LỜI PHI LỘ
Tôi muốn viết về Người
Người tôi yêu mến tôn thờ
Đó là Chúa Giêsu Kitô
Rất là Chúa
Rất là người
Biết viết làm sao đây?
Tay cầm bút của tôi run lên
Biết nói làm sao đây?
Miệng lưỡi của tôi tê cóng
Người vĩ đại quá
Siêu việt quá.
Nghĩ đến Người
Tôi cảm thấy như đứng giữa đại dương bao la
Chỉ có trời xanh nước biếc
Trời nước câm lặng quanh tôi.
Tôi tìm kiếm Người
Qua Cựu Ước
Hình ảnh cuộc đời của Người được diễn tả
Cách bóng bẩy xa xôi nơi các nhân vật như:
Abraham, Isaác, Giacóp,
Như Giuse, Maisen, Đavít…
Tôi yêu mến các nhân vật đó
Các hình ảnh đó
Qua Tân Ước
Một chân trời mới hiện ra
Rực rỡ huy hoàng không còn mờ tịt
Như cánh rừng hình bóng của Cựu Ước
Tôi nhận thấy Người
Chiêm ngưỡng Người
Lời Người thiêu đốt tôi như lửa cháy
Khuynh đảo tôi như bảo tố
Rung cảm tôi như đường tơ
Chấn động mãnh liệt trong tim trong hồn tôi
“Mạnh sao như lửa bừng bừng
Dịu sao như mật thấm từng đường gân
Lời sao nặng cả ngàn cân
Nghe êm như suối hồng ân chảy về.”
Giờ đây tôi mới hiểu tại sao xưa kia
Lời Chúa vang dội trong các tầng lớp dân chúng
Có sứ lôi kéo quyến rũ bao nhiêu người
Lầm được lạc lối trở về Nhà Cha.
“Lời sao thăm thiết tình quê
Nghe rưng nước mắt nghe mê mẫn người.
Lời sao như vọng từ trời
Nghe ra như gọi như mời tội nhân
Lời sao như gột lòng trần
Như lôi đất thấp đến gần trời cao.”
Lời Chúa là Lời Tình Yêu
Lời Chân Lý bất diệt
Lời thơ muôn thuở
Là nguồn cảm hứng dồi dào
Cho trăng nước thành thơ
Cho trúc tơ thành nhạc
Tôi muốn đem Lời Chúa
Lời Thơ Tình Thương
Ghép thành vần
Đặ lên miệng các bà mẹ
Để từ đó
Chảy vào tai các em bé
Đang nằm trong nôi
Hay trên cánh tay dịu hiền của các bà
Như dòng sữa ngọt
Chứa đầy chất dinh dưỡng siêu phàm
Để nuôi các em lớn lên
Trong tình thương của Chúa
Lời sao huyền diệu làm sao
Như thâu tim óc, như vào thịt xương.
Tôi ước ao Lời Chúa
Đến với các bạn
Với những kẻ khó nhọc và gánh nặng
Những người mất niềm tin
Mất hy vọng trên cõi đời nầy.
Hỡi các bạn! Hãy lắng nghe:
“Đây là SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG,
Ngân vang muôn thuở, vấn vương muôn lòng.”
Tác giả: Lm Phanxicô Xavier Nguyễn Xuân Văn