NGƯỜI NHIỄM HIV TẠI HẢI PHÒNG
THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
Ban HIV Caritas Hải Phòng
DẪN NHẬP
Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI không chỉ là một đại hội của các giám mục, mà còn là hành trình dành cho tất cả mọi tín hữu. Trong hành trình đó, các tín hữu – thông qua mỗi Giáo hội địa phương – đóng góp phận vụ của mình cách tích cực, đặc biệt ở giai đoạn 1 - cấp giáo phận: cộng đoàn Dân Chúa được tham vấn ý kiến cách sâu rộng. Giai đoạn này là nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo.
Logo của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI,[1]do Ban tổ chức công bố, thể hiện 15 bóng người khái quát toàn bộ nhân loại trong sự đa dạng về hoàn cảnh sống, thế hệ và nguồn gốc. Qua những gì thể hiện trên Logo, chúng ta nhận thấy không có tính chất phẩm trật giữa những người này, họ cùng bước đi trên một mặt đường phẳng: trẻ, già, nam, nữ, thiếu niên, trẻ em, giáo dân, tu sĩ, cha mẹ, người sống đời vợ chồng, người sống đời độc thân; giám mục và tu sĩ không đi trước mặt họ, nhưng ở giữa họ. Một cách hoàn toàn tự nhiên, trẻ em và thanh thiếu niên là những người mở đường cho họ, điều này liên hệ tới những lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)
Trong đường hướng hiệp hành đó, những người yếu thế bé mọn, trong đó có các anh chị em nhiễm HIV/AIDS. Người nhiễm HIV hay còn gọi là người có HIV (NCH), cũng là một chi thể trong thân thể Giáo hội. Họ có trách nhiệm và có quyền tham gia vào đời sống Giáo hội. Trong khuôn khổ giới hạn, bài viết này xin chia sẻ về sự hiện diện và dấn thân của anh chị em có HIV tại giáo phận Hải Phòng, những người đã góp phần đem lại niềm tin và sức sống cho những ai đang chán nản, thất vọng, buông xuôi.
1. Thực trạng người có HIV tại Hải Phòng
HIV là bệnh do virus HIV gây ra, nó có thể lây lan qua quan hệ tình dục, hoặc dùng chung kim tiêm chích ma tuý, tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh, hoặc từ mẹ sang con trong khi mang thai, sinh nở hoặc cho con bú. AIDS là giai đoạn cuối cùng và nghiêm trọng nhất của nhiễm HIV. Nếu không điều trị, nhiễm HIV sẽ tiến triển thành AIDS trong khoảng 10 năm.[2]
Theo số liệu tham khảo từ Bộ Y tế, tính đến 31/12/2023, giáo phận Hải Phòng gồm 3 tỉnh thành: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh và 2 huyện tỉnh Hưng Yên, có số tích lũy người nhiễm HIV là 30.415 và số ca HIV tử vong là 17.148. Số ca nhiễm mới trong năm 2023 là 428 người, và con số này vẫn đang gia tăng. Đặc biệt, nhóm người nhiễm HIV mới thuộc đối tượng ngày càng trẻ hóa và chiếm tỷ lệ cao trong độ tuổi từ 15-30. Trong vài năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ hành nghề mãi dâm (dưới 3%), nhóm tiêm chích ma tuý (9%) ổn định, nhưng tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) tăng lên một cách đáng lo ngại, khoảng 12% -13%. Ở một số địa phương, tỷ lệ MSM chiếm đến 50% -70% tổng số các trường hợp HIV mới được phát hiện.[3]
Hải Phòng cũng từng là “điểm nóng” về HIV/AIDS trong thời kỳ đại dịch. Năm 2004, Hải Phòng có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS 360/100.000 dân, đứng thứ nhì cả nước, sau Quảng Ninh.[4] Đây là thời điểm đại dịch HIV bắt đầu bùng phát tại Việt Nam. Trong giai đoạn này, NCH gặp sự kỳ thị rất lớn từ cộng đồng. Nhiễm HIV đồng nghĩa với việc bị mang tiếng xấu, bị mọi người xa lánh, thậm chí bị xa lánh bởi chính những người thân trong gia đình. Sự kỳ thị này có nguyên nhân chủ yếu từ sự thiếu thông tin, kiến thức hoặc hiểu biết không đầy đủ về HIV/AIDS. NCH thường bị cho là có dính líu tới tệ nạn xã hội, hoặc người nhiễm HIV/AIDS là có tội, có lỗi, trong khi đó, có rất nhiều anh chị em không may bị nhiễm HIV từ người bạn đời của mình hoặc do nhiều nguyên nhân khách quan khác.
Trước những kỳ thị đó, nhiều anh chị em nhiễm HIV muốn giấu kín tình trạng bệnh tật của mình. Họ không muốn chia sẻ hoặc giao tiếp với người khác, do tự ti mặc cảm và mất niềm tin vào cuộc sống. Cùng với những ám ảnh về cái chết cận kề, họ phải đối mặt với nhiều nỗi sợ hãi và lo lắng như bị cô lập, không có việc làm, kinh tế gia đình bị suy sụp, khả năng lây bệnh cho người khác, hoặc có thể chết sớm hơn để lại con cái mồ côi không ai chăm sóc. Những khó khăn thách đố đó thường kéo dài, nếu thiếu sự thông cảm giúp đỡ từ cộng đồng, có thể họ sẽ dễ dàng dẫn đến tâm lý bi quan, tình trạng trầm cảm và tuyệt vọng. Họ cảm thấy bế tắc và luôn có những suy nghĩ tiêu cực. Nhiều NCH cảm thấy cuộc sống bế tắc, bị bỏ rơi hoặc thấy mình là gánh nặng cho gia đình, và có thể dẫn đến việc quyên sinh như một cách tự giải thoát. Hiện nay, việc kiểm soát được bệnh HIV/AIDS về cơ bản đã giúp NCH và xã hội an tâm hơn, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều thách thức cho nhóm bệnh nhân này.
2. Quá trình người có HIV hòa nhập cộng đồng xã hội và tham gia vào đời sống Giáo hội
Đối diện với nhiều khó khăn và nhất là sự phân biệt đối xử, một số NCH công giáo đã lấy đức tin là điểm tựa lớn nhất cho mình. Với sự quan tâm của cộng đoàn dân Chúa, và nỗ lực của bản thân, có những NCH công giáo đã cố gắng nỗ lực sống chan hòa với mọi người, đồng thời giúp nhiều người cùng cảnh ngộ vượt qua khó khăn.
Điển hình như chị Têrêsa Đoàn Thị Khuyên - sinh năm 1982, giáo dân thuộc giáo xứ Suý Nẻo, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Chị không may bị lây nhiễm HIV từ chồng, và từng trải qua những cảm xúc tiêu cực như những anh chị em có HIV khác. Sau khi được nhóm thiện nguyện công giáo mang tên “Ve chai Nhân ái Hải Phòng” đến thăm viếng và động viên, chị như được tiếp sức để vượt qua biến cố đau buồn này để rồi tiếp tục tham gia vào đời sống của Giáo hội, nhờ tình yêu thương và sự nâng đỡ hỗ trợ của mọi người.
Trong bối cảnh số người nhiễm HIV tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thành phố Hải Phòng (CDC Hải Phòng) đã tham gia dự án được ký kết giữa chính phủ Việt Nam và một số Tổ chức phi chính phủ, để ứng phó với đại dịch HIV/AIDS, trong đó có chương trình PEPFAR (U.S. President’s Emergency Plan For Aids Relief) của chính phủ Hoa Kỳ. Dự án triển khai các hoạt động truyền thông HIV/AIDS giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, phòng bệnh và chữa bệnh thông qua các phòng khám miễn phí. Nhờ tham gia các lớp tập huấn, chị Khuyên đã trở thành nhân viên cộng đồng rất tích cực trong lãnh vực HIV/AIDS.
Hiểu được những nỗi đau và thách thức mà NCH phải đối mặt, chị Khuyên đã quy tụ 10 anh chị em có HIV, thành lập nhóm tự lực mang tên “SỐNG TÍCH CỰC”. Mục tiêu của nhóm là không ngừng cố gắng “Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV/AIDS”. Ngoài việc nỗ lực lo cho bản thân, các thành viên nhóm cũng đề cao việc đồng hành với những người nhiễm mới, qua việc tham vấn, tiếp cận điều trị, tăng cường vận động chính sách dành cho NCH. Nhóm dần trở thành “ngôi nhà chung” cho người nhiễm HIV/AIDS. Tại đây, anh chị em có HIV dễ dàng nhận được sự cảm thông, khích lệ, và giúp nhau cùng phát triển.
Qua thời gian, nhóm Sống Tích Cực đã cộng tác với Ban Bác ái Xã hội - Caritas Hải Phòng, để triển khai các hoạt động hỗ trợ NCH hòa nhập xã hội trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, cải thiện điều kiện sống của họ thông qua các phương thức tiếp cận đa chiều và toàn diện dựa vào cộng đồng.
a) Sinh kế
Sinh kế là một vấn nạn hàng đầu đối với NCH. Dù sự kỳ thị có giảm bớt, nhưng vấn đề xin việc làm của NCH tại các công ty, xưởng nghề, hay nhà hàng vẫn là một vấn đề nan giải với họ. Khi chủ doanh nghiệp hay các đồng nghiệp biết tin một người nào đó là NCH, cá nhân đó có thể bị cho thôi việc một cách dễ dàng, hoặc bị chuyển xuống làm những công việc thấp kém hơn, hoặc làm việc một mình ở công đoạn nào đó.
Năng suất lao động của NCH bị giảm sút do việc điều trị bằng thuốc kháng virus ARV. Tuy nhiên, rất ít NCH có điều kiện bồi dưỡng tăng cường sức đề kháng cho sức khỏe. Vì thế, đa số anh chị em có HIV khó có đủ sức khoẻ đáp ứng được những công việc có cường độ cao và cần nhiều sức. Chính vì vậy, các thành viên nhóm Sống Tích Cực cũng như nhiều anh chị em có HIV khác, đã chọn cho mình công việc tự do, để có thu nhập trang trải những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Từng bước, anh chị em trong nhóm đã thử nghiệm các mô hình kinh tế nhỏ như xưởng may gia công, quán ăn bình dân, hỗ trợ chăn nuôi, cơ sở điều trị dưỡng sinh… Những công việc này phần nào giải quyết được việc làm cho anh chị em. Tùy hoàn cảnh mà nhóm sẽ thay đổi hình thức làm kinh tế cho phù hợp. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hầu như ngành may ở khắp nơi đều thất bại. Nhiều xưởng may gia đình bị phá sản. Xưởng may nhỏ của nhóm cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong khoảng thời gian bị cách ly từ cuối 2019 - 2022, việc bán hàng online trở nên thịnh hành. Nhiều anh chị em có HIV cũng thử nghiệm và chuyển qua hình thức kinh doanh online. Họ cảm thấy vui hơn, vì công việc này phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình, và cũng phần nào tránh được sự kỳ thị. Hiện tại, nhóm đang được Caritas Hải Phòng hỗ trợ nguồn vốn để triển khai các hoạt động sinh kế. Việc vay vốn sẽ được trả chậm, để những người khác cũng có cơ hội nâng cao đời sống và phát triển hơn.
b) Y tế
Bệnh nhân HIV/AIDS cần được theo dõi, chăm sóc và hỗ trợ lâu dài. Hiểu được nhu cầu này của NCH, nhóm Sống Tích Cực đã triển khai các hoạt động hỗ trợ chăm sóc NCH tại nhà, tại bệnh viện và hỗ trợ tham vấn về tuân thủ điều trị. Nhờ những kỹ năng và kiến thức có được qua các khóa tập huấn, các tờ bướm, tài liệu hội thảo, anh chị em có HIV đã biết tận dụng mọi cơ hội để phổ biến về việc phòng ngừa, chăm sóc và hỗ trợ cho các bệnh nhân HIV/AIDS.
Truyền thông kiến thức HIV cho các bạn trẻ công nhân tại khu nhà trọ Quận Lê Chân, 2020
Việc phải điều trị suốt đời là nỗi ám ảnh triền miên với NCH. Họ thường phải đối diện với nhiều vấn đề về sức khoẻ thể chất và tinh thần như các bệnh nhiễm trùng cơ hội, rối loạn tâm thần, trầm cảm vì căng thẳng kéo dài, không tìm được sự hỗ trợ từ gia đình và không được xã hội chấp nhận. Nhiều anh chị em có HIVdo phát hiện bệnh muộn, thì đã chuyển qua giai đoạn AIDS. Cơ thể họbắt đầu có các biểu hiện lở loét, nấm, tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm lao. Cũng có những người không được may mắn, bị bỏ rơi trong sự cô đơn, thiếu thốn. Khi có được những thông tin này, nhóm Sống Tích Cực đã nhanh chóng hỗ trợ kết nối, để bệnh nhân được điều trị sớm nhất có thể. Nhóm cử người đến giúp chăm sóc và khích lệ tinh thần người bệnh, đồng thời hướng dẫn gia đình biết cách chăm sóc cho người thân của họ, cũng như cách bảo vệ gia đình khỏi sự lây nhiễm. Với những trường hợp đặc biệt, nhóm gửi kiến nghị lên Caritas Giáo phận, hoặc tìm các ân nhân xin hỗ trợ thực phẩm và viện phí cho bệnh nhân. Phần lớn những anh chị em có HIVđược giúp đỡ đã phục hồi tốt. Có người sau vài tháng được chăm sóc và điều trị tích cực đã phục hồi rất tốt, cân nặng từ 35kg tăng lên 45kg. Bệnh nhân sau đó đã tham gia tích cực vào các hoạt động của nhóm để hỗ trợ những NCH khác.
Bên cạnh những bệnh nhân được phục hồi tốt, còn nhiều người lớn và trẻ em nhiễm HIV đã không qua khỏi do tình trạng nặng. Tuy nhiên, những tháng ngày cuối đời, họ đã được sống trong vòng tay yêu thương của mọi người. Caritas Việt Nam cũng đã hỗ trợ Caritas các giáo phận tổ chức các khóa tập huấn “Chăm sóc cuối đời” cho cộng tác viên, nhằm cung cấp những kỹ năng cần thiết cho việc đồng hành với bệnh nhân trong giai đoạn cuối, để họ được chăm sóc và yêu thương, đúng với phẩm giá vốn có của họ. Đa số anh chị em có HIV là người không công giáo, và một số trường hợp họ đã được làm con Chúa trước khi nhắm mắt lìa đời.
Với những NCHcông giáo, nhóm đã đến thăm hỏi, động viên, và trong những trường hợp cần thiết, Caritas giáo phận cũng sẵn sàng hỗ trợ viện phí. Nhóm quan tâm đặc biệt đến đời sống thiêng liêng của bệnh nhân: mời linh mục ban bí tích Xức dầu và trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân có HIV, như của ăn đường trên hành trình cuối cùng trở về với Cha trên trời.
c) Giáo dục
Trẻ em sinh ra từ cha mẹ cóHIV, hay còn gọi là trẻ OVC (Orphans and Vulnerable Children), phần lớn thuộc gia đình khó khăn, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Hệ lụy của việc sử dụng ma túy thường đẩy các gia đình vào tình trạng kiệt quệ về tài chính. Trẻ OVC thường gặp phải sự kỳ thị từ bạn bè, phụ huynh. Có những phụ huynh đã công khai phản đối việc con cái NCH học chung trường với con cái của họ, ép buộctrường phải cho trẻ OVC nghỉ học hoặc chuyển đi nơi khác. Với những em bị nhà trường từ chối và trả về gia đình vì sự phản đối mạnh mẽ từ phụ huynh học sinh, nhóm đã phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ và các cơ quan ban ngành, để tổ chức các chương trình truyền thông tại trường học, gặp gỡ Ban Giám hiệu, đề nghị nhà trường hỗ trợ và đón nhận các em theo Công ước về Quyền trẻ em.[5]
Nhận thức được tuổi trẻ là tương lai của Giáo hội, của xã hội, nhóm tích cực khuyến khích phụ huynh quan tâm đến việc học của con cái. Bên cạnh đó, nhóm kết nối với Cartias giáo phận và các nhóm Bác ái - Xã hội, xin cấp học bổng và đồ dùng học tập cho các em. Được sự hỗ trợ từ chương trình của dự án với Caritas Việt Nam, nhóm tổ chức các khóa “Kỹ năng sống” cho trẻ OVC, giúp trẻ ngày càng tự tin hơn, tập làm chủ bản thân, làm chủ cảm xúc, ứng xử phù hợp và nhanh chóng hoà nhập. Với các em thiếu niên, nhóm tổ chức tập huấn về giới tính, kiến thức HIV/AIDS, sự nguy hại của ma túy đá v.v… Một cách tiệm tiến, trẻ được đồng hành để biết chọn lựa các giá trị tích cực, khám phá bản thân, biết khẳng định vị trí của mình trong tập thể, rèn luyện kỹ năng ứng phó trước các tình huống của cuộc sống và hòa nhập vào đời sống cộng đồng.
d) Các hoạt động xã hội
Nhóm tự lực đã cộng tác với ban Caritas giáophận trong các hoạt động cộng đồng, tổ chức các chương trình gặp mặt, giao lưu giữa NCH và người khuyết tật.
Giao lưu giữa người Khuyết tật và Người có HIV tại Hải Phòng, 12/2023
Chương trình giao lưu nhân “Ngày Thế giới phòng chống AIDS” và “Ngày Quốc tế người Khuyết tật” là những dịp anh chị em có HIV được gặp gỡ, giao lưucùng nhau. Họcảm thấy lạc quan hơn và có thêm động lực sống, khi cảm nhận được sự quan tâm và thương yêu chăm sóc của cha Giám đốc, quý cha, quý ân nhân và cộng đoàn dân Chúa.[6]
Ngoài các sự kiện trên, nhóm Sống Tích Cực còn tổ chức các sinh hoạt định kỳ tại địa phương, để củng cố tương quan giữa các thành viên. Nơi đó, anh chị em có HIV có thể chia sẻ vui buồn của cuộc sống, kinh nghiệm làm ăn, khó khăn trong việc đồng hành và giáo dục con cái, cũng như cập nhật các thông tin liên quan đời sống xã hội và NCH.
Nhóm cũng đặc biệt quan tâm những thành viên đang có các sự kiện lớn trong gia đình như cưới hỏi, ma chay, hoặc gia đình có người đau ốm nặng… Những người bị suy nhược sức khỏe, nhóm cũng kiếnnghị lên Caritas giáo phận, để xin hỗ trợ cho nhu cầu về dinh dưỡng và những nhu cầu cấp thiết cho họ. Chính những điều này đã mang đến sự khích lệ và nâng đỡ rất lớn cho anh chị emcó HIV.
Không chỉ tham gia các hoạt động của những người nhiễm HIV, NCH còn tích cực tham gia các hoạt động bác ái trong giáo xứ, tham gia ca đoàn và là cộng tác viên của Caritas giáo phận.
e) Biện hộ
Việc phòng chống HIV/AIDS không chỉ giới hạn trong việc chữa trị, phòng ngừa, mà cần phải tạo một cầu nối để những anh chị em có HIV được hòa nhập cộng đồng. Qua sự hợp tác với Caritas giáo phận, các hoạt động truyền thông, các buổi tọa đàm, giao lưu… là nơi mà NCH được mời gọi để lên tiếng cho chính họ.
Trong thực tế, NCH luôn được khích lệ sống tự tin, biết tự “bênh vực” cho chính mình. Đơn cử nhưtrường hợp quán ăn bình dân của nhóm Sống Tích Cực, thời gian đầu khách đông, nhưng sau đó vắng khách, vì họ biết tất cả những người làm việc ở đây thuộc nhóm NCH. Cộng tác viên đã thực hiện việc truyền thông cho chính các lãnh đạo địa phương, để họ thấu hiểu và hỗ trợ NCH. Sau khi thấy các vị lãnh đạo thường vào quán ăn này, người dân bắt đầu quay trở lại và quán đã duy trì được hoạt động cho đến ngày nay. Quán có 7 thành viên làm việc thay ca và có thu nhập ổn định.
Các buổi truyền thông về HIV/AIDS thường xuyên được thực hiện trực tiếp tại các công ty, các chung cư, khu xóm, trường học, các lớp giáo lý, đặc biệt là lớp giáo lý hôn nhân… Qua việc chia sẻ kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, chia sẻ câu chuyện của bản thân về quá trình lây nhiễm, các thành viên nhóm giúp cộng đồng hiểu đúng về căn bệnh HIV/AIDS, giảm bớt tình trạng kỳ thị với NCH. Vì nhiều NCH có thể không chết vì căn bệnh HIV, mà chết vì sự thiếu hiểu biết và bị phân biệt đối xử từ cộng đồng.
Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, qua việc tham gia dự án “Giúp NCH hòa nhập cộng đồng” của Caritas Việt Nam, nhóm đã cộng tác với ban HIV của giáo phận thực hiện truyền thông cho 2.097 người, để gây ý thức về HIV và giảm sự kỳ thị với NCH.
Truyền thông “Kiến thức HIV” cho công nhân cầu đường, tại Huyện Cát Hải, 2021
Tuyên truyền về HIV không những giúp NCH tiếp cận điều trị sớm, ổn định sức khỏe, hoà nhậpvới xã hội, mà còn có thể giúp ích cho nhữngngười khác. Chị Hằng - một NCH là cộng tác viên văn phòng Caritas giáo phận, chia sẻ: “Khi tôi có cơ hội chia sẻ cho người khác về bản thân là một NCH, tôi cảm thấy vui và hạnh phúc, vì thông qua câu chuyện cuộc đời của mình, tôicó thể giúp người khác nhận ra bài học để giữ gìn sức khoẻ, biết cách bảo vệ phòng tránh lây nhiễm HIV cho bản thân, chogia đình và xã hội”.
Khi tiếp cận cộng đồng, thành viên nhóm như người được Chúa sai đi thi hành sứ vụ để chăm sóc những người yếu thế. Đến lượt họ, họ lại mang anh em về với Chúa qua lời cầu nguyện và sự kết nối NCH với Giáo hội địa phương.
f) Tư vấn và kết nối điều trị
Người nhiễm HIV, trẻ OVC và người sống trong môi trường có nguy cơ lâynhiễm cao sẽ được giới thiệu đến các Trung tâm y tế địa phương, bệnh viện, phòng khám chuyên khoa, các dịch vụ tư vấn miễn phí… để bệnh nhân được hỗ trợ nhanh nhất và tốt nhất. Khi gặp trường hợp NCH mặc cảm hoặc sợ bị lộ thông tin cá nhân nên không dám tìm đến các dịch vụ y tế, khiến họ bị mất việc làm, con cái bị kỳ thị ở trường, hạnh phúc gia đình bịtan vỡ, bị người thân xa lánh… các thành viên nhóm Sống Tích Cực đã tiếp cận, tư vấn, thuyết phục bệnh nhân đi điều trị, và đồng hành cho đến khi người bệnh ổn định được tâm lý.
Khó khăn trước hết của việc tư vấn là thuyết phục những người đang sống trong môi trường “có nguy cơ lâynhiễm cao” sẵn sàng làm xét nghiệm. Với những ca có kết quả âm tính với HIV, nhóm tiếp tục tư vấn quản lý và duy trì các hành vi an toàn, để gìn giữ sức khoẻ bản thân trước nguy cơlây nhiễm HIV. Với các ca dương tính với HIV, người bệnh thường suy sụp, và không muốn tin vào sự thật. Nhóm đã kề cận, đồng hành trong các buổi đi lấy kết quả để kịp thời giúp kết nối vào chương trình điều trị tại các phòng khám.
Có những anh chị em sau khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, ban đầu họđã có ý định tự tử, bỏ trốn… nhưng với sự lắng nghe một cách thấu cảm và tấm lòng yêu thương dành cho những người cùng cảnh ngộ, các thành viên trong nhóm đã vận dụng tất cả kiến thức và kỹ năng đã học, nhất là qua chính câu chuyện của mình, cho người bệnh thấy được tính khả quan khi điều trị bằng thuốc kháng virus ARV. Nhờ đó, nút thắt ban đầu dần được mở ra, NCH mới chấp nhận tham gia điều trị bằng thuốc kháng virus ARV. Sau một thời gian, khi thuốc giúp cơ thể kiểm soát được tải lượng virus, thì sức khỏe cũng dần được cải thiện, họ có thể tiếp tục công việc của mình mà không còn quá lo lắng, sợ hãi nữa.
Việc tham vấn thường được thực hiện trực tiếp, hoặc qua các cuộc gọi và các phươngtiện trên các trang tin xã hội. Với những anh chị em mới bị nhiễm HIV, nhóm chú trọng đến việc tham vấn về quá trình điều trị, hay các khủng hoảng có thể xảy đến trong cuộc sống của họ. Cộng tác viên luôn sẵn sàng tư vấn bất cứ lúc nào, và không hiếm lần gặp những hoàn cảnh vô cùng bi đát. Chẳng hạn trường hợp, có một người chồng được giới thiệu xét nghiệm và có kết quả dương tính với HIV, nhóm tiếp tục tư vấn người vợ nên làm xét nghiệm để được phát hiện sớm, và cũng nhận kết quả tương tự; đến lượt những đứa trẻ vô tội cũng bị nhiễm HIV từ mẹ sang con! Những trường hợp như thế, gia đình rất hoang mang và có thể rơi vào tuyệt vọng. Họ đau đớn, bế tắc, mất niềm tin vào cuộc sống, đặc biệt là các chị em phụ nữ, khi biết con đã bị lây nhiễm HIV từ mình. Nhưng với sự kiên trì, đồng cảm, nhóm đã từng bước giúp họ vượt qua. Trước hết là giải tỏa được tâm lý tiêu cực, sau là đồng thuận để đăng ký khám sức khỏe định kỳ, theo dõi và điều trị theo một phác đồ phù hợp với cơ địa của mỗi người. Khi sức khoẻ và tâm lý ổn định, cuộc sống sẽ tốt hơn và hạnh phúc cũng sẽ trở lại.
LỜI KẾT
Những chia sẻ trên đây chỉ là những nét chấm phá nhỏ trong bức tranh về tính “hiệp hành”, nhưng với niềm hy vọng đã phác họa được phần nào sự tham gia và hòa nhập của NCH tại Giáo phận Hải Phòng vào đời sống xã hội và Giáo hội. Trong thực tế, số NCH công giáo tại Giáo phận Hải Phòng ước tính chỉ là 1% số NCH của toàn thành phố. Nhưng như nắm men được vùi trong thúng bột, những anh chị em này hoạt động trong lòng Giáo hội và xã hội với nhiều đóng góp tốt đẹp, giới thiệu cho anh chị em có HIVvề lòng thương xót của Chúa.
Bản thân cũng là người yếu thế bé mọn, nhưng anh chị em có HIV của nhóm Sống Tích Cực đã can đảm bước ra khỏi chốn an toàn của mình, vì sự sống còn của người khác. Ý nghĩa hơn, khi sau hơn 20 năm sống dưới cái tên là NCH, chị Khuyên xác tín đây là ơn gọi của mình: việc nhiễm HIV là điều Chúa cho phép xảy ra với chị, để chính chị phải có kinh nghiệm mà sẻ chia về nỗi đau mình đang phải trải qua khi chị đi đến với chị em của mình.
Người Samaritanô nhân hậu trong Tin Mừng thánh Luca, đã chăm sóc vết thương cho người bị cướp đánh, bao bọc người bị nạn mà không cần tìm hiểu về nguồn gốc của người ấy (x. Lc 10, 29-37). NCH công giáo của nhóm Sống Tích Cực cũng ngày ngày rong ruổi từ huyện này đến huyện khác để viếng thăm, an ủi, động viên và kịp thời cứu giúp những anh chị em có HIV đang gặp khó khăn. Có lẽ điều lớn lao nhất mà anh chị em gặt hái được, đó chính là “hồi sinh” những con người thất vọng, khổ đau, làm cho nụ cười trở lại trên khuôn mặt và nét rạng ngời biểu lộ trong ánh mắt của những anh chị emcó HIV. Những anh chị em này đã cảm nhận mình được đón nhận và yêu thương với tất cả phẩm giá vốn có của một con người.
Ước mong sự tham gia tích cực của NCH vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội địa phương sẽ góp phần làm cho Giáo hội thêm sức sống, gắn kết mọi thành phần dân Chúa và cả những người anh em đồng loại, là những người cũng mang trong mình “hình ảnh của Thiên Chúa”, để hướng tới sự hiệp thông trong một thân thể là Hội Thánh (x. Rm 16, 1-9). Anh chị em có HIV ước mong tiếp tục được hướng dẫn, đồng hành từ cácvị hữu trách, để ngày càng được thăng tiến về lòng tin, cậy, mến. NCH muốn nói lên sự hiệp hành với Giáo hội như lời của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng - Chủ tịch HĐGM Việt Nam: “Chính nhờ tập sống hiệp hành, chúng ta sẽ trở thành một Hội thánh hiệp hành”.[7] n
[1]Văn Việt chuyển ngữ, Ý nghĩa logo chính thức của Thương Hội đồng Giám mục về con đường hiệp hành, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/y-nghia-logo-chinh-thuc-cua-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-con-duong-hiep-hanh-44116, truy cập ngày 28/6/2024
[2]X. https://vaac.gov.vn/hiv-aids-nhung-dieu-can-biet.html, truy cập ngày 28/6/2024.
[3]Châu Anh,Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở nhóm đồng giới nam tăng mạnh, https://www.qdnd.vn/y-te/tin-tuc/ty-le-nhiem-hiv-aids-o-nhom-dong-gioi-nam-tang-manh-768701, truy cập ngày 28/6/2024.
[4]Hoàng Vân (TTXVN), Hải Phòng: số người nhiễm HIV/AIDS tiếp tục tăng, http://molisa.gov.vn, truy cập ngày 30/7/2024.
[5] Safe the Children. 2006. Quyền Trẻ Em. Số 2;16;39
[6] BTT Caritas Hải phòng, Caritas Hải phòng: ngày gặp gỡ, giao lưu người có HIV và người khuyết tật với chủ đề “kết nối trái tim”, https://caritasvietnam.org/caritas-hai-phong-ngay-gap-go-giao-luu-nguoi-co-h-va-nguoi-khuyet-tat-voi-chu-de-%E2%80%9Cket-noi-trai-tim%E2%80%9D, truy cập ngày 15/7/2024.
[7]Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Hiệp hành là lối sống của Hội thánh, https://tgpsaigon.net/bai-viet/hiep-hanh-la-loi-song-cua-hoi-thanh-64898, truy cập ngày 30/8/2024.