* Marie Lætitia Calmeyn, là một nữ thần học gia người Bỉ, sống bậc độc thân thánh hiến, thuộc Tổng Giáo phận Paris. Marie Lætitia Calmeyn là tiến sĩ Thần học, giáo sư giảng dạy tại trường Thần học Collège des Bernardins và là Cố vấn viên của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin.


Khủng hoảng chính trị, chiến tranh, biến đổi khí hậu, mùa đông của nhân khẩu học, những cảnh tượng thế giới không mấy sáng sủa... Liệu rằng nói về niềm hy vọng trong bối cảnh này, chẳng phải là một mơ tưởng hay sao?

Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói rằng: ‘‘Niềm hy vọng là điều tôi thực sự có thể đặt nền tảng cho cuộc đời mình’’. Trong khi mọi thứ của cuộc sống đang dần trôi qua, khi mọi thứ thậm chí có thể mang dáng vẻ khá tầm thường, điều gì cho phép tôi bén rễ sâu trong đời sống của mình? Hơn bao giờ hết, niềm hy vọng là một điều gì đó mang tính quyết định. Khi một số người trẻ ngày hôm nay, bị ảnh hưởng bởi một sự sợ hãi lớn, đến mức không còn muốn sinh con, họ tự hỏi rằng : Tại sao lại sinh ra những đứa trẻ non nớt trong một thế giới quá bất ổn và bất an? Điều nguy hiểm ở đây là chúng ta khép kín và tự nhủ rằng cuộc sống này không còn đáng sống.


Niềm hy vọng khác với sự trông mong, kỳ vọng như thế nào?

Chúng ta có quyền trông mong, kỳ vọng từ góc độ con người. Tôi có thể hy vọng vượt qua một kỳ thi, kết hôn, tìm được việc làm và các con tôi sẽ lớn lên trong sự tốt đẹp. Nhưng chúng ta có thể thấy rằng, những trông mong này có thể bị thất vọng và mâu thuẫn. Đối tượng của sự trông mong, kỳ vọng vọng là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nó nằm trong giới hạn của con người. Trong khi đó, niềm hy vọng liên quan đến một điều gì đó sâu sắc hơn, vững bền hơn, đó là Sự sống đời đời. Đoạn Tin Mừng giải thích rõ nhất thế nào là niềm hy vọng - chính là bản văn Tin Mừng các Mối Phúc Thật: “Phúc thay ai sầu khổ, họ sẽ được ủi an”… Sâu thẳm hơn bên trong nỗi đau khổ mà tôi đang phải chịu, có một điều tốt lành lớn lao hơn biết mấy: món quà mà Thiên Chúa ban cho tôi, tại đây và ngay thời điểm này, là chính sự sống của Người. Niềm hy vọng Kitô giáo được xây dựng dựa trên niềm tin vào Chúa Kitô đã chết và sống lại. Mọi thứ xung quanh tôi đều được đánh dấu bởi những giới hạn trần thế ; nhưng sâu xa hơn thế, nó còn được đánh dấu bởi Sự sống vĩnh cửu mà tôi có thể lựa chọn hướng tới.


Chẳng phải vấn đề chỉ là hy vọng hạnh phúc ở đời sau, sau khi chết thôi sao?

Đương nhiên là không, nhưng cũng có một phần nào đó là như vậy. Tôi có thể hy vọng được hưởng hạnh phúc sau khi chết, hy vọng rằng linh hồn tôi sẽ được về với Chúa, và tôi sẽ có thể chiêm ngưỡng Ngài một cách trọn vẹn, hơn là khi còn sống ở trần gian này. Nhưng đó là “sau khi chết”, có nghĩa là “sau những giới hạn trần thế”. Tuy vậy, khi còn đang sống, mỗi ngày, tôi đều phải đối mặt với những giới hạn trần thế này; mỗi ngày, khi đối mặt với khó khăn này hay khó khăn kia, đâu là những nguồn lực mà tôi có sẵn để giải quyết chúng một cách tích cực? Những thất bại, những bế tắc có thể đến hiện diện trong cuộc đời chúng ta, nhưng chúng không phải là dấu chấm hết cho sự tồn tại của chúng ta. Sự sống đời đời không chỉ xảy ra sau khi chết hay vào ngày tận thế. Quả thế, khi chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể, Sự sống vĩnh cửu này, qua sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu - Đấng đã chết và đã sống lại - được truyền đến với chúng ta ngay ở đây và tại thời điểm này. Tuy nhiên, chúng ta không được tương đối hóa hay đặt cái chết và sự hữu hạn vào trong cùng một góc độ nhìn nhận. Việc một người nổi loạn nếu bị mất việc một cách phi lý, oan uổng, hay một người bệnh không thể chịu đựng được nữa những cơn đau - đó là điều bình thường. Việc một người khuyết tật nản lòng là điều bình thường. Nhưng niềm hy vọng, qua cảm giác bị bỏ rơi, có thể vang vọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta, đó là lời tự nhủ rằng: “Tại sao Chúa lại bỏ rơi con?” - điều này đã được trải nghiệm trọn vẹn bởi Ngôi Lời nhập thể. Trong sự cô đơn của bản thân tôi, nhờ đức tin, tôi được kết hợp với Chúa Kitô, Đấng đã sống sự cô đơn này vì Ngài yêu thương tôi. Trong sự cho đi nhưng không của tình yêu, khi ai đó sống và trải qua thử thách với bạn, một cuộc sống đúng nghĩa sẽ nảy sinh. Đây cũng chính là ý nghĩa của trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta, và điều đó làm thay đổi mọi thứ.


Niềm hy vọng hay Đức Cậy Trông là một nhân đức thần học. Điều này có nghĩa là gì? Nó được liên kết như thế nào với các nhân đức đối thần khác : Đức Tin và Đức Ái?

Các nhân đức đối thần đều được bắt nguồn từ Thiên Chúa. Đó là ân sủng Thiên Chúa trao ban cho chúng ta. Các nhân đức đối thần này được kết nối với nhau. Đức Tin là sự gắn bó cá nhân với Chúa Kitô, Đấng mạc khải chính Ngài ở nơi đây và tại thời điểm này. Nhưng nếu tôi thực sự gắn bó với Đức Kitô, tôi khám phá ra tình yêu mà Ngài đã dành cho tôi, khi hiến mạng sống vì tôi: đây là nhân đức đối thần thứ hai - Đức Ái. Cuối cùng, Đức Trông Cậy đòi buộc phải có hai nhân đức kia: tình yêu cậy trông này là nguồn mạch của Sự Sống. Nhân đức của niềm hy vọng mang trong nó Sự sống thiêng liêng này - điều vốn là nguồn hạnh phúc của tôi. Nhân đức của niềm hy vọng thực sự bắt nguồn từ mối quan hệ cá vị của tôi với Thiên Chúa.

 

Phải chăng niềm hy vọng của người Kitô hữu có nét giống với “phương pháp Coué”[1] ?

Chắc chắn là không. Đây không phải là một kỹ thuật giúp tôi vượt qua những khó khăn. Niềm hy vọng Kitô giáo là hướng về Thiên Chúa, Đấng cao cả hơn tôi và là Đấng hiện diện ở bất cứ nơi nào tôi ngã quỵ. Chính Ngài đã ngã xuống đất ba lần trên đường vác thập giá. Khi tôi suy ngẫm, chiêm ngắm sự Phục Sinh của Đức Kitô, ngay cả lúc tôi đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất, tôi có thể đón nhận được ân sủng của Đấng Phục Sinh. Trong Năm Thánh này, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi chúng ta trở thành “những người hành hương của niềm hy vọng”. Khi chúng ta bước đi, sức mạnh của niềm hy vọng không chỉ cho chúng ta một đường hướng, một mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Nhưng mục tiêu này được đưa ra, được xây dựng qua từng bước chúng ta thực hiện trong năm nay. Chúng ta được mời gọi phải đồng ý tiến về phía trước một cách khiêm tốn, từng bước một trong Năm Thánh này.


Như vậy, niềm hy vọng là chủ đề của Năm Thánh 2025... Tuy nhiên, liệu chúng ta có thể thực sự quyết định điều đó hay không?

Chủ đề này là một phần của một lịch sử kéo dài. Năm Thánh 2000 được nhấn mạnh chủ yếu bởi sự tha thứ: qua lời mời gọi của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Giáo hội đã cầu xin sự tha thứ cho những tội lỗi mà mọi Kitô hữu đã mắc phạm. Năm 2015, Năm Thánh ngoại thường đã được quyết định để mặc khải mầu nhiệm Lòng Chúa Thương Xót. Vào năm 2025, chủ đề Năm Thánh là niềm hy vọng, vì nó xuất phát từ Lòng Thương Xót của Đức Chúa: sự tha thứ mà Thiên Chúa ban cho con người mạnh mẽ hơn tội lội mà họ đã mắc phạm. Trong sắc lệnh về Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhắc lại rằng sẽ có những cánh cửa được mở ra: những cánh cửa của các Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateranô, ở Rôma, v.v. Đức Thánh Cha nói thêm: “Trong nhà tù cũng cần có những cánh cửa được mở ra”. Rồi sau đó, Ngài cũng đề cập đến những cánh cửa cần được mở ra cho những người đau yếu bệnh tật và những người già cả. Quả thế, trong thế giới mà chúng ta đang sống, thật cần thiết biết bao những cánh cửa phải được mở ra cho hết thảy mọi người !

Và có lẽ, chúng ta nên thực sự nhận ra rằng, những người bệnh tật, bị cầm tù, nghèo khổ này, chính là những cánh cửa mở ra cho chúng ta: qua những trải nghiệm cá nhân, chính họ là những người có thể mở ra một chân trời rộng lớn hơn cho chúng ta. Tất cả chúng ta chắc hẳn đều có kinh nghiệm rằng, chẳng hạn, khi chúng ta phục vụ những người trong những tình huống bấp bênh, khó khăn của cuộc sống, chính điều đó sẽ mở rộng không gian bên trong tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta hành động, không phải vì họ mà cùng với họ, thì tất yếu có một điều gì đó mở ra trong tâm hồn chúng ta. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô muốn dẫn chúng ta đến điều này, không chỉ đến cửa của Vương cung thánh đường – một điều không kém phần quan trọng. Nhưng, những người anh chị em ở vùng ngoại biên mới là những cánh cửa quy hướng chúng ta vào điều quan trọng nhất. Bản thân tôi cũng có một người anh mắc hội chứng down, đã già, bị điếc, bị viêm xương khớp và hiện mắc chứng bệnh Parkinson. Anh ấy có quá nhiều giới hạn phải chịu đựng. Gần đây, tôi đã đến Lộ Đức với anh ấy. Khi đến bằng tàu hỏa, chúng tôi nhìn thấy hang đá Đức Mẹ Lộ Đức từ xa, tôi thấy nụ cười trên khuôn mặt anh ấy, một nụ cười đã mở ra những cánh cửa cho tôi! Đối với tôi, đó là cánh cửa dẫn đến Nước Trời.


Làm thế nào để chúng ta, với tư cách là những Kitô hữu, có thể trở thành dấu chỉ hy vọng cho những người đương thời với chúng ta?

Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói với chúng ta rằng: mỗi người phải học cách đọc các dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng của Tin Mừng. Sâu thẳm bên trong những gì tưởng như đang sụp đổ, chẳng phải có sự sống xuất hiện hay sao? Hình ảnh mà Chúa Giêsu đưa ra trong Tin Mừng theo thánh Gioan là hình ảnh nỗi đau của người mẹ khi sinh con. Chúng ta có thể nói rằng: thế giới của chúng ta được đánh dấu bởi nhiều nỗi đau. Nhưng liệu đó có phải là một sự chấm hết hay sắp diễn ra một cuộc sinh nở khác? Qua việc đọc lại cách mà Chúa Giêsu Kitô đến bên cạnh chúng ta, khi chúng ta chịu thử thách, nhờ đó mà chúng ta có thể trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng. Có một cách thức đồng hành với người khác, để có thể là một dấu hiệu của niềm hy vọng, chúng ta phải minh chứng niềm hy vọng nơi mà người khác không còn nhìn thấy nó nữa. Chúng ta phải có khả năng giới thiệu, diễn tả niềm hy vọng trong cuộc sống với chiều sâu thiêng liêng, đồng thời không làm phá hủy niềm hy vọng ấy.


Đề cập đến việc sinh con... Đức Thánh Cha nói về việc sinh nở như một dấu chỉ của niềm hy vọng.

Đức Thánh Cha nói về “những chiếc nôi trống rỗng”. Con người ngày nay sợ bước vào tương lai. Họ thu mình lại vì có quá nhiều bất an. Từ quan điểm này, người Kitô hữu có thể trở thành những dấu chỉ của niềm hy vọng bằng cách đón nhận sự sống, trong tất cả mọi chiều kích. Có nghĩa là, chúng ta được mời gọi mang lại sự sống theo nghĩa rất rộng. “Hãy sinh sôi nảy nở”, trong Kinh thánh, là lời đầu tiên Thiên Chúa nói với người nam và người nữ sau khi tạo dựng nên họ.


Trong sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha liên kết niềm hy vọng với sự kiên nhẫn. Làm thế nào để nuôi dưỡng, trau dồi nhân đức này?

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhấn mạnh rằng chúng ta đang ở trong một xã hội công nghệ hóa. Cần thông tin gì thì chỉ cần tra cứu Google hay trí tuệ nhân tạo... Chúng ta đã quá quen với việc có được mọi thứ ngay lập tức, đến nỗi, khi nó không đến ngay, chúng ta không thể nào hiểu được hay không chấp nhận. Tuy nhiên, hy vọng không phụ thuộc vào nguồn lực của chúng ta hay khả năng sáng tạo của con người, ngay cả khi chúng ta đang trong thời đại kỹ thuật số. Có những lúc tôi có thể đi qua những đường hầm không nhìn thấy điểm cuối, nơi thời gian dường như kéo dài. Hay khi tôi đi cùng một người già hoặc một người ở giai đoạn cuối đời, thời gian có vẻ rất dài, bởi vì tôi cảm thấy rằng không có quá nhiều vấn đề đang xảy ra xung quanh... Tuy nhiên, trên thực tế, sự kéo dài của thời gian mà tôi cảm nhận, chỉ cho tôi thấy rằng: những điều đang xảy ra thật vô cùng quan trọng. Có thể có điều gì đó từ trên trời cao đã xuất hiện trong tôi! Và khi chính bản thân tôi phải đối mặt với một mâu thuẫn, hoặc khi tôi ốm đau, buộc phải sống chậm lại, tôi có thể phải khám phá ra rằng thời gian là một quà tặng, một ân ban và tôi phải chịu trách nhiệm về nó. Động lực của niềm hy vọng mời gọi chúng ta hãy đón nhận thời gian như một quà tặng, và đón nhận cuộc sống như một ân sủng được trao ban.


Tác gi : Marie Lætitia Calmeyn

Ch đ : Đc tin Công giáo – Đi sng ni tâm

Ngu: famille chrétienne

https://www.famillechretienne.fr/44053/article/marie-laetitia-calmeyn-lesperance-est-plus-que-jamais-decisive

[1] “Phương pháp Coué” là một thuật ngữ liên quan đến phương pháp chữa bệnh tâm lý được phát triển bởi nhà tâm lý học người Pháp Émile Coué vào đầu thế kỷ 20. Phương pháp này tập trung vào sức mạnh của sự tự thôi miên và sự tự kỷ ám thị, tức là việc phát biểu những câu khẳng định tích cực với bản thân để đạt được những thay đổi tích cực trong trạng thái tâm lý và thể chất.