“Hãy hân hoan, hãy reo mừng, hãy tôn vinh Thiên Chúa là Đấng Thánh, Thánh, Chí Thánh” - lời ca này bắt đầu một bài hát nổi tiếng trong các giáo xứ tại đất nước Pháp. Nhưng liệu có ai trong chúng ta biết động từ “hân hoan, hớn hở vui mừng” xuất phát từ đâu hay không? Động từ này dường như không xa lạ với lễ kỷ niệm nổi tiếng, thường được tổ chức 25 năm một lần và sẽ diễn ra bắt đầu từ ngày 24 tháng 12 năm nay. Từ “jubilare”, xuất hiện trong tiếng Latinh vùng miền nông thôn, và có nguồn gốc từ động từ, với nghĩa là “reo lên”. “Yobhel” trong tiếng Do Thái, nguồn gốc của năm hân hoan, đề cập đến con cừu đực, mà chiếc sừng của nó được sử dụng trong phụng vụ Do Thái để thông báo năm mới. Ngôn sứ Isaia đã từng thốt lên rằng: “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng reo hò, vì Đức Chúa ủi an dân người đã chọn, và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người!” (Is 49, 13). Để dịch cho phù hợp, các tác giả Latinh đã chủ ý sử dụng động từ “jubilare” với mục đích diễn tả ý nghĩa của nó ngang qua động từ “bùng nổ, vỡ òa”. Chính sự “bùng nổ, vỡ òa” này đã nối kết nguyên nghĩa của động từ vùng miền nông thôn “jubilare” với ý nghĩa của niềm hân hoan, vui sướng. Giai đoạn đầu tiên của sự thay đổi ngữ nghĩa, ta có thể thấy rõ trong Bài giảng của Thánh Bernard de Clairvaux (1090-1153). Năm 1300, Giáo hoàng Boniface VIII lấy lại truyền thống Năm Thánh của người Do Thái, được gọi là Jubilaeus (theo tiếng Latinh). Mục đích giải phóng nô lệ và xóa nợ cứ sau 50 năm là để chứng minh sự cần thiết của lòng thương xót. Tương tự như vậy, các Năm Thánh của Giáo hội Công giáo, cứ 25 năm một lần kể từ năm 1400, mang đến cơ hội hoán cải, trở về với Chúa Cha trong sự sám hối và niềm hy vọng. Giao hòa mình với Thiên Chúa là Cha, nguồn mạch của niềm vui Sự gần gũi của các từ “jubilare” và “jubilaeus” đã tạo ra một ảnh hưởng tương hỗ trong hình thức và ý nghĩa tương ứng của chúng. Trong ngôn ngữ của Giáo hội, từ nay trở đi và chỉ dừng lại ở đó, “jubilare” mang ý tưởng của sự “reo hò trong hân hoan và mừng vui”, đặc biệt nhân dịp Năm Thánh. Trên thực tế, trong số các phương ngữ, “jubilare” vẫn còn tồn tại, theo Từ điển nguyên từ tiếng Latinh, với ý nghĩa “cất tiếng reo, gọi”. Sự liên kết của hai từ có một thống nhất chặt chẽ, sâu sắc. Hòa giải bản thân mình với Thiên Chúa là Cha - đó là nguồn mạch của niềm vui lớn lao, và Năm Thánh được thiết lập vì điều này. Chẳng hạn, tác giả Thánh Vịnh cất lên lời ca tụng: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt” (Tv 29, 1). Hay như, người cha, trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” đã khẳng định với người con trai lớn sau biến cố đoàn tụ với người con thứ: “Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15, 32) Vào năm 2025, “những người hành hương của niềm hy vọng” là những tín hữu dù có thể đến Rôma hay không, đều được mời gọi hân hoan cả bên trong tâm hồn lẫn cuộc sống bên ngoài, để loan báo rằng: Thiên Chúa đã đến để cứu độ chúng ta trong Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi, một lần nữa, hãy quay trở về với Thiên Chúa là Cha, để không ai phải tuyệt vọng về tội lỗi của mình.
Nguồn : Atelia
Tác giả : Valdemar de Vaux
Chuyển ngữ: Thầy Phó tế Giuse Nguyễn Tùng Anh