Vài tháng trước, tôi đã nghe một vị linh mục phân tích câu chuyện Người Sa-ma-ri Nhân Hậu trong Phúc Âm thánh Luca theo cách rất độc đáo và thú vị. Tôi vẫn nghĩ trong hầu hết các bài giảng, nhà giảng thuyết thường tập trung vào những hành động tốt lành của người Sa-ma-ri đối với người lạ bị cướp đánh nhừ tử đang nằm bên vệ đường và nhấn mạnh đến các công việc thể hiện lòng nhân từ và thương xót đối với tha nhân (tất nhiên những chủ đề này là hợp lý và quan trọng), thế nhưng bài giảng này lại không tập trung vào người Sa-ma-ri hay người đàn ông bị đánh trọng thương, mà lại nhắm đến thầy tư tế và thầy Lê-vi, những người đã nhìn thấy người bị nạn và bỏ mặc người bị nạn mà đi.

Nhà giảng thuyết suy đoán rằng thầy tư tế và thầy Lê-vi có thể đã biện minh cho hành động bỏ mặc người bị nạn bằng cách viện dẫn luật Mô-sê và những điều khoản của nó liên quan đến sự thanh sạch theo nghi thức truyền thống. Nếu người Do Thái tiếp xúc với xác chết thì họ sẽ bị ô uế xét theo nghi thức truyền thống, cho nên thầy tư tế và thầy Lê-vi đã có lý do hợp lý để không phải giúp đỡ một người đang cần sự giúp đỡ.

Tuy nhiên, khi giải thích dụ ngôn, Chúa Giêsu lại lên án họ trong khi đó lại khen ngợi người Sa-ma-ri, người đã “chạnh lòng thương xót” khi nhìn thấy người lạ bị nạn, rồi chăm sóc cho anh ta và giúp anh ta có chỗ trú ngụ tại một quán trọ, tự chi trả mọi chi phí cho anh ta nữa. Chúa Giêsu dạy chúng ta “hãy đi và làm như vậy.” Thầy tư tế và thầy Lê-vi tìm cách biện minh cho hành động bỏ mặc người bị nạn, trong khi đó người Sa-ma-ri nhân ậu sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn vì lòng thương xót và tình yêu thương tha nhân.

Khi phân tích về động cơ của thầy tư tế và thầy vị Lê-vi trong dụ ngôn này, ngay lập tức tôi nhớ đến một câu chuyện trong tiểu thuyết Địa Ngục của Dante.

Trong khi theo Virgil đi qua nhiều "hố" của vòng thứ tám của địa ngục, tức là Malebolge, nơi của những kẻ xảo quyệt, Dante gặp linh hồn của Guido da Montefeltro, một cựu chỉ huy quân đội Ý, một con người mà những hành động của ông "không phải như hành động của một con sư tử, nhưng như hành động của con cáo." Sau khi Guido rời bỏ cuộc sống chinh chiến và trở thành một tu sĩ Phanxicô, một lần kia Đức Giáo hoàng Boniface VIII đã tìm đến Guido để tư vấn về vấn đề liên quan đến quân đội, mong muốn chiếm đoạt một gia đình quý tộc vì đã chống lại việc ngài được bầu làm giáo hoàng và hiện đang trú ngụ trong một pháo đài ở Palestrina.

Theo Dante, khi thấy Guido do dự đưa ra lời khuyên lừa phỉnh mà ông biết là sẽ có hại, Đức Giáo hoàng Boniface đã hứa sẽ ban phép tha tội cho ông trước. Guido đồng ý và khuyên Đức Giáo hoàng nên hứa sẽ ban ân xá cho gia đình quý tộc đó, nhưng sẽ rút lại lời hứa ấy ngay khi họ rời khỏi pháo đài của mình.

Người sáng suốt là người có lý trí, nhưng người chỉ dùng lý trí thôi là những kẻ mất trí!

Sau khi chết, linh hồn của Guido được triệu hồi đến cổng địa ngục. Tại đó, vua Minos kết án những kẻ đáng nguyền rủa với những hình phạt tương ứng bằng cách lấy đuôi của mình chói quanh những kẻ ấy số lần bằng với những tầng địa ngục mà họ sẽ phải chịu giam cầm vĩnh viễn. Khi thánh Phan-xi-cô Assisi từ thiên đàng xuống để cứu Guido, thánh nhân bị một con quỷ ngăn lại và nói:

“Hắn ta phải xuống làm đầy tớ cho tôi,

Vì hắn ta đã đưa ra lời khuyên lừa phỉnh.

Từ đó tôi đã bám theo hắn ta;

Vì ai không ăn năn sám hối sẽ không được ơn tha tội,

Và người không ăn năn sám hối nhưng cùng một lúc lại muốn được tha tội,

Là điều mâu thuẫn, không thể xảy ra.”

Joseph Anton Koch, họa sĩ người Áo, đã mô tả sinh động cảnh tượng này: Một con quỷ có cánh và đuôi dùng một tay nắm lấy dây thắt lưng của vị tu sĩ và vẫy ngón tay còn lại về phía thánh nhân. Con quỷ nhìn vào Guido và chế nhạo ông ta. Với một giọng điệu chế giễu đầy nham hiểm, nó nói: “Rất tiếc ngươi lại không nghĩ rằng ta cũng là một lý luận gia!” Sau đó Minos quấn đuôi quanh Guido tám lần và đưa xuống Malebolge để bị tra tấn muôn đời cùng những kẻ gian dối.

Như thế, Guido đã sử dụng lý trí để biện minh cho tội lỗi của mình. Ông mắc phải sai lầm giống như vị tư tế và thầy Lê-vi trong dụ ngôn Người Sa-ma-ri Nhân Hậu. Ông cố gắng biện minh cho những hành động xấu xa của mình bằng cách bẻ cong những quy tắc mà Chúa và Giáo Hội đã đặt ra. Trong trường hợp của ông, đó là những quy tắc về sự ăn năn sám hối và ơn tha thứ. Chỉ khi đến cửa địa ngục, ông mới nhận ra một sự thật đáng sợ rằng quả thực ma quỷ cũng là một lý luận gia, và là một lý luận gia xảo quyệt hơn ông nhiều. Trong quá trình lý luận biện minh, Guido đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Ông cho rằng người ta có thể được tha thứ tội lỗi trước cả khi người ấy phạm tội. Ông đã quên mất một điều mà sau này nhìn lại ông thấy rất rõ ràng, đó là để được tha tội, trước hết người ta cần phải ăn năn sám hối. Vừa ăn năn sám hối lại vừa cố tình muốn hành động trái nghịch với tình yêu của Chúa là điều mâu thuẫn. Guido nghĩ mình có thể qua mặt được Chúa. Nhưng cuối cùng, ông bị ma quỷ qua mặt.

Guido cũng như vị tư tế và thầy Lê-vi trong dụ ngôn đều là những kẻ mất trí. Theo G.K. Chesterton, kẻ mất trí dĩ nhiên “không phải là người đã mất lý trí”  “là người đã mất tất cả trừ lý trí.” Nói cách khác, người sáng suốt là người có lý trí, nhưng người chỉ dùng lý trí thôi là kẻ mất trí! Kẻ mất trí là kẻ “lý luận không có nền tảng, lý luận rỗng tuếch.” Chesterton tiếp tục lập luận rằng “Kẻ bắt đầu suy nghĩ mà không dựa trên những nguyên lý cơ bản sẽ trở thành kẻ mất trí. Thay vì suy tư từ đầu tới cuối, anh ta lại làm ngược lại.”

Lý trí và logic không phải là điều xấu. Quả thực, khi dựng nên chúng ta là loài động vật có lý trí,” Thiên Chúa đã ban lý trí như một phần trong bản tính của chúng ta. Do đó, việc sử dụng lý trí một cách đúng đắn là một phần trong cùng đích tự nhiên của chúng ta. Vì thế, lý trí không chỉ cho thấy chúng ta là ai mà còn cho thấy chúng ta phải trở nên những con người có lý trí. Thiên Chúa ban cho chúng ta lý trí, và Ngài mong muốn chúng ta biết sử dụng nó. Nhưng Ngài không muốn chúng ta sử dụng nó một cách duy lý, mà phải kết hợp với những yếu tố khác mà Chesterton đã đề cập đến, đó là phải dựa trên những “nguyên lý cơ bản chắc chắn.”

Trong Posterior Analytics, Aristotle đã mô tả những nguyên lý cơ bản là những sự thật nền tảng không thể chứng minh được. Điều này có nghĩa là những nguyên lý cơ bản đó không thể được chứng minh bằng suy luận diễn dịch, trái lại nó phải là điểm khởi đầu để suy luận. Người ta có thể từ những nguyên lý cơ bản đó để suy ra những kết luận khác, chứ không thể suy luận từ cái gì đó để dẫn tới những những nguyên lý cơ bản đó được. Các nguyên lý cơ bản cần phải được giả định trước khi tiến hành suy luận, nếu không lý luận sẽ không có nền tảng.

Và như Chesterton mô tả, kẻ mất trí khi lý luận không dựa trên bất kỳ nguyên lý cơ bản nào. Anh ta quá mải mê xây dựng một toà nhà trên đám mây. Anh ta không có nền tảng vững chắc, và vì thế những gì anh ta sử dụng lý trí để xây dựng đều sụp đổ nhanh chóng. Anh ta có “một lý trí bao quát và toàn diện nhưng lại có một nhận thức hẹp hòi.”

Truyền thống, giáo lý, Mặc khải và thậm chí cả những cảm thức cơ bản đều có thể được coi là những nguyên lý cơ bản, đặt nền tảng cho lý trí vào một điều gì đó vượt lên chính nó. Và lý trí không chỉ cần phải được đặt trên nền tảng đúng đắn, nhưng nó còn phải được nhắm tới một cách đúng đắn nữa. Lý trí phải quy hướng về chân lý, chân lý khách quan, tồn tại ngoài chúng ta. Lý trí phải được quy hướng về Thiên Chúa, Đấng là Chân Lý.

“Khi lý trí thất bại, ma quỷ sẽ can thiệp!”

Khi lý luận không có nền tảng và không có mục đích, kẻ mất trí hay kẻ điên đã thực sự đặt chính mình làm điểm khởi đầu và điểm kết thúc, là alpha và omega cho lý luận của mình. Lý luận của anh ta xuất phát từ chính những giả định của mình và quy hướng về sự thoả mãn của chính mình. Quả thực, khi đó anh ta đã lấy bản thân mình để thay thế Thiên Chúa, và đó chính là điều ma quỷ mong muốn.

Có lẽ không có một hình ảnh tuyệt vời nào mô tả một lý luận gia mất trí trong văn học rõ ràng hơn là nhân vật Raskolnikov trong tác phẩm Tội Ác và Hình Phạt của Fyodor Dostoevsky. Raskolnikov, nhân vật chính trong tiểu thuyết, là một sinh viên luật nghèo sống ở khu ổ chuột của St. Petersburg vào thế kỷ XIX. Anh ta đã dùng một cây rìu giết chết bà lão chủ tiệm cầm đồ. Sau đó (mà thực sự là trong suốt phần lớn câu chuyện), anh ta luôn tự hỏi tại sao mình lại làm như vậy, và làm sao có thể biện minh cho hành động bạo lực của mình.

Trước khi tôi bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết Tội Ác và Hình Phạt trong Mùa Chay năm ngoái, một người bạn của tôi đã so sánh tiểu thuyết này với hiện tượng “mơ thấy bị sốt tâm thần phân liệt.” Bây giờ thì tôi tin đó là một sự mô tả rất chính xác. Thế giới bẩn thỉu, nghèo khó và đầy bóng tối mà Dostoevsky miêu tả chỉ là bối cảnh cho một câu chuyện chủ yếu diễn ra trong tâm trí của nhân vật, một tâm trí muốn trở nên duy lý lạnh lùng đến mức rơi vào sự điên rồ.

Khi Raskolnikov lên kế hoạch cho tội ác của mình, anh ta cảm thấy đó là lựa chọn của mình. Sở dĩ anh giết chết bà lão chủ tiệm cầm đồ là vì, theo như lý luận của anh, bà lão là một kẻ keo kiệt, lợi dụng những sinh viên nghèo như anh, và hay đánh đập cháu gái của bà. Tuy nhiên, khi bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình, anh ta cảm thấy như thể có một thế lực ngoại tại nào đó đang lôi kéo anh vào tội ác này, giống như mình đang bị kéo vào tội ác bởi một thế lực ngoại tại giống như kiểu những chiếc bánh răng của một cỗ máy” vậy. Khi kế hoạch không diễn ra đúng như dự định và anh buộc phải ứng biến, thì anh lại tự nhủ: “Khi lý trí thất bại, ma quỷ sẽ can thiệp!” Con người chỉ có thể lý luận ở một mức độ nhất định nào đó thôi. Sớm hay muộn, các thế lực phi lý sẽ can thiệp vào. Trong trường hợp của Raskolnikov, những thế lực này không phải là sự can đảm hay tình yêu tự hiến, nhưng là sự ghen tị và sự kiêu hãnh.

Raskolnikov không chỉ giết bà lão chủ tiệm cầm đồ mà còn giết luôn cả người cháu gái nghèo vô tội của bà. Anh ta lấy cắp một số tài sản có giá trị, nhưng không dùng tài sản đó để nâng cao chất lượng cuộc sống của mình hay làm cho gia đình thoát khỏi nghèo khó. Thay vào đó, anh ta chôn kho báu dưới một tảng đá trong một sân chơi của thành phố. Và khi bị một điều tra viên đeo bám, anh ta thấy mình bị mắc kẹt trong một trận chiến giữa một bên là cảm giác ghê tởm chính bản thân và một bên là sự tự biện minh. Anh ta đã nghĩ đến việc tự tử nhưng lại quyết định không làm vậy. Anh ta tự so sánh mình với Napoleon và Alexander Đại đế, những nhân vật vĩ đại đã làm thay đổi lịch sử, mà theo anh nghĩ chắc họ đã phải gạt bỏ những ràng buộc đạo đức sang một bên để có thể hiện thực hoá tiềm năng vĩ đại của mình. Anh ta tiếp tục cố gắng biện minh cho tội ác của mình, nhưng càng cố gắng để biện mình thì anh càng thấy mình vô lý. Và cuối cùng, anh ta ra đầu thú và bị đưa đến một trại tù ở Siberia. Chỉ khi bị giam trong tù anh ta mới thực sự thừa nhận hành động của mình là sai. Và chỉ khi ở trong tù anh ta mới thực sự cảm thấy được tự do.

Gần cuối tiểu thuyết, Raskolnikov có một giấc mơ. Giấc mơ cho thấy một dịch bệnh đã khiến toàn bộ người dân châu Âu bị mất trí hết. Dostoevsky viết:

“Chưa bao giờ người ta tự cho mình là trí thức và sở hữu sự thật toàn vẹn như những kẻ khổ sở này, chưa bao giờ họ nghĩ những quyết định, những kết luận khoa học, hay những quan điểm đạo đức của họ là sai lầm... Tất cả những con người này đều bị kích động và không hiểu nhau. Ai cũng tự cho mình là người duy nhất nắm giữ chân lý và thấy người khác thật khốn khổ rồi họ tự đấm ngực, khóc than và vặn vẹo đôi bàn tay. Họ không biết cách phán xét và không thể đồng ý với nhau đâu là ác và điều gì là tốt; họ không biết phải đổ lỗi cho ai và phải biện minh cho ai. Người ta giết hại lẫn nhau vì một sự tức giận vô nghĩa.”

Đây là một lời cảnh báo chống lại ý thức hệ và lý trí trừu tượng xa rời tình yêu thương. Thật rùng rợn khi đó lại là một lời cảnh báo mà chính dân tộc của Dostoevsky đã không lắng nghe vào năm 1917 khi những người cộng sản đã chiếm được nước Nga và triều đại đẫm máu của Liên Bang Xô Viết bắt đầu. Hàng triệu người đã bị sát hại như là những tế vật cho thứ “chủ nghĩa duy lý thuần tuý” ảo tưởng trừu tượng. Logic thất bại. Ma quỷ can thiệp. Sự tàn ác lên ngôi.

Tuy nhiên, con người không nhất thiết phải rơi vào cái bẫy này. Với sự trợ giúp của ân sủng, chúng ta có thể dùng lý trí cho những điều tốt đẹp hơn. Chúng ta không nhất thiết phải giống như vị tư tế hay thầy Lê-vi kia đã bỏ mặc người bị nạn nằm bên vệ đường. Chúng ta cũng không nhất thiết phải giống như Guido da Montefeltro hay Raskolnikov trước khi thừa nhận tội ác của mình và ăn năn sám hối. Trái lại, chúng ta có thể tiếp cận cuộc sống với một tâm tình như người Sa-ma-ri nhân hậu, được thúc đẩy bằng tình yêu thương nên đã “chạnh lòng thương xót” người gặp nạn.

Quả thực, ma quỷ không chỉ là một lý luận gia, mà nó còn là một lý luận gia xảo quyệt. Chúng ta có thể không qua mặt hắn về sự xảo quyệt, nhưng chúng ta có thể, và chúng ta phải qua mặt hắn về tình yêu thương.

Bài viết: The evil is a logicial

Tác giả: L.W.Blakely

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Đình Dương

Nguồn: https://www.wordonfire.org/articles/the-devil-is-a-logician/