Chúng ta có thể tin chắc rằng một mùa rất thánh như Mùa Chay luôn ẩn chứa nhiều mầu nhiệm cao cả. Giáo Hội đã làm cho thời gian thánh này trở thành một khoảng thời gian của hồi tâm và sám hối, nhằm chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại nhất trong tất cả các ngày lễ của Giáo Hội. Do đó, Giáo Hội muốn lòng vào mùa thánh này mọi yếu tố có thể khơi dậy đức tin của con cái mình và khuyến khích họ thực hiện công cuộc đền tội gian khổ vì tội lỗi của mình. Trong Mùa Bảy Mươi, chúng ta đã suy niệm về con số 70, nhắc nhớ chúng ta về 70 năm lưu đày tại Babylon, sau thời gian đó, dân riêng của Thiên Chúa được thanh tẩy khỏi việc thờ ngẫu tượng, đã quay trở về Giêrusalem và cử hành Lễ Vượt Qua. Nhưng bây giờ, con số 40 mà Giáo Hội trình bày cho chúng ta: một con số mà theo lời thánh Giêrônimô là biểu trưng cho hình phạt và sự thống khổ.[1]

Hãy nhớ đến bốn mươi ngày đêm của trận hồng thuỷ[2] mà Thiên Chúa đã gửi xuống trong cơn thịnh nộ của Người, khi Người hối tiếc vì đã tạo dựng loài người và đã tiêu diệt toàn thể nhân loại, ngoại trừ một gia đình duy nhất. Chúng ta hãy suy ngẫm về việc dân Do Thái đã phải lang thang suốt bốn mươi năm trong sa mạc trước khi được phép bước vào Đất Hứa[3] vì hình phạt do sự vô ơn của họ. Chúng ta hãy lắng nghe Thiên Chúa truyền lệnh cho ngôn sứ Êdêkien nằm nghiêng bên phải suốt bốn mươi ngày như một biểu tượng cho cuộc vây hãm sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Giêrusalem.[4]

Trong Cựu Ước, có hai nhân vật đại diện cho hai lần tỏ mình của Thiên Chúa: Ông Môsê tượng trưng cho Lề Luật và ông Êlia tượng trưng cho các Ngôn Sứ. Cả hai đều được phép đến gần Thiên Chúa: Ông Môsê ở trên núi Sinai[5] và ông Êlia ở trên núi Horeb[6], nhưng cả hai phải chuẩn bị cho ân huệ cao cả này bằng việc ăn chay đền tội suốt 40 ngày.

Với những biến cố huyền nhiệm này, chúng ta có thể hiểu tại sao Con Thiên Chúa khi nhập thể làm người để cứu độ chúng ta và muốn tự nguyện chịu đau khổ qua việc ăn chay, đã chọn con số 40 ngày. Vì thế, việc thiết lập Mùa Chay được trình bày trước mắt chúng ta với tất cả những gì có thể làm cho tâm hồn chúng ta nhận thức được đặc tính cao trọng của Mùa Chay, cũng như sức mạnh của mùa thánh này trong việc làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa và thanh tẩy tâm hồn chúng ta. Do đó, chúng ta hãy nhìn xa hơn thế giới nhỏ bé chung quanh mình, và ngay tại thời điểm này, hãy xem thế nào toàn thể vũ trụ Kitô giáo đang dâng hiến 40 ngày của việc sám hối như một hy lễ đền bù tội lỗi lên Thiên Chúa tối cao; và giống như trường hợp của dân thành Ninivê, chúng ta hãy hy vọng rằng, Thiên Chúa sẽ thương xót chấp nhận của lễ đền bù tội lỗi của chúng ta và tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta.

Vì thế, bốn mươi ngày Mùa Chay của chúng ta là một mầu nhiệm thánh thiêng: giờ đây, qua Phụng vụ, chúng ta hãy học về cách Giáo Hội nhìn nhận con cái mình như thế nào trong suốt bốn mươi ngày chay thánh này. Giáo Hội sánh ví họ như là một đạo binh đông đảo, ngày đêm chiến đấu chống lại những kẻ thù thiêng liêng của mình. Vào thứ Tư Lễ Tro, chúng ta nhớ lại cách Giáo Hội gọi Mùa Chay là một cuộc chiến đấu Kitô giáo. Để có được đời sống mới, đời sống làm cho chúng ta xứng đáng hát lên một lần nữa Alleluia, nghĩa là chúng ta phải chiến thắng ba thù: ma quỷ, xác thịt và thế gian. Chúng ta là những chiến sĩ với Chúa Giêsu, cũng chính vì Ngài đã chịu ba cơn cám dỗ của Satan. Do đó, chúng ta phải mặc lấy áo giáp và không ngừng tỉnh thức. Trong khi điều quan trọng nhất là tâm hồn chúng ta phải can đảm và mạnh mẽ để có thể thắp lên niềm hy vọng chiến thắng và niềm tin vào sự trợ giúp của Thiên Chúa ngay cả trong lòng những kẻ nhát đảm, nên Giáo Hội ban cho chúng ta một bài ca chiến đấu từ trên thiên quốc, đó chính là Thánh Vịnh 90.[7] Giáo Hội lồng toàn bộ Thánh Vịnh này vào Thánh Lễ Chúa Nhật thứ I Mùa Chay và mỗi ngày trích dẫn một số câu của Thánh Vịnh này trong các giờ Kinh Nhật Tụng ngày thường.

Giáo Hội dạy chúng ta hãy tin tưởng vào sự che chở của Cha trên trời, Đâng bao phủ chúng ta như một tấm khiên che thuẫn đỡ[8]; hãy hy vọng dưới cánh Ngài[9]; hãy đặt niềm tin nơi Ngài, vì Ngài sẽ giải thoát chúng ta khỏi lưới bẫy tử thần[10], kẻ đã cướp mất tự do thánh thiện của con cái Thiên Chúa. Hãy tin tưởng vào sự trợ giúp của các thánh thiên thần, là những anh chị em của chúng ta, những người được Chúa trao phó nhiệm vụ bảo vệ chúng ta trên mọi nẻo đường.[11] Và hãy nhớ rằng, khi Chúa Giêsu cho phép Satan cám dỗ Ngài, các thiên thần đã là những chứng nhân tôn thờ trong cuộc chiến của Ngài, và sau khi Ngài chiến thắng, các thiên thần đã đến gần dâng lên Ngài sự tùng phục và lòng tôn kính của mình. Chúng ta hãy thấm nhuần những tâm tình mà Giáo Hội mong muốn chúng ta được soi sáng; và trong suốt sáu tuần chiến đấu, chúng ta hãy thường xuyên lặp lại bài ca tuyệt vời này, bài ca mô tả trọn vẹn những gì mà chiến binh của Chúa Kitô cần phải có và cảm nhận trong mùa chiến đấu thiêng liêng cao cả này.

Nhưng Giáo Hội không chỉ muốn khuyến khích chúng ta trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù thiêng liêng: Mẹ Giáo Hội còn muốn tâm trí chúng ta đắm chìm trong những suy niệm sâu sắc và quan trọng. Vì thế, Mẹ Giáo Hội đặt ra trước mắt chúng ta ba đề tài lớn và sẽ dần dần khai mở cho chúng ta trong suốt Mùa Chay thánh này, cho đến ngày lễ Phục Sinh trọng đại. Hãy để tâm trí chúng ta hoàn toàn quy hướng đến những bài học thiêng liêng sâu sắc và bổ ích này.

Và trước hết, có sự âm mưu của những người Do Thái chống lại Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Cuộc âm mưu này sẽ được trình bày toàn bộ lịch sử của nó, từ khi bắt đầu cho đến khi hoàn thành vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, khi chúng ta chứng kiến Con Thiên Chúa bị treo trên cây thập giá. Những hành động ô nhục của Hội Đường sẽ được trình bày trước mắt chúng ta một cách liên tục, đến mức chúng ta có thể theo dõi âm mưu này trong tất cả các chi tiết của nó. Chúng ta sẽ được nung nấu bởi tình yêu dành cho Đấng Hiến Tế cao cả, Đấng mang trong mình sự hiền lành, khôn ngoan và bản tính Thiên Chúa. Thảm kịch thánh khởi đi từ hang đá Bêlem và sẽ kết thúc trên đồi Canvê. Chúng ta có thể tham dự vào bi kịch thánh này qua việc suy niệm các đoạn Tin Mừng được Giáo Hội đọc cho chúng ta trong những ngày Mùa Chay này.

Chủ đề thứ hai được đưa ra để chúng ta suy niệm đòi hỏi chúng ta nhớ rằng lễ Phục Sinh là ngày tái sinh của các dự tòng, và làm thế nào trong những thời kỳ đầu của Giáo Hội, Mùa Chay là thời gian chuẩn bị trang trọng và trực tiếp dành cho các ứng viên chịu Bí tích Thanh Tẩy. Phụng vụ thánh của mùa này vẫn giữ lại nhiều bài giáo huấn mà Giáo Hội đã dành cho các dự tòng; và khi chúng ta lắng nghe những bài học tuyệt vời của Giáo Hội từ cả Cựu Ước và Tân Ước, qua đó, Giáo Hội đã hoàn tất việc khai tâm cho các dự tòng. Điều này khơi gợi cho chúng ta nên suy nghĩ với lòng biết ơn sâu sắc về việc chúng ta không phải đợi nhiều năm để trở thành con cái của Thiên Chúa, mà chúng ta được thương xót nhận lãnh Bí tích Rửa Tội ngay từ khi còn thơ ấu. Chúng ta sẽ được hướng dẫn để cầu nguyện cho những người dự tòng, những người ở những đất nước xa xôi đang đón nhận những bài giáo huấn từ các nhà truyền giáo nhiệt thành của họ, và những người đang mong đợi ngày đại lễ chiến thắng sự chết của Đấng Cứu Thế như những người dự tòng trong Giáo Hội sơ khai khi họ sẽ được thanh tẩy trong nước Rửa Tội để được tái sinh trở thành thụ tạo mới.

Thứ ba, chúng ta phải nhớ rằng, nhưng người sám hối công khai, nhưng người bị tách ra khỏi cộng đoàn tín hữu và ngày thứ Tư Lễ Tro đã là đối tượng của sự quan tâm với mẹ hiền Giáo Hội trong suốt bốn mươi ngày chay thánh, và họ sẽ nhận được sự hoà giải vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, nếu sự ăn năn sám hối của họ đủ để xứng đáng với ơn tha thứ công khai này. Chúng ta sẽ được nghe những bài giảng tuyệt vời mà Phụng vụ của Giáo Hội vẫn giữ lại vì lợi ích thiêng liêng của chúng ta và vì lòng trung thành của Giáo Hội với những truyền thống này. Khi đọc những đoạn Kinh Thánh cao quý này, chúng ta sẽ tự nhiên suy nghĩ về tội lỗi của chính mình và về những điều kiện dễ dàng để được tha thứ; trong khi đó, nếu chúng ta sống vào những thời kỳ khác, có lẽ chúng ta đã phải trải qua thử thách của khoảng thời gian ăn năn công khai và nghiêm khắc. Điều này sẽ thúc đẩy chúng ta nhớ rằng, bất cứ điều gì thay đổi sự khoan hồng của Giáo Hội có thể dẫn đưa Giáo Hội điều chỉnh kỷ luật của mình, thì chân lý của Thiên Chúa vẫn luôn bất biến. Chúng ta sẽ tìm thấy trong tất cả những điều này một động lực để dâng lên Thiên Chúa uy quyền một của lễ tấm lòng sám hối ăn năn của chúng ta và chúng ta sẽ thực hiện việc sám hối ăn năn của mình với sự hăng say vui vẻ, vì chúng ta tin rằng, mình xứng đáng phải đón nhận những hình phạt nghiêm khắc hơn vì tội lỗi gây nên.

Để duy trì được tính cách u buồn và khắc khổ rất thích hợp với Mùa Chay, Giáo Hội trong suốt nhiều thế kỷ đã chỉ chấp nhận rất ít lễ hội trong thời gian này, vì nơi nào có lễ hội, dù là lễ hội tinh thần thì vẫn luôn luôn có niềm vui. Vào thế kỷ thứ IV, chúng ta thấy trong điều luật 51, Công Đồng Laodicea cấm việc tổ chức lễ hội hay tưởng niệm bất kỳ vị thánh nào trong Mùa Chay, ngoại trừ vào các ngày thứ Bảy hoặc Chúa Nhật.[12] Giáo Hội Hy Lạp đã nghiêm ngặt duy trì nguyên tắc này về kỷ luật Mùa Chay; và phải đến nhiều thế kỷ sau Công Đồng Laodicea, Giáo Hội mới có sự ngoại lệ cho ngày 25 tháng 3, ngày mà Giáo Hội hiện nay tổ chức lễ Truyền Tin của Đức Mẹ.

Giáo Hội Rôma cũng duy trì kỷ luật Mùa Chay này ít nhất là trên nguyên tắc. Tuy nhiên, Giáo Hội đã sớm chấp nhận lễ Truyền Tin, và một thời gian sau đó lại chấp nhận lễ kính thánh Tông Đồ Mathia vào ngày 24 tháng 12. Trong vài thế kỷ gần đây, Giáo Hội đã cho phép đưa thêm một số lễ khác vào phần lịch chung trùng với Mùa Chay; tuy nhiên, Giáo Hội vẫn giữ một sự tiết chế nhất định để tôn trọng truyền thống cổ xưa.

Lý do mà Giáo Hội Rôma ít khắt khe hơn về việc loại trừ các lễ kính các thánh trong Mùa Chay là bởi vì các Kitô hữu Phương Tây chưa bao giờ coi việc cử hành một lễ trọng mâu thuẫn với việc giữ chay. Trái lại, người Hy Lạp cho rằng hai điều này không thể hoà hợp được. Do đó, họ không bao giờ giữ chay vào ngày thứ Bảy vì họ luôn coi đó là một ngày trọng thể khi họ giữu chay, ngoại trừ ngày thứ Bảy Tuần Thánh. Tương tự, họ cũng không giữ chay trong lễ Truyền Tin.

Quan niệm đặc biệt này đã dẫn đến một phong tục xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ VII, vốn chỉ có trong Giáo Hội Hy Lạp. Phong tục này được gọi là “Thánh Lễ Các Lễ Vật Đã Được Thánh Hiến Trước” (Mass of the Presanctified), nghĩa là các bánh thánh đã được truyền phép trong một Thánh Lễ trước đó. Vào mỗi Chúa Nhật trong Mùa Chay, linh mục thánh hiến sáu bánh thánh; một bánh được ngài rước trong Thánh Lễ, còn năm bánh còn lại được lưu giữ để cử hành nghi thức Hiệp Lễ đơn giản trong năm ngày tiếp theo mà không cần dâng Hy Tế Thánh Lễ. Giáo Hộ Latinh chỉ thực hành nghi thức này một lần trong năm, đó là vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh để tưởng niệm một mầu nhiệm cao trọng mà chúng ta sẽ giải thích vào đúng dịp thích hợp.

Tập tục Giáo Hội Hy Lạp rõ ràng được gợi ý từ điều khoản thứ 49 của Công Đồng Laodicea, trong đó cấm dâng bánh để cử hành Hy Tế trong Mùa Chay, ngoại trừ vào các ngày thứ Bảy và Chúa Nhật.[13] Vài thế kỷ sau, người Hy Lạp đã suy luận từ điều khoản này rằng việc cử hành Hy Tế Thánh không phù hợp với việc ăn chay. Chúng ta biết được điều này từ cuộc tranh luận của họ với đặc sứ Humbert[14] vào thế kỷ thứ IX rằng Thánh Lễ Các Lễ Vật Đã Được Thánh Hiến Trước (vốn không dựa trên bất kỳ thẩm quyền nào ngoài một điều khoản của Công Đồng nổi tiếng tại Trullô,[15] được tổ chức vào năm 692) đã được người Hy Lạp biện minh với lập luận vô lý rằng, việc rước Mình và Máu Thánh Chúa làm gián đoạn việc ăn chay của Mùa Chay.

Người Hy Lạp cử hành nghi thức này vào buổi tối, sau giờ Kinh Chiều và chỉ có linh mục rước lễ, giống như hiện nay trong Phụng vụ Rôma vào thứ Sáu Tuần Thánh. Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ qua, họ đã đưa ra một ngoại lệ cho Lễ Truyền Tin; họ tạm ngưng việc ăn chay Mùa Chay vào ngày lễ này, và các tín hữu được phép rước lễ khi tham dự cử hành Thánh Lễ.

Quy định của Công Đồng Laodicea có lẽ chưa bao giờ được áp dụng trong Giáo Hội Tây Phương. Nếu việc tạm ngừng cử hành Thánh Lễ trong Mùa Chay từng được thực hiện tại Rôma, thì chỉ diễn ra vào các ngày thứ Năm; và ngay cả tập tục này cũng bị bãi bỏ vào thế kỷ thứ VIII như chúng ta được biết từ Thủ Thư Anastasiô. Ông cho biết rằng Đức Giáo Hoàng Grêgôriô II vì muốn hoàn chỉnh Sách Lễ Rôma, đã thêm các Thánh Lễ cho các ngày thứ Năm trong năm tuần đầu tiên của Mùa Chay.[16] Rất khó để xác định nguyên nhân của việc gián đoạn Thánh Lễ vào các ngày thứ Năm trong Giáo Hội Rôma hoặc tập tục tương tự được áp dụng bởi Giáo Hội Milanô vào các ngày thứ Sáu trong Mùa Chay. Những giải thích mà chúng ta tìm thấy trong các tác giả khác nhau không thực sự thoả đáng. Đối với Milanô, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng, không chỉ hài lòng với việc áp dụng tục lệ Rôma là không cử hành Thánh Lễ vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội Ambrôsiô đã mở rộng nghi thức này sang tất cả các ngày thứ Sáu trong Mùa Chay.

Sau khi lướt qua những chi tiết này, chúng ta phải kết thúc chương hiện tại bằng vài lời về những nghi thức thánh hiện nay được cử hành trong Mùa Chay tại các Giáo Hội Phương Tây. Chúng tôi đã giải thích một số nghi thức này trong bài “Septuagesima”.[17] Việc ngừng hát Alleluia; việc mặc phẩm phục màu tím; việc bỏ áo Dalmatica của phó tế, và áo dài (tunic) của phụ phó tế; việc bỏ hai thánh ca vui mừng “Gloria in excelsis” và “Te Deum”; việc thay thế câu Alleluia bằng Tract[18] buồn thảm trong Thánh Lễ; việc sử dụng thánh ca “Benedicamus Domino” (Chúc Tụng Thiên Chúa) thay vì “Ite Missa est” (Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an); việc cầu nguyện thêm cho dân chúng sau các lời nguyện sau Thánh Thể vào các ngày lễ thường; việc cử hành Giờ Kinh Chiều trước buổi trưa, ngoại trừ vào các ngày Chúa Nhật: tất cả những điều này đều quen thuộc với các độc giả của chúng ta. Chúng ta chỉ cần đề cập thêm rằng, vào các ngày thường trong tuần, quy định quỳ gối khi kết thúc tất cả các Giờ Kinh Phụng Vụ và yêu cầu cộng đoàn quỳ gối trong suốt phần Kinh Nguyện Thánh Thể trong Thánh Lễ.

Đã từng có những nghi thức đặc biệt dành riêng cho Mùa Chay được cử hành trong các Giáo Hội ở Phương Tây, nhưng qua nhiều thế kỷ, giờ đây chúng đã dần rơi vào quên lãng một cách phổ biến; chúng ta nói chúng bị rơi vào quên lãng một cách “phổ biến” bởi vì ở một số nơi, các nghi thức này vẫn được giữ lại phần nào. Trong số các nghi thức ấy, trang trọng nhất vẫn là việc treo một tấm khăn lớn giữa cộng đoàn và bàn thờ để cả giáo sĩ và giáo dân không thể nhìn thấy các mầu nhiệm thánh đang được cử hành trong cung thánh. Tấm khăn này được gọi là “Bức màn” (Curtain), và nói chung, tấm màn này thường có màu tím – tượng trưng cho sự sám hối mà tội nhân cần phải thực hiện, để xứng đáng được chiêm ngưỡng Thiên Chúa uy linh, Đấng mà trước thánh nhan Ngài, họ đã phạm biết bao lỗi lầm. Hơn nữa, tấm màn này còn tượng trưng cho những sự nhục nhã mà Đấng Cứu Thế chúng ta đã chịu, Ngài là một “cớ vấp ngã” đối với Hội Đường Do Thái đầy kiêu hãnh. Nhưng khi tấm màn bất ngờ được vén mở thì những sự nhục nhã ấy sẽ phải nhường chỗ và được biến đổi thành vinh quang của sự Phục Sinh.[19] Trong số những nơi mà nghi thức này vẫn còn được duy trì, chúng ta có thể kể đến nhà thờ chính tòa của Paris, Notre Dame.

Cũng có một phong tục phủ một tấm màn lên thập giá và các tượng thánh ngay khi Mùa Chay bắt đầu trong nhiều nhà thờ; nhằm khơi dậy trong lòng tín hữu một tâm tình sám hối sống động hơn, họ bị tước đi niềm an ủi mà việc chiêm ngưỡng các tượng ảnh thánh luôn mang lại trong tâm hồn. Mặc dù phong tục này vẫn được duy trì ở một số nơi, nhưng ít được phổ biến như một phong tục được được áp dụng trong Giáo Hội Rôma, đó là việc phủ màn thập giá và các tượng thánh chỉ trong Mùa Thương Khó. Chúng tôi sẽ giải thích phong tục này trong cuốn sách kế tiếp khi trình bày về Mùa Thương Khó.

Chúng ta học được từ các sách nghi lễ của thời Trung Cổ rằng, trong Mùa Chay, đặc biệt vào các ngày thứ Tư và thứ Sáu thường có những cuộc rước từ nhà thờ này sang nhà thờ khác. Trong các tu viện, các cuộc rước này thường diễn ra trong khuôn viên tu viện và các tu sĩ đi chân trần.[20] Phong tục này được lấy cảm hứng từ thực hành tại Rôma, nơi mỗi ngày trong Mùa Chay đều có một Chặng viếng (Station), và trong suốt nhiều thế kỷ, cuộc rước bắt đầu bằng việc đoàn rước di chuyển đến nhà thờ chặng viếng.

Cuối cùng, Giáo Hội luôn duy trì tập quán là thêm vào các lời cầu nguyện của Giáo Hội trong Mùa Chay. Cho đến gần đây, kỷ luật của Giáo Hội là vào các ngày thường, trong các nhà thờ chính tòa và các nhà thờ giáo xứ mà không có phong tục khác biệt thì các cử hành sau đây được thêm vào trong các Giờ Kinh Phụng Vụ: vào thứ Hai, Kinh Cầu Hồn; vào thứ Tư, những Thánh Vịnh Tiến Bước (Gradual Psalms); và vào thứ Sáu, các Thánh Vịnh Sám Hối (Penitential Psalms). Ở một số nhà thờ trong thời Trung Cổ, toàn bộ bộ Thánh Vịnh được thêm vào mỗi tuần trong Mùa Chay, bên cạnh các Giờ Kinh thông thường.[21]


*Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year: Lent”, Volume 5, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 20-29.

Nguồn: ngoiloivn


Chú thích 

[1] Ed 29.

[2] St 7, 12.

[3] Ds 14, 33.

[4] Ed 4, 6.

[5] Xh 24, 18.

[6] 3 V 19, 8.

[7] Thánh Vịnh: Ai sống trong sự trợ giúp (của Đấng Tối Cao), trong Giờ Kinh Tối.

[8] Tv 90, 4. Giờ Kinh Giờ Chín.

[9] Tv 90, 4. “Chùa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân”. Giờ Kinh Sáu.

[10] Tv 90 “Người sẽ giải thoát tôi khỏi bẩy tử thần”, Giờ Kinh Ba.

[11] Tv 90 “Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân”.

[12] Labbe, Công Đồng Laodicea, tập I.

[13] Labbe, Công Đồng Laodicea, tập I.

[14] Sự chống lại Nicetam, tập IV.

[15] Giáo Luật 52, Labbe, Công Đồng, tập VI.

[16] Thủ Thư Anastasiô, Trong Grêgôriô II.

[17] Xem phần giải thích trong tập sách nói về “Septuagesima”.

[18] Tract là phần Thánh Thi được hát hoặc đọc trong Thánh Lễ thay thế cho câu Allelui trong các mùa Phụng vụ mang tính sám hối, đặc biệt là Mùa Chay.

[19] Honorius of Autun, Gemma animae (Viên ngọc của linh hồn), cuốn 3, chương 66.

[20] Martène, De antequis Eccles, ritibus (Về Những Nghi Thức Cổ Xưa Của Giáo Hội), tập 3, chương 18.

[21] Ibid.