“Thánh hoá” là tác động của quyền năng Thiên Chúa, nhằm làm cho một vật từ tình trạng phàm tục trở thành thánh thiêng. Trong thánh lễ, vị chủ tế nài xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần thánh hoá bánh và rượu để trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, bánh và rượu là vật chất, được trở thành tháng thiêng, có Chúa Giêsu hiện diện, đến nỗi hai chất liệu ấy chỉ còn là “hình bánh” và “hình rượu”. Như thế, xin ơn thánh hoá các linh mục là cầu xin Chúa phù trợ và nâng đỡ các linh mục, để các ngài có một đời sống thánh thiện, phù hợp với sứ mạng cao cả là trở nên hiện thân của Chúa Giêsu giữa trần gian. Công đồng Vatican II đã định nghĩa chức linh mục Tân ước là “người trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu linh mục”. Qua con người của linh mục, Đức Giêsu vẫn hiện diện giữa thế gian để chúc lành, yêu thương, tha thứ và thánh hoá. Mặc dù đã được thánh hiến qua nghi thức xức dầu trong nghi lễ truyền chức, linh mục vẫn mang trong thân xác mình những yếu đuối và bất toàn. Vì thế, ngài rất cần có ơn Chúa để được thanh tẩy khỏi những bất toàn trong cuộc sống con người, nhờ đó ngài thực sự trở nên hiện thân của Chúa giữa trần gian.
Khi cử hành hy tế thập giá, linh mục vừa đại diện cho Chúa vừa đại diện cho cộng đoàn tín hữu. Ngài thay mặt Chúa để ngỏ lời với giáo dân, hướng dẫn họ sống Lời Chúa để được nên hoàn thiện. Ngài cũng thay mặt Dân Chúa để dâng lên Đấng tối cao những ước nguyện của cộng đoàn. Trong thánh lễ, linh mục thực thi vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, trong sự trung gian của Đức Giêsu.
Khi cử hành các bí tích, linh mục là hiện thân của Chúa Giêsu thành Nagiarét. Đức Giêsu đã từng bôn ba rảo khắp làng mạc để chữa lành và an ủi những ai đau khổ bệnh tật. Như Đức Giêsu, linh mục đem cho con người tình thương của Thiên Chúa, giúp họ đứng vững trước bao thử thách cam go, để rồi, dù sống giữa trần gian mà họ vẫn hướng về trời cao. Dù cuộc sống này giàu có đầy đủ đến mấy đi nữa, thì con người vẫn cần đến linh mục, bởi lẽ, không bao giờ con người không cần đến tình thương. Xã hội hôm nay mang nhiều thương tích do thù hận, chém giết và sa đọa về luân thường đạo lý, càng cần đến những người dấn thân phục vụ nhằm đem lại yêu thương và niềm tin trong cuộc đời. Trong số những người dấn thân phục vụ xã hội, phải kể đến các linh mục. Đem yêu thương cho con người, đó là sứ mạng của Chúa Giêsu và hôm nay, các linh mục đang tiếp nối sứ mạng cao cả này. Giữa bức tranh xã hội Việt Nam rất phong phú đa dạng hôm nay, có nhiều màu sắc diễn tả con người và sự vật, ước mong màu đen của linh mục là dấu chỉ của sự khiêm tốn, hy sinh phục vụ, nhằm đem lại ích lợi cho đồng bào.
Ai theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày mà theo Ta. Cuộc đời của Chúa Giêsu đã kết thúc bằng hy tế thập giá. Những ai muốn theo Chúa cũng phải chấp nhận những hy sinh. Chọn Chúa Giêsu mà khước từ thập giá của Người là một điều phi lý ảo tưởng. Màu áo đen của linh mục là lời mời gọi chết đi mỗi ngày cho tội lỗi, để sống trong ân sủng của Đấng đã chiến thắng thế gian. Thập giá không phải là tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa. Thập giá cũng không phải đích điểm sau hết của những ai muốn theo Người. Vào ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu khải hoàn đã bước ra khỏi mồ tối. Sự phục sinh của Người là lời khẳng định: ai trung thành theo Chúa và gắn bó với Người, sẽ được cùng Người hưởng phúc vinh quang.
Cuộc đời linh mục không chỉ có thập giá, mà còn có niềm vui. Quả vậy, linh mục hạnh phúc khi được chứng kiến niềm vui vỡ oà của tội nhân được tha thứ nhờ ơn của bí tích Hoà giải. Linh mục vui mừng khi thấy những tín hữu đạo đức thánh thiện, những gia đình hoà thuận cùng nhau. Linh mục vui niềm vui của đôi bạn vừa được Chúa liên kết nên một, niềm vui của một em bé mới sinh, niềm vui của cụ già trong ngày mừng thọ. Như Chúa Giêsu đã hy sinh vì hạnh phúc của con người, linh mục lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình. Và như thế, mỗi khi chiều về, vào lúc kết thúc công việc của một ngày, linh mục không cảm thấy cô đơn, nhưng hạnh phúc vì có Chúa là niềm vui và là gia nghiệp. Cuộc đời linh mục được gọi là “tận hiến”, có nghĩa trọn vẹn cuộc sống đều được dâng hiến, tất cả cho Chúa và vì các linh hồn.
Giáo hội thời nào cũng cần đến những linh mục thánh thiện. Bởi lẽ đây là điều kiện căn bản để Giáo hội có thể diễn tả một trong bốn đặc tính của mình (Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền). Một linh mục, tuy kiến thức khiêm tốn nhưng thánh thiện sẽ đem lại ích lợi thiêng liêng hơn nhiều linh mục uyên thâm học thức mà thiếu nhân đức căn bản này. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định sự cần thiết của sự thánh thiện nơi linh mục như sau: “Công cuộc Tân Phúc-Âm-hoá cần đến những nhà truyền giáo mới, là các linh mục, biết dấn thân sống ơn gọi linh mục của họ như con đường thánh thiện” (Pastores Dabo Vobis, 82).
“Linh mục là chính Chúa trong kiếp người, linh mục điểm tiếp nối đất với trời, linh mục là muối ướp cõi trần ai, là tinh hoa của Giáo hội, ngọn hải đăng thắp trên dương trần” (Đuốc sáng tâm linh). Lời thánh ca này đã nêu những nét đẹp của đời linh mục, rất văn chương, lãng mạn và tuyệt đẹp. Tuy vậy, đời linh mục có đạt được những hình ảnh trên hay không, còn tùy thuộc vào một điều kiện cốt lõi không thể thiếu: đó là sự thánh thiện. Vì vậy, bản thân linh mục luôn phải cầu xin ơn này, và chúng ta, mỗi tín hữu được mời gọi cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa Giêsu để các linh mục được nên thánh.
+ Gm Giuse Vũ Văn Thiên
(Nguồn: WHĐ)