Sa-lô-môn là một nhân vật hấp dẫn trong Kinh thánh. Ông được biết đến với sự khôn ngoan không ai sánh bằng và sự giàu sang vô biên, ông cũng được biết đến chẳng hay ho gì về việc quay lưng lại với Chúa vào cuối cuộc đời. Ai chưa từng nghe về hàng ngàn người vợ và cung phi ngoại bang đã làm hư hỏng vua Giêrusalem? Tuy nhiên, trước khi "yêu" những người phụ nữ này (1V11,1), Sa-lô-môn đã "yêu" Chúa (1V 3,3) và hết lòng tận tụy với Ngài. Ngay cả tên thứ hai của Sa-lô-môn, Giơ-đi-đơ-gia (2S12,25) có nghĩa là "người được Thiên Chúa yêu mến" cũng chỉ ra sự yêu thương đặc biệt của Thiên Chúa dành cho con trai của Đa-vít. Vì vậy làm sao chúng ta có thể giải thích được sự mâu thuẫn nổi bật cho triều đại của Sa-lô-môn? Làm sao danh vọng và đau khổ có thể cùng tồn tại chặt chẽ trong cuộc đời của cùng một người? Có lẽ câu chuyện về Sa-lô-môn mang lại cho chúng ta một số điều mấu chốt cho đời sống đức tin của chúng ta.

Một tâm hồn biết lắng nghe

Chúng ta hãy khởi đi từ đầu : Sa-lô-môn là một chàng trai còn rất trẻ khi lên ngôi vua Israel. Trong giai đoạn lập quốc của ông, chúng ta thấy ông đến ngọn đồi Ghíp-ôn nhìn xuống Giê-ru-sa-lem để cầu khẩn Đức Chúa là Thiên Chúa của ông và thượng tiến lễ toàn thiêu. Đức Chúa đã mặc khải chính Ngài cho ông vào ban đêm, trong một giấc mộng. Chúng ta cần lưu ý rằng đây là một đặc ân lớn lao. Thật vậy, trong suốt triều đại của mình, Sa-lô-môn không bao giờ được các tiên tri trợ giúp. Ông không cần họ vì Thiên Chúa đã trực tiếp nói chuyện với ông. Sa-lô-môn đã có không dưới bốn cuộc đàm đạo với Đức Chúa trong suốt cuộc đời của mình (1V 3,5-15; 6:11-13; 9:1-19; 11:11-13).

Trong lần hiện ra đầu tiên của Chúa tại Ghíp-ôn, Sa-lô-môn đã tự giới thiệu mình trước Thiên Chúa như một nhà lãnh đạo non kém. Ông cầu xin Chúa ban cho ông phẩm chất tối cao, và theo logic Kinh thánh, điều đó có nghĩa là lắng nghe. Theo nghĩa đen, ông cầu xin "một tâm hồn biết lắng nghe" (1V 3:9). Lắng nghe là thái độ tự nhiên của người tin Chúa, người liên tục đón nhận chính mình từ Một Đấng Khác, từ Thiên Chúa: "Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em) (Đnl 6, 4-5). Lắng nghe gắn liền với đức tin, vì nó cho phép bản thân được định hình, giáo dục và hướng dẫn bởi lời đến từ Thiên Chúa. Sự cao quý trong tâm hồn của chàng trai trẻ Sa-lô-môn làm Đức Chúa hài lòng, Người quyết định ban cho ông hoa trái đẹp nhất của việc lắng nghe, đó là đức khôn ngoan.

Ơn khôn ngoan

Trong bối cảnh của vùng Cận Đông cổ đại, khôn ngoan thuộc tính hoàng gia đặc biệt. Khôn ngoan là gì? Đó là sự hiểu biết vừa mang tính thực tế vừa mang tính bách khoa. Nó liên quan đến mọi thứ trên thế giới. Khoa học này đòi hỏi kiến thức về các quy luật chi phối vũ trụ và mọi thứ trong đó: các vì sao trên bầu trời, nhịp điệu của các mùa, vòng đời của thực vật và động vật. Khôn ngoan cũng bao hàm sự thành thạo hoàn hảo về các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội, chẳng hạn như quản lý các dân, quan hệ quốc tế, nghệ thuật ngoại giao và sự thịnh vượng của một vương quốc.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi đọc trong các chương kể lại cuộc đời của Sa-lô-mon (1 V 3, 10), chúng ta thấy ông được toàn thể Israel công nhận là một thẩm phán chí công, có khả năng phân biệt ngay cả trong những tình huống rắc rối. Trong một phán quyết nổi tiếng, Sa-lô-môn đã phải giải quyết một cuộc tranh chấp giữa hai người gái điếm. Cả hai đều tuyên bố là mẹ hợp pháp của cùng một đứa trẻ, nhưng Sa-lô-môn đã thành công trong việc phân biệt sự thật với lời nói dối. Sự khôn ngoan của Sa-lô-môn đã được toàn thể dân chúng nhìn nhận.

Những công trình danh giá nhất của ông

Sa-lô-môn cũng bảo đảm chính sách nội các của vương quốc mình bằng cách bổ nhiệm các tổng trưởng cho mỗi vùng. Ông giữ vững hòa bình trên khắp biên giới của mình. Triều thần và khách của ông rất đông đến nỗi cần không dưới ba mươi con bò và một trăm con cừu, không kể thịt thú rừng và gia cầm để nuôi họ mỗi ngày (1V 5, 2-3). Danh tiếng về sự khôn ngoan và giàu có của ông đã đồn thổi đến tai các vị vua trên mặt đất, thậm chí xa tận vương quốc Sê-ba, nằm bên kia rào chắn sa mạc dài 3.000 km (1V10). Tất cả những điều trên không chỉ nhấn mạnh đến sự vượt trội của nhà vua, cũng không phải tính hợp pháp của người dân Israel khi được công nhận là một dân tộc rất vĩ đại, nhưng tren hết, điều được khẳng định là sự vô song của Thiên Chúa của Israel, như chúng ta sẽ nhìn thấy bây giờ.

Thật vậy, những điều chính yếu về Sa-lô-môn vẫn chưa được nói đến. Năm chương dài (1V 5-9) dành để mô tả về công trình danh giá nhất của Sa-lô-môn: Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Bất kỳ vị vua nào xứng đáng với địa vị của mình đều được kỳ vọng sẽ chứng minh lòng trung thành của mình với Thiên Chúa bằng cách xây dựng một đền thờ cho Ngài hoặc ít nhất là cải tạo đền thờ. Đa-vit đã bị chính Thiên Chúa loại khỏi nhiệm vụ này vì máu mà ông đã đổ trong các cuộc chinh phạt của mình (1 Sbn 22,8). Do đó, con trai ông là Sa-lô-môn đã xây dựng Đền thờ Giê-ru-sa-lem đầu tiên. Đền thờ là nơi có sự hiện diện của Chúa và vì vậy, là nơi gặp gỡ với Ngài. Đó là nơi mà người ta dâng các lễ vật và lời cầu nguyện. Toàn bộ đời sống của vương quốc được đánh dấu bằng nghi lễ mà người ta cử hành tại đó. Khi xây dựng Đền thờ này, Sa-lô-môn là một vị vua hoàn hảo. Thiên Chúa đã trợ giúp và chúc phúc cho ông trong mọi việc mà ông có trách nhiệm phải thực hiện, ít nhất là cho đến khi ông về già.

Thời kỳ bất trung

Chỉ đến cuối cuộc đời, khi Sa-lô-môn về già, ông gắn bó hơn với những người vợ ngoại bang và thần tượng của họ hơn là với Đức Chúa (1V11,4). Thậm chí, ông còn xây dựng đền thờ cho những vị thần ngoại bang đó. Vì trọng tội này, vương quốc thịnh vượng sớm bị chia cắt sau khi nhà vua qua đời. Bị suy yếu, Israel sẽ không bao giờ được biết đến một vinh quang như vậy nữa. Chúng ta có nên buồn vì cái kết thảm hại của Sa-lô-môn không? Chúng ta có bị sốc vì điều đó không? Bản thân câu chuyện trong Kinh thánh, mặc dù không che lấp tội lỗi của Sa-lô-môn trong lúc tuổi già, nhưng cũng không đề cập đến nó. Những lời cuối cùng liên quan đến Sa-lô-môn trong 1V11,41 chỉ lưu giữ một ký ức về ông: đó là sự khôn ngoan của ông. Nhiều năm sau đó, bốn cuốn sách thậm chí còn được cho là của ông: sách Châm ngôn, Diễm Ca, Giảng Viên, cũng như sách Khôn ngoan. Do đó, hậu duệ của vị vua khôn ngoan này vẫn tiếp tục lan rộng, mặc dù ông đã bất trung với Đức Chúa. Làm thế nào để hiểu điều đó?

Tội lỗi và sự tha thứ

Câu trả lời được tìm thấy trong lời cầu nguyện ở chương tám của sách Các Vua thứ nhất. Lời cầu nguyện này nằm chính xác ở trung tâm của câu chuyện dài về Sa-lô-môn. Đền thờ ở Giê-ru-sa-lem vừa mới được hoàn thành. Thiên Chúa ngự xuống đền thờ qua đám mây bao phủ toàn bộ không gian, đến mức các thầy tư tế phải rời đi. Sau đó, nhà vua phải thay mặt cho toàn dân và cầu nguyện với Đức Chúa (1V 8,30-61). Lời cầu nguyện hoàn toàn được trình bày khởi đi từ khái niệm về sự tha thứ. Sa-lô-môn cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho dân của mình trước vì những thiếu sót của họ và tiếp tục bảo vệ họ mặc dù họ có thể không chung thành. Nhất là, Sa-lô-môn thốt ra một câu rất ngắn nhưng cực kỳ thích đáng: " thật thì không người nào mà không phạm tội" (1V8, 46).

Câu này mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa hiện thực cũng như chủ nghĩa bi quan. Ngay cả Vua Sa-lô-môn, người thốt lên câu này, cũng là và biết mình là một tội nhân. Nhưng tội lỗi không chiếm ưu thế, vì Chúa có thể ban sự tha thứ cho ông. Người tin Chúa biết điều này và không bao giờ tuyệt vọng về bản thân. Sa-lô-môn có thể là vua, nhưng ông là một tội nhân. Nhận thức được điều này, ông hoàn toàn giao phó bản thân cho Thiên Chúa của mình, mà không chiếm đoạt vương quyền, vinh quang hay quyền lực. Ông thực sự là và vẫn là người khôn ngoan mặc dù ông phạm tội. Câu chuyện về Sa-lô-môn không hề mất đi tính thời sự, ngay cả ba ngàn năm sau!


Chuyển ngữ: Lm Gioakim Nguyễn Xuân Văn

Theo Alététia, Emanuelle Pastore

Link: aleteia.org/2025/06/05/que-nous-dit-salomon-a-la-fois-sage-et-pecheur-pour-notre-vie-chretienne/