“Bà sinh con trai đầu lòng” (Lc 2,7)
* Sợi chỉ đỏ:
- Bài đọc I là lời tiên tri của Isaia về việc Thiên Chúa ban Người Con của Ngài cho nhân loại.
- Bài đáp ca hát mừng ơn ban cao quý ấy: “Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta.”
- Bài Tin Mừng loan báo Người Con ấy đã sinh ra: “Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta.”
- Bài đọc II khẳng định việc Con Thiên Chúa sinh ra là một Ân sủng Thiên Chúa ban cho mọi người: “Ân sủng của Chúa đã đến với mọi người.”
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Sau mấy tuần chuẩn bị, đêm nay chúng ta cử hành lễ mừng Chúa giáng sinh. Một đứa trẻ yếu ớt sinh ra trong máng cỏ, trong hang súc vật. Nhưng đứa trẻ ấy chính là Chúa Cứu Thế. Là một vị Thiên Chúa, Ngài đã nhập thể làm người để cứu độ chúng ta. Đó là một hồng ân to lớn. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa.
Nhưng chúng ta cũng hãy ý thức rằng, việc Chúa Cứu Thế sinh ra tại hang đá Bêlem sẽ chẳng ích lợi gì cho chúng ta nếu như Ngài không sinh ra trong chính tâm hồn chúng ta. Vậy chúng ta cũng hãy mở rộng cửa lòng để cho Ngài đến và cư ngụ với chúng ta.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Trong Mùa Vọng, chúng ta chỉ lo chuẩn bị bề ngoài mà chưa chuẩn bị tâm hồn cho đủ để xứng đáng đón rước Chúa.
- Chúa Cứu Thế đã mang lấy thân phận của một người nghèo. Vậy mà từ trước tới nay chúng ta thường coi khinh những người nghèo.
- Chúa Cứu Thế là ánh sáng của sự lành và sự thiện. Vậy mà từ trước tới nay nhiều lần chúng ta trốn lánh ánh sáng để ngụp lặn trong bóng tối của tội lỗi.
1. Bài đọc I (Is 9,2-7):
Bối cảnh lịch sử: Dân Israel đang sống một thời kỳ hãi hùng: quân đội Assyria đã càn quét đất nước, đâu đâu cũng toàn cảnh điêu tàn đổ nát; dân chúng rên siết dưới ách thống trị bạo tàn của ngoại bang: “Dân tộc bước đi trong u tối”.
Nhưng giữa bóng tối hãi hùng đó, Isaia tiên báo một thời tươi sáng. Vì tin chắc tương lai tươi sáng ấy sẽ tới, nên tuy nói về tương lai nhưng Isaia đặt những động từ ở thì quá khứ, kể như sự việc đã xảy đến rồi: “Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết… Cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức, Chúa đã nghiền nát ra… Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi và một người con đã được ban tặng cho chúng tôi”.
Lời tiên tri của Isaia đã được ứng nghiệm khi Israel thoát khỏi ách thống trị của Assyria. Nhưng lời tiên tri này còn mang một chiều kích phổ quát hơn nhiều: sự cứu thoát ấy chỉ sẽ được thực hiện trọn vẹn nơi Đấng Messia.
2. Đáp ca (Tv 95):
Thánh vịnh 95 này là một bài ca diễn tả niềm hân hoan trào tràn đến tột độ: Con người bày tỏ niềm hân hoan bằng hát ca, nhảy múa. Con người còn kêu mời cả trái đất, biển khơi và các tầng trời chia sẻ niềm hân hoan của mình. Lý do của sự vui mừng to lớn ấy là vì Thiên Chúa đã đến.
3. Tin Mừng (Lc 2,1-14):
Giây phút quan trọng mà loài người mong chờ mấy ngàn năm đã điểm: Đấng Cứu Thế đã sinh ra. Điều đặc biệt là Ngài sinh ra một cách rất âm thầm, khiêm tốn và nghèo nàn: Bêlem nhỏ bé, máng cỏ, hang súc vật…
Dù vậy cả đạo binh thiên quốc hát mừng. Các ngài nói rằng đó là một tin mừng đặc biệt.
Và Tin Mừng đặc biệt này được gửi đến trước tiên cho những người chăn chiên nghèo khổ.
4. Bài đọc II (Tt 2,11-15):
Trong một đoạn thư rất ngắn chỉ có 5 câu, Thánh Phaolô vạch cho Titô thấy cả một “lịch sử cứu độ” rất dài gồm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn khởi đầu là tình thương bao la của Thiên Chúa: Ngài đã ban Đức Giêsu cho loài người. Đức Giêsu chính là “ân sủng” của Thiên Chúa.
- Giai đoạn sẽ đến là lúc Đức Giêsu lại xuất hiện trong vinh quang trong ngày Ngài trở lại. Khi ấy Đức Giêsu là “vinh quang” của Thiên Chúa.
- Giữa hai giai đoạn ấy là cuộc sống của người tín hữu: để đáp lại “ân sủng” của Thiên Chúa lúc khởi đầu, và để xứng đáng chia phần “vinh quang” trong ngày sau hết, tín hữu phải: “từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức”.
1. Ánh sáng bừng lên trong đêm tối
Tại sao Thánh lễ chính của Lễ Giáng sinh được cử hành ban đêm ? Phải chăng vì đó là thời gian thuận tiện cho giáo dân dự lễ ? Phải chăng vì bầu khí ban đêm làm cho cuộc lễ thêm phần huyền diệu và thánh thiện (như lời ca “Đêm thánh vô cùng”) ? Phải chăng để cho đúng với sự kiện lịch sử ngày xưa Chúa Giêsu sinh ra ban đêm ?
Các lý do trên đều có phần đúng. Nhưng lý do căn bản nhất là: Chúa Giêsu là ánh sáng, Ngài sinh xuống trần gian như Ánh sáng bừng lên trong đêm tối.
Đêm tối tượng trưng cho tội lỗi, bất hạnh, buồn sầu; Ánh sáng tượng trưng cho ân sủng, hạnh phúc, mừng vui.
Khi sinh xuống trần gian, Chúa Giêsu mang lấy trên mình tất cả tăm tối của loài người với bao tội lỗi, bất hạnh và buồn sầu, nhưng để ban lại cho loài người ánh sáng của Thiên Chúa bao gồm mọi ân sủng, hạnh phúc và mừng vui.
Thực ra, những sử gia còn chưa xác định được Chúa Giêsu sinh ra vào ngày nào tháng nào. Nhưng Giáo Hội đã chọn ngày 25 tháng 12 để cử hành Lễ Sinh nhật của Ngài vì hai lý do: a/ Đây là ngày mà mặt trời chiếu sáng nhất và là ngày dài nhất trong năm; b/ xưa kia ngày này là lễ mừng Thần Mặt trời của người Rôma ngoại giáo. Giáo Hội muốn chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu chính là Mặt Trời đích thực đánh tan tối tăm của tội lỗi và sự gian tà.
2. Lễ của người giàu hay của người nghèo ?
Trong dịp Lễ Giáng sinh, người ta chi tiêu rất nhiều: trang hoàng, tiệc mừng, thiệp chúc, quà tặng… Xem ra đây là lễ của người giàu.
Nhưng Đấng mà người ta mừng sinh nhật thì rất nghèo: cỏ rơm, hang súc vật, tã lót sơ sài… Những khách mời ưu tiên cũng là những người chăn chiên nghèo… Dấu chỉ mà thiên thần cho những người chăn chiên ấy dựa vào để nhận ra Chúa cũng là dấu hiệu nghèo: “Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Ngài: các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”. Vậy đây phải là lễ của người nghèo mới đúng.
Để cho Lễ Giáng sinh có ý nghĩa nghèo, người ta tổ chức thăm viếng, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo…
Thực ra tất cả những việc ấy chỉ mặc cho lễ Giáng sinh một chút dáng vẻ nghèo mà thôi. Tinh thần nghèo của Lễ Giáng sinh và của Đấng Giáng sinh phải thấm sâu vào và thể hiện ra:
- bằng một lập trường sống không thượng tôn tiền bạc như chúa tể,
- bằng một thái độ đối xử tôn trọng và yêu thương người nghèo,
- bằng một cách nhìn mới hẳn, thấy chính Chúa trong người nghèo: “Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Ngài: các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”.
3. Khởi đầu của một cuộc cách mạng
Những cuộc cách mạng thường khởi đầu một cách rất rầm rộ.
Biến cố Chúa Giêsu giáng sinh khởi đầu cho một cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong tất cả các cuộc cách mạng. Tuy nhiên sự khởi đầu này rất im lìm, nhỏ bé, bình thường: một đứa trẻ con nhà nghèo, sinh ra trong thiếu thốn, vào thời điểm âm thầm giữa đêm khuya, tại một nơi hẻo lánh hiu quạnh.
Nhưng suy cho kỹ thì sẽ thấy khởi đầu như vậy mới đúng hướng và vững chắc, vì điều mà Thiên Chúa muốn làm cách mạng thay đổi chính là cách sống ồn ào, vật chất, cao ngạo, tham lam.
Rồi đây, Nhà cách mạng Giêsu sẽ tiếp tục lớn lên trong khiêm hạ, sẽ chiêu mộ những đệ tử khiêm hạ, rao giảng một Tin Mừng khiêm hạ… Cuộc cách mạng của Ngài sẽ biến đổi cả thế giới.
Cuộc cách mạng của mỗi người chúng ta cũng phải bắt đầu như thế.
4. Vài mẩu chuyện Giáng sinh
a/ Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta
Một người kia không thể nào tin được việc Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang mà xuống thế mang lấy thân phận con người hèn hạ. Vì thế, đêm lễ Giáng sinh ông không cùng vợ con đi nhà thờ dự lễ, mà ở lại nhà.
Sau khi vợ con đã ra đi được một lúc thì trời bắt đầu đổ tuyết. Ông thầm nghĩ: đêm nay lễ Giáng sinh, ước gì tuyết rơi trắng hết mọi nơi. Một lúc sau, ông nghe một tiếng sột soạt, rồi tiếp theo là một tiếng nữa, và nhiều tiếng nữa, giống như có ai đó ném tuyết vào cửa sổ. Ông mở cửa nhà bước ra xem. Thì ra là một đàn chim đang lao đao trong mưa tuyết muốn bay vào cửa sổ nhà ông để tìm chỗ trú.
“Tội nghiệp những chú chim nhỏ bé. Mình phải tìm cách giúp chúng mới được”. Ông chợt nghĩ đến nhà kho của mình. Ông mặc áo ấm vào, đi ra cái kho sau nhà, mở cửa và gọi chúng vào. Nhưng bầy chim vẫn đứng im.
“Hay là chúng không thấy lối”. Ông bật đèn nhà kho lên. Rồi trở ra gọi chúng. Chúng vẫn đứng im.
“Lạ thế ! Hay mình đi lùa chúng vào”. Thế là ông đi đến chỗ cửa sổ, đưa tay lùa. Lũ chim chẳng những không bay theo hướng ông lùa, mà còn bay trốn tán loạn.
Cuối cùng ông mới hiểu ra: “Chúng sợ mình, vì chúng lạ với mình. Phải chi mình giống như chúng thì khi mình đến gần chúng sẽ không sợ nữa.”
Đúng lúc đó, một lời Tin Mừng từ nhà thờ vọng đến tai ông: “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Ông quỳ gối xuống và thưa: “Lạy Chúa, bây giờ con đã hiểu tại sao Chúa giáng sinh làm người như chúng con”.
b/ Món quà Giáng sinh
Một đôi vợ chồng trẻ, Gim và Đêla, tuy nghèo tiền của nhưng rất giàu tình thương đối với nhau. Giáng sinh sắp tới, Đêla tự hỏi phải tặng Gim món quà gì đây. Nàng muốn tặng chàng sợi dây cho chiếc đồng hồ của chàng. Nhưng nàng không có đủ tiền để mua. Vì thế nàng nẩy sinh một sáng kiến: Nàng có bộ tóc dài rất đẹp, nàng rất quý nó và rất hãnh diện vì nó. Nàng quyết định cắt ngắn bộ tóc và đem bán để mua cho Gim sợi dây đồng hồ.
Hôm áp lễ Giáng sinh, từ phố về, nàng cầm trong tay một chiếc hộp rất đẹp đựng sợi dây đồng hồ mạ vàng mà nàng vừa sắm được bằng mái tóc của mình. Bỗng nhiên Đêla cảm thấy lo lắng. Nàng biết Gim rất quý mái tóc dài của nàng. Nàng tự hỏi không biết Gim có buồn vì nàng cắt và bán nó đi hay không. Về tới nhà, Đêla mở cửa và thấy Gim đang đợi nàng. Tay chàng cầm một cái hộp thật đẹp đựng món quà chàng mới mua cho nàng. Khi nhìn thấy mái tóc ngắn của vợ, Gim như muốn khóc, nhưng chàng không nói gì cả. Cố trấn tĩnh, chàng trao cho nàng chiếc hộp xinh xắn. Mở hộp ra, Đêla rất đỗi bàng hoàng. Trong hộp là một bộ lược chải tóc bằng xà cừ rất đẹp. Còn chàng, khi mở món quà vừa nhận được từ tay vợ, Gim cũng ngỡ ngàng không kém. Chính lúc đó Đêla mới nhận ra rằng Gim đã bán chiếc đồng hồ vàng, món đồ quý nhất của anh, để mua lược chải tóc tặng nàng. Phút chốc cả hai đều hiểu rằng họ đã tặng nhau những gì quý giá nhất. Họ đã hy sinh tất cả cho nhau. (Trích “Món quà Giáng sinh”)
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế: Anh chị em thân mến,
Vì yêu thương nhân loại, Ngôi Hai Thiên Chúa đã từ trời xuống thế làm người, ở cùng chúng ta và chia sẻ mọi vui buồn của chúng ta. Với tâm tình cảm tạ tri ân Thiên Chúa là Tình yêu, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
1- Khi giáng sinh làm người / Đức Kitô đã khai mạc một kỷ nguyên mới / kỷ nguyên thái bình thịnh vượng mà các ngôn sứ loan báo thuở xưa./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội Thánh Chúa luôn tươi trẻ / hầu có thể thích nghi với mọi thời đại.
2- Đức Kitô đã mang thân xác yếu hèn của nhân loại khi xuống thế làm người./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho người mù được thấy / kẻ đau yếu mau lành bệnh / và những tâm hồn đau khổ được an vui.
3- Đức Kitô đã sinh ra trong cảnh nghèo hèn tại hang Bêlem./ Chúng ta hiệp lời cầu xin Người an ủi / nâng đỡ những ai đói rách bần cùng.
4- Đức Kitô giáng sinh mang sứ điệp yêu thương và vui tươi đến cho nhân loại./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết chia sẻ tình thương và niềm vui / với những người nghèo khổ, bất hạnh đang sống chung quanh mình.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu là Chúa hòa bình, là Vua tình thương. Chúa đang ngự giữa chúng con để an ủi, nâng đỡ và khích lệ chúng con bước theo chân Chúa. Xin cho tình thương hải hà của Chúa luôn hướng dẫn chúng con trong cuộc hành trình về quê trời. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Sau kinh Lạy Cha, chủ tế chêm vào vài lời nhấn mạnh đến sứ điệp lễ Giáng sinh: “Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, nhất là sự dữ phải sống trong bóng tối của tội lỗi, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an, sự bình an cho những người thiện tâm mà thiên thần Chúa hát mừng trong đêm Chúa giáng sinh. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp….”
- Chúc bình an: Trong đêm Chúa giáng sinh, các thiên thần đã hát “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Chúng ta hãy chúc cho nhau được bình an và cầu cho nhau trở thành những kẻ thiện tâm.
VII. GIẢI TÁN
Dùng công thức ban phúc lành cuối lễ long trọng của lễ Giáng sinh (Sách lễ Rôma, xuất bản 1992, trang 576)
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái