KHIÊM NHƯỜNG LÀM CHO TÂM HỒN SẴN SÀNG ĐÓN NHẬN LỜI CHÚA
Trong bài Tin Mừng, Chúa muốn giúp chúng ta khám phá niềm vui để sống trong sự khiêm nhường. Người nói với chúng ta rằng sứ điệp của Người thường bị che giấu khỏi những bậc khôn ngoan thông thái, nhưng lại được mặc khải cho những người bé mọn. Tại sao sứ điệp của Người lại bị che giấu khỏi những người khôn ngoan thông thái? Chẳng phải sứ điệp của Người dành cho tất cả mọi người sao?
Đúng vậy, nhưng mối nguy hiểm rình rập những người vĩ đại trên thế gian này là họ không còn nghĩ rằng mình cần thông điệp này nữa. Họ có thể tin rằng sự khôn ngoan của con người là đủ để mang lại hạnh phúc và sự cứu rỗi. Họ dễ dàng bám víu vào quan điểm, cách làm việc của mình, và có thể có thái độ cứng nhắc và khinh miệt đối với những người không cùng suy nghĩ với họ. Đây là mối nguy hiểm của lòng kiêu ngạo, chúng khiến họ không thể tiếp nhận Lời Chúa và ý muốn của Ngài.
Nhưng chúng ta hãy thận trọng khi nói đến những người vĩ đại của thế gian này, những người hiền triết và thông thái; họ không nhất thiết ám chỉ đến những người giàu có hay những người nắm giữ các vị trí quan trọng trong thế gian. Lòng kiêu ngạo cũng dễ dàng tìm thấy trong lòng những người chỉ có chút ít tiền của. Tất cả chúng ta đều có thể trở nên vĩ đại.
Tại sao những người bé mọn lại dễ dàng đón nhận sứ điệp của Chúa hơn? Bởi vì sự khiêm nhường giúp mở lòng đón nhận Lời Chúa. Người khiêm nhường nhận ra rằng không có Chúa và sự giúp đỡ của tha nhân, họ không thể tiến xa trong cuộc sống. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta điều này khi Người nói với các tông đồ: "Thầy là cây nho, và anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì ngoài Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Ga 15,5).
Trong logic của tình yêu, sự lệ thuộc không hoàn toàn mang tính tiêu cực, dù có vẻ như vậy trong mắt xã hội chủ nghĩa cá nhân của chúng ta. Tôi càng nhận ra nhu cầu của tôi được hạnh phúc từ người khác, thì lòng tôi càng lớn lên trong tình yêu và sự trân trọng dành cho họ. Nhu cầu có Chúa Giêsu trong đời sống này cho phép tôi sống một tình yêu mãnh liệt và sống động với Ngài. Chẳng phải lý do chúng ta tồn tại, làm người, điều khiến chúng ta hạnh phúc sâu sắc, là để yêu và được yêu sao? Vậy nên, chúng ta hãy sống khiêm nhường. Hôm nay, trong giờ cầu nguyện này, chúng ta hãy nhận ra nhu cầu sâu sắc của mình về tình yêu của Chúa Kitô và ơn cứu độ của Người.
« Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. »
Trong câu cuối cùng của bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta tấm gương về một tấm lòng khiêm nhường. Ngài nhận ra rằng chính Ngài đã nhận lãnh mọi sự từ Chúa Cha. Ngài sống sứ mệnh làm Con trong sự vâng phục Chúa Cha và trong lòng biết ơn về tất cả những gì Chúa Cha đã ban cho Ngài. Ở đây, chúng ta bước vào mầu nhiệm cao cả của Chúa Ba Ngôi, vào sự trao đổi mầu nhiệm giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Cả ba vừa là một Thiên Chúa, vừa toàn năng như nhau, nhưng sống trong mối tương quan chia sẻ và trao đổi sự hiểu biết, tình yêu và sự sống từ muôn thuở và đến muôn đời. Làm sao chúng ta không cảm thấy mình nhỏ bé trước mầu nhiệm vượt trên cả chúng ta, chúng ta chỉ là những tạo vật nhỏ bé, mong manh và chóng qua!
Thế nhưng Người đã chọn chúng ta, Người muốn tỏ mình ra cho chúng ta và ban cho chúng ta cơ hội để biết Người, tin vào Người và chia sẻ sự sống và tình yêu Ba Ngôi của Người! Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta rằng sự thánh thiện, xét cho cùng, không phải là một chiến thắng cá nhân, thành quả của những nỗ lực anh hùng, mà là một quà tặng nhưng không của tình yêu Thiên Chúa, Đấng nâng chúng ta lên với Người trong sự nghèo khó của mình. Khi đó, chúng ta có thể cùng với Chúa Kitô thưa: "Vâng, lạy Cha, Cha đã muốn như vậy trong lòng nhân từ của Cha."
Lm. Gioakim Nguyễn Xuân Văn chuyển ngữ theo Regnum Christi
Tác giả : Lm. Richard Tardiff, LC