THỊT TÔI THẬT LÀ CỦA ĂN, VÀ MÁU TÔI THẬT LÀ CỦA UỐNG

Hôm nay Chúa Giêsu khẳng định ba chân lý không thể chối cãi: chúng ta phải ăn và uống Mình và Máu Con Thiên Chúa; nếu chúng ta không rước Mình Thánh Chúa thì chúng ta không thể có Sự Sống; chúng ta đã ở trong sự sống vĩnh cửu và sự sống này là điều kiện duy nhất cho sự phục sinh (x. Ga 6:53-58). Không có gì rõ ràng hơn trong Tin Mừng so với ba câu khẳng định này.

Chúng ta, những người Công giáo, thường không đáp ứng được các yêu cầu để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể: đôi khi chúng ta tuyên bố mình “sống” mà không thực sự đáp ứng các điều kiện sống mà Chúa Giêsu đòi hỏi, và như Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Bí tích Thánh Thể là một món quá lớn lao đến nỗi không chấp nhận sự mơ hồ hay thu gọn”.

“Ăn để sống”: ăn thân thể Con Người để “sống” như Con Người. Ở đây, ăn có nghĩa là rước Mình Thánh Chúa. Đó là “ăn”. Và thuật ngữ “ăn” được sử dụng để nêu bật nhu cầu trở nên đồng hình và đồng dạng với Chúa Giêsu: chúng ta phải hiệp thông để giữ gìn sự hiệp nhất này nguyên vẹn, nghĩa là để suy nghĩ, nói năng và yêu thương như Ngài. Chúng ta, những người Ki tô hữu, thực sự cần thông điệp "Giáo hội sống trong Bí tích Thánh Thể" của Đức Gioan Phaolô II. Đây là một thông điệp đầy nhiệt huyết: nó giống như một “ngọn lửa” vì Bí tích Thánh Thể đang bừng cháy.

 « Thầy những khao khát mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. » (Lc 22, 15) Chúa Giê su nói với các môn đệ vào tối thứ 5 tuần thánh. Chúng ta phải tái khám phá lòng sùng kính Thánh Thể. Không có tôn giáo nào khác có sáng kiến như vậy. Chính Thiên Chúa là Đấng trực tiếp đi vào tâm hồn con người để thiết lập với con người một mối tương quan yêu thương huyền nhiệm và phi thường. Và từ sự kết hiệp này, Giáo hội được thiết lập và như thế chúng ta tham gia vào hoạt động tông đồ và giáo hội của Bí tích Thánh Thể.

Chúng ta đang ở trong chính mầu nhiệm đó, giống như Tôma, người chạm vào vết thương của Chúa Giêsu bị đóng đinh. Là những người Kitô hữu, chúng ta phải đánh giá lại sự tận tâm của mình cho mầu nhiệm Thánh Thể như Chúa Kitô đã mặc khải cho chúng ta và như Giáo hội đề ra cho chúng ta. Và chúng ta phải tìm lại sự dịu dàng này đối với Bí tích Thánh Thể và sự tôn trọng của thuở xưa: quỳ gối nghiêm trang, rước lễ thiêng liêng nhiều hơn,… Và từ Bí tích Thánh Thể, người thân cận của chúng ta sẽ có vẻ thánh thiện hơn với chúng ta như họ vốn có, và vì vậy chúng ta có thể phục vụ họ với một sự tận tâm hoàn toàn mới.

Tác giả : Lm. Àngel CALDAS i Bosch

Chuyển ngữ: Lm. Gioakim Nguyễn Xuân Văn

Nguồn : Evangeli.net