Khi đề cập tới đức tính can đảm, chúng ta thường nghĩ tới một nhân viên cứu hộ đang liều cả mạng sống của mình xông vào một tòa nhà đang sập hoặc lặn lội giữa trận lũ lụt trong một nhiệm vụ cứu nạn. Trong những lúc khủng hoảng và thảm hoạ xảy ra, có lẽ hình ảnh của những người đang làm nhiệm vụ cứu nạn như thế sẽ được coi là biểu hiện cao nhất của sự can đảm. Tuy nhiên, theo Giáo lý Hội Thánh Công giáo, đức tính can đảm hay sự kiên định không chỉ được thể hiện trong những trường hợp đặc biệt nào đó, nhưng là một đức tính cần được thể hiện trong mọi sinh hoạt của cuộc sống thường ngày. Quả thực, sự can đảm, hay kiên định, “giúp con người vượt qua nỗi sợ hãi, thậm chí cả việc sợ chết, và đối mặt với thử thách cũng như sự bách hại,” và “giúp người ta sẵn sàng từ bỏ và hy sinh cả chính mạng sống mình để bảo vệ một nguyên lý công bằng.” Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, “sự kiên định còn là nhân đức luân lý giúp người ta vững vàng trong mọi khó khăn thử thách và sự kiên trì trong việc theo đuổi điều thiện.” Vì thế, ở đây xin đưa ra một số những mẫu gương về sự can đảm trong cuộc sống hàng ngày nhằm giúp chúng ta hiểu hơn về đức tính can đảm cũng như việc nuôi dưỡng và phát triển đức tính can đảm này trong chính cuộc sống hàng ngày của mình.


Trước hết, trong văn học, chúng ta bắt gặp những nhân vật thể hiện một cách sinh động đức tính can đảm của họ như tiểu thuyết Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn của J. R. R. Tolkien. Tác phẩm này cho chúng ta thấy những hình ảnh sinh động của các nhân vật đã bộc lộ các đức tính cao thượng cũng như những điểm yếu của họ trong những tình huống khó khăn thử thách trong cuộc sống. Về sự can đảm, chúng ta có thể nghĩ đến nhân vật Aragorn, người đã dũng cảm dẫn dắt các lực lượng của Trung Địa trong một cuộc đối đầu tưởng chừng như vô vọng với Sauron trước cổng Mordor. Hoặc Gandalf một mình đối mặt với Balrog để cứu Hội Anh Em ở Moria. Tuy nhiên, tôi muốn giới thiệu một gương mẫu tuyệt vời về sự can đảm nhưng lại có kích thước nhỏ bé khiêm tốn, đó là Samwise Gamgee, người đã cùng đồng hành với người bạn Frodo của mình từ Shire đến Núi Doom rồi quay trở lại.


Nếu có một tính từ nào để miêu tả Sam, đó chính là cụm từ “kiên định.” Anh nhận thấy Frodo cần sự giúp đỡ của mình trong Cuộc Tìm Kiếm, vì thế anh quyết tâm giúp đỡ và luôn đồng hành bên cạnh trọng mọi hoàn cảnh. Sam không ảo tưởng về sức mạnh của chính mình: Anh không phải là chàng chiến binh và cũng chẳng phải là nhà hiền triết, mặc dù anh là người hiểu biết sâu rộng về nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Cốt lõi nơi sự can đảm của Sam chính là lòng đạo đức được thể hiện, như Giáo lý Công giáo trình bày, qua “sự vững vàng trong khó khăn và kiên định trong việc theo đuổi điều thiện.” Điều này được thể hiện rõ nhất trong Sự Trở Lại Của Nhà Vua, khi Sam và Frodo đang trải qua hành trình dài đầy gian khổ qua Mordor. Sam nhận thấy lượng thực phẩm của họ cùng lắm chỉ đủ cho hành trình đến Núi Doom và hoàn thành Cuộc Tìm Kiếm, còn hành trình quay trở lại sẽ không còn lương thực để dùng nữa. Sam nghĩ: “Vậy, phải chăng công việc mà tôi phải làm ngay từ khi khởi đầu cuộc hành trình là giúp ngài Frodo đi đến cuối cuộc hành trình rồi sẽ cùng chết với ông ấy? Nếu đó là công việc bổn phận thì tôi phải làm thôi.” “Hoặc là tôi sẽ cùng với ngài Frodo trở về nhà sau một hành trình dài, hoặc là không bao giờ trở lại.” (J.R.R. Tolkien, The Return of the King (New York: Del Rey, 2012), 225.)


Anh nhận thức rõ ràng tất cả những gì mình sẽ phải hy sinh. Anh trầm ngâm suy nghĩ và thừa nhận bản thân rất muốn được gặp lại Bywater, và Rosie Cotton cùng các anh em cô ấy, và cả Gaffer và Marigold, cùng tất cả những người khác, thế nhưng anh vẫn quyết định ở lại với Frodo. Và trong quyết tâm ấy, “ngay cả khi trong Sam chẳng còn chút hy vọng nào, hoặc có vẻ như niềm hy vọng nơi anh đã vụt tắt, thì sự thất vọng đó lại chuyển thành một sức mạnh mới”. Nhờ thực hành đức tính can đảm, nghĩa là đức tính can đảm giúp anh vượt qua nỗi sợ hãi và tuyệt vọng, anh đã có đủ hành trang cần thiết để đối mặt với mọi khó khăn thử thách trong tương lai. (Tolkien, Return of the King, 225.)


Mặc dù cảnh tưởng ấy tạo nên ấn tượng mạnh mẽ, tuy nhiên đối với tôi đấy vẫn chưa phải là ví dụ quan trọng nhất thể hiện đức tính can đảm của Sam. Theo tôi, chính cảnh trước đó trong Hội Anh Em Chiếc Nhẫn, khi đoàn thám hiểm ghé thăm Lothlórien và Sam nhìn vào Chiếc Gương của Galadriel mới thể hiện được đức tính can đảm tuyệt vời của anh. Qua tấm gương ấy anh thấy một hình ảnh đáng sợ về sự tàn phá ở Shire: cây cối bị chặt phá một cách tàn bạo và bố của anh trở thành người không cửa không nhà. Trước cảnh tượng như vậy, anh bực tức thốt lên: “Tôi không thể tiếp tục ở lại đây. Tôi phải về nhà. . . Tôi phải về nhà!” Nhưng Galadriel đã khiển trách anh: “Trước khi nhìn vào Tấm Gương đó, anh đâu có muốn trở về nhà mà không có chủ nhân của mình, và trước đó anh cũng thừa biết là có những điều tồi tệ có thể đang xảy ra ở Shire.” Sam bị suy sụp, nhưng anh chấp nhận điều đó. Anh nói: “Ước gì tôi chưa bao giờ đến đây, và tôi không muốn thấy thêm phép thuật nào nữa.” Sau đó anh chìm vào tĩnh lặng. Một lúc sau anh lại lên tiếng, giọng nghẹn ngào như thể đang đấu tranh để kìm nén những giọt nước mắt. Anh nói “Tôi sẽ cùng với ngài Frodo trở về nhà sau hành trình dài, hoặc là không bao giờ trở lại nữa!”


Qua quyết định này chúng ta thấy sự can đảm mang tính luân lý của Sam được thể hiện một cách rõ ràng. Anh không xem thường những điều dường như đang xảy ra ở quê nhà, trái lại những điều đó đã làm anh rất xúc động và đau lòng. Thế nhưng anh đã quyết định làm điều đúng đắn cho dù có bất cứ điều gì xảy ra. Tại thời điểm này, mặc dù anh không thể quay trở lại Shire một mình, thế nhưng anh vẫn có thể từ chối tiếp tục cuộc hành trình với Hội Anh Em, và ở lại phía sau chờ đợi Cuộc Chiến Chiếc Nhẫn cùng các tiên nữ kết thúc. Tuy nhiên, anh đã tiếp tục cuộc hành trình, và anh thực hiện cuộc hành trình ấy một cách hăng say nhiệt tình, làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ và bảo vệ Frodo. Anh không biết điều gì sẽ xảy ra phía trước, mà quả thực anh không thể biết được, thế nhưng anh quyết tâm giúp đỡ bạn mình hoàn thành cuộc tìm kiếm, cho dù có bất cứ điều gì xảy ra. Có lẽ điều này đã làm cho sự can đảm của Sam trở nên tuyệt vời hơn, vì anh không sống can đảm chỉ vì bản thân mình nhưng là vì người khác.


Can đảm là một trong bốn nhân đức trụ. Tính từ “trụ” có nguồn gốc từ từcardo trong tiếng Latin, có nghĩa là “bản lề”: có nghĩa là điều gì đó mang tính then chốt, là bản lề mà những điều khác phải phụ thuộc vào nó. Trong một bản tóm lược về Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn, Tolkien gọi Sam là “nhân vật anh hùng chính” của câu chuyện, và quả thật anh đóng vai trò then chốt trong tác phẩm. Nếu không có Sam, Frodo sẽ không bao giờ đến được Núi Doom, và Cuộc Tìm Kiếm sẽ không được hoàn thành. Sam không có tham vọng vinh quang, nhưng sự can đảm kiên định của anh trong việc hỗ trợ người bạn của mình đã cứu đượcTrung Địa và đánh bại quyền lực của Chúa Tể Bóng Tối. Aragorn và Gandalf là những anh hùng rất ấn tượng, nhưng chúng ta có thể không tìm thấy tấm gương nào tốt hơn để học hỏi về sự can đảm trong đời sống hàng ngày hơn là tấm gương can đảm của Samwise Gamgee.


Bài viết: The Courage of a Friend - Dr. Holly Ordway

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Đình Dương

Nguồn: www.wordonfire.org