Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

6 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.

12 “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.

13 “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. 14 Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.”


Suy niệm

CỬA VÀO SỰ SỐNG

Chúng ta luôn tìm kiếm cho mình một lối sống thoải mái và dễ dãi. Thế nhưng thành công sẽ không bao giờ đến với những dễ dãi và thoải mái. Để có thể bước chân vào trường Đại học, học sinh đã phải mài dùi kinh sử suốt những năm tháng trên ghế nhà trường. Không một học sinh nào có thể vào được một trường Đại học danh tiếng mà lại học hành lơ là và ham chơi. Để vào được trường học đó, học sinh nhiều khi phải thức trắng đêm để học hành. Hoặc để có được một tấm bằng tốt nghiệp loại ưu ở một trường đại học danh tiếng, sinh viên đã phải từng khép mình trong góc học tập, từ bỏ những thú vui bên ngoài. Kinh nghiệm đời sống thường nhật đó giúp cho ta hiểu được sứ điệp Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay khi Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta về con đường của sự sống, đó là cửa hẹp và đường chật. Cuộc sống luôn có hai cánh cửa dẫn tới hai con đường và tới hai đích khác nhau: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14). Cửa hẹp hay cửa rộng chính là lối sống. Khi qua cửa để vào sự sống cần phải nỗ lực, khép mình lại, thu nhỏ mình lại để có thể qua được. Đây chính là một thái độ sống khiêm nhường hạ mình xuống. Đi qua cửa hẹp không phải là sống trong một bầu khí nặng nề, nhưng đòi hỏi chúng ta cần phải kiềm chế và giới hạn sự kiêu ngạo và sự sợ hãi, để có thể mở trái tim mình ra với Chúa Giêsu trong sự khiêm nhường và tín thác, nhận biết mình là tội nhân và cần đến ơn tha thứ. Cánh cửa của lòng thương xót là cửa hẹp nhưng luôn mở ra cho tất cả mọi người chúng ta. Cánh cửa tuy nhỏ, đường tuy hẹp nhưng có đủ chỗ chứa cho tất cả mọi người.

Mỗi người chúng ta đều có tự do để chọn cho mình một cánh cửa để qua, một con đường để đi. Cánh cửa của lòng thương xót Chúa luôn mở, nhưng chúng ta có đi vào hay không đó là sự chọn lựa trong tự do. Thánh Phaolô tông đồ đã nói đến một cuộc chạy đua để vào cửa hẹp: “Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1Cr 9,25-27). Trong hành trình đời sống thiêng liêng, bước qua cửa hẹp là hãm mình trước những thú vui của thế gian. Chúng ta hay bị cám dỗ để đi vào cửa rộng thênh thang nhưng lại đưa đến sự chết.

Ước chi sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chọn và bước đi trên đường của Chúa đó là đường của Lòng thương xót Chúa bày tỏ với chúng ta bằng một thái độ khiêm cung. Ước chi những lời thánh vịnh 131 là thái độ sống của người môn đệ Chúa Giêsu hôm nay để đi vào cửa hẹp và đường chật:

Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi! Đường cao vọng, chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu; hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa, Ít-ra-en ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv131).

Lm. Phêrô Hoàng Văn Độ