Thánh Lu-ca thuật lại việc Đức Maria và thánh Giuse đem Hài Nhi Giêsu lên Đền thờ Giêrusalem không chỉ là nghi thức mang tính thủ tục, mà còn là sự kiện Đức Giêsu tỏ mình ra cho Dân Chúa tại nơi trung tâm của Do Thái giáo. Cũng chính nơi đây, hai cụ già đại diện cho dân tộc Do Thái đã tuyên bố Người là Ánh sáng muôn dân. Ánh sáng này vừa dẫn đưa con người tới chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, vừa giúp họ phân biệt tốt với xấu, thánh thiện và tội lỗi, quyền năng Thiên Chúa và quyền lực thế gian.
Sự có mặt của hai vị kỳ lão, cụ ông Simêôn và cụ bà Anna, trong Đền thờ hôm ấy cũng là sự sắp xếp của Chúa Quan phòng. Họ là những người đạo đức và có kinh nghiệm nhìn xa trông rộng. Hai vị này đã nhìn thấy nơi Hài Nhi Giêsu là Đấng muôn dân trông đợi, Đấng Thiên Chúa hứa từ ngàn xưa. Được gặp gỡ Đức Giêsu, cụ già Simêôn không còn ước mong gì trên trần thế. Cụ sẵn sàng “ra đi” trong an bình, vì Cụ đã cảm nhận được hạnh phúc chứa chan qua cuộc gặp gỡ này.
Thánh lễ hôm nay được gọi là lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh. Cách gọi này diễn tả, theo cái nhìn trần gian, Chúa Giêsu được thánh Giuse và Đức Maria dâng trong Đền thờ, nhưng thực ra chính Người đến trình diện chính thức nơi trung tâm linh thiêng của Do Thái giáo. Lời ngôn sứ Malakhi (Bài đọc I) cho chúng ta thấy điều ấy, Qua môi miệng vị ngôn sứ, Đức Chúa giới thiệu sẽ có ngày chính Ngài xuất hiện và đi vào Thánh Điện. Ngài sẽ đến để thanh tẩy con cái Lêvi, tức là dòng dõi tư tế, những người hầu cận trong Đền thờ. Ngày ấy cũng là ngày truyền thống phụng tự được khôi phục.
Trong truyền thống của Giáo Hội từ lâu đời, hôm nay có nghi thức làm phép và rước nến, như một cuộc cung nghinh ca tụng Đức Giêsu là Ánh Sáng muôn dân, Ánh Sáng thiêng liêng vĩnh cửu. Trong Tin Mừng thánh Gioan, Đức Giêsu tuyên bố: “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Lịch sử hai mươi thế kỷ qua đã chứng minh, giáo huấn của Chúa Giêsu thực sự là ánh sáng soi đường cho những người lầm lạc. Biết bao người đã nhờ ánh sáng ấy mà tìm được lẽ sống.
Tác giả thư Hípri giúp chúng ta suy tư về nhân tính của Đức Giêsu. “Người phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân”. Nhập thể là mầu nhiệm của tình thương. Qua mầu nhiệm này, Thiên Chúa vô hình từ trời cao đã trở nên hữu hình và ở với loài người. Nhờ mầu nhiệm Nhập thể, chúng ta được gọi là “anh em”, là “đồng loại” của Chúa Giêsu. Sau này, chính Chúa Giêsu lại gọi các môn đệ là “bạn hữu” (x. Ga 15,15). Là người thật, Đức Giêsu cũng là Thiên Chúa thật. Trí khôn con người không thể suy thấu điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện vì yêu thương chúng ta.
Từ năm 1997, thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng đã thiết lập lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ là ngày Quốc tế của đời sống thánh hiến, với ước nguyện những ai dấn thân sống đời tu trì trở nên giống Chúa Giêsu và trở thành ánh sáng cho trần gian. Trong Năm Thánh Hy vọng này, các linh mục, tu sĩ và những người sống đời thánh hiến được mời gọi suy tư về niềm hy vọng của chính mình trong tiến trình theo Chúa Giêsu. Có thể nói, người tu trì là người sống niềm hy vọng một cách cụ thể và triệt để nhất. Vì giữa một thế giới đầy cạnh tranh tính toán và buông thả trong đời sống tính dục, tu sĩ là người tự nguyện sống độc thân, tuyên hứa ba nhân đức: Vâng lời, Khiết tịnh và Khó nghèo. Nếu người tu sĩ sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh trong cuộc sống này, là vì họ hy vọng vào đời sống vĩnh cửu. Họ cũng xác tín vào sự nâng đỡ của ơn Chúa, trong hành trình đi theo Người.
Trở nên ánh sáng thần thiêng, đó là ơn gọi của mọi Kitô hữu. Ơn gọi này được thể hiện trong nghi thức Bí tích Thanh tẩy, khi linh mục chủ lễ trao cho người được rửa tội (hoặc người đỡ đầu trong trường hợp rửa tội cho trẻ nhỏ), linh mục nói với người được rửa tội: “Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô”. Tiếp đó ngài ngỏ lời với cha mẹ và người đỡ đầu như sau: “Anh chị em thân mến, là những bậc làm cha mẹ và đỡ đầu, ánh sáng này được trao phó cho anh chị em chăm nom, tức là lo lắng cho những em được Chúa Kitô soi sáng, luôn luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin. Nhờ đó, khi Chúa đến, chúng được ra nghinh đón Người và toàn thể các Thánh trên trời”.
Nguyện xin cho mỗi chúng ta, dù sống bậc tu trì hay bậc gia đình, đều cố gắng trở nên ánh sáng giữa cuộc sống hôm nay.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên