✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 12, 38-42)
Khi ấy, có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.” 39 Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.”
Suy niệm
Tìm kiếm sự khôn ngoan
Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện khi những người kinh sư và Pharisiêu đến xin Chúa Giêsu làm phép lạ nhưng bị Ngài từ chối. Vấn đề ở đây không phải là Chúa Giêsu không làm phép lạ nhưng bởi những kinh sư và người Pharisiêu không tin nên những phép lạ có làm đi chăng nữa thì cũng không có tác dụng gì. Phép lạ chỉ thực hiện đối với những người tin. Vì thế đối với người không tin thì phép lạ cũng bằng thừa đối với họ, còn đối với những người tin thì phép lạ cũng không cần thiết. Chúa Giêsu đã nói những lời lấy làm hối tiếc đối với những kinh sư và Pharisiêu. Họ không bằng dân thành Ninive hay nữ hoàng Phương Nam. Bởi vì xưa kia, ông Giona đến loan báo lời Thiên Chúa về sự sám hối thì dân thành Ninive đã sám hối bỏ đường tội lỗi; nữ hoàng Phương Nam đã đến nghe những lời khôn ngoan của vua Salomon, mà sự khôn ngoan của vua Salomon đến từ Thiên Chúa. Trong khi ấy, Chúa Giêsu là chính Thiên Chúa, chính sự khôn ngoan thì những kinh sư và Pharisiêu lại không nhận ra. Như thế, họ đi tìm lẽ khôn ngoan nhưng khi họ gặp chính đấng Khôn Ngoan thì họ lại không nhận ra, họ không đón nhận sự khôn ngoan đích thực. Họ chấp nhận sự khôn ngoan theo tính chủ quan chứ không phải là sự khôn ngoan khách quan. Họ xin phép lạ để chứng kiến sự khôn ngoan chỉ là thử xem chứ họ không tin. Nếu họ tin thì thái độ của họ có một sự đổi mới. Họ là những người có một sự mâu thuẫn giữa lý tưởng và thực tế. Nghĩa là, về lý tưởng, họ luôn mong muốn được tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa, nhưng thực tế, sự khôn ngoan của Thiên Chúa được bày tỏ nơi Đức Giêsu, họ lại từ chối, họ nghi ngờ.
Câu chuyện trong Tin Mừng xảy ra cách đây 2000 năm cũng đang xảy ra trong cuộc đời của mỗi chúng. Vì thế, những lời Chúa Giêsu nói năm xưa cũng đang nói với chúng ta hôm nay. Đôi khi chúng ta gán những hiểu biết, những suy nghĩ của chúng ta cho Thiên Chúa để rồi, chúng ta hình dung ra một vị Thiên Chúa theo kiểu của chúng ta chứ chúng ta không nhận ra Ngài như đúng là Ngài. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa được bày tỏ trong những điều bình thường. Vì thế, để nhận ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chúng ta cần có một thái độ khiêm tốn. Chính trong sự khiêm tốn hạ mình đã biểu lộ một sự khôn ngoan đích thực. Những kinh sư và Pharisiêu không nhận ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu là vì họ có một thành kiến đối với Chúa Giêsu. Chúng ta khiêm tốn trước Thiên Chúa, trước anh chị em của mình, có thể là một người nghèo khó. Sự khôn ngoan có thể được biểu lộ qua những góp ý chân thành, qua cách sống của những người khác.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, nhưng sự khôn ngoan ấy được ẩn giấu trong sự bình dị của một con người. Xin cho chúng con khiêm tốn nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi anh chị em của chúng con. Amen
Lm. Phêrô Hoàng Văn Độ