Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 6,36-38)

36 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

Suy Niệm

LÒNG NHÂN TỪ

Trong Mùa Chay, mỗi Kitô hữu được nhắc nhở cách đặc biệt về ba việc làm cụ thể, đó là ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Trong ba việc này nói lên ba chiều kích của mối tương quan con người, đó là đối với Thiên Chúa, đối với bản thân và đối với tha nhân. Ba chiều kích này không tách rời nhau nhưng gắn liền với nhau và đều quy hướng về Thiên Chúa làm điểm quy chiếu. Việc bác ái của Kitô giáo không chỉ đơn thuần trên bình diện con người với nhau nhưng nó được xuất phát từ Thiên Chúa đối với con người và được lan tỏa ra bên ngoài cho người khác.

Điểm xuất phát của việc lành bác ái chính là lòng nhân từ, hay còn gọi là lòng thương người. Trích đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã nói cho chúng ta biết về nền tảng của lòng nhân từ ấy đến từ Thiên Chúa. Lời mời gọi của Chúa Giêsu “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” cho chúng ta thấy có một cấp bậc khác nhau giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúa mời gọi chúng ta hãy có, nghĩa là hãy làm cho con người chúng ta, hãy kín múc lòng nhân từ và mẫu mực của lòng nhân từ ấy chính là Thiên Chúa là Đấng nhân từ.

Nhân từ hay còn gọi là thương xót, theo nguyên nghĩa không chỉ là cảm thương nhưng là (Miseri-cordiae) nghĩa là đặt trái tim – tình yêu của mình vào nơi đau khổ, nơi khốn cùng của người khác. Vì thế lời mời gọi của Chúa Giêsu “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” nghĩa là anh em phải biết cảm thương như Chúa Cha là Đấng cảm thương anh em. Biết cảm thương trước nỗi khốn cùng của người khác là biết đồng cảm với họ, biết đặt mình vào vị trí của người khác. Do đó, Chúa Giêsu nói cách cụ thể về lòng nhân từ, đó là không được xét đoán, không lên án, và hãy tha thứ. Khi biết đặt mình vào vị trí của tha nhân thì những lỗi lầm của tha nhân cũng chính là lỗi lầm của mình. Tha nhân cần có sự cảm thương và tha thứ thì chính mình cũng cần những điều đó khi gặp cảnh khốn cùng.

Mùa Chay là dịp đặc biệt để chúng ta thực thi bác ái, lòng thương xót, trước hết chúng ta cần thực thi bác ái trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có lòng nhân từ như Chúa Cha, không có nghĩa là về số lượng nhưng Ngài mời gọi chúng ta trở nên dấu chỉ, một kênh truyền hay một chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa.

Lạy Chúa xin đổ đầy nơi mỗi người chúng con lòng nhân từ của Chúa để chúng con cảm nghiệm và cũng sống nhân từ đối với chính mình và đối với với anh chị em. Amen

Lm. Phêrô Hoàng Văn Độ