Tôi thực sự cảm thấy ấn tượng và tâm đắc với lời khẳng định trên đây của Cha chủ tế trong bài giảng Thánh lễ sáng Chúa nhật tại Nhà Dòng. “Nhân tri sơ, tính bản thiện” – thật vậy, ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, tạo hóa đã khắc ghi vào trong trái tim con người lòng trắc ẩn, tình yêu và lòng bao dung không giới hạn. Thế nên, khi tôi sống trọn hảo cái “thiện tâm” ấy với tha nhân và vạn vật, đó cũng là lúc tôi thực sự sống trọn vẹn phiên bản nguyên thủy của chính mình.

Thiên Chúa là tình yêu, và con người được tạo tác theo hình ảnh của Thiên Chúa. Tuy nhiên, gánh nặng trách nhiệm với cuộc đời đã khiến “phiên bản gốc” ấy méo mó dần theo năm tháng. Hậu quả là những vết nứt ngày một lan rộng trong các mối quan hệ: lòng ghen tỵ âm thầm xâm nhập, ích kỷ dần trỗi dậy, tranh chấp bùng nổ, hận thù chất chồng, chia rẽ sâu đậm, và sự ngờ vực âm thầm phá vỡ từng mảnh ghép niềm tin. Càng ngày con người càng thu hẹp mình trong ốc đảo của chủ nghĩa cá nhân, chỉ quan tâm vun vén cho lợi ích cá nhân mà vô cảm trước khổ đau của đồng loại.

Bài Tin Mừng Chúa nhật XV thường niên – Năm C kể lại câu chuyện người Samari nhân hậu – một kẻ ngoại đạo, nhưng đã thể hiện tuyệt vời lòng trắc ẩn đối với tha nhân. Dẫu anh không được học bộ luật Mô-sê, không biết đến Mười Điều Răn, cũng chưa từng được nghe giảng giải về lòng bác ái trong mỗi Thánh lễ Chúa nhật, nhưng anh đã ghi điểm tuyệt đối về tấm lòng yêu thương dành cho người khác.

Có lẽ hôm nay, đâu đó trong các góc nhỏ của Giáo hội, vẫn còn “tình cờ” xuất hiện những thầy tư tế, thầy Lê-vi của thời đại mới – vì bộn bề với công việc mục vụ mà “vô tình” làm ngơ trước hoàn cảnh khốn khổ của những con người bé nhỏ đang rất cần một lời an ủi, một bàn tay nâng đỡ.

Trong kỳ tĩnh tâm vừa qua, Cha giảng phòng đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện sâu sắc về lòng trắc ẩn. Vào một buổi chiều đẹp trời, sư thầy và các đồ đệ ra sông tắm mát. Khi thầy trò đang vui đùa và trò chuyện bên dòng nước, sư thầy bất chợt phát hiện một con bọ cạp nhỏ bé đang chới với giữa dòng. Nó cố gắng vùng vẫy giành giật sự sống trước khi bị cuốn trôi. Động lòng thương, sư thầy bèn lấy một chiếc lá làm phao cứu hộ cho nó. Nhưng khi chiếc lá vừa được đưa đến gần, con bọ cạp hoảng loạn vùng vẫy, khiến lá bị lật úp, và nó rơi trở lại dòng nước, trôi đi trước ánh mắt bất lực của thầy. Không bỏ cuộc, sư thầy quyết định dùng tay vớt con bọ cạp lên và hất nó vào bờ. Thế nhưng, thay vì đáp lại ơn cứu mạng, nó lại chích một phát đau điếng vào tay vị ân nhân, khiến bàn tay sư thầy sưng tấy lên. Các đồ đệ xúm lại quanh thầy, vừa lo lắng vừa trách: “Thầy sao quá dại dột! cứu con bọ cạp làm gì, rồi để nó chích thầy đến thế này.” Dẫu vết thương ngày càng sưng tấy và đau nhức, sư thầy vẫn tươi nét mặt và ôn tồn nói với các đồ đệ: “Bản chất của bọ cạp là chích, còn bản chất của thầy là yêu thương. Tại sao thầy phải đánh mất chính mình chỉ vì con bọ cạp đã sống đúng với bản chất của nó?

Bạn thân mến, từ những điều giản đơn nhưng sâu sắc ấy, chúng ta nhận ra rằng phiên bản gốc của mỗi con người chính là phản ánh dung mạo tình yêu của Thiên Chúa. Lời Đức Giê-su nói với người thông luật năm xưa cũng là lời Chúa đang thì thầm bên tai bạn và tôi hôm nay: “Con hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Luce

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org