Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 2, 18-22)

18 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay ; có người đến hỏi Đức Giê-su : “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 19 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. 21 Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới !”


Suy niệm

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được” (Mc 2,19)

Khi làm việc gì, mỗi người chúng ta thường đặt ra cho mình một mục đích để làm việc đó: Tôi làm việc này để làm gì? Mục đích sẽ định hướng hành động. Nếu như một hành động mà không có mục đích hoặc mục đích không đúng thì hành động đó trở nên vô nghĩa và trống rỗng.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho ta thấy việc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Dothái về việc ăn chay. Họ thắc mắc khi mà môn đệ ông Gioan và các người Pharisêu ăn chay còn các môn đệ Chúa Giêsu lại không. Chúa Giêsu giải quyết vấn đề bằng cách cho họ thấy mục đích của việc ăn chay để làm gì?

Việc ăn chay, đối với ông Gioan và các môn đệ là để chuẩn bị cho thời cánh chung, đón Đấng Thiên Sai, và có lẽ theo lời mời gọi của Gioan, nhiều người trong Israel cũng thực thi điều này, trong đó cũng có cả những người Pharisêu. Việc ăn chay bao gồm hành động bên ngoài nhưng nó là biểu hiện cho nội tâm mong chờ Đấng Thiên Sai. Thế nhưng họ chỉ chú trọng đến hành động mà quên đi tâm tình cũng như mục đích của việc ăn chay. Vì thế, khi Đấng Thiên Sai đến họ không nhận ra Ngài và hơn thế nữa họ còn chối từ Ngài. Vì họ chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài nên họ khoác lấy hình thức ấy như là cái áo “đạo đức” của riêng mình để rồi phân biệt và coi thường những người khác. Điều họ thắc mắc với Chúa Giêsu không phải là việc ăn chay hay không, nhưng họ muốn nói chúng tôi ăn chay còn các ông thì không; chúng tôi đạo đức còn các ông thì không. Họ biến việc ăn chay với ý nghĩa tốt đẹp thành một phương tiện thể hiện sự “đạo đức”. Lối sống này Chúa Giêsu đã nhiều lần lên án và gọi là đạo đức giả.

Lời Chúa nói xưa kia cũng nói với mỗi người chúng ta hôm nay khi mà lối sống đạo đức giả như kiểu Pharisêu ít nhiều đang làm sói mòn đời sống của người Kitô hữu. Vì thế, điều cần thiết là hợp nhất giữa tâm tình và hành động. Tâm tình là cội rễ của hành động và hành động được biểu lộ ra bên ngoài, là hoa trái của những tâm tình bên trong. Hành động theo tâm tình tình bên trong là sống theo đúng căn tính của mình. Một việc đạo đức nó hệ tại ở nội tâm chứ không bởi hình thức.

Mỗi người chúng ta, trước hết là những Kitô hữu trong Giáo Hội, sống thống nhất giữa nội tâm và hành động là sống căn tính của mình. Đức Thánh Cha Phanxico đã nói rằng, sống hợp nhất giữa đức tin và đời sống sẽ làm nảy sinh một điều mới mẻ nơi người khác. Đó chính là làm cho đức tin được hiện hữu, được tỏ lộ ra bên ngoài qua cuộc sống. Đây là cách để loan báo đức tin Kitô cách hiệu quả, nó sẽ có sức mạnh gấp nhiều lần những lời diễn thuyết hùng hồn mà người diễn thuyết lại không có đời sống đức tin sâu sắc.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng luôn có tâm tình như lời Thánh Phalo: “dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Tất cả cho vinh danh Chúa hơn, đó là tâm tình chúng con mỗi khi làm điều gì. Amen



Lm. Phêrô Hoàng Văn Độ