Đây là một câu chuyện có thật kể về một linh mục trẻ mới được truyền chức và được bổ nhiệm làm cha phó tại một giáo xứ. Ngài nổi tiếng là một người giảng thuyết giỏi, giọng nói rõ ràng, lưu loát và bài giảng luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng. Vào Chúa Nhật đầu tiên tại giáo xứ, ngài đã giảng một bài giảng mà ngài cho là rất hay. Sau thánh lễ, cha xứ đợi ngài trong buồng áo và hỏi: “Bài giảng của cha hôm nay thế nào?” Ngài trả lời “Không tệ lắm, nhưng con cảm thấy mình vẫn còn thiếu sự liên kết gần gũi với cộng đoàn.” Tuần sau, ngài dành nhiều thời gian và công sức hơn cho bài giảng Chúa Nhật của mình. Một lần nữa, sau thánh lễ cha xứ đợi ngài và hỏi: “Tuần này cha có thấy khá hơn chưa?” “Thưa cha, không. Thậm chí còn tệ hơn. Con cảm thấy không tương tác được với họ ngay giữa chừng.” Vào Chúa Nhật tiếp theo, ngài chuẩn bị bài giảng kỹ càng hơn bao giờ hết. Nội dung bài giảng xu ất sắc, cách trình bày rất trau chuốt và việc chuẩn bị cho bài giảng cũng rất chu đáo. Sau thánh lễ cha xứ lại hỏi: “Vậy tuần này thế nào?” Cha phó trẻ trả lời: “Thưa cha, tệ quá. Con thấy những người giáo dân ở đây sao ấy! Con không thể tương tác với họ được.” Cha xứ khôn ngoan bèn hỏi một câu hỏi khác: “Cha nói cho con nghe xem cha có thực sự yêu thương những người mà cha vừa cử hành thánh lễ cùng với họ không? Cha không thể giảng dạy, giáo huấn, hay truyền bá Tin Mừng cho người khác nếu trước tiên cha không yêu thương họ.” Vào Chúa Nhật tiếp theo, cha phó trẻ tuổi áp dụng lời khuyên khôn ngoan này. Khi chuẩn bị bài giảng, ngài đã đọc lời Chúa trong tâm tình cầu nguyện và trong giây phút cầu nguyện ấy ngài cũng nhớ tới những người mà ngài sẽ chia sẻ Lời Chúa trong ngày Chúa Nhật sắp tới. Ngài đã cầu nguyện cho những người mà ngài sẽ giảng Lời Chúa cho họ và xin Chúa Kitô ban cho ngài được ơn biết yêu thương họ như Chúa Kitô đã yêu thương họ. Và từ tấm lòng yêu thương đó đã tạo ra một bài giảng tuyệt vời, một bài giảng kết nối, có tương tác, truyền cảm hứng và làm ấm lòng tất cả những ai nghe ngài giảng Chúa Nhật hôm đó và những Chúa Nhật tiếp theo.

Qua câu chuyện này cho thấy chỉ khi chúng ta thực sự yêu thương những người mà chúng ta tìm cách tiếp cận với họ, thì những nỗ lực của chúng ta để truyền giáo và giảng dạy mới mang lại hoa trái tốt đẹp. Câu chuyện cũng nhắc nhở chúng ta rằng điều quan trọng không chỉ là những gì chúng ta nói hay giảng dạy, mà còn là tình yêu thương và cách thức chúng ta giảng dạy và chia sẻ về đức tin.

Việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô không nhắm tới việc chiến thắng nơi các cuộc tranh luận, nhưng là để chinh phục tâm hồn con người và hướng tâm hồn họ về với Chúa Kitô.

Điểm xuất phát của việc rao giảng luôn luôn là chính Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô đã trung thành giảng dạy và truyền giảng chân lý của Tin Mừng bằng lời nói và hành động, và với cả uy quyền nữa (Mc 1, 27). Lời nói của Chúa đã đi vào trái tim của mọi người và đã đụng chạm tới những khát vọng sâu thẳm nhất trong lòng họ đến nỗi họ đã phải thốt lên: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” (Ga 7, 46). Việc công bố Tin Mừng của Chúa không bao giờ nhằm chiến thắng trong các cuộc tranh luận, nhưng là để chinh phục người ta và dẫn dắt tâm hồn họ tin vào Chúa. Những lời chân lý của Chúa không bao giờ thiếu vắng tình yêu thương, ngay cả khi những lời ấy bao hàm cả sự thách thức và chỉ trích mạnh mẽ. Khi Chúa khiển trách những người Pharisiêu, động lục của việc khiển trách ấy xuất phát từ tình yêu thương mà Ngài dành cho họ và mong muốn họ được hoán cải. Qua Chúa Kitô, tình yêu của Thiên Chúa được trao ban cho nhân loại không phải như một thứ lý thuyết hay một ý tưởng. Trái lại, tình yêu Thiên Chúa đến với chúng ta qua trái tim của một Con Người bừng cháy lửa yêu mến, tình yêu ấy tuôn đổ trên chúng ta như nguồn ân sủng nhờ vết thương mà Ngài đã chịu trong cuộc thương khó. Sau khi phục sinh, Ngài đã gặp các môn đệ trên đường Emmaus và giải thích Kinh Thánh cho họ, và điều đó đã khiến tâm hồn họ bừng cháy lên ngọn lửa mới của niềm hy vọng, đức tin và niềm vui.

Ngay cả với thánh Augustinô, yếu tố cảm xúc trong việc giáo huấn Kitô giáo cũng không hề bị bỏ qua. Trong tác phẩm Về Giáo Lý Kitô giáo, theo thánh nhân điều quan trọng không chỉ là nội dung của giáo lý mà còn là niềm đam mê và tình yêu được thể hiện trong việc giảng dạy nữa. Theo thánh nhân, tình yêu của Chúa Kitô không chỉ đơn giản như là một ý tưởng, nhưng thánh nhân sánh ví nó như là ánh sáng của ngọn lửa bừng cháy trong tâm hồn của người truyền giảng.

Mượn lời của triết gia Aristotle, thánh Augustinô cho rằng để việc giảng thuyết được hiệu quả thì phải phụ thuộc vào ethos (nhân cách của người nói), logos (nội dung của bài giảng) và pathos (cảm xúc được khơi dậy nơi người nghe). Trích dẫn lời của Cicero, thánh Augustinô cho rằng “một nhà hùng biện vĩ đại đã từng nói rằng ‘một người có tài hùng biện phải nói sao để có thể vừa giảng dạy được, vừa làm cho người nghe vui, lại vừa thuyết phục được họ... Giảng dạy là điều cần thiết, làm cho người nghe cảm thấy vui là vẻ đẹp, và thuyết phục được họ là chiến thắng.’” Thánh nhân sử dụng phép ẩn dụ về gia vị tạo hương vị cho món ăn để mô tả việc người có tài rao giảng và giảng thuyết đó là “không phải bảo người ta làm những gì họ phải làm, mà là khuyến khích họ làm những gì họ đã biết là nên làm.”

Ở đây, thánh Augustinô đã thêm vào một yếu tố rất quan trọng trong việc truyền giảng và giáo huấn đó là tấm lòng yêu thương và tinh thần vui vẻ. Đánh động tâm hồn người khác không phải là mục đích tự thân, nhưng nó phục vụ cho mục đích cuối cùng đó là làm cho người ta nhận biết Chúa Kitô và dẫn người ta đến với đức tin vào Chúa. Hơn nữa, điều quan trọng là nói sự thật chứ không chỉ làm cho người ta cảm thấy vui vẻ dễ chịu: “Hãy nói một cách khôn ngoan những điều mà bạn không nói một cách hùng biện, thay vì nói một cách hùng biện những điều bạn nói một cách thiếu khôn ngoan.” Điều này dẫn chúng ta quay trở lại mục tiêu của việc truyền giáo, truyền giáo không phải là để tạo ra cảm xúc nhưng là để thay đổi cuộc sống.

Tuy nhiên, yếu tố cảm xúc trong việc truyền giáo đã được một số vị thánh vĩ đại trong truyền thống của Giáo Hội duy trì một cách rất sống động. Khi suy niệm về Mầu Nhiệm Hiển Linh của Chúa, thánh Bernardô Clairvaux đã viết: “Ngài càng khiêm nhường vì tôi, thì Ngài càng khiến cho tôi yêu mến Ngài mãnh liệt hơn.” Trong tông huấn gần đây về Thánh Tâm Chúa, Dilexit Nos, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhớ lại việc thánh Bonaventura khuyên nhủ các Kitô hữu không cầu xin ánh sáng, nhưng cầu xin “ngọn lửa dữ dội.” Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng cho thấy nền tảng thần học trong Phương Pháp Linh Thao của thánh Ignatiô Loyola cũng dựa trên “tình cảm” (affectus). Sau hết, đối với thánh Gioan Thánh Giá, Thiên Chúa gắn kết với chúng ta qua tình cảm thiêng liêng. Qua tình cảm thiêng liêng, Thiên Chúa “làm cho linh hồn chúng ta nên tươi mới và tràn ngập niềm hân hoan vui mừng.”

Để tiếp nối truyền thống giảng thuyết đầy cảm xúc này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về nhiệm vụ của Giáo Hội là “sưởi ấm các tâm hồn.” Trong một cuộc phỏng vấn ngay sau khi Ngài được bầu làm Giáo hoàng, Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta phải “có khả năng sưởi ấm tâm hồn người khác, đồng hành với họ trong đêm tối, trò chuyện với họ và thậm chí bước vào màn đêm và bóng tối của họ, mà không đánh mất con đường của chúng ta.” Trong tông huấn Niềm Vui Của Tin Mừng, Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha đã khuyên nhủ các linh mục giảng dạy phải gần gũi thân thiết với giáo dân như một cuộc “giao tiếp từ trái tim đến trái tim” cùng với “một cung giọng ấm áp.” Tương tự như lời khuyên của cha xứ trên đây dành cho cha phó trẻ tuổi của mình về việc yêu thương cộng đoàn, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Để chuẩn bị cho việc giảng thuyết cần phải có tình yêu thương. Chúng ta chỉ dành những khoảng thời gian yên tĩnh cho những thứ hoặc những người mà chúng ta yêu thương; và ở đây chúng ta đang nói về Thiên Chúa, Đấng chúng ta yêu mến, một Thiên Chúa muốn nói với chúng ta.” Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, việc truyền giáo nảy sinh từ tình yêu thương đối với người khác sẽ tạo ra “một loại âm nhạc giúp khơi dậy sự khích lệ, sức mạnh và lòng nhiệt huyết.”

Chúng ta không thể truyền giáo cho người khác nếu chúng ta không yêu thương họ trước. Đối với tất cả chúng ta trong Giáo Hội, những người có ảnh hưởng đến người khác như cha mẹ, ông bà, linh mục, giáo lý viên, giáo viên, nhà văn và những người hướng dẫn: Chúng ta phải nhớ rằng điều quan trọng không chỉ là những gì chúng ta truyền đạt, nhưng còn là tình cảm, sự ấm áp và tình yêu thương đối với những người mà chúng ta muốn truyền đạt cho nữa. Mong rằng lời nói và chứng tá của chúng ta sẽ sưởi ấm trái tim, đốt cháy sự thờ ơ lạnh lẽo, tác động đến tâm hồn của những người mà chúng ta tìm cách truyền giáo và thúc đẩy họ đến sự hiệp nhất với Chúa Kitô, ngọn lửa của tình yêu và lòng thương xót.

Bài viết: Change lives by warming hearts

Tác giả: Fr. Billy Swan

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Đình Dương

Nguồn: https://www.wordonfire.org/articles/change-lives-by-warming-hearts/