Năm Thánh 2025: chúng ta ghi nhớ điều gì từ Công đồng Nicea?
Odile Rifaud
Nhân dịp Năm Thánh 2025, người Công giáo được mời gọi cử hành lễ kỷ niệm 1700 năm thành lập Công đồng Nicea. Thần tính của Chúa Giêsu, cuộc chiến chống lại chủ nghĩa lạc thuyết Arius... Đâu là những điều ghi nhớ từ Hội nghị Giám mục diễn ra vào thời kỳ đầu của Kitô giáo?
Hình ảnh Công đồng Nicea đầu tiên được triệu tập vào năm 325 bởi Hoàng đế Constantine
Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 5 năm 2025 để kỷ niệm 1700 năm thành lập Công đồng Nicea (nguồn: imedia). Một ngày kỷ niệm sẽ đánh dấu năm thánh của niềm hy vọng. Năm Thánh theo truyền thống diễn ra 25 năm một lần trong Giáo hội Công giáo. Thực tế, Năm Thánh trước đó diễn ra vào năm 2015 là một năm Thánh đặc biệt. Nhưng nếu Năm Thánh mới được mở ra vào năm 2025, thì đó là để đánh dấu kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Công đồng Vatican II và 1700 năm Công đồng Nicea. Trong một lá thư, các giám mục Pháp tuyên bố rằng : có một “mối liên hệ giữa Niềm Hy Vọng mà Năm Thánh mời gọi và Công đồng Nicea”. Điều gì đã xảy ra trong cuộc họp Công Đồng này? Một vài điều về đức tin Kitô giáo đã được thay đổi như thế nào? Chúng ta có thể ghi nhớ được gì từ Công Đồng này sau 1700 năm?
Lịch sử Kitô giáo được nhấn mạnh bởi các công đồng
Trên thực tế, đã có những hội đồng nhóm họp ở Carthage, Rome, Toledo, Rouen hoặc Compiègne... Lịch sử Kitô giáo được đánh dấu bằng những cuộc hội họp của các giám mục từ thế kỷ thứ III. Hầu hết đều là các hội nghị khu vực, trong đó các vấn đề kỷ luật trong cộng đoàn công giáo địa phương sẽ được giải quyết. Từ đó, một thói quen dần dần được hình thành.
Một số công đồng được gọi là “đại kết”, hay công đồng chung: Các công đồng này quy tụ các giám mục từ mọi miền khác nhau. Lịch sử của các công đồng cho thấy rõ rằng: quả thật Kitô giáo đươc đánh dấu bởi những căng thẳng và các cuộc ly giáo. Giống như năm 1054, thời điểm mâu thuẫn gây ra sự rạn nứt giữa Giáo hội Đông phương và Giáo hội Tây phương. Trong các công đồng đại kết, mục tiêu là làm sáng tỏ các điểm của tín điều, thường là để phản ứng lại sự lan truyền của các luồng tư tưởng được coi là lệch lạc.
Hội nghị các Giám mục năm 325 tại Nicea (đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) là công đồng đại kết đầu tiên. Đây cũng là lần đầu tiên một công đồng được triệu tập không phải bởi một giám mục, thậm chí không phải bởi giáo hoàng, mà bởi một hoàng đế. Năm 313, Hoàng đế Constantine chấm dứt các cuộc đàn áp của người La Mã chống lại những người theo đạo Công giáo bằng Sắc lệnh Milan. Ít lâu sau đó, vào năm 337, ông đã biến Kitô giáo thành quốc giáo. Cả Giáo hội Công giáo và Chính thống đều coi ông là một vị thánh. Nhưng nếu vào năm 325, Hoàng đế Constantine đã triệu tập Công đồng Nicea thì chủ yếu là vì những lý do liên quan đến chính trị. Các cuộc tranh luận về thần tính của Đức Kitô đã gây ra những xung đột nghiêm trọng ở miền bắc Ai Cập.
Chúng ta phải tưởng tượng một thời kỳ tranh cãi gay gắt về thần học, trong bối cảnh của các cuộc bách hại. Và, song song với các cuộc tranh luận trong các công đồng khác nhau, có một lượng lớn các bức thư của các giám mục được đưa ra. Inhaxiô, giám mục thành Antiôkia; Syprianô, giám mục Carthage; và Denys, giám mục thành Cô-rin-tô đã để lại những bức thư mà người ta nhận định là có “giá trị chuẩn mực” mặc dù chúng có thể là “những bức thư về các hoàn cảnh khác nhau”, chẳng hạn như mô tả của Marie-Françoise Baslez trong tác phẩm “Sau Chúa Giêsu – Sự phát minh của Kitô giáo” (ed. Albin Michel, 2020). Chính trong bối cảnh phức tạp và phong phú này mà Công đồng Nicea đã được tổ chức.
Vấn đề tranh cãi của Công đồng Nicea: căn tính của Chúa Giêsu
Căn tính của Đức Giêsu là một trong nhiều chủ đề làm sôi động các cuộc tranh luận về giáo lý thời buổi ban đầu. Từ cái chết và sự phục sinh của Người - sự kiện đã được các môn đệ chứng kiến - nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Nếu Thiên Chúa trong Kinh thánh là duy nhất, liệu Ngài có thể có một người con hay không? Nếu Chúa Giêsu chết trên thánh giá, liệu rằng Ngài có thể có bản chất thần tính hay không? Chúa Giêsu có phải là người được chọn, một thiên thần, một siêu nhân hay không?
Các công đồng diễn ra nhằm mục đích làm sáng tỏ các quan điểm về các tín điều như là xác định và bác bỏ các lý thuyết thần học được coi là dị giáo. Trong tác phẩm “Sau Chúa Giêsu”, nhà nghiên cứu về Hy Lạp, Bernard Pouderon đã trích dẫn ví dụ về những người theo chủ thuyết dưỡng tử mà đối với họ, Chúa Giêsu là người được Thiên Chúa nhận làm con nuôi và “được nâng lên địa vị thiêng liêng nhờ sự phục sinh của Ngài”. Hay những người theo chủ thuyết Ébionisme - những người coi Chúa Giêsu “là một người bình thường được công chính hóa nhờ nhân đức của mình”.
Theo Bernard Pouderon, “dị giáo” nổi tiếng nhất thời bấy giờ là chủ nghĩa Arius. Để phản ứng lại học thuyết lạc giáo này, công đồng Nicea đã được triệu tập. Được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ IV bởi Arius - giám mục thành Alexandria ở Ai Cập - học thuyết này “phủ nhận tính đồng bản thể, nghĩa là sự bình đẳng về bản chất thần tính của Chúa Con với Chúa Cha; và coi Chúa Giêsu là con Thiên Chúa như một bản tính thấp kém, lệ thuộc” (Nguồn: Giáo hội Công giáo).
Các cuộc tranh luận về Kitô học, nghĩa là về bản tính thần linh của Chúa Giêsu, được tiến hành trong Công đồng Nicea, là di sản của những suy tư được phát triển trong thế kỷ thứ II và thứ III. Các giám mục đã xác quyết các tín điều dựa trên các yếu tố, mà cho đến lúc đó vẫn được suy nghĩ, hoặc đơn giản là trải nghiệm hoặc dự đoán. Trong các công đồng Nicea (325) và Constantinople (381), tín biểu đức tin (Kinh Tin Kính) đã được hình thành - tức là lời tuyên xưng đức tin mà những người theo đạo Tin lành và Công giáo ngày nay vẫn đọc trong các buổi thờ phượng hoặc trong thánh lễ. Tín biểu đức tin này khẳng định rằng Chúa Giêsu “được sinh ra chứ không phải được tạo dựng” và Ngài “có cùng bản tính với Chúa Cha”, nghĩa là cùng thiên tính như Chúa Cha, “đồng bản thể” với Chúa Cha.
Sau đó, nhiều các công đồng khác tập trung vào Chúa Thánh Thần và bản chất Ba Ngôi của Thiên Chúa. Câu hỏi này cũng đã gây ra nhiều cuộc tranh luận: Chúa Thánh Thần đến từ Chúa Cha hay Chúa Con hay là từ cả hai? Cuộc tranh cãi về vấn đề Filioque (“và bởi Chúa Con” trong tiếng Latinh) đã dẫn đến sự ly giáo vào năm 1054 giữa các Giáo hội Đông phương và Tây phương.
1700 năm sau, chúng ta ghi nhớ điều gì từ Công đồng Nicea (325)?
Lịch sử của Công đồng Nicea và các công đồng nói chung cho phép chúng ta nhận ra rằng lịch sử giáo hội Công giáo, với các tín điều và học thuyết giáo lý, đã được xây dựng và phát triển qua một thời gian dài suy tư tập thể, từ Kinh thánh và các chứng từ đức tin. Ngay cả một sự kiện cơ bản như bản chất thần linh của Chúa Giêsu cũng không bị áp đặt lên trên cái chết và sự phục sinh của Người. Việc cử hành kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicea là một cơ hội để tái khám phá tín điều về thần tính của Chúa Giêsu. Và có thể đây là cơ hội để mọi người tìm hiểu về việc tuyên xưng “sự đồng bản thể của Chúa Cha và Chúa Con” có nghĩa là gì…
Đây cũng là cơ hội để nhớ rằng cũng trong công đồng này, việc cử hành lễ Phục sinh của người Kitô giáo đã được tách ra khỏi lịch Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Cơ quan Quốc gia về Quan hệ với Do Thái giáo (SNRJ)[1] nhắc lại: “Qua nhiều thế kỷ, sự chống đối đã phát triển giữa những người theo đạo Kitô giáo từ thế giới ngoại giáo và những người Do Thái vẫn trung thành với đạo Do Thái, dẫn đến những dấu hiệu ngày càng nhạy cảm về việc chống đạo Do Thái”. Do đó, từ thế kỷ thứ IV, theo Gavin D’Costa[2], “sự thờ phượng và thực hành nghi lễ của người Do Thái” đã bị những người theo đạo Kitô giáo “coi là đã chết và gây chết người”. Chính trong một hội đồng đại kết khác, trong công đồng Vatican II, Giáo hội Công giáo đã cố gắng chấm dứt chủ nghĩa chống Do Thái giáo của người Kitô giáo.
Vatican II là công đồng đại kết đầu tiên đề cập trước hết là vấn đề cởi mở với thế giới bên ngoài và chú ý nhấn mạnh đến sự khác biệt. Công đồng Vatican II đã được triệu tập để “mở các cánh cửa chính và cửa sổ”- như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói - của tất cả các công đồng khác; kể cả Nicea là công đồng được triệu tập để phản ứng chống lại các luồng tư tưởng, ý thức hệ hoặc khái niệm. Khi Giáo hội Công giáo khuyến khích các tín hữu kỷ niệm Công đồng Nicea và Vatican II vào năm 2025, đó là khuyến khích sự đối thoại giữa các Kitô hữu. Để đạt được mục tiêu này, nhóm đại kết “Cùng nhau Phục sinh 2025” đang nỗ lực để vào năm 2025, tất cả các Giáo hội Kitô giáo sẽ cử hành Lễ Phục sinh vào cùng một ngày, đó là ngày 20 tháng 4.
_ Bài viết được biên soạn bởi Odile Rifaud, được chỉnh sửa ngày 2/12/2024_
Chuyển ngữ: Thầy Phó tế Giuse Nguyễn Tùng Anh
Nguồn: www.rcf.fr