✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 13,54-58)
54 Khi ấy, Đức Giê-su về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói : “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế ? 55 Ông không phải là con bác thợ sao ? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a ; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao ? 56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao ? Vậy bởi đâu ông ta được như thế ?” 57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” 58 Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.
Suy Niệm
LAO ĐỘNG, CỘNG TÁC CỨU ĐỘ
Ngày quốc tế lao động 01/05 là ngày tôn vinh người lao động và những giá trị của công ăn việc làm. Với lăng kính đức tin, lao động còn mang giá trị siêu nhiên. Đó là điều Giáo hội hướng tới khi thiết lập ngày lễ Thánh Giuse thợ vào ngày này.
Sách Sáng thế cho biết, ngay từ khởi nguyên, con người đã được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và thay mặt Người “thống trị mặt đất” (St 1, 27-28). Con người thực hiện quyền năng đó thông qua lao động. Như thế, lao động vừa để tìm kiếm miếng cơm manh áo, vừa là phương thế để thi hành ý Chúa và hoàn tất công trình sáng tạo của Người. Đức Giêsu đến trần gian, một cách nào đó, Người đã thực hiện công trình cứu chuộc nhờ lao động và trong lao động. Khi dân làng quê hương ngỡ ngàng thấy sự khôn ngoan và làm những phép lạ phi thường của Đức Giêsu, họ đã nói: “Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Câu nói như mỉa mai ấy lại nói lên ý nghĩa của việc lao động và giá trị của người cha nuôi làm công việc lao động là thánh Giuse. Công việc lao động của thánh nhân và Chúa Giêsu không chỉ để nuôi sống bản thân và gia đình, mà còn để Con Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ trần gian. Lao động, một cách gián tiếp, đã làm cho kế hoạch cứu độ được thành tựu. Như thế, với người Kitô hữu, lao động vừa đem lại sự sống và hạnh phúc đời này, đồng thời đem lại sự sống và hạnh phúc đời đời. Lao động không thuần tuý đem lại nguồn lực kinh tế, mà còn mang tính cứu độ.
“Có làm thì mới có ăn” (tục ngữ) là chuyện đương nhiên ở đời. Tuy nhiên, người Kitô hữu cần lao động với một tinh thần mới, gắn liền lao động với cứu độ. Nói cách khác, họ phải nỗ lực làm việc để nuôi sống mình và gia đình; đồng thời phải làm sao để việc lao động cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ bản thân và tha nhân.
Chứng Nhân