Ơn gọi Linh mục : Niềm vui đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.

Tác giả : Đức Cha Matthieu Rougé - Giám mục Giáo phận Nanterre (Pháp)

Rất nhiều người tưởng tượng rằng lời mời gọi của Thiên Chúa nhất thiết phải liên quan đến một loại hình thức biến động mạnh trong tâm hồn, và rằng Thiên Chúa chỉ có thể nắm bắt được sự tự do của chúng ta, khi Ngài trói buộc nó bằng sức mạnh của một vinh quang rạng rỡ, hay một sự xác thực bên trong nội tâm qua cách thế bắt buộc và đột ngột. Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại hình ảnh của ngôn sứ Êlia trên núi Horeb (1 V, 9-14): Đức Chúa không ở trong cơn bão lớn, cũng không ở trong trận động đất, cũng không phải trong lửa, nhưng trong tiếng động khẽ của một làn gió nhẹ. Thông thường, Thiên Chúa không hành động trong đời sống của chúng ta bởi những điều áp đặt bắt buộc không thể ngăn cản, mà bởi làn gió nhẹ của Thần Khí, điều này đưa chúng ta bước vào trong sự chuyển động với sự tinh tế nơi thẳm sâu tự do của mỗi người chúng ta. 

Làm thế nào chúng ta có thể nhận thức được sự tinh tế này của Thần Khí, nếu không có sự tinh tế của tâm hồn? Làm thế nào để nghe tiếng khẽ của làn gió nhẹ thần thiêng, mà không giữ cho mình thái độ im lặng để lắng nghe? Cột mốc đầu tiên trong lời mời gọi của Đức Chúa là sự giáo dục chính bản thân mỗi người về cách thức đón nhận lời mời gọi, về sự phân định thiêng liêng, và về khoảng cách cần thiết đối với guồng quay hoạt động của cuộc sống hàng ngày. Điều này hướng chúng ta đến việc đạt được một khả năng để trưởng thành trong những lựa chọn, và khắc ghi những lựa chọn ấy trong thời gian. Một nhà văn nổi tiếng của Pháp, Georges Bernanos nói rằng: “Tội lỗi khiến chúng ta chỉ sống trên bề mặt bên ngoài của chính mình.” Tội lỗi, chính là chứng điếc với tất cả các lời mời gọi của Thiên Chúa, bao vây chúng ta trong sự hời hợt giả tạo, ngăn cản chúng ta bước vào trong chính mình, để khám phá những gì chúng ta thực sự muốn, và những gì Thiên Chúa muốn nơi chúng ta.

Như thế, ý tưởng về ơn gọi sẽ bị mắc kẹt và bị giam hãm trong ảo tưởng rằng: Thiên Chúa chỉ mời gọi chúng ta trong một tiếng nói lớn và không hề có yếu tố của đời sống nội tâm, của suy ngẫm, của tự do đích thực trong chọn lựa. Một cách rất thường xuyên, chúng ta hay diễn tả cách châm biếm lời mời gọi của Thiên Chúa: lời mời gọi của Ngài nhất thiết phải là một hình thức của sự bùng nổ rất vang vọng. Nhưng thực tế, chúng ta tốt hơn nên tự vấn chính mình về sự điếc trong tâm hồn của những người thờ ơ, không chú ý đến sự bùng nổ trong lời kêu gọi của Thiên Chúa. Những người trẻ ngày này không dám tự nói là được kêu gọi, nếu họ không có cảm nhận đã trải qua kinh nghiệm của một “cuộc gặp gỡ mật thiết với Thiên Chúa”.  Những người trẻ khác, họ không đón nhận được sự giáo dục của tâm hồn, chính sự giáo dục tâm hồn này cho phép họ nhận ra lời mời gọi và đón nhận, cảm nghiệm những chuyển động vô cùng sâu thẳm cũng như bình an nơi tâm hồn.

Nguy cơ thờ ơ để Thiên Chúa lướt qua cuộc đời chúng ta

Một sai lầm khác đến từ việc nghĩ rằng: nếu một lời gọi như thế thực sự đến từ Đức Chúa, lời mời gọi ấy sẽ nhất thiết phải thành công, đạt kết quả hoàn tất. Người ta chỉ cần để mình trôi theo cuộc sống sắp đặt, để chắc chắn hoàn thành ‘‘vận mệnh tiền định’’ của mình. Chủ thuyết số mệnh này không phải là giáo lý của đạo Công giáo. Thiên Chúa đã trao ban cuộc sống và sự tự do trong bàn tay của mỗi người chúng ta. Mỗi người, đối với bản thân mình cũng như đối với mọi người trên thế giới, phải là một ‘‘người quản lý ân sủng của Thiên Chúa’’, người có thể làm sinh lợi hoa trái ân sủng hoặc cũng có thể làm lãng phí những ân phúc thiêng liêng. Như thế, mỗi người chúng ta, khi bỏ bê lời mời gọi của Thiên Chúa, đều có nguy cơ lắng nghe lời này: ‘’Người đầy tớ tồi tệ và biếng nhác!’’ (Mt 25, 26), giống như người đầy tớ thứ ba trong dụ ngôn những người đầy tớ tài giỏi. Ngày nay, vẫn còn có những ơn gọi xác thực được chôn giấu bởi sự chểnh mảng, cẩu thả, bởi sợ hãi, bởi chủ nghĩa đám đông, hình thức, bởi sự lười biếng trong chiều kích nhân bản và thiêng liêng.

Thật đáng buồn khi chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng, đã yêu thích ‘‘những của cải vật chất’’ hơn là lời mời gọi của chính Con Thiên Chúa!  Thật vậy, những của cải vật chất nào có thể so sánh với niềm vui trở thành người phục vụ và là người bạn của Chúa Giêsu? Vì bởi sợ hãi, bởi sự đóng cửa trái tim, bởi sự hẹp hòi trong tâm hồn và đường hướng tương lai, chàng trai trẻ trong Tin Mừng, giống như rất nhiều người khác kể từ đó, đã yêu thích tích trữ của cải trần thế hơn là cuộc phiêu lưu trong hành trình của đời sống ơn gọi dấn thân. Chúa Giêsu đã đi qua, chàng thanh niên cũng đã được kêu gọi, anh nhận thức được lời mời gọi của Chúa Giêsu, nhưng chàng trai trẻ này đã bỏ lỡ những gì có thể là cơ hội trong cuộc đời mình.  Và lịch sử, thậm chí là chiều kích thiêng liêng, không phải lúc nào cũng lặp lại những lời mời gọi như vậy.

Ngày nay, có những người thanh niên trẻ mà Thiên Chúa mời gọi, và họ cũng biết điều đó dù ít hay nhiều. Nhưng họ bỏ bê sự cố gắng để thích hợp với ơn gọi này, họ sợ xem xét, cân nhắc lời mời gọi này trong suy nghĩ. Họ sẽ có thể xây dựng cuộc sống của họ một cách khác biệt, theo một cách đẹp đẽ và tốt đẹp trong hầu hết các trường hợp, nhưng tâm hồn họ sẽ vẫn ít nhiều được đánh dấu một cách có ý thức, bởi một nỗi buồn khách quan, một sự hụt hẫng liên quan đến niềm vui được hứa hẹn dành cho họ. Thật đáng buồn khi Giáo hội khắp nơi thiếu các linh mục, nhưng có lẽ còn đáng buồn hơn nữa, nếu những người nam được mời gọi trong thiên chức Linh mục mà thiếu đi niềm vui của người phục vụ, và niềm vui chứng nhân của Tin Mừng Cứu Độ.

Thiên Chúa kêu gọi và khơi dậy một khát vọng

Ân sủng và lời mời gọi của Thiên Chúa không xâm phạm sự tự do của con người, nhưng ân sủng và lời mời gọi ấy là một cách thế bước đi trong tình yêu thương để đến gặp gỡ Thiên Chúa, như Đức Cố Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI đã lặp đi lặp lại một cách đẹp đẽ trong Thông điệp đầu tiên của Ngài, ‘‘Thiên Chúa là Tình Yêu’’ (Deus Caritas est).  Thiên Chúa gợi lên một sự thúc đẩy có chủ ý, bằng cách khơi dậy trong con người ta một ước muốn, giống như người lớn khơi dậy những bước chân tự do của đứa trẻ bằng cách gọi nó với tình cảm trìu mến và dang rộng vòng tay. Những người phục vụ theo lời mời gọi của Thiên Chúa, trong tinh thần này, phải thể hiện, cách tích cực và sáng tạo, sự mong muốn của chức tư tế thừa tác là cần thiết biết bao đối với Giáo Hội.

Thật là một điều tốt đẹp khi chức tư tế thừa tác ngày nay không còn được ước muốn chỉ vì những lý do không phù hợp (sự thăng tiến như ngoài xã hội, hương vị của quyền lực) hay được cho là gây thiệt hại đối với ơn gọi của những người giáo dân. Nhưng thật đau khổ khi ơn gọi linh mục được cảm nhận, theo một cách chung nhất ngày nay, như một tình trạng sống nhàm chán và đầy rẫy những khó khăn. Vị linh mục theo lối suy nghĩ như vậy nhất thiết sẽ bị cô lập, quá tải, bị thiệt thòi, bị gạt ra khỏi đời sống chung. Trong khi đó ngược lại, vị linh mục ấy hoàn toàn có thể sống một sự hiệp thông đặc biệt sâu sắc với những người mà ngài gặp gỡ, ngài dành thời gian của mình để giúp giải phóng những gánh nặng của những ai tìm đến với vị linh mục, ngài cũng luôn duy trì và cân nhắc quyết định quan trọng nhất với kinh nghiệm.

Do đó, ý tưởng về ơn gọi phải được giải thoát khỏi một quan niệm khắc nghiệt, sai lệch về ân sủng. Quan niệm về ơn gọi luôn luôn lớn và phát xuất từ sự tự do con người - một sự tự do không bị xóa nhòa. Quan niệm về ơn gọi cũng phải được giải thoát khỏi ảo tưởng rằng: Thiên Chúa muốn hành động trong chúng ta mà không cùng với chúng ta, đến mức biến đổi sự tự do của chúng ta chỉ còn là chờ đợi một cách thụ động kết quả của các hành trình, đã được tính toán từ trước. Ý tưởng về ơn gọi trên hết phải được phục vụ tích cực bởi ánh sáng của lòng nhiệt huyết về những ân huệ và lời mời gọi của Đức Chúa.

Một lời hứa của niềm vui

Cũng giống như có những niềm vui trong đời sống hôn nhân, mà chỉ có vợ hoặc chồng mới có thể trải nghiệm, thì cũng có những niềm vui hoàn toàn độc đáo trong đời sống linh mục. Ví dụ: niềm hạnh phúc của một vị linh mục trong ngày Chúa Nhật: hạnh phúc khi rao giảng, chia sẻ Lời Chúa, những lời nói khắc họa tình yêu Thiên Chúa dành cho dân của Ngài ;  hạnh phúc khi cử hành Bí tích Thánh Thể, để ban phát Mình Máu Thánh Chúa cho mọi tín hữu, hiệp thông cách sâu sắc trong những niềm vui, những đau khổ, những thắc mắc, và cả hành trình sống của mọi Kitô hữu ; hạnh phúc của tình yêu thương trong những cuộc đối thoại, trò chuyện trên sân nhà thờ ; hạnh phúc trong các buổi cử hành Bí tích Rửa Tội, trong các cuộc gặp gỡ các đôi hôn phối. Tối Chúa Nhật thường là thời điểm kiệt sức nhưng thực sự người linh mục chìm đắm trong niềm vui. Và quả thật: Làm thế nào những người được mời gọi lại có thể bỏ bê hay từ chối một lời hứa về niềm vui lớn lao như thế?


Nguồn : Famille Chrétienne

https://www.famillechretienne.fr/24198/article/vocation-au-sacerdoce-la-joie-de-repondre-a-lappel-du-seigneur