Andrew Klavan, một nhà văn và bình luận viên về văn hóa chính trị, đã mô tả một cách mạnh mẽ trong cuốn tự truyện thiêng liêng của mình, The Great Good Thing: A Secular Jew Comes to Faith in Christ (Điều Thiện Vĩ Đại: Một Người Do Thái Khô Khan Đã Tin Vào Chúa Kitô), về cách mà chỉ với ba từ ngắn gọn đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của ông. Khi Klavan đang ở độ tuổi trung niên, một đêm kia ông nằm đọc một cuốn tiểu thuyết trên giường trước khi đi ngủ. Trong đoạn văn mà ông đang đọc kể về một bác sĩ phẫu thuật người Công giáo tên là Maturin trèo lên giường và đọc một lời cầu nguyện vắn gọn trước khi ngủ. Khi Klavan đặt cuốn sách sang một bên để đi ngủ, ông kể lại rằng ông đã tự nhủ: “Chà, nếu Maturin có thể cầu nguyện, thì tại sao tôi lại không.” Klavan không có thói quen cầu nguyện; như tựa đề của cuốn tự truyện cho thấy, vào thời điểm đó ông là một người Do Thái khô khan nguội lạnh. Nhưng đêm đó ông suy nghĩ về những điều tốt đẹp mà cuộc sống đã mang lại cho ông: nào là người vợ xinh đẹp và những đứa con ngoan ngoãn đang chìm trong giấc nồng kia; rồi công việc viết lách của ông; và cả những cơ hội được đi du lịch khắp thế giới; ... Và thế là ông cầu nguyện, rồi ông ngủ thiếp đi.
Khi nhớ lại về sự việc của đêm hôm đó, Klavan nói đó là một lời cầu nguyện vô cùng vắn gọn đơn sơ và thậm chí còn hàm chứa đầy sự kiêu hãnh nữa: đó quả thực là một thử nghiệm đầy lưỡng lự của một nhà trí thức dùng ba từ vắn gọn nhằm thử thách đức tin mà không hề có chủ ý cam kết sẽ thực hiện điều đó một cách thực sự về mặt thiêng liêng. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại để ý tới lời cầu nguyện của Klavan theo một cách khác, vì như Klavan nói, Thiên Chúa đã đáp lại một cách rất hào phóng, Thiên Chúa đã ban cho ông chứa chan ân sủng của Ngài.
Klavan kể lại rằng sáng hôm sau, khi ông ra khỏi giường, ngay lập tức ông nhận ra rằng mọi thứ đã trở nên khác hẳnvà ông nhận thấysở dĩ có sự thay đổi đó là nhờ vào lời cầu nguyện của mình tối qua trước khi đi ngủ. Kể từ đó ông đã được biến đổi và thế giới quan của ông cũng hoàn toàn thay đổi. Klavan đã mô tả một cách rất cảm động về mọi thứ xung quanh đã thay đổi tích cực và tốt đẹp đối với ông như thế nào. Tôi sẽ không trích dẫn toàn bộ đoạn mô tả đó ở đây (xin tham khảo Chương 13 trong cuốn sách của ông), nhưng có thể khẳng định rằng, đối với Klavan, mọi thứ xung quanh ông trở nên rõ ràng hơn, tươi sáng hơn, tròn đầy hơn và gần như bừng sáng - tất cả đều nhờ vào một lời cầu nguyện ngắn gọn đơn sơ mà ông đã thốt ra với một chút lưỡng lự ngại ngùng. Vậy lời cầu nguyện đó là gì? Thưa đó là: Cảm tạ Chúa! - Thank you, God! Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài!
Lời cầu nguyện đơn sơ chỉ với ba từ đó đã phá vỡ bức tường ngăn cách đã từng khiến cho Klavan khước từ ân sủng của Thiên Chúa muốn tuôn đổ trên cuộc đời của ông. Một cách nào đó, điều này chẳng có gì ngạc nhiên. Sở dĩ mọi sự đã xảy ra như vậy bởi vì có một mối tương quan mật thiết giữa lòng biết ơn và việc đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Ở đây không chỉ có sự liên hệ về mặt từ nguyên bởi ‘Lòng biết ơn’ và ‘Ân sủng’ đều có cùng một từ gốc tiếng La tinh: ‘Gratus’, mà còn có sự liên hệ về mặt hữu thể học và thần học nữa. Lòng biết ơn biến đổi chúng ta, thậm chí còn biến đổi chúng ta ở cấp độ sâu nhất nơi chính bản thể của chúng ta. Lòng biết ơn khiến cho trái tim và tâm trí chúng ta mở toang ra đối với ân sủng của Thiên Chúa, với trải nghiệm về sự hiện diện, sự quan phòng và tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta.
Ông đã được biến đổi, và thế giới quan của ông cũng hoàn toàn thay đổi.
Thiên Chúa không cần lòng biết ơn của chúng ta, nhưng đối với chúng ta thì điều đó lại rất cần thiết, như trong Kinh Tiền Tụng có viết: “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ”. Chúng ta cần cảm ơn Thiên Chúa và việc bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa giúp chúng ta trở về hoặc duy trì mối tương quan phải lẽ với Ngài. Khi nói ‘cảm ơn Chúa’ là khẳng định mối tương quan đó, và cụ thể hơn, khẳng định chúng ta mắc nợ Ngài, chúng ta phải lệ thuộc vào Ngài. Bày tỏ lòng biết ơn với Thiên Chúa giúp chúng ta ý thức mình là ai: - Là những tạo vật bất toàn, luôn cần sự giúp đỡ của Ngài và đặc biệt ngay cả sinh khí chúng ta hít thở để sống mỗi ngày cũng là do Chúa ban. Trên hết tất cả, ngay chính sự hiện hữu của chúng ta cũng tuỳ thuộc vào Ngài. Như thế, khi nói ‘cảm ơn Chúa’ là chúng ta khẳng định thực tại đó.
Đôi khi chúng ta hay tự ảo tưởng rằng mình là những thụ tạo tự đủ cho chính mình, chẳng cần gì đến Thiên Chúa, thậm chí còn muốn ngang hàng hay trở thành Chúa nữa (x. St 3,1-7). Việc bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta chỉ là những tạo vật mỏng dòn yếu đuối hoàn toàn lệ thuộc vào Đấng Tạo Hoá. Đồng thời việc bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa cũng nhắc cho ta biết nguồn cội và cùng đích cuộc đời của ta đều từ Thiên Chúa và rồi lại trở về với Thiên Chúa. Ân sủng rất đa dạng, nhưng sâu xa nhất đó chính là món quà sự sống và tình yêu của chính Thiên Chúa ban tặng cho ta, cho ta được tham dự hay chia sẻ sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. “Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian” (2 Pr 1,4; x. GLHTCG số 1997&1999). Ân sủng của Thiên Chúa luôn sẵn sàng và chờ đợi chúng ta mở lòng để đón nhận. Ân sủng như ánh sáng mặt trời chờ chúng ta mở cửa phòng để đón nhận ánh sáng ấy. Lòng biết ơn là một trong những cách chắc chắn nhất để đón nhận được ân sủng.
Lòng biết ơn mang lại cho chúng ta một cảm giác kỳ diệu, hướng chúng ta tới Chân, Thiện, Mỹ. Lòng biết ơn giúp chúng ta mở ra với tình yêu và cho Tình Yêu, mở toang cánh cửa để ân sủng của Thiên Chúa có thể tuôn đổ tràn đầy trái tim, tâm trí cũng như cuộc sống của chúng ta. Và một khi ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ đầy tràn nơi cuộc sống của chúng ta thì, qua chúng ta, nó có thể trào tràn ra bên ngoài và tưới gội lên cuộc đời của những người anh chị em chúng ta nữa.
Vì thế, cần phải hình thành thói quen tốt, luôn biết nói lời ‘cảm ơn Chúa’ trong mọi nơi mọi lúc mỗi ngày. Cảm ơn Chúa vì Chúa đã ban biết bao ơn lành xuống nơi vợ chồng, con cái. Cảm ơn Chúa vì biết bao nhiêu điều tốt đẹp đã xảy ra trong cuộc đời ta vào một ngày đặc biệt nào đó, hay một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp, hoặc cho chính sự sống của chúng ta nữa.
Không phải ai trong chúng ta cũng có được trải nghiệm về sự biến đổi mạnh mẽ và tức thì như Andrew Klavan khi ông cầu nguyện bằng tâm tình tri ân cảm tạ. Thế nhưng ân sủng của Thiên Chúa ban cho mỗi người mỗi khác, phù hợp với hoàn cảnh của mỗi cá nhân. Nếu chúng ta siêng năng cầu nguyện bằng những lời nguyện tắt và nhất là với lòng biết ơn, chắc chắn mọi sự sẽ thay đổi tốt đẹp. Ngay cả bản thân chúng ta cũng được biến đổi. Lòng biết ơn đối với Thiên Chúa luôn mở ra cho dòng chảy để ân sủng có sức biến đổi của Thiên Chúa tuôn tràn vào cuộc sống của mỗi người chúng ta.
Bài viết: Gratitude Opens Us to the Flow of Grace
Tác giả: Tiến sĩ Richard Clements
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Đình Dương
Nguồn: wordonfire.org