Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 1,14-20)

14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 17 Người bảo các ông : “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 18Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.

19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. 20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.


Suy niệm

Trước mỗi Thánh lễ chúng ta luôn cử hành nghi thức sám hối. Nghi thức này giúp cho người tín hữu ý thức về thân phận tội lỗi của chúng ta trước hồng ân cao quý mà chúng ta lãnh nhận trong mỗi Thánh lễ. Chúng ta đã quá quen với nghi thức này. Tuy nhiên, có lẽ nhiều người trong chúng ta chỉ hiểu nghi thức này chỉ hệ tại ở việc đọc kinh thú nhận, trong đó, chúng ta đấm ngực ăn năn hối lỗi: Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Và đôi khi, chúng ta không hiểu nghi thức này và chỉ làm một cách máy móc. Bài Phúc Âm hôm nay cho ta hiểu rõ thế nào là sám hối theo tinh thần của Phúc Âm.

Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, sám hối không chỉ có nghĩa là đấm ngực ăn năn hối lỗi về những sai sót trong cuộc sống của chúng ta, nhưng sám hối còn bao hàm một nghĩa mang tính tích cực là sự biến đổi, sự quay đầu trở lại với Thiên Chúa. Vì thế, sám hối theo đúng nghĩa là một niềm vui hân hoan vì nhận biết mình tội lỗi và quay đầu trở về với Chúa là đường ngay nẻo chính. Sự sám hối đích thực chính là sự biến đổi chính mình, chứ không đơn thuần chỉ là sự lo buồn ủ rũ về những sai sót của mình. Sứ điệp sám hối mà Chúa Giêsu trong Phúc Âm hôm nay rao giảng, mời gọi mọi người: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15). Việc sám hối luôn kèm theo lời mời gọi tin vào Tin Mừng. Sự sám hối đích thực là tin vào Tin Mừng. Tin Mừng, theo như thánh sử Maccô, chúng ta hiểu, đó là sứ điệp mà Chúa Giêsu rao giảng, và cũng chính là Đức Giêsu Kitô. Do vậy, sám hối chính là tin vào Chúa, quay trở lại với Thiên Chúa là đường ngay nẻo chính. Sự sám hối này hoàn toàn mang tính tích cực. Như thế, người sám hối không phải là người luôn mang khuôn mặt ủ rũ buồn sầu, nhưng là người vui tươi hớn hở.

Chúng ta được mời gọi hãy sám hối luôn. Tinh thần sám hối chính là tinh thần của Phúc Âm. Chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của sự sám hối theo đúng tinh thần của Phúc âm, chúng ta sẽ thực hiện điều ấy cách có ý nghĩa hơn. Như thế, mỗi khi chúng ta bỏ làm điều xấu để làm tốt, bỏ đàng tội lỗi mà quay về với Chúa chính là sám hối. Vấn đề quan trọng là sự biến đổi con người mình khi chúng ta sám hối. Sự sám hối phải là sự biến đổi con người, chứ không hệ tại ở nghi thức bên ngoài. Bí tích của sự sám hối ở đây không phải chỉ là việc xưng thú tội lỗi của mình, nhưng là ý thức được điều xấu xa của tội nơi chính mình và tình yêu cao cả của Thiên Chúa. Chúng ta phải đặt sự sám hối trong tương quan tình yêu. Như người con bỏ đàng tội lỗi mà quay về vì yêu mến cha mẹ, thì chúng ta cũng hãy sám hối vì yêu mến Thiên Chúa. Như thế, sám hối là con đường của chúng ta đi đến với Thiên Chúa, con đường của Tin Mừng mỗi ngày.

Lạy Chúa, chúng con dễ dàng nói lời sám hối nhưng chúng con lại ngại biến đổi con người mình. Xin cho chúng con biến sám hối bằng cuộc sống chứ không dừng lại ở lời sám hối trên môi trên miệng. Amen


Ad Majorem Dei Gloria

Cephas Hoàng Độ