Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa”

Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã được gọi theo ba cách khác nhau: “Chiên Thiên Chúa”, “Thầy”, và sau đó “Đấng Kitô.” Loan báo đầu tiên mà hai môn đệ đón nhận được liên quan đến Chúa Giêsu là do Gioan Tẩy Giả, người đã chỉ họ biết Chiên Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, con chiên được ám chỉ đến con chiên vượt qua được sát tế hàng năm để tưởng niệm lễ Vượt Qua, đêm mà người Do Thái rời khỏi Ai Cập. Đêm đó, họ sát tế con cừu non và lấy máu của nó bôi lên cửa nhà để những đứa con đầu lòng khỏi phải chết. Khi hai môn đệ nghe nói Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, họ hiểu rằng ai là người sẽ giải thoát họ khỏi sự dữ và sự chết.

Đây là lần loan báo đầu tiên liên quan đến Chúa Giêsu: Người là Đấng giải thoát tôi khỏi sự dữ và sự chết, khỏi những yếu đuối và những tội lỗi của tôi. Người đến để cứu tôi khỏi ách nô lệ Ai Cập, giải thoát tôi khỏi xiềng xích, dẫn tôi đến miền đất hứa.

Họ trả lời Người: “Thưa Ráp-bi nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?”

Đối với hai môn đệ, Chúa Giêsu ngay lập tức trở thành Thầy”. Người dạy cho họ và chỉ cho họ thấy con đường của sự sống. Trước hết, Người đã “đi qua” cuộc đời của họ với tư cách là “Chiên Thiên Chúa”, ra đi để đến gặp họ và chiếu soi ánh sáng vào nơi tăm tối của họ bằng ân sủng của Người. Giờ đây, các môn đệ học cách ở lại với Người, sống đời sống hàng ngày với Chúa Giêsu. Chúng ta cũng vậy, đôi khi chúng ta cũng phải gặp gỡ Chúa Kitô - “Chiên Thiên Chúa”: Những giây phút hoán cải, những cảm nghiệm sâu sắc về lòng thương xót của Người, Đấng đến để kéo chúng ta ra khỏi tội lỗi và thói quen xấu của chúng ta. Và trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng phải nhận ra Người là “Thầy” của mình. Người hướng dẫn và dạy chúng ta ngày này qua ngày khác qua các Bí tích, Lời Chúa, Giáo lý, đồng hành thiêng liêng hoặc những hoàn cảnh của cuộc sống.

Trước hết ông gặp em mình là ông Simon và nói : “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (nghĩa là Đấng Kitô)

Cuối cùng, Chúa Giêsu cũng là Chúa Kitô, Kitô theo tiếng Hy Lạp và là Mêsia theo tiếng Do Thái có nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Việc xức dầu của Chúa Giêsu tượng trưng cho sự hiệp nhất sâu sắc với Chúa Cha qua Chúa Thánh Thần. Trong Cựu Ước, các vua và các tiên tri cũng được xức dầu, nhưng trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã làm tất cả để chúng ta hiểu rằng, việc xức dầu của Người còn vượt trên tất cả. Hơn cả một vị vua và một tiên tri, Người đã được Thiên Chúa xức dầu cao trọng nhất, nghĩa là Người chính là Con Thiên Chúa. Việc hoàn tất trải nghiệm của chúng ta về Chúa Kitô là trong Người chúng ta trở nên Con Thiên Chúa.

Sự lớn lên đời sống thiêng liêng của chúng ta là biết phó thác hơn vào Chúa Cha như những đứa con, biết lắng nghe tiếng của Người và vâng phục đi theo Người; đó là ân sủng của Bí tích Rửa tội lớn dần lên trong chúng ta và được nuôi dưỡng qua Bí tích Thánh Thể. Và một đời sống trong Chúa Kitô cũng cho chúng ta trở thành những chứng tá, vì đời sống ấy của chúng ta mạc khải cho thế gian biết rằng “chúng tôi đã gặp Đức Kitô”. Amen


Lm. Gioakim Nguyễn Xuân Văn

Nguồn: Regnum Christi

Lm. Melchior poisons, LC