Những gì anh mang trên khuôn mặt mình, từ lâu anh đã mang nó trong lòng: một cảm giác khác người, đôi khi bị loại trừ, đôi khi bị khinh thường. Nhưng trong sự mong manh này, Chúa Kitô đã tìm thấy anh, và lại tìm thấy anh trong những lúc khó khăn. Nikolas Tirrier, một sinh viên thạc sĩ ngành Giảng dạy, Giáo dục và Đào tạo (MEEF) ở Montpellier và mắc phải hội chứng Treacher Collins, tâm sự với Aleteia: “Người an ủi tôi, nâng đỡ tôi, soi sáng cho tôi. Theo thời gian, Người dạy tôi rằng không phải vẻ đẹp hữu hình mới mang lại giá trị cho một con người, nhưng là ánh sáng nội tâm mà chúng ta nhận được từ Người và chúng ta chọn để tỏa sáng một cách tự do và bình an“. Hội chứng này biểu hiện khác nhau tùy theo người, nhưng nó luôn ảnh hưởng đến các vùng của hộp sọ: hàm, vòm miệng, tai, miệng… Đó là một dị tật về xương. Chàng trai 25 tuổi giải thích: “Trong trường hợp của tôi, hình dáng khá nhẹ: tôi bị thiếu một phần xương gò má và thiếu thái dương, buộc tôi phải mang máy trợ thính…”.

Khi anh sinh ra ở Rumani, tại Botosani, vào năm 1999, các bác sĩ vẫn chưa biết gọi tên hoặc nhận biết căn bệnh di truyền và hiếm gặp này. Vào thời điểm đó, chẩn đoán của anh đã khơi lên nhiều nghi vấn cho cha mẹ anh. Cha của anh là người gốc Pháp, cuối cùng họ quyết định chuyển đến Pháp để con trai họ được chăm sóc y tế tốt hơn. Khi đó Nikolas được hai tuổi rưỡi và em trai của anh vừa mới chào đời. Gia đình định cư ở Avignon, nơi cha của Nikolas, một linh mục Chính thống giáo, được nhận vào một giáo phận người Rumania.

Tại Pháp, Nikolas đã trải qua một số biện pháp can thiệp phẫu thuật, dần dần: chỉnh răng, bổ sung mỡ vào xương gò má và đặc biệt là các biện pháp can thiệp phẫu thuật trên hộp sọ, trong đó có một ca để lắp vít cấy ghép. Anh nhớ lại : “Tôi đã trải qua từ hai đến ba ca phẫu thuật dưới hình thức gây mê toàn thân, không kể một số ca gây tê cục bộ. Tôi được theo dõi y tế khá thường xuyên. Cho đến năm 13-14 tuổi, chúng tôi đã trải qua rất nhiều thời gian tại bệnh viện, sau đó chúng tôi quay trở lại, nhưng lần này là cho cha tôi“. Một thử thách mới thực sự đã xảy ra với gia đình từ năm 2014 đến năm 2015: Cha của Nikolas lâm bệnh nặng. “Ông mắc bệnh bạch cầu. Ông qua đời nhanh chóng ở tuổi 39.” Giai đoạn này của cuộc đời chàng trai trẻ không hề dễ dàng đối với gia đình anh. Anh tuyên bố với giọng đầy ngưỡng mộ : “Người đã gánh vác cả gia đình chúng tôi kể từ khi chúng tôi đến Pháp, để theo dõi sức khỏe của tôi, sau đó là của cha tôi, việc giáo dục và học tập của chúng tôi, em trai tôi và tôi, là mẹ của chúng tôi, người tiếp tục làm việc để đảm bảo nhu cầu của gia đình. Bà là trụ cột của gia đình chúng tôi. Một người phụ nữ có sức mạnh đáng kinh ngạc, biết cách giữ vững mọi thứ. Sự kiên cường trở thành điều cần thiết: bà không có lựa chọn nào khác, chúng tôi không đặt câu hỏi, chúng tôi phải tiến về phía trước“.

Cái nhìn của người khác, sự nâng đỡ của những người thân yêu và sự trợ giúp của Chúa

Khi còn là thiếu niên, Nikolas may mắn được thuộc thế hệ không có mạng xã hội phát triển như ngày nay. Do đó, anh ấy có thể tự bảo vệ mình khỏi sự chế giễu trên mạng. Anh tâm sự : “Tôi có thể nghỉ ngơi sau giờ học”. Ở nhà, anh cũng có thể cậy nhờ đến tình yêu thương vô điều kiện của gia đình và các anh chị em họ, những người bạn tốt nhất đầu tiên của anh. “Cả gia đình bố tôi đến sống ở Pháp. Chúng tôi thường đón họ về nhà và cùng nhau đi nghỉ“.

Anh cũng kín múc được sức mạnh từ đức tin của mình, đặc biệt là qua sách giáo lý. “Tôi đang theo học tại một trường Công giáo tư nhân và, tất cả các kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, ban tuyên úy tổ chức một cuộc hành hương lớn đến Saint-Jacques de Compostelle . Tôi cũng theo học lớp giáo lý ở tu viện Chính thống Solan, nơi tôi cũng có thể tạo ra các mối liên kết. Tất cả những điều này tạo nên những ốc đảo nhỏ của tôi, tôi không hề tuyệt vọng. Điều quan trọng là phải có những địa điểm Kitô hữu xung quanh mình, nơi ta có thể nạp lại năng lượng của mình“, Nikolas giải thích và đồng thời rất vui khi có thể được bao quanh bởi trẻ em cũng như cả người lớn. “Xung quanh tôi có những người lớn và các linh mục đã giúp tôi trưởng thành và vượt qua những thời điểm khó khăn. Họ vẫn giúp đỡ tôi cho đến ngày nay.” Tuy nhiên, như chính anh thừa nhận: “mọi thứ đều diễn tiến tốt và xấu cùng một lúc, điều đó không ngăn được nghịch lý này cùng tồn tại”.

Ở trường, đôi khi anh trải qua những giây phút cô đơn sâu xa trong giờ giải trí. Sau đó, anh tìm thấy niềm an ủi khi đọc cuộc đời các vị thánh. “Tôi tự nhủ: vị tử đạo này đang bị sư tử ăn thịt, người khác bị trói và bị chặt đầu, còn tôi, không nghiêm trọng bằng… Điều đó giúp tôi rất nhiều. Tôi cũng ghi nhớ những gì các vị tử đạo đã nói: ‘Bạn có thể làm những gì bạn muốn với cơ thể tôi, nhưng nó sẽ không chạm đến tâm hồn tôi vì nó thuộc về Chúa.'” Hôm nay, Nikolas cuối cùng cũng có thể tự mình nói ra điều đó, mặc dù anh thừa nhận rằng đó là một cuộc đấu tranh thực sự để đi đến câu này: “Hội chứng của tôi chưa bao giờ thực sự chạm đến tâm hồn tôi.” “Tôi biết rằng ngay cả ngày nay, tôi vẫn còn những di chứng tâm lý từ giai đoạn này. Đó là cả một quá trình để chữa lành nó, mời Chúa đến với sự chữa lành này và điều đó đi kèm với sự tha thứ.”

Ngày nay, anh ấy sống với cái nhìn của người khác và khuyến khích đừng coi đó là điều cấm kỵ. Anh nghiên cứu để trở thành cố vấn giáo dục chính (CPE). Vào mùa hè, anh đã tình nguyện đóng góp từ gần mười năm qua với tư cách là người tổ chức và điều phối các trại hè Chính thống giáo ở Pháp và Thụy Sĩ. Đó là những lúc anh gặp các bậc cha mẹ và con cái của họ. Đôi khi họ ngạc nhiên trước khuôn mặt của anh và không biết phải nói gì khi nhìn thấy anh. Trẻ em thì tự nhiên nói to mọi điều. “Lúc đó, các bậc cha mẹ bối rối và cố gắng bắt chúng im lặng, nhưng tôi nói với họ: “Đặc biệt là đừng bắt chúng im lặng!”. Nếu ta nói với một đứa trẻ đừng nói về điều đó vì điều đó có thể là thiếu giáo dục hoặc khó chịu, thì điều đó có nguy cơ cắt đứt mong muốn tạo mối liên kết với người lớn của chúng. Khi bắt chúng im lặng, trước tiên ta tạo ra sự thất đoạt ở đứa trẻ chưa thể trải nghiệm một cuộc đối thoại thực sự và sau đó ta gây trở ngại về mặt cảm xúc cho chúng trong hành vi của chúng đối với những cuộc gặp gỡ khác.”

Vẻ đẹp của mọi cuộc sống, thậm chí được đánh dấu bằng đau khổ

Trong khi luật về việc chấm dứt sự sống đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27 tháng 5 năm 2025 và phải được Thượng viện nghiên cứu vào mùa thu, Nikolas tự hỏi liệu “người ta đã thực sự làm mọi thứ để được sống, để ban tặng sự sống và để cuộc sống trở nên tươi đẹp và đáng được sống đối với mọi người?” Anh chất vấn : “Người ta đã làm mọi thứ trước khi đi đến giải pháp hà khắc này chưa? Chẳng phải câu hỏi này cuối cùng phải được đặt ra khi chúng ta đã tát cạn mọi suy nghĩ và giải pháp sao? Chúng ta đã cung cấp sự đồng hành tốt cho mọi người, đặc biệt là những người trẻ hay chưa?“.

Nếu anh tin rằng mỗi sự sống là một món quà, thì anh cũng xác tín rằng nếu anh ở đây được ngày hôm nay là vì mọi người đã tin vào anh. “Và tôi không chỉ nói về cha mẹ tôi. Đó cũng là những nhân vật tinh thần mà tôi biết, các bạn bè và người thân… Ngay cả những người có một cái nhìn tử tế nhưng không đủ can đảm đến gặp tôi khi tôi ở một mình. Tôi biết rằng, đặc biệt là khi chúng ta ở tuổi thiếu niên hay tuổi trẻ, chúng ta thường tự nhủ rằng nếu tôi đến gần một người bị cô lập, thì đến lượt tôi, tôi có nguy cơ bị cô lập. Tôi không oán giận những người này, họ tuân theo một hệ thống tồn tại trong xã hội của chúng ta bất chấp họ“. Đây cũng là động lực thúc đẩy Nikolas hiện diện giữa giới trẻ thông qua nhiều hành động và sinh hoạt khác nhau với trẻ em và thanh thiếu niên trong các trại, ở các trường cao đẳng và trung học thông qua việc học của mình, nhưng cũng như trong cộng đồng thông qua việc tham gia vào hiệp hội giới trẻ Chính thống giáo, Nepsis, nơi anh là phó chủ tịch. Anh giải thích: “Tất cả những không gian và môi trường khác nhau này tạo nên những ốc đảo nhỏ, nơi người trẻ có thể nếm trải cuộc gặp gỡ đích thực với chính mình, với người lân cận và với Chúa Kitô, để có thể mang lại niềm vui, đức tin và tình bạn cho những người xung quanh”.

Tuy nhiên, với giọng nói nhẹ nhàng và bài phát biểu kêu gọi hòa bình, Nikolas khẳng định mình đã trải qua những giai đoạn nổi loạn chống lại Thiên Chúa, kèm theo câu hỏi tương tự: “Tại sao đã cho phép căn bệnh này xảy ra? Chúa ơi, Chúa có thực sự yêu con không?” Anh nhớ lại: “Tôi chứng kiến cuộc sống khó khăn của cha mẹ, những nỗ lực và hy sinh của họ. Một cách vô thức, tôi đã tự gây ra cho mình một hình thức tội lỗi. Có lúc, nó chuyển thành thực tại là Thiên Chúa không yêu thương tôi“. “Thật đau lòng khi thấy chúng ta làm cho người lân cận phải chịu đau khổ, rằng chúng ta là một gánh nặng, nhưng tôi nghĩ rằng đó cũng là cơ hội mà Thiên Chúa cho phép người lân cận của chúng ta được thánh hóa bằng tất cả sự khiêm nhường. Điều đó diễn ra một cách đơn giản và tự nhiên. Vì vậy, cùng nhau, chúng ta đến gần Chúa Kitô, Đấng yêu thương chúng ta một cách độc nhất.” Một ngày nọ, khi anh trở nên vô cảm với những điều xấu, thậm chí cả những điều tốt trong cuộc sống, một đan sĩ đã nói với anh: “Hãy giữ trái tim con rộng mở!” Nikolas lúc đó 21 tuổi, câu nói này vẫn ăn sâu vào tâm trí anh kể từ đó.

Về sau, anh cũng khám phá ra câu trả lời cho nỗi đau khổ của mình qua một câu nói mà Chúa nói với chúng ta và được tường thuật bởi nhà thần học người Rumani của thế kỷ XX, vừa được phong thánh ở Rumani, thánh Dumitru Người Tuyên Tín (Staniloae): “Hãy dám hiểu rằng Ta yêu thương con.” “Thử thách lớn nhất mà tôi đang trải qua lúc này, đó là cuối cùng chấp nhận mình được Thiên Chúa và người lân cận yêu thương. Sự bình an đạt được nhờ chiến đấu, đó không phải là điều gì đó xảy đến một cách kỳ diệu. Đến hôm nay tôi vẫn thấy mình chìm đắm“, anh thừa nhận và nói thêm rằng anh thấy Chúa đã ban cho anh sự tha thứ, bình an và tình yêu. Và anh kết thúc một cách khiêm tốn: “Nếu hôm nay tôi có thể nói về sự sống, về tình yêu, về sự bình an, thì đó là vì tôi đã hiểu hoặc tôi đang cố gắng dám hiểu rằng Chúa Kitô cũng yêu thương tôi và rằng với bàn tay của Người, Người dẫn chúng ta đi trên con đường tự do và phục sinh, đến tận tâm điểm những vết thương của chúng ta, với sự bình an, tình yêu và hy vọng”.

——————————

Tý Linh chuyển ngữ theo Anna Ashkova , Aleteia

Nguồn: xuanbichvietnam