✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan. (Ga 20, 24–29)
“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Tin không thấy mà thấy
Theo tông đồ Toma thì “thấy mới tin”. Đó cũng là lối lý luận của nhiều bộ óc thực tiễn, theo khoa học thực nghiệm của thời đại hôm nay. Nhưng nếu thấy thì không cần tin nữa, mà tin thường thì không thấy.
Niềm tin Kitô giáo là thế. Mấy người đi theo Chúa có dịp tiếp xúc với Chúa như các tông đồ, hay được đụng vào Chúa như Toma, mà họ vẫn tin theo. Hiện nay trên thế giới có trên 2,6 tỷ người, chiếm khoảng 31% dân số trên thế giới tin Chúa Kitô, nhưng trong số đó có mấy ai được thấy Người? Những người này đã tin theo kiểu mà Đức Giêsu đã nói: “không thấy mà tin”. Và tin như vậy thì thật là có phúc: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20, 29).
Nhưng tin kiểu ấy có phải là niềm tin mù mờ hay mù quáng chăng? Không, niềm tin ấy luôn nền tảng vững chắc và cơ sở tin cậy. Nền tảng ấy là chính Chúa và lời của Ngài - Đấng là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14, 6); cơ sở ấy là đời sống chứng ta của những người tin, khi họ không chỉ minh chứng bằng một đời sống thiện lương, mà còn sẵn sàng đổ máu mình cho niềm tin ấy, như các tông đồ và các thánh tử đạo. Niềm tin ấy giúp người ta dù không thấy Ngài cách hữu hình, nhưng vẫn thấy Chúa cách thiêng liêng, qua những ơn lành, những người gặp gỡ trên đường đời và qua những biến cố bất luận vui hay buồn, thành công hay thất bại của cuộc sống. Như vậy niềm tin vào Đức Kitô một cách nào đó “tin không thấy mà thấy”. Cái thấy dù không thấy theo nghĩa thông thường, nhưng lại rất thật, và giúp cho người không tin đến với đức tin. Nói cách khác, “tin không thấy mà thấy” là một đời sống đạo với những tâm tình thiêng liêng bên trong không thấy được, mà vẫn thấy hoa trái bên ngoài là đời sống thánh thiện yêu thương!
Nhìn vào đời sống đạo hôm nay người ta thấy vẫn còn đó nhiều thực hành đạo đức long trọng và sốt sắng. Nhưng điều cần nhất trong đạo là Chúa và những việc làm yêu thương thì lại không thấy. Người tín hữu thực thụ sẽ minh chứng cho thấy huyền nhiệm đức tin Kitô giáo: “Tin không thấy mà thấy” với lòng mến Chúa và yêu người.
Chứng Nhân