về trong thinh lặng như diễn ra trong nghi thức thứ Sáu Tuần Thánh.[38]
Khi cử hành các Bí tích, có những nguyên tắc rất đơn giản là:
- Thứ nhất, tuân theo những quy định và hướng dẫn cử hành trong nghi thức bao gồm cả những phần yêu cầu cộng đoàn thinh lặng;
- Thứ hai, trân trọng các biểu tượng trong phụng vụ (cả lời và hành động);
- Thứ ba, tác động vào giác quan người tham dự để họ có thể tham dự “một cách ý thức, tích cực và trọn vẹn vào cử hành phụng vụ”.
Một trong số những mục đích của những nguyên tắc trên đây là nhằm tránh tình trạng: những lúc cần thinh lặng để mọi người tham dự và nhất là để chính thụ nhân có thể dễ dàng chiêm ngắm, lắng nghe và suy niệm lời đọc đầy ý nghĩa từ vị chủ sự cũng như các hành động biểu tượng đang diễn ra, chúng ta lại hay phạm phải sai lầm là ca hát hoặc dẫn ý bằng quá nhiều lời, có lẽ vì muốn lấp vào chỗ trống hay e sợ để xảy ra “thời gian chết”. Nói cách khác, khi vị chủ sự đọc lớn tiếng lời nguyện hay những công thức trong sách nghi thức thì cộng đoàn phải thinh lặng để lắng nghe hoặc hiệp thông với những lời ấy. Không sử dụng quá nhiều lời giải thích hay ca hát không đúng thời điểm khiến chúng phủ lấp hay hủy hoại các hành động biểu tượng cũng như người tham dự không lãnh hội được những lời trong phụng vụ.[39] Hậu nhiên là đừng bao giờ để xảy ra tình trạng “đấu khẩu” xảy ra giữa một bên là vị chủ sự cố gắng cho ứng viên và cộng đoàn nghe được lời đọc của mình đang khi bên kia là ca đoàn (cộng đoàn) lại ca hát sôi nổi lấn át toàn bộ tiếng nói của vị chủ sự.
Có thể nêu ra ở đây một số trường hợp cần thinh lặng nhưng ít nơi chịu tuân thủ: 1] Khi các linh mục đồng tế đặt tay trên đầu các ứng viên linh mục sau khi họ đã được Đức Giám mục đặt tay phong chức; 2] Khi Đức Giám mục trao đĩa thánh với bánh và trao chén với rượu đã pha nước trong chén cho các tân linh mục, ngài nói với từng người: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm Thánh giá Chúa”;3] Khi phong chức phó tế, Đức Giám mục trao sách Tin Mừng cho ứng viên và nói: “Con hãy nhận lấy Tin Mừng của Đức Kitô mà con đã trở thành người rao gỉảng, và con nên biết là phải tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy.”Thói quen thực hành tại Việt Nam là: cộng đoàn thinh lặng trong khi vị chủ sự cử hành nghi thức (với lời đọc và hành động) đối với chỉ một hai ứng viên đầu tiên, sau đó, ca đoàn hay toàn thể cộng đoàn sẽ ca hát. Từ lúc đó, chẳng còn ai, có khi ngay cả ứng viên, có thể nghe thấy những lời đọc của vị chủ sự nữa.
THINH LẶNG MỘT CÁCH UYỂN CHUYỂN
Thinh lặng trong phụng vụ được hiểu là một món quà. Các thừa tác viên mục vụ cần phải cho thấy sự nhạy bén của mình khi họ đào tạo và hướng dẫn dân chúng thực hành thinh lặng phụng vụ. Như Quy chế Tổng quát Phụng vụ các Giờ kinh khuyên nhủ: “Phải coi chừng kẻo vì thinh lặng như thế mà làm lệch lạc cơ cấu kinh Nhật tụng khiến người tham dự lấy làm nặng nề ngao ngán.”[40]
Do vậy, thiết nghĩ rằng, liên quan đến những khoảnh khắc thinh lặng trong Phụng vụ, chúng ta không nên áp dụng cách thái quá hay bất cập. Tức là, một mặt, không nên để những khoảnh khắc thinh lặng quá lâu đến mức trở thành một sự ngắt quãng y như chuyện nghỉ xả hơi, trong khi phụng vụ là “sống, động” (Cv 17, 28), liên tục, ngay cả khi trưng dụng những khoảng lặng thì những khoảng lặng ấy cũng chứa đựng một nội dung “chuyển động nội tại” chứ không phải là chuyện nghỉ mệt. Mặt khác, những khoảnh khắc thinh lặng nên được xem như là những khoảng “mềm” nối kết các tiến trình mạc khải của Thiên Chúa. Các mầu nhiệm này phải được nối kết với nhau bằng một “khoảng mềm” trong lòng người tham dự như dấu lặng trong âm nhạc, cho dù im lặng nhưng người ta vẫn phải gõ nhịp…. Có như vậy “tiếng nói” trong phụng vụ mới thực sự tác động mang lại ơn cứu độ cho con người.[41] Cũng nên tránh thay đổi thói quen thực hành cách đột ngột hay áp dụng một thực hành mới mẻ cách thái quá. Tốt nhất là nên dần dần điều chỉnh bằng cách trước đó bằng việc thông tin, giải thích cho mọi người cũng như sẵn sàng cởi mở để đón nhận phản hồi của những người tham dự.
LINH ĐẠO THINH LẶNG
Chúng ta đã thấy linh đạo của sự thinh lặng thể hiện trong các văn bản Phụng vụ được trích dẫn ở trên. Thinh lặng mang tính cộng đồng, nhờ đó, chúng ta được lôi kéo vào trong cử hành Phụng vụ. Thinh lặng mang tính đối thoại, liên quan đến thông tin liên lạc giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Thinh lặng là một lời đáp chúng ta thực hiện để trả lời tiếng gọi của Thiên Chúa. Thinh lặng mang tính tiếp nhận: chúng ta được kêu gọi để cởi mở hơn trước Thiên Chúa đang nói với chúng ta.[42] Thinh lặng không chỉ chung quang chúng ta nhưng trong chính nội tâm chúng ta.Thinh lặng là ở trong Chúa Thánh Thần vì tiếng nói của Ngài chỉ có thể được lắng nghe trong thinh lặng. Thinh lặng là thánh thiêng, đặt chúng ta trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Thinh lặng phụng vụ nên được vận dụng với mức độ vừa phải và uyển chuyển. Một trong những món quà của cuộc cải cách phụng vụ từ Công đồng Vatican II là tái khám phá các truyền thống cổ xưa về sự thinh lặng phụng vụ. Trong số những cách thức mà cộng đoàn Phụng vụ trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội thực hành là giữ thinh lặng sau lời mời gọi cầu nguyện, sau khi nghe đọc Sách Thánh, hoặc sau một bài Thánh vịnh trong Phụng vụ các Giờ kinh.
Với nhịp điệu của lời cầu nguyện, các bài đọc, bài hát, và sự thinh lặng, phụng vụ là một “trường học cầu nguyện,” dạy các tín hữu lắng nghe tiếng của Thiên Chúa đang nói với chúng ta qua ngôn từ, qua bài hát, và qua tĩnh lặng.[43] Việc thực hành thinh lặng Phụng vụ đã được gieo trồng và phát triển đặc biệt trong các đan viện. Vào thế kỷ thứ VI, chương XX trong Luật của thánh Biển Đức khẳng định rằng lời cầu nguyện cộng đồng thì ngắn gọn. Nhưng cũng trong Luật dành cho các đan viện, ngài lại đưa ra một chế độ sinh hoạt đòi hỏi đan sĩ cầu nguyện đến tám giờ kinh mỗi ngày và đan sĩ phải hát toàn bộ sách Thánh vịnh trong vòng một tuần, khiến người ta tự hỏi “ngắn gọn” đối với ngài có nghĩa gì! Thực ra, thánh Biển Đức đang đề cập đến khoảnh khắc thinh lặng “ngắn gọn” trong Phụng vụ. Ngài muốn nói rằng thời gian cầu nguyện trong thinh lặng của cộng đoàn sau mỗi Thánh vịnh hay Bài đọc phải được tuân giữ nhưng không kéo dài quá lâu. Những thế hệ các đan sĩ sau đó đã không giữ lời khuyên của thánh nhân, suốt thời Trung cổ, họ đánh mất thực hành giữ thinh lặng Phụng vụ trong cộng đoàn. May mắn thay, Công đồng Vatican II đã hồi sinh thực hành này và bây giờ được áp dụng cho toàn thể Giáo Hội.
Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss
Nguồn: dongthanhthe.net