Chân phước Pier Giorgio Frassati đã sống một cuộc đời thánh thiện (Hình ảnh: Luciana Frassati)
Chân phước Pier Giorgio Frassati được coi là một trong những vị Chân phước, vị thánh gần gũi và dễ tiếp cận nhất.
Pier Giorgio sống trong thế kỷ trước, cuộc đời ngài bao gồm cả những yêu thương và thử thách mà nhiều người có thể thấy bản thân mình trong đó. Ngài đã vật lộn với việc học tập và gặp một số khó khăn trong cuộc sống gia đình. Ngài có một nhóm bạn thân thiết và thích các hoạt động thể thao ngoài trời, ngài là vận động viên leo núi giỏi ở quê hương nước Ý.
Nhưng ngoài những đặc điểm này, Frassati còn rất nhiệt thành với đức tin Công giáo của mình. Sự nhiệt thành này thúc đẩy đời sống cầu nguyện, cũng như lòng yêu mến và âm thầm giúp đỡ những người nghèo khổ của ngài.
Trong cuốn sách “Khám phá Frassati và bước theo con đường nên thánh của ngài”, tác giả Christine Wohar kết hợp sự hiểu biết sâu sắc và lòng ngưỡng mộ Chân phước Pier Giorgio của cô để viết ra một tác phẩm vừa là tiểu sử vừa là cuốn sách tu đức. Wohar kết hợp các đoạn trích từ những bức thư của chính vị Chân phước và những giai thoại về cuộc đời ngài để khuyến khích độc giả noi theo gương mẫu đời sống của ngài.
Bìa sách “Khám phá Frassati và bước theo con đường nên thánh của ngài” (EWTN)
Để thêm thông tin cho những người chưa biết đến Pier Giorgio Frassati, ngài sống từ năm 1901 và qua đời vì bệnh bại liệt vào ngày 4 tháng 7 năm 1925, ở tuổi 24. Xuất thân trong một gia đình giàu có nhưng ngài đã sử dụng tài sản của mình để phục vụ người nghèo, đồng thời ra sức bảo vệ Đức tin trong thời kỳ phải đối mặt với nhiều sự thù địch ở Ý. Pier Giorgio được phong Chân phước vào tháng 5 năm 1990, và thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi ngài là “cậu bé trong Tám Mối Phúc Thật” để ghi nhận sự tận tâm của ngài với người nghèo.
Sự quan tâm của Wohar đến Chân phước Pier Giorgio bắt nguồn từ việc được cha xứ ngỏ ý đặt tên Frassati cho nhóm giới trẻ sắp thành lập. Từ đó, có thể nói cô đã bị mê hoặc bởi vị Chân phước trẻ tuổi này, và cô đã thành lập Frassati USA, tổ chức chuyên về việc phổ biến những công việc ngài đã làm và hồ sơ phong thánh của ngài.
Sự chuyên tâm của tác giả vào chủ đề của mình thể hiện ngay từ những trang đầu tiên của cuốn sách. Trong khi nhiều người viết tiểu sử về các vị thánh phải làm việc với các bản văn và ghi chép cổ xưa, Wohar đã có thể gặp gỡ các thành viên trong gia đình Chân phước Pier Giorgio, có cả chị gái của ngài, sau đó viết về những cuộc gặp gỡ và chuyến thăm gia đình của Chân phước. Điều này mang lại cho cuốn sách cảm giác gần gũi sinh động mà những cuốn tiểu sử khác, ngay cả những cuốn được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất, chưa chắc có thể mang lại.
Cuốn sách gồm 40 chương ngắn theo cấu trúc trích dẫn một trong số những bức thư của Chân phước Pier Giorgio, tiếp theo là một đoạn trích về tiểu sử của ngài. Sau đó, Wohar kết thúc chương bằng lời cầu nguyện ngắn và một lời mời gọi hành động lấy cảm hứng từ việc làm và kinh nghiệm của Chân phước Frassati.
Một số chương nhẹ nhàng hơn và tập trung vào mối quan hệ của Chân phước Pier Giorgio với chị gái, bố mẹ và bạn bè, cùng với đó là tình yêu âm nhạc và các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày. Một số chương khác “nặng đô” hơn tập trung vào đời sống cầu nguyện, lòng bác ái bất diệt và việc bảo vệ đức tin của ngài.
Trong một chương viết về việc thống hối, Wohar kể lại việc chân phước Pier Giorgio thường xuyên lãnh nhận bí tích này, bao gồm cả câu chuyện về một dịp xưng tội nơi vỉa hè khi ngài gặp một vị linh mục.
Trong một chương khác viết về sự hy sinh, Wohar tóm tắt quan điểm dễ hiểu của vị Chân phước:
“Điều mà Chân phước Pier Giorgio hiểu rất rõ từ khi còn trẻ là cuộc sống mang đến cho chúng ta nhiều dịp để hy sinh, cho dù chúng ta có muốn hay không. Chính phủ sẽ áp bức chúng ta. Gia đình chúng ta không hoàn hảo. Giáo hội có những thiếu sót. Người thân yêu sẽ làm tổn thương chúng ta. Những người là điểm tựa của chúng ta sẽ có ngày khuất núi. Nhưng tất cả những điều này cuối cùng sẽ qua đi. Bằng cách học cách kết hợp những đau khổ hiện tại của chúng ta với sự hy sinh đau khổ của Chúa Kitô, chúng ta có thể tham dự vào công việc vĩ đại cứu rỗi các linh hồn. Phần thưởng của chúng ta sẽ là hạnh phúc đời đời.”
Wohar cũng nhấn mạnh đức tính quảng đại của Chân phước Pier Giorgio, bao gồm việc ngài đến những khu dân cư nghèo khó để tiếp cận những người cần giúp đỡ nhất, thói quen âm thầm bố thí của ngài và thậm chí những dịp vị Chân phước thực sự cho người nghèo khó những chiếc áo khoác của chính mình. Với ví dụ này, cô khuyến khích độc giả dấn thân thực hiện những hành động quảng đại nhỏ bé.
Wohar cũng viết về cách Chân phước Pier Giorgio đã hết lòng vì Chúa.
“Người rảo quanh kiếm vụn bánh mì cho cá ăn cũng chính là người giúp gia đình nghèo khổ khiêng đồ đạc qua các con phố trên chiếc xe đẩy gỗ; ngài nhường vé xe buýt cho những ai cần và phải chạy bộ về nhà; ngài quỳ gối hàng giờ trước Bí tích Thánh Thể; và ngài sẽ nhịn ăn hoặc nhịn nước ngay cả khi leo núi nếu điều đó có nghĩa là giữ chay trước Thánh lễ. … Mỗi ngày, Chân phước Pier Giorgio đều chứng minh bằng hành động rằng ngài đã đón nhận hai điều răn trọng nhất. Ngài yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn hết trí khôn và thương người như thể bản thân mình vậy. Do vậy, không có việc cầu nguyện, ăn chay, bố thí hoặc hy sinh nào là quá nhiều.”
Cho dù bạn quan tâm đến việc tìm hiểu thêm về Chân phước Pier Giorgio Frassati hay một cuốn sách đạo đức – hoặc cả hai – “Khám phá Frassati” là một cuốn sách phù hợp cho Mùa Vọng và cả những dịp khác trong năm.
Lê Minh chuyển ngữ theo EWTN
Nguồn: dongten.net