✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Matthêu (Mt 10, 7-15).
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn. Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơđôm và Gômôra còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm
“Tin mừng cho không”
Người ta thường nói, cuộc đời dạy ta một điều rất thật: “không ai cho không ai điều gì”. Nếu có cho không điều gì, thì đó là điều không giá trị hoặc cho không đàng trước hay bên ngoài, nhưng đều có lý do đàng sau hoặc ngầm chứa bên trong. Thế nhưng Tin mừng của Chúa là điều quý giá nhất trên đời, lại là “Tin mừng cho không”.
Tin mừng được gọi là Tin mừng, vì mang lại ơn giải thoát cho người lãnh nhận, làm cho cuộc đời họ được bình an, hạnh phúc và mừng vui. Những ai tin và đón nhận Tin mừng thì “Nước Trời đã đến gần” (c.7). Điều cao quý ấy không gì có thể mua được dù thậm chí lấy cả trần gian này mà mua cũng không thể, nhưng Chúa lại ban cách nhưng không cho những ai mở lòng đón nhận. Khi lãnh nhận nhưng không, đến lượt mình, thì cũng phải trao cho người khác cách nhưng không: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Để sống được tinh thần “Tin mừng cho không”, Đức Giêsu đã cặn kẽ căn dặn các môn sinh của mình phải có lối sống nghèo khó: “không vàng bạc, tiền đồng, bao bị …, siêu thoát về đời sống tình cảm …” (c.9-11). Cuộc sống thanh thoát với của cải và những sự dính bén trần gian cũng chính là dấu chứng của “Tin mừng cho không”. Tuy nhiên, Tin mừng Chúa dù cho không, nhưng người đã lãnh nhận cũng phải có trách nhiệm với người loan báo: “vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (c.10); và những người không đón nhận thì chịu trách nhiệm về việc này: “anh em hãy giũ bụi chân lại … đất Xiđôm và Gomôra còn được xử khoan hồng hơn …” (c.14-15).
“Tin mừng cho không” không chỉ là lời nhắc nhở về hồng ân lãnh nhận, mà còn là nhắn nhủ hãy mang Tin mừng ấy đến với anh chị em mình. Đó là điều Đức Giêsu muốn nơi các Tồng đồ xưa và người tín hữu Chúa ngày hôm nay. Tuy nhiên, nhiều khi lối sống đạo của không ít người thời nay, thay vì “Tin mừng cho không”, thì lại “không cho Tin mừng”, khi chỉ biết “giữ đạo”, mà không “truyền đạo”.
Chứng Nhân