Khi nhắc đến đời sống cộng đoàn, ta thường mường tượng đến những khó khăn và thử thách phải trải qua, chứ ít bao giờ nghĩ đến những niềm vui và lợi ích mà nó mang lại. Cái mâu thuẫn giữa khao khát muốn hoà mình với tất cả và xu hướng thu về trong bản thân thật không dễ gì giải quyết. Kỳ thực, đời sống cộng đoàn là một sáng kiến tuyệt với của Thiên Chúa dành cho những ai muốn hiến dâng trọn vẹn cuộc sống cho Ngài. Người ngoài nhìn vào đời tu, ngoài việc ngưỡng mộ sự từ bỏ của tu sĩ, còn được cảm hoá bởi tình cảm anh-em chị-em hết sức mặn nồng và dễ thương của họ. Ngay cả khi hàm chứa những khó khăn, đời sống cộng đoàn cũng không vì thế mà trở nên điều gì đó tồi tệ. Người ta không thể tự mình lập nên cộng đoàn dòng tu theo ý thích. Đó là một sự xác chuẩn của Thiên Chúa ngang qua Giáo Hội và những vị được trao quyền để chăn dẫn dân Chúa. Một hội dòng không chỉ đơn thuần là một tổ chức hay một nơi người ta quy tụ lại rồi sống chung với nhau. Nó có xương sườn là linh đạo của Đấng đáng lập, có bộ khung là trật tự cấu trúc, các thành viên làm nên thịt da và có Thánh Thần là nguồn sống. Trong đời tu, đời sống cộng đoàn thật sự mang đến cho người tu sĩ rất nhiều lợi ích.
Nó giúp con người sống bản chất của mình một cách căn nguyên nhất: bản chất tương quan và hiệp thông. Con người là một hữu thể có giới và được tạo dựng trong mối dây liên kết với người khác. Ta nhận ra mình không giống họ. Họ ở bên ngoài ta, là kẻ xa lạ với ta, giữa ta và họ có một khoảng cách, mỗi bên có ranh giới riêng của mình. Ta sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành họ và họ cũng như vậy đối với ta. Nhưng ta sẽ chẳng biết mình là ai, nếu không có một người khác đứng đối diện với ta. Ta cũng sẽ không có ý thức gì về mình nếu giữa thế giới này chỉ có một mình ta trơ trọi. Tạo Hóa đã ban cho mỗi con người một đặc tính “bất khả thay thế”, nhưng Ngài cũng đặt giữa con người một sợi dây tình thân để nối kết họ lại. Bất cứ khi nào sợi dây tình thân ấy được chúng ta vun đắp, dựng xây để có được sự hài hòa, con người sẽ mỗi ngày triển nở hơn và hưởng nếm hạnh phúc. Sống cộng đoàn nói chung và sống trong cộng đoàn dòng tu nói riêng chính là biểu lộ nét tuyệt diệu này của con người. Đó là lý do vì sao ta thấy kiểu tu một mình ngày xưa đã sớm bộc lộ những khuyết điểm của nó và được thay thế bằng lối tu trong một tập thể những người cùng chí hướng.
Cũng là một nét thú vị khi mình có thêm những người bạn mới để chung chia cuộc sống. Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, với những tố chất, tính tình, giọng nói khác nhau. Quen biết với họ, ta thấy cuộc sống mình trở nên thật phong phú. Gia đình của ta cũng được mở ra không biên giới. Đối với một vài người, anh chị em đồng bạn tu có khi còn thân thiết hơn anh chị em ruột, vì họ đã cùng trải qua biết bao đắng cay ngọt bùi với nhau. Với những tu sĩ đã tu bốn mươi năm hay năm mươi năm trong dòng, nhà của họ có lẽ không đâu khác chính là cộng đoàn dòng tu, và những anh chị em chung quanh họ chẳng khác nào tay chân máu mủ. Các tu sĩ đã tự nguyện khước từ việc tạo lập một gia đình riêng, nhưng bù lại, Chúa đã ban cho họ một gia đình mới, tuy có chút khác biệt về bản chất, nhưng hương vị của nó cũng đậm đà và nồng ấm biết bao.
Sống trong cộng đoàn, ta sẽ có dịp gặp gỡ những người tài giỏi hơn mình, hiểu biết hơn mình và có khi là thánh thiện hơn mình nữa. Ta nghe về câu chuyện cuộc đời họ, biết được lịch sử đời tu của họ và càng cảm phục họ hơn về những gì họ đã trải qua. Ta học hỏi từ họ những điều hay điều mới, qua những kinh nghiệm thực thụ mắt thấy tai nghe. Ta cũng có thể học hỏi từ họ những cái sai hay những điều chưa tốt. Những điểm xấu ấy nơi họ chính là hình ảnh phản chiếu những góc tối nơi chính con người ta. Anh chị em dường như không còn là ai đó ở bên ngoài và tách biệt hoàn toàn với ta. Ở một góc độ nào đó, họ là một phần của ta và giúp ta thấy rõ mình hơn rất nhiều. Thế giới của ta lại tiếp tục được rộng mở và ta nhận ra rằng cuộc đời này thật huyền nhiệm. Biết bao nhiêu con người với những câu chuyện đan xen vào nhau, làm nên một bức tranh nhân gian thật sống động. Những anh chị em đang sống chung với ta cho ta thấy những góc cạnh khác nhau của bức tranh ấy. Ta thấy được sự kỳ diệu của Tạo Hoá và quyền năng vô biên của Ngài.
Đời sống cộng đoàn không chỉ là nơi chia sẻ cuộc sống mà còn là nơi các tu sĩ cùng chung chia với nhau sứ mạng. Sứ mạng đó có khi dễ dàng, nhưng cũng có lúc phải đối diện với biết bao sóng gió. Lúc đó, chẳng ai khác, chính anh chị em trong cộng đoàn là những người trực tiếp giúp đỡ mình. Họ là hiện thân của Chúa một cách hữu hình trong cuộc đời của ta. Rồi có khi đời tu của ta gặp những thách đố, khi những cô đơn trong lòng trỗi lên, những cám dỗ ập đến, chỉ có họ là người kề cận, lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia và cùng đồng hành với ta qua những lời an ủi hay những hành động cụ thể. Người ngoài có thể giúp đỡ ta cách này cách khác, nhưng chẳng ai thật sự luôn ở bên ta như anh chị em trong cộng đoàn. Dĩ nhiên, không phải ai trong cộng đoàn cũng đối xử tốt với ta và dành cho ta những điều tốt nhất, nhưng ít ra ta cũng có một vài người bạn thân trong đời tu, và họ đích thực là những thiên thần hộ mệnh của ta trong đời sống này.
Những cọ xát trong cộng đoàn cũng giúp cho mình tăng trưởng và tiến bộ hơn. Những đụng độ giúp tôi luyện mình hơn. Nếu có ai gây khó dễ cho mình, đó là cơ hội để mình lập công trước mặt Chúa. Cộng đoàn có những khó khăn chính là để giúp thanh luyện ta mỗi ngày nên khiêm nhường, hạ mình, nên thánh hơn. Một cộng đoàn lý tưởng nơi mà ai cũng yêu thương nhau hết mực hết lòng, không có chút trục trặc nào chắc chỉ có trong sách vở. Có nhiều người, khi chán nản đời sống cộng đoàn, đã đi tìm niềm an ủi ở bên ngoài. Họ thích đi làm tông đồ bên ngoài vì ở đó người ta tung hô họ, chân nhận tài năng của họ, dành cho họ nhiều sự ngưỡng mộ và lời khen, trong khi ở cộng đoàn, họ bị coi thường hay chẳng ai đoái hoài gì đến họ. Họ sẵn sàng làm tất cả mọi điều tốt cho người khác, ngoại trừ anh chị em trong cộng đoàn. Họ xem đời sống cộng đoàn như hoả ngục và cố công đi tìm một thiên đường nào đó ngoài kia, như một kiểu trốn tránh thực tại. Kỳ thực, đây là một sai lầm vô cùng lớn. Khi họ ngã bệnh, người ngoài có thể đến thăm họ với chút quà, nhưng anh chị em trong cộng đoàn mới là người sẵn sàng chăm sóc họ mỗi đêm về, mớm cho họ từng miếng cháo; và khi họ về với cõi đất, người ngoài có thể thắp cho họ một nén hương, nhỏ những giọt nước mắt, nhưng anh chị em trong cộng đoàn mới thật sự cùng hiệp thông cầu nguyện với họ vào những khoảnh khắc khủng khiếp nhất của kiếp người.
Có thể nói, bản lĩnh và sự thánh thiện của một tu sĩ được thể hiện nơi đời sống cộng đoàn. Được cả vạn người bên ngoài yêu mến không bằng được anh chị em sống chung với mình thán phục. Thế giới ngoài kia chỉ biết được những nét đẹp, những hào nhoáng của họ, anh chị em mới là người biết họ ở mức độ chân thực nhất. Vì thế, muốn biết một tu sĩ là người như thế nào, hãy hỏi những người sống chung với họ, chứ đừng chỉ nhìn đến những gì họ nói họ làm với những người lạ bên ngoài. Đời sống cộng đoàn tuy có nhiều chấm đen, nhưng chính nó lại giúp cho người tu sĩ, làm cho cuộc sống của mình thêm hoà điệu và hoàn mỹ, đến độ ta có thể nói rằng, không có nó, người tu sĩ sẽ trở nên héo úa và lạc lõng vô cùng.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: dongten.net