Dẫn nhập
Loan báo Tin Mừng không phải là của riêng ai mà “toàn thể Giáo Hội đều phải truyền giáo và công cuộc Phúc Âm hóa là nhiệm vụ căn bản của đoàn Dân Chúa” (AG, số 35). Bởi vì, loan báo Tin Mừng là bản chất của Hội Thánh (x. AG 2, EN 14), nhưng để trở thành người loan báo Tin Mừng đúng nghĩa, người môn đệ cần sống trước hết trong tương quan mật thiết với Đức Kitô. Lời dạy của Chúa Giêsu: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12,30) không chỉ là một giới răn, mà là nền tảng cho mọi hoạt động truyền giáo. Không yêu mến Chúa cách trọn vẹn, người môn đệ sẽ dễ rơi vào hoạt động vì danh tiếng, thành tích, hay áp lực xã hội, thay vì rao giảng Tin Mừng như một sứ mạng thiêng liêng. Ngoài tình yêu Thiên Chúa, người môn đệ đích thực còn được định hình bởi đức khiêm nhường và thái độ phục vụ, như chính Thầy Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,12-15), để nói lên rằng loan báo Tin Mừng không nhằm thống trị hay thuyết phục bằng sức mạnh, nhưng bằng phục vụ trong yêu thương.
Loan báo Tin Mừng là trung thành với lệnh truyền của Chúa Kitô: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), người môn đệ không chỉ học biết về sứ vụ, mà phải dấn thân sống và chết cho sứ vụ ấy. Hơn nữa, truyền giáo không chỉ là một hoạt động tùy chọn, mà là “một bổn phận phát sinh từ đức tin” (RM 87). Trong bối cảnh Việt Nam, một đất nước có nền văn hóa đa dạng, tín ngưỡng phong phú và xã hội đang biến đổi mạnh mẽ, người môn đệ được mời gọi trở nên “nhà truyền giáo văn hóa”, bước đi giữa lòng dân tộc, mang theo Tin Mừng của sự thật, công lý, và hy vọng, qua chính đời sống chứng tá của mình.
I. ĐẶC ĐIỂM CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ LOAN BÁO TIN MỪNG
1. Yêu mến Chúa trên hết mọi sự
Tình yêu với Thiên Chúa: Nền tảng và động lực của sứ vụ truyền giáo. Lời mời gọi yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” (Mc 12,30) không chỉ là một giới răn, mà còn là nền tảng của đời sống Kitô hữu và đặc biệt là của người môn đệ truyền giáo. Truyền giáo không khởi đi từ ý chí con người, mà từ một cuộc gặp gỡ đầy tình yêu với Đức Kitô – Đấng Cứu Độ. “Niềm vui loan báo Tin Mừng phát sinh từ một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu” (Evangelii Gaudium, số 8). Khi người môn đệ yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, họ được đốt cháy bởi lửa mến, không thể giữ kín Tin Mừng cho riêng mình. Như thế, tình yêu đối với Thiên Chúa không phải là một cảm xúc mơ hồ, mà là động lực cụ thể biến đổi đời sống người môn đệ, thúc đẩy họ trở thành chứng tá sống động và đáng tin cậy của Tin Mừng trong thế giới hôm nay.
Cầu nguyện và Thánh Thể: Nơi nuôi dưỡng tình yêu truyền giáo. Tình yêu dành cho Thiên Chúa không thể tách rời khỏi đời sống cầu nguyện và hiệp thông Thánh Thể. Chính nơi thinh lặng nội tâm và sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Thánh Thể, người môn đệ được đào sâu trong tình yêu, được biến đổi và sai đi. Vì “không ai có thể giữ được một sự nhiệt tâm truyền giáo sống động nếu không kết hợp liên lỉ với Chúa” (Evangelii Gaudium, số 264). Bởi lẽ, cầu nguyện không phải là một bổn phận phụ thuộc, mà là “nguồn sống đích thực cho hoạt động tông đồ”(Ad Gentes, số 15). Trong Thánh Lễ, người môn đệ không chỉ tham dự vào hy tế cứu độ mà còn được mời gọi trở nên bánh bẻ ra cho thế giới. Chính nơi Thánh Thể, Chúa Kitô trao ban chính Người làm nguồn sức mạnh cho mọi sứ vụ. Ai yêu mến Chúa cách thật lòng thì sẽ khát khao ở lại với Người, và từ cuộc hiệp thông đó, họ được sai đi với một trái tim cháy bỏng tình yêu thương và lòng thương xót. Vì “Lòng nhiệt thành truyền giáo của chúng ta phải được xuất phát từ sự thánh thiện thật sự của một cuộc sống được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện, và nhất là bằng lòng yêu mến đối với phép Thánh Thể. Hơn nữa, như Công Đồng đã nêu rõ việc rao giảng cũng phải làm cho người rao giảng lớn lên trong đường thánh thiện”. (Evangelii Nuntiandi, số 76).
Yêu mến Chúa thúc đẩy người môn đệ ra khỏi chính mình. Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự không đóng kín người môn đệ trong sự đạo đức cá nhân, nhưng mở họ ra với sứ vụ. “Một trái tim thật sự bị hấp dẫn bởi tình yêu Thiên Chúa thì không thể không chia sẻ Tin Mừng cho người khác” (Evangelii Gaudium, số 27). Tình yêu đích thực luôn hướng đến tha nhân. Người môn đệ không thể giữ tình yêu Thiên Chúa cho riêng mình, bởi tình yêu ấy là “lửa” như Chúa Giêsu đã nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong cho nó bùng cháy lên” (Lc 12,49). Truyền giáo, vì thế, không phải là gánh nặng nhưng là sự bùng nổ của một niềm vui nội tâm. Đức Bênêđictô XVI viết trong Tông huấn Verbum Domini: “Lời Chúa làm cho đời sống Giáo hội trở nên truyền giáo; chính tình yêu thúc đẩy Giáo hội bước đi” (số 91). Người môn đệ yêu mến Chúa sẽ không ngại hy sinh, từ bỏ bản thân, chấp nhận gian khó, để có thể mang Tin Mừng đến cho những nơi xa xôi nhất, những con người bị lãng quên nhất. Như Thánh Phaolô nói: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5,14).
2. Sống khiêm nhường và phục vụ
Khiêm nhường: Con đường của Chúa Kitô và người môn đệ. Sự khiêm nhường không phải là biểu hiện yếu đuối, mà là dấu chỉ của một tình yêu mạnh mẽ và trưởng thành. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu – Thầy và Chúa – đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, một hành động của người đầy tớ (Ga 13,12–15). Ngài không chỉ làm như một cử chỉ cảm động, nhưng để thiết lập một quy tắc sống cho tất cả những ai muốn theo Ngài: “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” Đây là biểu tượng sâu xa của sự tự hạ, từ bỏ chính mình, và đặt người khác lên trước. Đức Phaolô VI đã kêu gọi mọi Kitô hữu “làm chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống khiêm hạ và hiền lành là điều không thể thiếu trong truyền giáo” (Evangelii Nuntiandi, số 76). Khiêm nhường giúp người môn đệ tránh rơi vào cám dỗ thống trị, kiểm soát hay tự mãn trong sứ vụ. Chúa Giêsu đã chọn con đường phục vụ âm thầm, đi vào đời sống của người nghèo và những kẻ bé mọn. Người môn đệ truyền giáo, nếu muốn trung thành với Đức Kitô, thì phải sống tinh thần ấy, trở nên “nhỏ bé để người khác được lớn lên”.
Phục vụ : Ngôn ngữ thuyết phục nhất của Tin Mừng. Phục vụ không chỉ là việc làm từ thiện hay hành vi bác ái đơn thuần; phục vụ chính là hành động của truyền giáo. Đức Giêsu mời gọi người môn đệ đi vào đời sống phục vụ như Ngài: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20,28). Vì thế “Giáo hội là người mẹ ra đi, đến với những vùng ngoại biên để phục vụ và chữa lành” (EG 46). Sự phục vụ đích thực luôn đi kèm với lòng yêu thương và sự hy sinh. Trong môi trường truyền giáo hôm nay, lời nói nhiều khi không đủ sức thuyết phục, nhưng hành động yêu thương phục vụ thì có sức lay động tâm hồn. Hơn nữa, “Giáo hội được mời gọi phục vụ thế giới với tâm hồn khiêm tốn như Chúa Kitô” (LG 8). Người môn đệ loan báo Tin Mừng không thể chỉ là người giảng dạy, mà phải là người phục vụ, sống đời chứng tá giữa cộng đoàn, qua những việc làm nhỏ bé nhưng thấm đẫm tình yêu và lòng thương xót.
Khiêm nhường và phục vụ: Đưa Tin Mừng đến những vùng ngoại biên. Khiêm nhường và phục vụ là hai phẩm chất giúp người môn đệ sẵn sàng bước ra khỏi “vùng an toàn” để đến với những vùng ngoại biên, nơi có những con người bị loại trừ, nghèo khổ và không được lắng nghe. Đức Phanxicô kêu gọi: “Tôi muốn một Giáo hội bị thương tích, vì đã ra đường, chứ không phải một Giáo hội khép kín” (EG 49). Chính thái độ khiêm hạ và sẵn sàng phục vụ cho phép người môn đệ hiện diện như một người bạn, không áp đặt nhưng đồng hành, không phán xét nhưng chia sẻ. Vì “Giáo hội không lớn lên bằng chiêu dụ, mà bằng lôi cuốn – bằng cuộc sống thánh thiện và phục vụ” (Đức Bênêđictô XVI, Homily, 2007). Người môn đệ mang Tin Mừng trong tâm thế phục vụ khiêm nhường sẽ là chiếc cầu nối giữa Tin Mừng và những con người cụ thể. Trong thế giới hôm nay, nơi nhiều người nghi ngờ niềm tin, chính những hành động âm thầm, đầy yêu thương của người môn đệ là lời rao giảng Tin Mừng mạnh mẽ và có sức biến đổi hơn bất kỳ bài giảng hùng biện nào.
3.Trung thành với giáo huấn của Chúa và Giáo hội
Loan báo một Tin Mừng chân thật và trọn vẹn. Lệnh truyền “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15) không chỉ là mệnh lệnh truyền giáo, mà còn là lời mời gọi trung thành với chính sứ điệp của Đức Kitô. Người môn đệ loan báo Tin Mừng không nhân danh mình, không nói theo ý riêng, nhưng là người chuyển tải chân lý đã được mạc khải và được Giáo hội gìn giữ. Bởi vì, “Không có việc truyền giáo đích thực nếu không rao giảng những chân lý nền tảng của đức tin Công giáo” (Evangelii Nuntiandi, số 26). Trung thành với Tin Mừng không phải là sự bảo thủ cứng nhắc, mà là một hình thức trung thực nội tâm, khi người môn đệ hiểu rằng mình chỉ là khí cụ, không thể tùy tiện uốn nắn sứ điệp theo thị hiếu thời đại. Sự trung thành ấy còn bao gồm việc tôn trọng toàn bộ nội dung Tin Mừng, từ niềm hy vọng cứu độ đến đòi hỏi hoán cải và thánh hóa đời sống. Người môn đệ loan báo Đức Kitô, chứ không phải ý tưởng cá nhân, và điều này đòi hỏi một sự cam kết lâu dài trong học hỏi và sống đức tin cách nghiêm túc.
Hiệp thông với Giáo hội: Bảo đảm cho sự hiệp nhất trong truyền giáo. Sự trung thành với giáo huấn của Giáo hội không làm giảm đi sức sống của sứ vụ truyền giáo, nhưng là bảo đảm cho sự hiệp nhất, xác tín và hiệu quả trong việc loan báo Tin Mừng. “Lời rao giảng phải trung thành với kho tàng đức tin được truyền lại bởi Giáo hội” (EG 41). Trong thời đại bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân và tương đối hóa chân lý, người môn đệ dễ rơi vào nguy cơ biến Tin Mừng thành “thông điệp cá nhân hóa”. Tuy nhiên, chỉ khi gắn bó với Giáo hội – như Thánh Phaolô nói: “Chúng tôi rao giảng không phải chính mình, mà là Đức Giêsu Kitô, và chúng tôi là tôi tớ anh em vì Đức Giêsu” (2 Cr 4,5) – thì lời rao giảng mới giữ được sự tinh tuyền. Công đồng Vatican II cũng nhấn mạnh rằng mọi hoạt động truyền giáo đều phát xuất từ chính sứ mạng của Giáo hội, và phải luôn quy hướng về hiệp thông (x. AG 6). Vì thế, người môn đệ truyền giáo không thể tách mình khỏi huấn quyền, khỏi Giáo lý và đời sống bí tích của Giáo hội, vì chính đó là mạch nguồn nuôi dưỡng và hướng dẫn cho sứ vụ loan báo Đức Kitô trong thế giới hôm nay.
Trung thành là can đảm sống và làm chứng trong thời đại hôm nay. Trung thành với giáo huấn của Chúa và Giáo hội không có nghĩa là đóng kín hay sợ đổi mới. Đúng hơn, đó là sống trọn vẹn Tin Mừng trong bối cảnh cụ thể của thời đại, với một tinh thần phân định và can đảm. “Truyền giáo đòi hỏi một sự trung thành năng động, biết thích nghi cách trình bày mà không làm tổn hại đến nội dung” (Evangelii Gaudium, số 45). Người môn đệ hôm nay được mời gọi dùng mọi phương tiện – từ truyền thông đến nghệ thuật, từ ngôn ngữ giới trẻ đến các tiếp cận mục vụ mới – để chia sẻ Tin Mừng, nhưng luôn giữ vững căn tính Công giáo. Điều này đòi hỏi một tinh thần cầu nguyện, học hỏi thần học và giáo lý cách liên tục. Đức Bênêđictô XVI từng viết: “Không ai có thể loan báo điều họ không biết” (Verbum Domini, số 94). Trung thành là luôn quy hướng về Chúa Kitô, luôn làm mới mình trong Chúa Thánh Thần, để Tin Mừng không trở nên cũ kỹ hay lệch lạc. Như vậy, trung thành chính là sức mạnh làm cho sứ vụ truyền giáo trở nên sống động, hiệu quả và sinh hoa trái trong mọi thời đại.
4. Dấn thân trong sứ vụ Loan Báo Tin Mừng
Dấn thân: Căn tính không thể thiếu của người môn đệ. Việc dấn thân truyền giáo không chỉ là một lựa chọn trong số nhiều việc đạo đức, mà là yếu tố thiết yếu của đời sống môn đệ. Vì “Mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo, trong mức độ mà họ đã gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô” (Evangelii Gaudium, số 120). Điều đó có nghĩa là bất cứ ai đã thực sự gặp gỡ Chúa, đều được thúc đẩy tự nhiên để chia sẻ niềm vui ấy với người khác. Vì “Giáo hội tồn tại để truyền giáo” (Evangelii Nuntiandi, số 14), và vì thế, người môn đệ không thể chỉ sống đạo cách thụ động, mà phải ra đi để loan báo. Dấn thân là chọn rời khỏi vùng an toàn, vượt qua sự mệt mỏi, dửng dưng hay sợ hãi, để sống theo mẫu gương của Chúa Giêsu – Đấng đã rảo khắp các thành thị và làng mạc để loan báo Nước Trời (x. Lc 8,1). Một đời sống môn đệ không dấn thân sẽ trở nên trì trệ, và dễ đánh mất bản chất truyền giáo vốn là sứ mạng cốt lõi của Giáo hội.
Dấn thân trong mọi hoàn cảnh và bậc sống. Không ai trong Giáo hội được miễn trừ khỏi sứ mạng truyền giáo. Vì truyền giáo không chỉ dành cho các linh mục hay tu sĩ, mà là “sứ mạng của toàn thể dân Thiên Chúa” (Evangelii Gaudium, số 111). Tông huấn Christifideles Laici của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng xác định rằng: “Ơn gọi của người giáo dân là làm cho Tin Mừng thấm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội” (số 29). Như vậy, người môn đệ có thể dấn thân trong truyền giáo qua các hình thức khác nhau: trong đời sống gia đình, môi trường lao động, học đường, mạng xã hội, hay trong các hoạt động bác ái – xã hội. Quan trọng là họ mang Đức Kitô đến trong mọi hoàn cảnh sống thường ngày. Dấn thân truyền giáo không chỉ là đi xa, mà trước hết là sẵn sàng làm chứng trong những mối tương quan gần gũi nhất. Như Đức Giêsu đã nói: “Anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13–14), người môn đệ phải chiếu tỏa Tin Mừng không bằng lời nói suông, mà bằng chính đời sống, việc làm, và sự hiện diện đầy bác ái giữa lòng thế giới.
Dấn thân với trái tim cháy lửa yêu thương. Người môn đệ dấn thân thật sự trong sứ vụ loan báo Tin Mừng là người được “thúc bách bởi tình yêu Đức Kitô” (2 Cr 5,14). Không phải vì trách nhiệm hay áp lực cơ chế, nhưng là vì con tim họ bừng cháy tình yêu – như các môn đệ Emmaus: “Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh đó sao?” (Lc 24,32). Đó là thứ lửa thúc đẩy người môn đệ vượt qua sợ hãi, gian nan, thậm chí là bách hại để loan báo Tin Mừng. Vì “Người loan báo Tin Mừng trước hết là người có tâm hồn say mê Chúa Giêsu và say mê con người” (Evangelii Nuntiandi, số 80). Dấn thân truyền giáo là một hành trình của con tim, đòi hỏi sự kiên trì, hy sinh và lòng tín thác sâu xa vào Chúa Thánh Thần – Đấng hướng dẫn và ban ơn. Một Giáo hội truyền giáo không thể là Giáo hội mỏi mệt, nhưng là Giáo hội luôn vươn ra, luôn thao thức và chuyển mình. Như Đức Phanxicô nói: “Chúng ta không thể ngồi yên trong phòng kín. Chúa gọi chúng ta đi ra ngoài” (Gaudete et Exsultate, số 130). Dấn thân truyền giáo chính là sống lòng yêu mến Chúa cách cụ thể, bằng việc yêu thương và phục vụ từng con người mà chúng ta được sai đến. Cụ thể trong việc truyền giáo của chúng ta nơi đất nước và con người Việt Nam.
II. TRUYỀN GIÁO TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM
1. Văn hóa – xã hội – tôn giáo ở Việt Nam và ảnh hưởng đến truyền giáo
Trong bối cảnh Việt Nam, truyền giáo không thể tách rời khỏi sự đa dạng văn hóa, tín ngưỡng bản địa và hiện thực xã hội. Sắc lệnh Ad Gentes khẳng định: “Giáo Hội… loan báo Phúc Âm cho hết mọi người… để Đức Kitô được khắp muôn dân biết đến” (AG 1). Điều này đặt ra nhu cầu các nhà truyền giáo phải hiểu sâu sắc tập quán dân gian, lễ hội, niềm tin tâm linh – không chỉ là nghi thức mà còn là giá trị cộng đồng. Vì thế, cần ứng dụng con đường âm thầm kết hợp bình an, kính trọng, để Phúc Âm được đón nhận như “món quà sức hút”, không gây áp lực – đúng theo tinh thần “mời gọi bằng sức hút của niềm vui Tin Mừng” của Đức Phanxicô (EG 14). Tại Việt Nam, điều này có nghĩa là truyền giáo qua sự gắn bó tự nhiên, sự chào đón chân thành, đón nhận yếu tố văn hóa bản địa để xây dựng sự tín nhiệm và hòa nhập.
Cộng đoàn tôn giáo Việt Nam đa phần đề cao tinh thần cộng đồng, lòng hiếu khách, và tôn trọng tổ tiên. Do đó, sứ giả Tin Mừng không chỉ đến từ lời giảng, nhưng nhất là từ chứng tá cuộc sống: cách chăm sóc cha mẹ già, giúp đỡ người nghèo, hoạt động từ thiện xã hội… Thông điệp này chuyển tải một hình ảnh Thiên Chúa gần gũi, hiểu và tôn trọng truyền thống con người. Đồng thời, Phúc Âm được truyền sâu nhất khi nó được sống xúc cảm và cụ thể trong đời sống cộng đồng chứ không chỉ qua giảng thuyết. Chính cách sống khiêm nhường, trung thực, trách nhiệm với cộng đồng mới là chìa khóa khiến Tin Mừng trở nên gần gũi, tránh trở thành bản sao văn hóa bên ngoài.
2. Tôn trọng truyền thống và hành động xã hội – chìa khóa tạo mối liên kết bền vững
Không chỉ dừng lại ở sự cảm thụ văn hóa, chứng tá bằng hành động xã hội mới thúc đẩy Tin Mừng đi vào lòng người. Ví dụ, việc tham gia chăm sóc người nghèo, người già, hỗ trợ giáo dục trẻ em, nhất là qua hệ thống Caritas và các giáo điểm – đã được triển khai tại các giáo phận. Những hành vi này không chỉ giải quyết nhu cầu thiết yếu, mà còn tôn vinh con người như hình ảnh Thiên Chúa. Hành động thiết thực ấy tạo ra cầu nối tâm linh và vượt qua được rào cản về niềm tin cũng như pháp lý trong xã hội Việt Nam. Qua cử chỉ hy sinh, lắng nghe, phục vụ, cộng đồng nhận ra một khuôn mặt Thiên Chúa trong sự gần gũi. Như Sắc lệnh Ad Gentes nhấn mạnh: “Các nhà truyền giáo có thể và phải ít nhất làm chứng cho Đức Kitô bằng lòng bác ái và những việc làm thương xót, với tất cả sự kiên nhẫn, thận trọng và lòng tin tưởng lớn lao. Nhờ đó, họ sẽ dọn đường cho Chúa và làm cho Ngài hiện diện theo một cách nào đó.” (AG 6)
Tuy nhiên, sự phân hóa xã hội, kinh tế – vùng sâu vùng xa còn khó khăn – tiếp tục là thách thức. Tin Mừng cần được rao giảng “cho những vùng ngoại vi” bằng những giáo điểm nhỏ, gần gũi, hiệu quả, mô hình này đã được Gp Sài Gòn áp dụng hiệu quả: cộng đoàn nhỏ với linh mục, tu sĩ, giáo dân, đích thân hiện diện, chia sẻ và phục vụ người nghèo.
3. Cơ hội và thách đố trong truyền giáo: tôn giáo, xã hội, công nghệ
Trong bối cảnh Việt Nam, truyền giáo hiện đại không thể né tránh thách thức từ sự đa dạng tôn giáo: Phật giáo truyền thống, Cao Đài, Hòa Hảo, và tín ngưỡng dân gian sống động…Tông huấn Giáo Hội tại Á Chấu nhấn mạnh rằng đối thoại liên tôn là “một phần sứ mạng truyền giáo ad gentes” (EA 31), không chỉ đơn thuần là mở rộng kiến thức mà còn là phương thức để loại bỏ thành kiến và xây dựng sự tin cậy giữa các cộng đồng. Cần nhận thức rằng việc “đối thoại trong và qua truyền giáo” yêu cầu người tham gia phải có một đức tin trưởng thành, khiêm nhường, và sẵn sàng lắng nghe như Đức Giê-su đã dạy: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền hậu và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Ở Việt Nam, sứ mạng này được thực hiện thông qua các chương trình trao đổi liên tôn, hội thảo, và nhất là hành động xã hội chung – tạo nền tảng cho mối quan hệ tin cậy sâu rộng.
Giáo Hội Á Châu đang thực hiện sứ mạng qua đối thoại liên tôn và chứng tá. Cơ hội hiện hữu trong việc hợp tác giữa các tôn giáo nhằm xây dựng hòa bình xã hội, tiếp nhận các giá trị chung như tình yêu thương, nhân ái, tôn trọng con người. Sự hợp tác giữa các tôn giáo trong các dự án nhân đạo – như hỗ trợ học bổng cho trẻ em, cứu trợ thiên tai, bảo vệ môi trường – đang mở ra cơ hội truyền giáo bằng chứng tá cụ thể. Đồng thời củng cố vai trò của Giáo hội như một đối tác đáng tin cậy trong xã hội đa tôn giáo. Những mô hình này không chỉ giảm căng thẳng xã hội mà còn cho phép các cộng đoàn Kitô chứng tỏ “phẩm giá Thiên Chúa trong mọi người”, từ đó mở ra cơ hội cho Tin Mừng được đón nhận như một thông điệp hòa giải và cộng tác.
Bên cạnh đó, công nghệ số đang mở ra không gian truyền giáo mới cho giới trẻ và người dân đô thị. Công đồng Vaticanô II trong Sắc lệnh Truyền giáo Ad Gentes đã sớm nhìn thấy tầm quan trọng của “công cụ truyền thông trong sứ mạng truyền giáo”; ngày nay, nền tảng trực tuyến như livestream Thánh lễ, các giờ mục vụ online, group thiêng liêng trên mạng xã hội giúp bắc cầu khoảng cách xã hội và tiếp cận những người không thể tham dự trực tiếp. Tuy vậy, cần lưu ý rằng công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ – nếu thiếu chiều sâu nhân bản, không tạo ra được mối quan hệ chân thành, dễ trở nên hình thức. Sự kết hợp khéo léo giữa hiện diện cá nhân và công nghệ sẽ là hướng đi chiến lược để truyền giáo hiệu quả tại Việt Nam, kết nối giữa các giáo điểm (missionary stations) và nền tảng số, nhằm lan tỏa niềm tin nơi người trẻ, người thành thị và các cộng đồng vùng xa để hướng tới một cộng đoàn truyền giáo là bộ phận giáo dân tham gia sứ vụ.
4. Người giáo dân tham gia sứ vụ truyền giáo
Dưới ánh sáng sứ vụ Loan Báo Tin Mừng (LBTM) tại Việt Nam, người giáo dân ngày nay không chỉ được nhìn nhận là người “theo đạo”, “giữ đạo” mà còn là người “sống đạo” giữa đời sống cộng đồng. Chính đời sống đạo đức, gương mẫu, khiêm nhường và đầy bác ái của họ đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho việc truyền giáo. “Không thể chối cãi, nhờ cách hành đạo chính chắn của cộng đồng Kitô hữu được biểu hiện qua các thói quen nhân đức, sốt sắng, chuẩn mực trong sinh hoạt thường ngày mà tạo ra một phương thế LBTM hữu hiệu.” (x. Michel Trương, Các Hình Thái Hoạt Động Vì Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng – hdgmvietnam.com). Trong một xã hội mà đời sống đức tin đôi khi còn nguội lạnh hay bị ảnh hưởng bởi các làn sóng thực dụng, chính tinh thần hiệp thông và lối sống khiêm nhường, yêu thương giữa các tín hữu sẽ lôi cuốn những người khác trở lại với Giáo hội. Bằng cách để cho ánh sáng Tin Mừng được phản chiếu qua đời sống hằng ngày, người giáo dân trở thành “chứng nhân thầm lặng” mà đầy sức mạnh thuyết phục. Khi người ngoài đạo chứng kiến sự hoán cải và nếp sống mẫu mực trong cộng đoàn, họ sẽ dần cảm nhận được sự thiện hảo đến từ Thiên Chúa – đó chính là lúc hạt giống đức tin âm thầm nảy mầm trong lòng họ.
Sứ mạng truyền giáo của giáo dân không đơn thuần là một bổn phận, mà là hành trình thể hiện niềm tin sâu sắc và dấn thân vào Ơn Cứu độ. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định trong Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế Redemptoris Missio: “Việc suy yếu nỗ lực truyền giáo là dấu hiệu của khủng hoảng Đức tin” (số 2). Vì thế, sống đức tin không thể tách rời khỏi việc chia sẻ đức tin. Bài học từ sáng kiến truyền giáo tại Karachi (Pakistan) với mô hình “Loan báo Tin Mừng từ nhà này sang nhà khác” là một minh chứng đầy cảm hứng. Khi nhận thấy nhiều người Công giáo xa rời đời sống Giáo hội, cha Arthur Charles đã huấn luyện một nhóm người trẻ, trang bị kiến thức thần học và sai họ đến tận từng gia đình, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện cùng nhau. Dù khởi đầu chỉ với 12 người, mô hình này nhanh chóng tạo được sức lan tỏa rộng lớn. Quả thật, đây là một hình thức “lây lan Tin Mừng trong sinh hoạt dân chúng” – cách làm vừa thực tiễn, vừa mang tính cộng đồng sâu sắc (x. Michel Trương, Các Hình Thái Hoạt Động Vì Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng). Kinh nghiệm này có thể là gợi ý hữu ích cho các giáo xứ Việt Nam trong việc tái truyền giảng Tin Mừng cho những tâm hồn đang xa rời Đức tin.
Trong bối cảnh Việt Nam hôm nay, nhiều giáo dân đang dấn thân vào sứ vụ truyền giáo qua việc phục vụ xã hội và thăng tiến cộng đồng. Theo định hướng của Giáo phận Cần Thơ trước đây, mô hình “Tam Dân” – dân sinh, dân trí và dân tâm – trở thành chiến lược cụ thể để người giáo dân đồng hành với lương dân trong hành trình sống Tin Mừng (mô hình này thường được Đức cố giám mục Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang phát biểu ở những lần thuyết trình về chuyên đề Truyền giáo trong Giáo Phận Cần Thơ của Ngài (x. Michel Trương, Các Hình Thái Hoạt Động Vì Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng – hdgmvietnam.com). Qua việc xây cầu, dạy học, giúp người nghèo, và hỗ trợ y tế, người tín hữu âm thầm gieo hạt đức tin vào lòng xã hội. Từ một cái nhìn lịch sử, người Công giáo Việt Nam đã biết kết hợp truyền thống dân tộc với niềm tin tôn giáo, bắt đầu từ thời các nhà truyền giáo Dòng Tên như Alexandre de Rhodes, người đã dùng chữ Quốc ngữ và văn học để truyền giảng đạo cách nhẹ nhàng và hiệu quả. Ngày nay, người giáo dân – đặc biệt là giới trẻ – đang tiếp tục hành trình này bằng công nghệ số, đối thoại liên tôn và hành động cụ thể. Như Đức Gioan Phaolô II đã nói trong Tông huấn Giáo Hội tại Á Chấu Ecclesia in Asia: “Cộng đoàn Kitô hữu mà càng bén rễ sâu vào kinh nghiệm nơi Thiên Chúa… thì càng có thể loan báo một cách đáng tin cậy cho tha nhân” (số 23). Đây chính là lời mời gọi khẩn thiết để mỗi giáo dân trở thành một sứ giả đức tin giữa lòng quê hương mình.
5. Tu sĩ : Chứng tá đời sống – nền tảng cho sứ vụ truyền giáo
Trong bối cảnh truyền giáo tại Việt Nam, các cộng đoàn tu sĩ – nam và nữ – không chỉ đơn thuần là những người giảng dạy giáo lý hay cử hành phụng vụ, mà là hình ảnh sống động của Tin Mừng giữa đời thường. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã xác quyết: “Con người ngày nay sẵn sàng lắng nghe những người làm chứng hơn là những người giảng dạy; và nếu họ có nghe những người giảng dạy, thì chính vì họ là những người làm chứng” (Evangelii Nuntiandi, số 41). Chính đời sống tu trì, với cầu nguyện bền bỉ, lao động yêu thương và phục vụ tha nhân cách vô vị lợi, là lời loan báo âm thầm nhưng đầy sức mạnh. Các hoạt động như chăm sóc bệnh nhân, dạy học cho trẻ em nghèo, tiếp đón người vô gia cư, phục vụ người dân vùng sâu vùng xa… chính là minh chứng rõ nét cho tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Trong chiều kích Á Châu, Tông huấn Ecclesia in Asia mô tả người tu sĩ như là “confessio Trinitatis” (tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi), “signum fraternitatis” (dấu chỉ tình huynh đệ), và “servitium caritatis” (phục vụ bằng đức ái) (Ecclesia in Asia, số 44). Ở Việt Nam, sự hiện diện âm thầm, khiêm tốn nhưng dấn thân sâu sắc của các cộng đoàn tu sĩ đã và đang góp phần biến Tin Mừng trở nên hữu hình – một thực tại được cảm nhận qua những nghĩa cử cụ thể hơn là những khái niệm trừu tượng. Họ trở thành những ngọn đèn nhỏ soi sáng trong đêm tối của nghèo khổ, bệnh tật, cô đơn – là hình ảnh của Tin Mừng cứu độ đang hiện diện giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay.
Ở Việt Nam, tu viện mở cửa đón tiếp người vô gia cư, nhóm từ thiện xuất phát từ cộng đoàn tu phục vụ xa xứ, đều là biểu hiện sống động của “giao thoa giữa Tin Mừng và văn hóa địa phương”. Chính qua những hành động cụ thể này, cộng đoàn tu sĩ làm nảy sinh những câu hỏi cho nhiều người ngoại giáo: “Tại sao họ sống như vậy? Động lực nào đã thúc đẩy họ?” – điều mà Evangelii Nuntiandi mô tả là “silent proclamation” (rao giảng âm thầm) – sứ vụ đầu tiên của truyền giáo. Chứng tá này không cần đến lời dài dòng, nhưng lại gợi lên những khát vọng sâu xa nơi người khác, khơi dậy sự tò mò khiến họ tự đi tìm lý do, mở đường cho Tin Mừng len lỏi vào tâm hồn. Hơn nữa, khi giới trẻ chứng kiến tu sĩ cùng tham gia xây dựng nhà tình thương, dạy tiếng cho trẻ em dân tộc, điều họ nhìn thấy không chỉ là hình ảnh của tổ chức tôn giáo, mà là bản chất của Tin Mừng: yêu thương, hy sinh, và hiện diện. Mô hình này vừa cổ vũ người học hỏi Tin Mừng bằng lý trí, vừa mời gọi họ trải nghiệm qua hành động cụ thể – một phương pháp truyền giáo từ sâu bên trong, chứ không chỉ qua lời giảng lý thuyết
6. Sức hút nội tại – đồng hành và hy vọng trong cộng đồng
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, truyền giáo ngày nay cần được thực hiện qua “sức hút” hơn là sự áp đặt. Ngài viết: “Giáo hội không lớn lên nhờ ép buộc, nhưng nhờ hấp dẫn” (Evangelii Gaudium, số 14). Cộng đoàn tu sĩ tại Việt Nam đang sống lời mời gọi ấy qua một lối sống hiền hòa, giản dị, đầy tinh thần phục vụ. Họ không rao giảng bằng những lý luận thần học cao siêu, mà bằng sự hiện diện cụ thể: lắng nghe người nghèo không phán xét, chăm sóc người đau khổ không điều kiện, và đồng hành với các nhóm yếu thế bằng sự yêu thương bền bỉ. Nơi các vùng xa, họ là người cùng ăn, cùng ở, cùng hy vọng với dân làng. Đây chính là sự hiện thân của tinh thần truyền giáo như Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu nhấn mạnh: “Các cộng đoàn tu sĩ là hình ảnh sự hiện diện của Đức Kitô giữa xã hội Á Châu” (Ecclesia in Asia, số 44). Một cộng đoàn tu sĩ loan báo Tin Mừng thực sự là cộng đoàn biết sống kiên nhẫn, biết ôm lấy cuộc sống của dân chúng, chạm đến thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác. Họ biết chờ đợi hoa trái với niềm hy vọng tông đồ, biết chịu đựng thử thách như người gieo hạt không nản lòng trước cỏ dại, bởi họ tin vào sự lớn lên âm thầm của Nước Trời. Sự hiện diện này không chỉ là sứ vụ truyền giáo, mà là biểu hiện của “missionary spirituality” – tinh thần truyền giáo từ nội tâm và đời sống hằng ngày. Họ trở thành những chứng nhân của ánh sáng Tin mừng trong đêm tối xã hội: không ồn ào, không áp đặt, mà tỏa ánh sáng hy vọng, khơi gợi lòng thiện và mở đường cho Tin Mừng vào cuộc sống đời thường. Sau cùng, như Đức Phanxicô khẳng định, cộng đoàn truyền giáo là cộng đoàn “tràn đầy niềm vui” (Evangelii Gaudium, số 24) – niềm vui không đến từ sự thành công bên ngoài, mà từ chính việc được sống và chia sẻ Tin Mừng giữa lòng thế giới đầy tổn thương và khát vọng cứu độ.
Kết luận
Người loan báo Tin Mừng là chiếc cầu nối giữa Tin Mừng và dân tộc. Người môn đệ đích thực trong sứ vụ loan báo Tin Mừng là người được đúc kết từ một tình yêu sâu xa dành cho Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bởi cầu nguyện và Thánh Thể, và được thể hiện cụ thể bằng đời sống khiêm nhường, phục vụ và trung thành với giáo huấn của Chúa và Giáo hội. Người môn đệ không thể là một khán giả thụ động của đức tin, mà phải là chứng nhân sống động giữa lòng đời – nơi lời rao giảng trở thành hành động, và hành động trở thành bằng chứng thuyết phục nhất cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong bối cảnh Việt Nam, sứ mạng truyền giáo đòi hỏi một sự hội nhập văn hóa khôn ngoan và khiêm tốn, biết tôn trọng truyền thống, sử dụng sức mạnh của đối thoại liên tôn, công nghệ truyền thông và nhất là sự dấn thân của từng thành phần trong Giáo hội – từ hàng giáo sĩ, tu sĩ đến người giáo dân. Các hình thức dấn thân như phục vụ xã hội, hành động bác ái, truyền giáo thầm lặng qua đời sống gương mẫu đã chứng minh hiệu quả mạnh mẽ hơn cả lời giảng thuyết.
Giáo hội tại Việt Nam đang được mời gọi trở thành “Giáo hội ra đi”, sống động, linh hoạt và bén rễ trong lòng dân tộc – qua đó mang ánh sáng của Tin Mừng đến những vùng ngoại biên về văn hóa, đức tin và xã hội. Mỗi Kitô hữu, dù ở hoàn cảnh nào, đều có thể trở thành nhịp cầu nối giữa Thiên Chúa và con người nếu biết để cho tình yêu Đức Kitô thiêu đốt con tim mình. Chính sức hút nội tại, đời sống thánh thiện và sự hiện diện yêu thương giữa cộng đồng sẽ là con đường truyền giáo vững bền và sinh hoa trái nhất. Trong hành trình ấy, người môn đệ không bước đi một mình, nhưng luôn được Thánh Thần soi dẫn, đồng hành cùng cộng đoàn và Giáo hội hoàn vũ trong một sứ mạng chung: làm cho Đức Kitô được nhận biết và yêu mến trong mọi thời đại, đặc biệt tại quê hương Việt Nam hôm nay.
Truyền giáo tại Việt Nam hôm nay không chỉ cần những nhà giảng thuyết, mà cần những “người sống Tin Mừng bằng hành động” – những người biết sống giữa xã hội, với người nghèo, giữa sự khác biệt, để từ đó gieo Tin Mừng bằng cả cuộc đời. Như Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Sứ mạng truyền giáo là sứ mạng của toàn thể Hội Thánh và mọi thành phần trong Giáo hội đều có trách nhiệm chia sẻ sứ mạng đó” (AG 2). Chính khi mỗi người môn đệ sống đúng căn tính truyền giáo của mình, thì Tin Mừng mới thực sự bừng sáng giữa lòng đất nước và văn hóa Việt Nam hôm nay.
Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD
Nguồn: ngoiloivn