Kinh Tin Kính khẳng định rằng Chúa Kitô ngự bên hữu của Chúa Cha. Nhưng Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã không rời bỏ chúng ta. Ngài hiện diện cách thiêng liêng trong tâm hồn của những Kitô hữu: “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn” (Ep 3, 17). Thiên Chúa hiện diện khi có hai hoặc ba người quy tụ lại nhân danh Người mà cầu nguyện (Mt 25, 40). Chúa Giêsu cũng có mặt trong Huấn quyền của Giáo Hội : “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy” (Lc 10, 16). Cuối cùng, Chúa Giêsu hiện diện ngang qua khuôn mặt của những người anh chị em xung quanh chúng ta : “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).


Sự hiện diện thân xác của Ngôi Lời làm người trong Bí tích Thánh Thể

Đức Hồng y Charles Journet cho rằng : “sự hiện diện thân xác này của Chúa Giêsu sẽ thêm một điều gì đó giống như một cú sốc”. “Sự hiện diện này là sự hiện diện “đích thực”, không phải theo nghĩa độc nhất, như thể các sự hiện diện khác của con người không “đích thật”, nhưng, một cách hoàn hảo, bởi vì sự hiện diện của Chúa Giêsu phát xuất tự bản thể Thiên Chúa; và bởi sự hiện diện này, Đức Giêsu Kitô, là người thật và là Thiên Chúa thật, bày tỏ sự hiện diện của Ngài một cách toàn vẹn” (Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI).

Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI nhấn mạnh cách mạnh mẽ đến tính mới mẻ mà sự hiện diện của Chúa Giêsu mang đến nơi Bí tích Thánh Thể : “Chúng ta vẫn luôn ngạc nhiên trước những phương thức hiện diện khác nhau của Đức Giêsu Kitô. Ấy thế nhưng, phương thức này khác hoàn toàn với các cách diễn tả khác, theo đó, Chúa Giêsu Kitô hiện diện cách tuyệt đối và hữu hình nơi Bí tích Thánh Thể […] Vâng, Bí tích này chứa đựng chính Chúa Kitô và Ngài "như là sự hoàn hảo của đời sống thiêng liêng nơi người tín hữu" [...]”

Đoạn Tin Mừng các môn đệ trên đường Emmau có thể giúp chúng ta hiểu được món quà về sự hiện diện của Chúa Giêsu. Hai môn đệ nói với Chúa : “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” (Lc 24,29). Do đó, Chúa Giêsu đã bước vào trong quán trọ và ở lại với họ. “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”, và rồi Người lại biến mất khỏi mắt họ (x. Lc 24,30). Câu trả lời được sáng tỏ cách rõ ràng. Chính nhờ sự hiện diện nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu ở lại với các môn đệ. Và chính Chúa đã muốn điều ấy ! Và đó cũng là lý do đầu tiên tại sao chúng ta được mời gọi thờ phượng Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể !


Thờ phượng Thiên Chúa

Lý do thứ hai đó là việc thờ phượng Thiên Chúa nơi Bí tích Thánh Thể vén mở cho chúng ta đức công chính và tình yêu của Thiên Chúa. Triết học chỉ rõ rằng nhiệm vụ đầu tiên của sự công chính đó là thờ phượng Thiên Chúa. Nếu Đức Kitô là Thiên Chúa, và rằng Đức Kitô hiện diện thật sự trong Bí tích Thánh Thể, thì con người chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện cách hoàn hảo đức hạnh của tôn giáo bằng cách thờ phượng Chúa Giêsu hiện diện trong hình Bánh bé nhỏ. Thánh Augustinô nói rằng : “Ước chi không ai đón rước Mình Thánh Chúa mà không tôn thờ trước đó [...] chúng ta sẽ mắc tội nếu chúng ta không yêu mến Mình Thánh Chúa”. Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, khi bình luận về đoạn văn này, đã kết luận rằng: “Đó là lý do tại sao chúng ta thấy sự phát triển của việc thờ phượng Bí tích Thánh Thể (Chầu Thánh Thể), như nó đã được hình thành từ thời Trung Cổ, là hệ quả gắn bó mật thiết nhất của chính mầu nhiệm Thánh Thể: sự đón nhận sâu thẳm và chân thực trong tâm hồn chỉ có thể đạt tới trưởng thành trong hành vi chiêm ngắm thờ phượng”.

Thờ phượng Thánh Thể cũng là lời đối đáp của tình yêu con người trước sự điên rồ của tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu điên rồ này được thể hiện bằng sự hiện diện thân xác của Chúa Giêsu trong hy tế Thánh Thể. Đây là lý do tại sao, “không có bất cứ nguy cơ phóng đại nào trong sự chú ý mà chúng ta mang đến cho Mầu nhiệm cao cả này, bởi vì trong Bí tích này đã tóm lược tất cả mầu nhiệm về ơn cứu độ của chúng ta” (Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II).


Tác gi : Lm. Nicolas Buttet

Ngun : Famille Chrétienne

https://www.famillechretienne.fr/13942/article/si-dieu-est-partout-pourquoi-ladorer-au-saint-sacrement?fbclid=IwY2xjawJeRIBleHRuA2FlbQIxMAABHjI0B7mSZ-oOT_DZ7iEoCgHA3Eweom7zN4ftO2nOhJSoH-69Q6IBR0J1T_50_aem_ac53DTrJRETXJmtOmVu6TQ