Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (1,29-34)

29 Hôm sau, khi ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. 30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. 31 Tôi đã không biết Người, nhưng tôi đến làm phép rửa trong nước để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en”. 32 Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. 33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần’. 34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.

Suy Niệm

Thánh Gioan Tiền hô nổi bật trong hoang địa không phải chỉ vì lối sống khắc khổ. Thánh Gioan Tiền hô nổi bật cũng không phải chỉ vì ông cử hành phép rửa sám hối, chuẩn bị lòng dân đón chờ Đấng Thiên Sai. Gioan nổi bật cũng không phải vì đời sống đạo hạnh cá nhân. Nhưng đặc biệt, vai trò của vị tiền hô chính là chỉ cho muôn dân Đấng mà họ đang trông đợi, Đấng là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian. Các ngôn sứ đều loan báo Chúa Giêsu, nhưng không một ngôn sứ nào chỉ rõ cho muôn dân Đấng đang đến với họ. Thánh Gioan Tiền Hô đã làm điều đó. Sứ mạng của ông cao cả biết bao.

Hơn 2000 năm nay, lời chứng của Gioan Tiền Hô đã được công bố. Nơi đâu Tin Mừng được loan báo nơi đó lời chứng của Gioan được vang lên, đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Thế mà, bao nơi, bao tâm hồn lắng nghe lời sấm của Gioan không mảy may rung động, chẳng mở lòng đón nhận. Rất nhiều người thời nay vẫn tin vào ma thuật, vẫn tin vào khả năng con người, tin vào những thứ khác không phải là Thiên Chúa. Biết bao người chưa nhận biết Đức Giêsu là Đấng muôn dân trông đợi, chưa nhận ra Ngài chính là Đấng Mêsia, Đấng giải thoát nhân loại này.

Thánh Gioan Chrysostome và thánh Augustinô đã nhấn mạnh: “Chiên là biểu tượng của sự vô tội và của công chính. Người vô tội chết cho người có tội, người công chính chết cho nhân loại vốn mất ân sủng do tội, được trở nên công chính hóa”. Xin cho chúng ta hiểu được phần nào gánh nặng tội lỗi ấy khi chiên ngắm Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Xin cho chúng ta hiểu được phần nào gánh nặng của tội lỗi ấy khi chiêm ngắm Chúa toát mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu. Và cũng xin cho chúng ta hiểu được phần nào gánh nặng tội lỗi khi nghe Chúa thốt lên trên thập giá: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con!” (Mc 15,34), để từ đó, chúng ta biết khiêm nhường phủ phục trước tấm lòng của Chúa, đừng chất thêm gánh nặng tội lỗi ấy. Đồng thời biết nhận ra tội lỗi của mình và góp phần làm vơi đi gánh nặng tỗi lỗi nhân loại. Amen.

Lm. Giuse Bùi Văn Đạo