✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 8,1-11)
1 Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.
2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. 3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, 4 rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” 6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” 8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. 9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10 Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” 11 Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
Suy Niệm
TỘI NHÂN VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT
Theo bản tính tự nhiên, chúng ta dễ dàng kết án những tội lỗi của người khác nhưng lại khó để nhìn nhận tội lỗi của chính mình. Trong bài đọc 1, trích sách ngôn sứ aniel thuật lại cho chúng ta cậu bé Đaniel đã giải cứu bà Susana, một phụ nữ đạo hạnh, vì quyết tâm chống lại những điều tội lỗi mà bị hai người kỳ mục trong dân vu oan giáng họa. Bà chấp nhận oan sai chứ không phạm tội ngoại tình với hai kỳ mục. Thế nhưng, Chúa công bằng vô cùng. Qua sự xuất hiện của cậu bé Đaniel, thần trí nơi cậu như là quyền năng của Thiên Chúa đã đòi lại sự công bằng, làm cho công lý được thực thi. Cậu Đaniel, qua sự khôn ngoan của mình đã vạch mặt sự gian dối nơi hai kỳ mục. Điều này cho chúng ta thấy rằng sống công chính mặc dù chúng ta sẽ bị thiệt thòi, nhưng Chúa không bỏ rơi chúng ta.
Trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe, thuật lại cho chúng ta câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình. Thánh sử Gioan ghi lại rằng, những người Pharisiêu và các kinh sư vì muốn tìm một bằng chứng để tố cáo Chúa Giêsu, nên đã đưa đến cho Chúa Giêsu một người phụ nữ mà theo lời tố cáo của họ, là bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Tang chứng vật chứng, nhân chứng đầy đủ, giờ đây xin Đức Giêsu xét xử. Câu hỏi mà họ đặt ra: “Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” là một câu hỏi đưa Chúa Giêsu vào thế bí, câu hỏi mang tính lưỡng nan. Tại sao họ lại hỏi Chúa Giêsu như vậy? Câu hỏi này không dễ để trả lời. Những người Pharisiêu và các kinh sư biết rằng, Chúa Giêsu trả lời kiểu gì cũng sẽ mắc sai lầm. Thứ nhất, nếu Chúa Giêsu lấy tình thương mà tha cho người phụ nữ thì đồng nghĩa với việc Ngài chống lại Lề Luật, vì theo Lề Luật, ai phạm tội ngoại tình thì sẽ bị ném đá cho đến chết (x. Lv 20,10). Như thế, họ sẽ có cớ bắt Chúa Giêsu và kết án tử hình đối với Ngài. Thứ hai, nếu Chúa Giêsu theo lề luật mà cho phép ném đá người phụ nữ kia thì điều này ngược lại với lời giảng dạy của Ngài về tinh thần yêu thương. Như thế, Ngài tự mâu thuẫn giữa lời giảng dạy và thực hành. Nếu thế, những điều Ngài giảng dạy không đáng tin và uy tín của Ngài không còn nữa. Đứng trước một vụ án vô cùng khó khăn, Chúa Giêsu không nói gì. Thánh sử Gioan thuật lại, Chúa Giêsu không nói gì, Ngài ngồi xuống, lấy ngón tay viết trên đất. Hành động này, theo các nhà chú giải Kinh Thánh, mang một nghĩa biểu tượng. Theo sách Sáng thế, Thiên Chúa dựng nên con người từ bụi đất. Như thế, đất ở đây muốn ám chỉ đến con người, cụ thể là những người đang hiện diện là người phụ nữ kia và những người đang tố cáo. Ngài viết gì trên đất? Các nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng, Chúa Giêsu viết các tội lên đó. Như thế, hành động Chúa Giêsu lấy ngón tay viết trên đất có nghĩa là, với thân phận con người yếu đuối chắc hẳn ai cũng có lỗi lầm, tội lỗi. Do vậy, với hành động này cùng với lời phân xử: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”. Thế rồi, họ từ từ bỏ đi, người lớn tuổi đi trước. Như thế, họ nhận ra họ cũng là những người tội lỗi, càng nhiều tuổi thì càng nhiều tội, và Chúa Giêsu đã phán xử họ. Cuối cùng, chỉ còn lại Chúa Giêsu và người phụ nữ. Thánh Augustino đã chú giải hình ảnh này bằng một câu: “tội lỗi và lòng thương xót”, một bên là tội lỗi với sự đau khổ, còn bên kia là Chúa Giêsu với lòng thương xót và thứ tha. Chúa Giêsu đã tha thứ cho chị về những yếu đuối. Tuy nhiên sự tha thứ này không phải là sự dung túng của Chúa Giêsu đối với tội lỗi nhưng, còn hàm chứa một lời nhắc nhở: “Chị hãy đi và đừng phạm tội nữa”.
Lời Chúa hôm nay nói cho chúng ta điều gì? Chúa muốn chúng ta như thế nào? Thứ nhất, Lời Chúa muốn mỗi người chúng ta đừng kết án người khác, bởi vì chúng ta cũng là những người tội lỗi. Không kết án người tội lỗi không phải là chúng ta đồng thuận với những điều họ làm nhưng là sự đồng cảm với thân phận yếu đuối. Chúng ta cũng là những người được Chúa thứ tha thì đến phần mình, chúng ta cũng biết tha thứ cho người khác. Đối với chúng ta, khi lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi ăn năn chừa cải những tính hư nết xấu và cố gắng đừng phạm tội. Thứ hai, đối với tội lỗi của người khác, chúng ta cũng nhìn nhận nó có một giá trị đối với chính mình. Giá trị ấy là gì? Đó là cơ hội để chúng ta soi lòng mình. Mặc dù chúng ta không mong muốn người khác phạm tội, nhưng đứng trước tội nhân, chúng ta ý thức về chính mình cũng là những tội nhân. Nếu như các kinh sư và Pharisiêu không đứng trước người phụ nữ ngoại tình và với lời của Chúa Giêsu: “ai trong các ông …” thì các ông không thể soi vào lòng mình và nhận ra tội lỗi của chính mình. Chúng ta vẫn thường nói: Thất bại của người khác là bài học cho chính mình, thì chúng ta cũng có thể nói: Vấp ngã hay tội lỗi của người khác là một bài học cho chính mình để đến phần mình chúng ta khỏi bị vấp ngã.
Ước chi Lời Chúa hôm nay soi vào cõi lòng sâu thẳm của chúng ta để nhờ ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta nhìn thấy rõ tâm hồn mình là tội lỗi mà đi đến với Lòng Thương Xót của Chúa. Và chúng ta cũng xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm và nâng đỡ những yếu đuối của chúng ta. Amen
Lm. Phêrô Hoàng Văn Độ