KHIÊM NHƯỜNG VÀ PHỤC VỤ

Thánh Máccô cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đi băng qua miền Galilê với các môn đệ của Người, “và Người không muốn cho ai biết điều đó”. Sự âm thầm này của Chúa Giêsu thật lạ lùng. Mặc dù Người là Đấng Mêsi nhưng Người không tìm kiếm vinh quang hay sự biết đến công khai vào thời điểm này. Điều đó có vẻ như nghịch lý, nhưng cử chỉ này biểu lộ một bài học sâu sắc về sứ mệnh của Chúa Kitô: nó không tập trung vào vẻ bề ngoài hay sự nổi tiếng, mà tập trung vào sự khiêm nhường và vâng phục theo thánh ý Thiên Chúa.

Chúa Giêsu muốn dạy riêng cho các môn đệ của mình cách chuẩn bị cho họ những gì sắp xảy đến: Cuộc Khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh của Người. Người loan báo rõ ràng cho họ: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời; họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." Lời loan báo này, đã bị các môn đệ hiểu lầm, nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc từ bỏ bản thân và hy sinh trong đời sống Kitô hữu.

Và tôi, khi tôi hành động, tôi làm điều đó để được biết đến hay được công nhận, hay là vì tình yêu và niềm tin chân thành? Đoạn văn này mời gọi tất cả chúng ta hãy vun trồng một thái độ âm thầm trong đức tin của mình, đặt Thiên Chúa làm trung tâm mà không nghĩ đến lợi ích riêng của mình.

« Nếu ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết(…) »

Khi đi dọc đường, các môn đệ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất. Thái độ này thể hiện sự hiểu lầm của họ về vương quốc của Thiên Chúa. Đáp lại, Chúa Giêsu dạy họ một sự thật ngã ngửa: « Nếu ai muốn là người đứng đầu, thì phải là người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người. »

Trong vương quốc của Thiên Chúa, điều cao trọng không được đo lường bằng quyền lực hay địa vị, nhưng là bằng sự khiêm nhường và phục vụ. Chính Chúa Giêsu là mẫu gương trọn hảo. Là Chúa, nhưng Người đã trở thành người phục vụ, đến mức hiến mạng sống mình cho người khác.

Lời mời gọi cho sự khiêm nhường là một thách thức đối với tâm trí của chúng ta, nó thường được đánh dấu bằng sự cạnh tranh và tìm kiếm sự công nhận. Trở thành một người chỉ đạo, theo quan điểm Kitô giáo, không có nghĩa là thống trị mà là phục vụ người khác bằng tình yêu và sự tận tâm. Bài học này là một lời mời gọi biến đổi các mối tương quan giữa con người với nhau.

Để minh họa cho điều giảng dạy của mình, Chúa Giê su đặt một em nhỏ giữa các môn đệ và nói: « Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính thầy. » Bằng việc yêu cầu các môn đệ tiếp đón các em nhỏ, Chúa Giêsu mời gọi họ nhận ra giá trị của những người bị coi là nhỏ bé, yếu đuối hoặc bị gạt ra ngoài bên lề xã hội.

Tiếp đón một em nhỏ nhân danh Người, đó là sự bày tỏ tình của Thiên Chúa hướng đến những con người dễ bị tổn thương, và đó cũng là cách đón tiếp chính Chúa Kitô. Lời này khích lệ chúng ta xem xét thái độ của mình đối với người khác, đặc biệt là đối với những người thường bị gạt sang một bên hoặc bị coi thường. Nó kêu mời chúng ta có lòng hiếu khách chân thành, tình yêu vô điều kiện và sự quan tâm đến nhu cầu của những kẻ bé mọn xung quanh chúng ta. Điều chúng ta phải chắc chắn là việc tiếp đón “những kẻ bé mọn” sẽ luôn đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn. Amen

Tác giả: Caroline Gourlet

Chuyển ngữ: Lm. Gioakim Nguyễn Xuân Văn

Nguồn: Regnum Christi