Phục Sinh là sự kiện lịch sử nghĩa là sự kiện có thật. Sự kiện ấy được thánh sử Gioan miêu tả vừa hiện thực nhưng cũng rất nhiệm màu. Hiện thực là bởi các “tang chứng và vật chứng” về sự phục sinh của Chúa Giêsu là không thể phủ nhận. Một ngôi mộ được dùng để an táng Chúa Giêsu đã được bao phủ bởi một tảng đá lớn và được canh giữ bởi những quân lính thì đã trở thành một “ngôi mộ trống”. Những chiếc khăn liệm của sự u buồn chết chóc bao phủ thân xác của Chúa Giêsu đã được cởi bỏ. Dẫu cho bà Maria Mađalêna được chứng kiến những bằng chứng đó, nhưng sự kiện Phục Sinh vượt quá lý trí và sự hiểu biết, nên bà chỉ có thể hoảng hốt mà thốt lên rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Nhưng với con mắt đức tin và với sự hiểu biết về Thầy mình thì môn đệ được Chúa yêu mến đã tin vào sự Phục Sinh. Sau khi chứng kiến các bằng chứng và xâu chuỗi các sự kiện thì “Ông thấy và ông tin”. Vì thế, sự kiện Phục Sinh vừa hiện thực để chúng ta thấy nhưng cũng nhiệm màu để đòi hỏi chúng ta phải có đức tin.

Phục Sinh đem đến nguồn sức mạnh bởi vì nếu Chúa Giêsu chịu chết mà không sống lại thì Ngài đơn thuần cũng chỉ là một vĩ nhân. Tất cả niềm tin vào Ngài sẽ chỉ là hão huyền và sẽ được mãi mãi chôn cất trong nấm mồ cùng với thân xác của Ngài. Tất cả những lời chứng và giảng dạy trước đó của Chúa Giêsu sẽ “đổ sông, đổ bể” và sẽ chẳng có ai tin vào Ngài.

Nhưng Chúa Giêsu đã thật sự từ cõi chết sống lại. Sự kiện Phục Sinh đã thổi một nguồn sức mạnh vĩ đại vào những ai tin theo Chúa. Cách rõ nét nhất là các môn đệ, những người đã hoảng loạn kinh hãi chạy trốn khi Chúa bị bắt và tử hình, bỗng nhiên trở nên dũng cảm lạ thường loan báo niềm vui Phục Sinh bằng cả tính mạng của mình. Họ không dại dột đánh cược mạng sống của mình cho một người chết nhưng cho một Đấng mà họ đã thấy Phục Sinh. Với họ, họ sẵn sàng chết cho Đấng đã Phục Sinh bởi vì có Đấng Phục Sinh thì Thần Chết trở nên vô nghĩa. Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần và sống lại vinh quang. Sự kiện Phục Sinh của Ngài đã trở nên nguồn sức mạnh không gì có thể cản nổi cho các tông đồ cũng như cho Hội Thánh đến tận ngày hôm nay.

Phục Sinh đem đến niềm hy vọng. Chúng ta hãy tưởng tượng đặt mình vào vị trí của các môn đệ Chúa khi xưa, được chứng kiến tận mắt Thầy mình chết và ba ngày sau thì tận mắt chứng kiến Ngài sống lại thì chúng ta sẽ thế nào? Chắc chắn chúng ta cũng sẽ như các môn đệ; sẽ đi từ thất vọng đến hy vọng, từ nước mắt u buồn đến nụ cười của sự sung sướng và hạnh phúc. Cuộc hành trình vào thành Giêrusalem không kết thúc bởi sự chết và đau khổ trên thập giá, cũng chẳng phải là nấm mồ mang thân xác Chúa Giêsu nhưng là sự Phục Sinh của Ngài. Đó chính là cội nguồn của niềm hy vọng chúng ta.

Để sống niềm hy vọng Phục Sinh đích thực, chúng ta phải có đức tin mạnh mẽ như môn đệ mà Chúa yêu mến, “ông thấy và ông tin”. Chúng ta không được diễm phúc như các môn đệ là tận mắt chứng kiến Chúa Phục Sinh nên đức tin của chúng ta đôi khi “mờ - tỏ” và bất ổn. Tuy nhiên, chúng ta có thể cảm nhận được nguồn sức mạnh của niềm tin Phục Sinh được lan tỏa khắp nhân gian như chính ánh sáng của ngọn nến Phục Sinh được thắp vào đêm vọng Phục Sinh để thấy một sự thật là Chúa Giêsu đã Phục Sinh vinh hiển. Chúng ta có thể “xem quả mà biết cây”, nhìn thực tế để biết nguyên nhân.

Phục Sinh không chỉ củng cố đức tin của mọi người tín hữu, nhưng còn đem đến cho chúng ta như những người đang hành hương, một niềm hy vọng lớn lao, để tất cả những ai tin vào Chúa Kitô Phục Sinh thì sẽ được hân hoan trỗi dậy như Ngài. Phục Sinh chính là nguồn sức mạnh và là niềm hy vọng của chúng ta. Amen.

Lm. Jos Nguyễn Huy