Thánh vịnh 90 khẳng định rằng : «Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà», nhưng làm thế nào để chiến thắng sự dữ và đau khổ sau sự vinh thắng của Chúa Giêsu Phục sinh trước cái chết ? Ánh sáng từ những vết thương của Chúa Giêsu phục sinh soi sáng ý nghĩa của thánh vịnh tuyệt đẹp này : «Vì bạn có Chúa làm nơi trú ẩn, có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân. Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà». Bản văn này vang lên như một lời mời gọi chúng ta trải nghiệm những nỗi đau, nỗi buồn và sự đau khổ của mình theo cùng một cách mà chính Chúa Kitô đã trải qua trong Cuộc Khổ Nạn của Người.
Hãy để bản thân trải qua sự dữ mà không bị khuất phục trước nó
Việc chọn theo Chúa Kitô sẽ không ngăn cản chúng ta đối mặt với sự dữ hay đau khổ trong cuộc sống, nhưng ngược lại, việc tín thác vào Người sẽ cho phép chúng ta để mình trải qua sự dữ, mà chính chúng ta không khuất phục trước nó, như chính Chúa Kitô đã để mình trải qua sự dữ, nỗi đau và bất công trong Cuộc Khổ Nạn của Người. Người không khước từ, không phản đối, không chỉ trích, không có dấu hiệu gì cho thấy có sự bắt bẻ, không một câu trả lời. Đứng trước sự im lặng ấy, sự dữ phải khuất phục. Sự dữ không còn ảnh hưởng gì tới Người. Đây chẳng phải là cách chúng ta có thể giành chiến thắng sau nhiều cuộc đối đầu với sự dữ trong cuộc sống hay sao? Như thế, chúng ta không có nhiệm vụ tiêu diệt sự dữ, nhưng chúng ta có trách nhiệm không để nó tồn tại trên cuộc đời chúng ta.
Sự thật hiển nhiên, chúng ta là những tội nhân, bởi góc khuất, lỗi lầm của tội lỗi đã khắc sâu trong lòng chúng ta, tất cả tạo điều kiện cho cái xấu xâm nhập. Đàng khác, cuộc sống của chúng ta dường như không tránh khỏi những điều lo lắng bởi sự dữ như: bệnh tật hay tang tóc. Điều đó khiến chúng ta phải chiến đấu mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc, hầu duy trì sự sống. Như cách chúng ta lặp lại lời cầu xin trong các Giờ Kinh Phụng vụ: "Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con, muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ".
Chúa Giêsu tôn trọng những đau khổ của chúng ta
Việc Thiên Chúa giữ lại những vết thương từ dấu đinh và cạnh sườn mãi mãi là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng Ngài đã đến để cảm nghiệm nỗi đau khổ của chúng ta. Bằng cách cho các môn đệ thấy những vết thương của mình, Chúa khẳng định rằng mọi nỗi đau, nỗi buồn và vết thương của chúng ta đều được Người quan tâm nghiêm túc. Dù chúng là gì thì cũng không bao giờ bị thu nhỏ hoặc xóa bỏ. Chúng được quý mến và tôn trọng đến mức Chúa Kitô không xóa bỏ chúng khỏi thân thể vinh hiển của Ngài sau khi Ngài phục sinh.
Thiên Chúa không xóa đi những vết thương của chúng ta, Người đến để ngự trị trong những vết thương đó, nếu chúng ta để Người đến gần. Người gánh chịu trên mình mọi đau khổ, bất công và tội lỗi của thế gian. Xuất phát từ tình yêu thương dành cho mỗi người chúng ta nên trong vườn Giết-si-ma-ni, Ngài đã chọn uống chén đắng của sự bất công tuyệt đối. Trong cuộc Khổ nạn, Người đã mang lấy nỗi đau và sự sỉ nhục của chúng ta. Như thế, khi chúng ta mang lấy ách khổ đau cùng với Chúa, chúng ta không bao giờ đơn độc. Ngài đến chính vì điều đó, để làm cho chúng ta trở thành anh em của Ngài và ban cho chúng ta nguồn ơn cứu rỗi.
Với lòng biết ơn vô hạn
Giữa những đau khổ và với lòng tín thác, chúng ta nhớ rằng từ đỉnh cao của đau khổ, Ngài đã ban cho chúng ta người mẹ của Ngài, Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh. Ngài cũng ban cho chúng ta lòng thương xót vô hạn của Ngài một cách rõ ràng, miễn là chúng ta thành tâm cầu xin Ngài. Ngài ban cho chúng ta Mình và Máu Ngài để được chia sẻ. Ngài cũng để lại cho chúng ta Lời Ngài và ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta.
Chúng ta phải sống cuộc đời của mình bằng những vũ khí quý giá này. Những nỗ lực của chúng ta mang màu hy vọng vì Đấng là Đường sẽ mở đường cho chúng ta, dẫn chúng ta đến sự an ủi. Với lòng tín thác và tràn đầy hy vọng, chúng ta hãy chiêm ngưỡng những vết thương của Chúa Kitô với lòng biết ơn vô hạn và sự tín thác tuyệt đối như một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng con đường của điều thiện là con đường của sự can đảm lựa chọn, bất chấp nỗi đau khổ và tổn thương, luôn hướng về sự thật và công lý thay vì sự dễ dãi của kiêu ngạo, thờ ơ hoặc chủ nghĩa bảo thủ.
Tác giả: Stéphanie de Lachadenède
Chuyển ngữ: Lm. Gioakim Nguyễn Xuân Văn
Nguồn: https://fr.aleteia.org/2024/04/25/pourquoi-jesus-ressuscite-garde-ses-plaies