Đêm giao thừa, giữa không gian tĩnh lặng, tuyết trắng lạnh lẽo phủ kín đất trời, những ký ức về ngày Tết quê hương bỗng ùa về trong tôi như một dòng sông êm đềm mang theo muôn vàn cảm xúc dạt dào.Năm nay đã là cái Tết thứ hai xa nhà. Tôi nghĩ rằng mình đã quen với nhịp sống nơi đây. Tôi nghĩ rằng năm nay mình sẽ không còn bịn rịn hay nhớ mong về một cái Tết xa xôi nữa. Tôi nghĩ rằng những chồng sách chất cao quá đầu trên chiếc bàn học nhỏ đủ nặng để đè nén nỗi nhớ nhà trong tôi; những bài tập đang dang dở cần phải hoàn thành đủ nhiều để lấp đầy những khoảng trống hồn tôi. Tôi nghĩ chúng sẽ giúp tôi luôn bận rộn và như vậy tôi sẽ chẳng còn thời giờ để buồn nhớ hay mơ tưởng về một cái Tết xa xôi cách tôi nửa vòng Trái Đất.
Tuy nhiên, mọi sự xảy đến không theo những điều tôi nghĩ. Những trang sách, những bài tập ấy đã bị xé ngang bởi kí ức đẹp đẽ của tôi về gia đình trong đêm giao thừa và những ngày Tết. Xa nhà, tôi bỗng thấy mình nhỏ bé giữa không gian mênh mông, lạnh lẽo tuyết phủ này. Lặng nhìn qua hiên cửa sổ, tôi thấy ẩn hiện trong đám tuyết trắng hình ảnh của bố đang bận rộn sửa sang, dọn dẹp nhà cửa để đón mừng năm mới, hình ảnh của bà, của mẹ đang ngồi gói bánh chưng trên tấm chiếu nhỏ trải trước hiên nhà, tiếng cười rộn rã của đám trẻ trong xóm đang nô đùa ngoài ngõ, mùi hương thoang thoảng của những nén hương trên bàn thờ tổ tiên len lỏi khắp gian nhà…. Tất cả như một thước phim quay chậm trong ký ức của tôi.
Tôi nhớ nhà!
“NHÀ” – một từ nghe thật thân thuộc và giản đơn nhưng lại chứa đựng cả một bầu trời yêu thương và ký ức. Nhà không chỉ là một không gian vật lý với những bức tường và mái ngói đơn sơ. Nhà là nơi chứa đựng những kí ức tuổi thơ, là không gian ấm áp của tình thương, là nơi gắn kết mọi thành viên gia đình qua từng câu chuyện, từng bữa cơm sum họp. Nhà là nơi mà chỉ cần nghĩ đến thôi, lòng tôi đã cảm nhận được một sự bình yên khó tả.
Có lẽ không có một ngôn ngữ nào mà từ “nhà” lại mang nhiều sắc thái ý nghĩa như trong tiếng Việt. “Nhà” để chỉ về một triều đại: nhà Lý, nhà Trần,… “Nhà” cũng là danh xưng mà người ta dùng để nói về người bạn đời của mình. Trong nhiều gia đình, người vợ còn được gọi cách dí dỏm là “nóc nhà.” Nhưng trên hết, “nhà” trong tâm thức người Việt là hình ảnh của quê hương, gia đình. Vì thế, nỗi nhớ nhà cũng là nỗi nhớ quê hương. Tôi từng nghĩ rằng khi trưởng thành hơn, người ta sẽ bớt nhớ nhà hơn mỗi khi phải đi xa, nhất là khi Tết đến xuân về. Tôi đã lầm to! Càng lớn, càng đi xa tôi càng thấy gắn bó với quê hương và gia đình hơn bao giờ hết. Có lẽ chúng ta chỉ thật sự trưởng thành khi biết nhớ về quê hương, về cội nguồn. Những suy tư trong đầu tôi chợt khựng lại trước những câu thơ thật hay của Đỗ Trung Quân trong bài thơ Quê hương: “Quê hương, nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người.”
“Nhà” cũng có một ý nghĩa đặc biệt trong Kinh Thánh. Đó là hình ảnh biểu tượng của Hội Thánh. Trong năm mới này, hiệp thông với Hội Thánh, chúng ta hân hoan bước vào Năm Thánh với chủ đề “Những người hành hương của hy vọng.” Hình ảnh “nhà” và “những người hành hương” có một sự liên kết đặc biệt. Hành hương là rời xa nhà, xa gia đình. Như thế, tất cả những ai đang sinh sống, lao động, học tập xa nhà, xa quê hương đều là những người hành hương theo cách riêng của mình. Họ rời xa vòng tay gia đình, xa quê hương, để dấn thân vào một cuộc hành trình đầy thử thách nhưng cũng tràn trề hy vọng. Họ gói ghém niềm tin vào hành trang, hướng về một tương lai tươi sáng, dẫu con đường phía trước có nhiều chông gai, trắc trở. Hành hương không chỉ là đi xa nhưng còn là hành trình trở về nhà. Trong bài hát Đi về nhà của Đen Vâu, có câu: “Đường về nhà là vào tim ta” – một câu hát thật hay và ý nghĩa. Mỗi lần nghe câu hát ấy, tôi lại thấy lòng mình dâng trào một cảm xúc khó tả. Con đường về nhà không còn xa xôi, cách trở nhưng nó nằm ngay trong trái tim của mỗi người. Đó là con đường dẫn con người vào cõi thẳm sâu của tâm hồn. Như vậy nhà không ở đâu xa, nhà ở ngay trong tim, trong ký ức, trong từng nhịp thở của mỗi chúng ta. Trái tim nuôi sống cơ thể của chúng ta thế nào thì “nhà” cũng nuôi dưỡng tâm hồn của chúng ta như vậy. Ngôi nhà không chỉ là hình ảnh của Hội Thánh nơi trần thế, nhưng nó còn gợi cho chúng ta về hình ảnh nhà Cha trên trời – quê hương vĩnh cửu mà mỗi người đang từng bước hành hương trở về. Mỗi tín hữu là một lữ khách, một “người hành hương” của đức tin và hy vọng đang tiến về quê hương đích thực trên trời. Trên hành trình ấy, hành trang quý giá nhất không phải là tiền bạc, của cải nhưng là tình yêu thương, sự bao dung, sẻ chia và những nụ cười.
Dù ở bất cứ đâu trên hành trình cuộc đời, chúng ta vẫn luôn mang theo hơi ấm của mái nhà trong tim. Nhà không chỉ là chốn để trở về, mà còn là điểm tựa nâng bước ta vững vàng tiến về phía trước. Xin chúc mọi người luôn tìm thấy bình an và hạnh phúc dưới mái nhà thân yêu của mình, và cầu mong cho những người con xa xứ luôn vững tâm trên hành trình, bởi mỗi bước chân đi cũng là một bước trở về gần hơn với nhà. Năm mới mở ra những ước mơ, dự định và hy vọng mới, xin chúc mọi người một năm tràn đầy bình an, yêu thương và viên mãn!
Tác giả: N.V.L.
Nguồn: tonggiaophanhanoi