Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (1,26-38)

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”.

35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Suy Niệm

Bài Tin Mừng hôm nay là cuộc truyền tin thứ ba sau hai cuộc truyền tin cho thánh Giuse và ông Dacaria. Tuy nhiên, cuộc truyền tin này mang một ý nghĩa sống còn khi tạo vật nín thở chờ tiếng “xin vâng” của Đức Maria để Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Qua lời thưa xin vâng, Đức Maria trực tiếp cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa Cha.

Đức Maria nhận ra ý muốn của Thiên Chúa trong lời thiên sứ và tùng phục quyền năng của Người, Mẹ đáp lại: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Lời “xin vâng” của Đức Mẹ không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần. Nhưng hơn thế nữa, Đức Mẹ là người luôn xác tín và hoàn toàn vâng phục với chương trình của Thiên Chúa. Tiếng “xin vâng” của Đức Mẹ còn là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào bàn tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo Mẹ suốt cuộc đời cho đến cây thập giá. Mẹ âm thầm chấp nhận tất cả vì chương trình của Thiên Chúa. Lời “xin vâng” của Đức Maria chất chứa hoàn toàn với tất cả ý thức và tự do. Với cả nhân vị của mình, Đức Maria đã thưa tiếng “xin vâng” với sự cộng tác cao nhất, trong sự tự do và trách nhiệm, cùng với một tình yêu tuyệt hảo.

Chính tiếng “xin vâng” của Đức Maria đã mở ra cánh cửa dẫn tới tiếng “xin vâng” của Đức Giê-su: “Con đến để thực thi ý Ngài”. Đức Giê-su đã cùng với tiếng “xin vâng” này bước trọn cuộc hành trình dương thế, đến tận cây thập giá. Trong giây phút sắp phải chịu khổ hình, Đức Giê-su đã xin Chúa Cha cất chén đắng đi. Nhưng ngay lập tức, Người cũng thưa tiếng xin vâng: “một theo ý Cha, đừng theo ý con”. Như vậy, nơi Đức Giê-su có tiếng “xin vâng” của Thiên Chúa. Chính Người là hiện thân của sự vâng phục. Với tiếng “xin vâng”này, Thiên Chúa không chỉ là ghé mắt nhìn đến Dân Người, hay bước đi đồng hành với Dân Người, nhưng Thiên Chúa đã thực sự trở nên một người trong chúng ta và mang lấy thân xác phàm nhân.

Như vậy, qua lời “xin vâng”, Đức Maria đã để lại cho chúng ta một mẫu gương sáng ngời về sự vâng phục và tín thác hoàn toàn vào bàn tay Thiên Chúa. Tất cả chúng ta, trong những ngày sống, cần phải nói “xin vâng” hay “từ chối” và đôi khi chúng ta nói vâng hoặc nhiều lần chúng ta lẩn trốn như A-đam và E-va, để không nói “từ chối” khi phải làm điều gì đó mà ta không hiểu được. Điều chúng ta không hiểu là điều mà Thiên Chúa đòi hỏi ta. Vì thế, chúng ta phải tự tra vấn mình: Tôi có phải là người biết thưa tiếng “xin vâng” hay chỉ biết “từ chối”, hay tôi là người giả điếc làm ngơ không thèm trả lời?

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ân sủng để bước đi trên con đường của người biết thưa tiếng xin vâng đón nhận thánh ý Chúa và ngày càng trở nên khiêm hạ trong việc phục vụ nhau theo gương mẫu của Đức Ki-tô. Lạy Chúa, nơi chúng con còn đó tính tự cao thích được thể hiện, thói hưởng thụ thích được phục vụ. Xin Chúa thêm sức cho chúng con dám cắt tỉa những điều đó, hầu xứng đáng gặp gỡ Ngài nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể sắp tới. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Bùi Văn Đạo