Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (2,16-21)

16 Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem. Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài nhi này. 18 Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. 19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo. 21 Khi Hài nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

Suy Niệm

Trong ngày đầu năm mới Dương lịch, cầu cho hòa bình thế giới và trong ngày tôn vinh Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, thánh Luca thuật lại cho chúng ta khung cảnh Giáng sinh tại thành Belem, một khung cảnh thật vui tươi, thanh bình. Đạo binh thiên quốc và sứ thần hợp tiếng ca vang “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Các mục đồng sau khi được loan báo tin mừng đã hối hả chạy tới Belem trong niềm vui ngỡ ngàng. Họ hồ hởi kể lại cho mọi người biết về những điều được nghe nói và chứng kiến về Hài Nhi Giêsu khiến người nghe ngạc nhiên.

Trong muôn cung điệu mừng vui đan xen giữa trời với đất ấy, chúng ta thấy một khuôn mặt lặng lẽ, âm thầm, đó chính là Đức Maria, gương mặt mà hôm nay Giáo hội mừng kính với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa. Có lẽ Đức Maria phải là người hoan hỉ nhất vì được diễm phúc sinh hạ Đấng Tối Cao, nhưng Mẹ luôn âm thầm lặng lẽ, mở rộng con tim, khối óc để lắng nghe, ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Mẹ luôn lắng nghe Thiên Chúa và thực thi thánh ý Ngài trong mọi biến cố cuộc đời. Mẹ luôn lắng nghe những người xung quanh để hiểu rõ tâm tư, ước muốn và nhu cầu của họ, từ đó khẩn xin Thiên Chúa ra tay nâng đỡ.

Nhìn vào thực tế nhân loại hôm nay, chúng ta thấy chiến tranh, xung đột, chia rẽ bất hòa xảy ra trên bình diện thế giới, trong gia đình và nơi tâm hồn mỗi người. Làm sao có được nền hòa bình thực sự khi mà con người không muốn nghe và thực thi ý muốn tốt lành của Đấng Tối Cao? Làm sao có được bình an thực sự khi con người không thể lắng nghe, đối thoại với nhau để giải quyết những xung đột, mâu thuẫn?

Vậy, để có được nền hòa bình thực sự trong tâm hồn, trong gia đình và xã hội, chúng ta được mời gọi nhìn lên và noi theo mẫu gương tuyệt hảo của Mẹ Maria. Chỉ khi có được một tâm hồn biết lắng nghe tiếng Chúa và tha nhân như Mẹ chúng ta mới có thể tìm thấy niềm vui và sự bình an đích thực giữa mọi nghịch cảnh của cuộc đời mà thôi.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Thành