✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 24, 35-48)

35 Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : “Bình an cho anh em !” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

44 Rồi Người bảo : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

Suy Niệm

TIN MỪNG PHỤC SINH, TIN MỪNG LOAN BÁO

Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết là Tin mừng trọng đại với các môn đệ và những ai đặt niềm tin nơi Ngài. Tuy nhiên, niềm vui Phục sinh không bao giờ được giữ lại cho riêng mình, mà cần phải loan báo cho tha nhân. Quả vậy, Tin mừng Phục sinh là Tin mừng để loan báo.

Không kể các bài Tin mừng về đại lễ Phục sinh, kể từ thứ Hai tuần Bát nhật Phục sinh cho đến hôm nay (thứ Năm), các bài Tin mừng khi thuật lại việc Chúa sống lại luôn kèm theo mệnh lệnh phải loan báo. Trước hết, vào ngày thứ Hai, chúng ta gặp điều ấy qua lời nhắn bảo của Đức Giêsu với các người phụ nữ: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28, 10). Tiếp theo, trong ngày thứ Ba, Đức Giêsu Phục sinh cũng sai bà Maria Macđala với những lời tương tự: “Thôi đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha … Bà Maria Macđala đi báo cho các môn đệ: Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20, 17-18). Đến ngày thứ Tư, cuối câu chuyện trên đường Emmau, tác giả Luca viết: “Còn hai ông thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24, 35). Trong bài Tin mừng thứ Năm hôm nay, chúng ta lại nhận được lệnh sai đi của Chúa dành cho các môn đệ: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,47-48). Các ông không chỉ phải loan báo Tin mừng Phục sinh bằng lời, mà còn làm chứng cho thiên hạ về Chúa Phục sinh qua chính đời sống của mình, một đời sống mới theo hình ảnh của Đấng Phục sinh.

Mừng đại lễ Vượt Qua không phải là dịp để biểu dương các nghi lễ hoành tráng, và cũng chẳng dừng lại ở việc lãnh nhận ơn Chúa để thánh hoá bản thân, mà còn là cơ hội để làm mới ơn gọi loan báo Tin mừng cho người môn đệ Chúa Kitô. Niềm vui Phục sinh chỉ trọn vẹn khi người tín hữu, sau khi đến với Chúa qua việc sốt sắng tham dự các cử hành phụng vụ Tuần thánh, sẽ hăng hái lên đường đi vào dòng đời báo cho anh chị em mình biết rằng Chúa đã sống lại. Chỉ khi nào tôi sống điều ấy để “Cùng nhau loan báo Tin mừng” như Giáo hội Việt Nam mời gọi trong Năm Thánh 2025 này, tôi mới thực sự được sống lại với Chúa Phục sinh.

Chứng Nhân