VƯỜN NHO CỦA CHÚA
Dụ ngôn về những tá điền sát nhân được đặt trong bối cảnh những ngày cuối cùng của Chúa Kitô ở Jerusalem. Ngài vừa mới đến đó với sự chào đón trong vinh quang và cũng từ nay Ngài biết rằng Cuộc Khổ Nạn của Ngài sắp đến gần. Những cuộc tranh cãi chống lại các thượng tế và các trưởng lão ngày càng gia tăng và họ quyết tâm hơn bao giờ hết để khiến Người phải biến mất. Trong tình huống căng thẳng này, tại sao Chúa Giêsu không chọn chiến lược thận trọng? Người ta nói rằng có vẻ như Người đang cố tình đổ thêm dầu vào lửa.
Ở đây, Người tuyên bố rõ ràng với nhà cầm quyền Do Thái rằng, đằng sau hình ảnh những tên tá điền sát nhân, chính họ mới là mục tiêu bị nhắm tới. Họ là những người tự coi mình là những Thầy dạy về Luật pháp và sự thờ phượng, trong khi họ chỉ là người trông coi bảo vệ. Họ là những người đã từ chối lắng nghe các tiên tri, những người giống như Gioan Tẩy Giả, đã loan báo về sự sám hối. Cuối cùng, chính họ là những người tự nguyện làm mình mù quáng để không nhận ra Đấng Messia.
Chúa Giêsu không ngần ngại khiển trách tất cả những điều này trước mặt các thượng tế và những người Pharisiêu. Tại sao? Nếu Người đến để thiết lập hòa bình, Người sẽ cẩn thận tránh gây ra sự nhạy cảm. Nhưng Người không đến để thiết lập hòa bình. Ít nhất thì không có nền hòa bình của con người được xây dựng trên sự thỏa hiệp.
Như Đức thánh cha Bênêđíctô XVI đã viết trong phần giới thiệu của tác phẩm Chúa Giêsu thành Nazareth: “Chúa Giêsu thực sự mang lại điều gì, nếu Người không mang lại hòa bình cho thế giới, hạnh phúc cho tất cả mọi người, một thế giới tốt đẹp hơn? Người đã mang đến điều gì? Câu trả lời rất đơn giản: Chúa. Người đã mang Chúa đến. "Đây là lý do tại sao Chúa Kitô nhấn mạnh nhiều như vậy. Người hoàn toàn muốn các thượng tế và các trưởng lão một lần nữa quay trở về với Chúa. Họ đã từ bỏ Chúa. Tuy nhiên, Chúa lại không muốn bỏ rơi họ.
Dụ ngôn những tá điền sát nhân không chỉ nói nhắm đến những nhà lãnh đạo Do Thái thời Chúa Giêsu, mà nó cũng nhắm vào chính tôi. Nó gợi lên câu chuyện tình yêu giữa Thiên Chúa và tôi. Nhưng để hiểu câu chuyện này, chúng ta phải đọc lại chương 5 của sách ngôn sứ Isaia. Vị tiên tri nói về một vườn nho mà Chúa đã trồng bằng sự cẩn thận và vun trồng bằng tình yêu thương. Mọi thứ đều hướng đến một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, khi đến lúc thu hoạch, Chúa chỉ tìm thấy những trái nho không ăn được.
Giống như những tá điền trong dụ ngôn, cây nho bạc bẽo này là hình ảnh về mối tương quan của tôi với Chúa. Nơi Người, tôi đã nhận được mọi thứ: cuộc sống, gia đình, phẩm chất của tôi, v.v. Nhất là, khả năng yêu và được yêu, đó chính là chìa khóa mang lại cho tôi hạnh phúc. Thế nhưng, tôi không hề biết Người, tôi coi thường những ân huệ của Người. Tôi không nên khắt khe với các nhà cầm quyền Do Thái thời đó, vì tôi chẳng tốt hơn họ là bao. Tôi cũng đã quay lưng lại với Chúa mỗi khi tôi thích sự ích kỷ hơn là tình yêu. Lạy Chúa, xin thương xót con!
Chỉ đến cuối câu chuyện dụ ngôn, chúng ta mới tìm thấy chìa khóa để giải thích. Chúa Giêsu nói rõ rằng vườn nho này chính là Vương quốc của Thiên Chúa. Và Vương quốc của Chúa không phải là một phạm vi riêng tư, một không gian thân mật nơi tôi thấy mình có thời gian riêng tư với Chúa. Không, Vương quốc của Thiên Chúa có có mục đích để tiếp đón mọi người ở mọi thời đại và mọi tầng lớp xã hội. Như chính Chúa Kitô đã nói : « Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Gia Cóp trong Nước Trời. » (Mt 8, 11)
Nói một cách khác, tôi không đơn độc trong vườn nho này. Tôi làm việc trong đó với nhiều người trồng nho khác, hay đúng hơn là rất nhiều con cái của Chúa, vì tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử vào ngày chúng ta chịu phép rửa tội. Tôi được kêu gọi cùng với toàn thể Giáo hội để mang lại hoa trái. Hơn nữa, việc đó sẽ không thể thực hiện được nếu chỉ có một mình.
Như Đức thánh cha Phan xi cô đã khẳng định trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng: “Sự cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện và Hội Thánh vui mừng loan báo là ơn được dành cho hết mọi người.[82] Thiên Chúa đã tìm ra một cách để kết hợp với mọi con người trong mọi thời đại. Người đã quyết định kêu gọi họ trong tư cách một dân tộc chứ không phải từng cá nhân riêng lẻ.[83] Không ai được cứu rỗi một mình hay nhờ cố gắng riêng của mình.” (số 113)
Tác giả : Cha Benoît Terrenoir, LC
Chuyển ngữ: Lm. Gioakim Nguyễn Xuân Văn
Nguồn : Regnum Christi