Người ta thường thắc mắc: Làm sao người ta có thể có ý chí tự do nếu Thiên Chúa là Đấng Toàn Tri?

Tôi đã từng đối mặt với câu hỏi này, hoặc một vài hình thức kiểu như vậy, nhiều lần trên Reddit và X. Mặc dù tôi không nghi ngờ về sự chân thành của những người đặt câu hỏi đó, thế nhưng những lời bình luận xung quanh câu hỏi này cho thấy người ta thường nghĩ câu hỏi này bộc lộ rõ “sự mâu thuẫn về mặc logic” mà những người theo tôn giáo vẫn tin, và họ tin như vậy chỉ vì đức tin của họ dạy như vậy. Hay nói cách khác, họ đặt câu hỏi như vậy với ngụ ý coi những người có đức tin là thiếu lý trí và mù quáng.

Mặc dù tôi không đồng ý với quan điểm của họ, nhưng tôi hiểu tại sao họ lại nghĩ như vậy. Xem qua có vẻ như sự toàn tri của Thiên Chúa hàm ý rằng con người không có ý chí tự do. Sở dĩ họ nghĩ sự toàn tri của Thiên Chúa mâu thuẫn với ý chí tự do của con người là vì: Nếu Thiên Chúa là Đấng Toàn Tri, chắc chắn Ngài sẽ biết rõ tương lai. Như thế có nghĩa là Thiên Chúa biết trước mọi điều mà một người sẽ làm, và người đó sẽ không thể làm gì để có thể thay đổi được tương lai mà Thiên Chúa đã biết trước. Như thế, không thể cùng tồn tại cả ý chí tự do của con người lẫn một Thiên Chúa Toàn Tri. Hay nói cách khác, nếu Thiên Chúa là Đấng Toàn Tri, nghĩa là Ngài biết hết mọi sự sẽ xảy đến trong tương lai. Nếu mọi sự xảy ra đúng như những gì Thiên Chúa đã biết trước thì con người không có tự do lựa chọn hành động của mình. Khi đó con người sẽ không chịu trách nhiệm trước mọi việc mình làm vì trách nhiệm đi đôi với tự do chọn lựa của ý chí. Người nào càng tự do trong chọn lựa các hành động thì người đó càng phải chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình. Ngược lại, càng bị hạn chế về tự do, thì càng giảm bớt trách nhiệm. Vì thế, con người không chịu trách nhiệm về cuộc đời, về tội lỗi, hay bất cứ điều gì mình làm và mình sống vì người đó chỉ làm theo những gì Thiên Chúa Toàn Tri biết trước. Nếu con người có ý chí tự do để chọn lựa mọi quyết định của mình, kể cả những hành động trái ngược với những gì mà Thiên Chúa Toàn Tri biết trước, thì Thiên Chúa không còn phải là Đấng Toàn Tri nữa vì tri thức của Ngài không chắc chắn, không phải là chân lý. Những điều Thiên Chúa Toàn Tri biết trước sẽ không xảy ra đúng như là đã biết trước. Vì vậy, người ta kết luận có sự mẫu thuẫn khi nhìn nhận con người có ý chí tự do, đồng thời lại tin Thiên Chúa là Đấng Toàn Tri. Cho nên, ý chí tự do của con người và Thiên Chúa Toàn Tri không thể cùng tồn tại một lúc.

Trái ngược với những gì người ta chỉ trích trên mạng cho rằng quan điểm của Kitô giáo chỉ dựa vào một “đức tin mù quáng”, thực tế cho thấy cả đức tin và lý trí con người đều đi đến kết luận rằng sự toàn tri của Thiên Chúa hoàn toàn có thể tương hợp với tự do ý chí của con người. Hay nói cách khác, cả đức tin và lý trí đều cho thấy ý chí tự do của con người không mâu thuẫn với sự toàn tri của Thiên Chúa.

Khi xem xét vấn đề này qua lăng kính của đức tin, Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa là Đấng Toàn Tri và con người có ý chí tự do. Sự toàn tri của Thiên Chúa, khả năng để biết hết mọi sự, được mặc khải trong Kinh Thánh khi thánh Gioan Tông đồ nói “vì Thiên Chúa vĩ đại hơn những gì chúng ta nghĩ tưởng và Ngài biết hết mọi sự.” Còn về ý chí tự do, rất nhiều lần trong Kinh Thánh khẳng định rằng con người có tự do. Chẳng hạn, trong Phúc Âm của thánh Gioan, Chúa Giêsu ám chỉ rằng mỗi người đều có tự do lựa chọn để làm theo ý mình hay làm theo ý của Thiên Chúa khi Ngài nói: bất cứ ai chọn làm theo ý muốn của Ngài sẽ biết được giáo lý của Ngài xuất phát từ Thiên Chúa hay tự Ngài nói theo ý riêng mình. Thêm vào đó, trong Phúc Âm của thánh Matthêu, Chúa Giêsu nói rằng điều răn lớn nhất là “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn.” Điều răn này sẽ trở nên vô nghĩa nếu con người thiếu tự do, người ta có chọn lựa là yêu hoặc không yêu Chúa. Vì vậy, dựa trên uy quyền của Kinh Thánh, đức tin khẳng định rõ ràng rằng: tự do ý chí của con người hoàn toàn tương hợp với sự toàn tri của Thiên Chúa. Mặc dù lập luận này có thể thuyết phục được những ai tin vào mạc khải của Thiên Chúa, thế nhưng đối với nhiều người, nhất là những người không có đức tin, họ coi lập luận đó mang tính nguỵ biện mà các Kitô hữu muốn vịn vào để biện minh cho quan điểm của mình. Để có thể thuyết phục được những người chỉ trích, người Kitô hữu phải tìm hiểu vấn đề này bằng chính công cụ mà chúng ta có chung với mọi người, đó là lý trí.

Thiên Chúa biết con người sẽ làm gì vì hành động của con người luôn xảy ra trong sự vĩnh cửu của Ngài.

Việc sử dụng lý trí con người để tìm hiểu về vấn đề này không chỉ củng cố chân lý mà đức tin khẳng định, nhưng còn làm sáng tỏ thêm về chân lý ấy. Để giải quyết được vấn đề này, trước hết chúng ta phải hiểu rõ khái niệm về thời gian, đặc biệt là phải xem xét mối tương quan của con người với thời gian và tương quan của Thiên Chúa với thời gian. Theo thánh Tôma Aquinô: thời gian chỉ là số đếm của sự chuyển động ‘trước’ và sau’. Điều này phù hợp với sự hiện hữu của con người. Ý chí của con người hành động trong thời gian và trải nghiệm sự hiện hữu như là một dòng chảy tuyến tính của những khoảnh khắc, từ “trước” đến “sau.” Tuy nhiên, tương quan giữa Thiên Chúa với thời gian lại hoàn toàn khác, vì Thiên Chúa là Đấng Vĩnh Cửu. Thiên Chúa là Đấng Vĩnh Cửu có nghĩa là nơi Ngài không có sự chuyển động nối tiếp từ khoảnh khắc này tới khoảnh khắc khác, không có “trước” hay “sau”. Như thánh Tôma Aquinô đã nói, “Thiên Chúa luôn luôn Toàn Hảo và Trọn Vẹn”, không có các thành phần. Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là, theo thánh Tôma Aquinô, kết luận này được rút ra nhờ chính lý trí con người. Thánh nhân khởi đầu hành trình tìm hiểu sự vĩnh cửu của Thiên Chúa bằng giải quyết câu hỏi lớn hơn đó là: Thiên Chúa có hiện hữu không? Ngài đã trình bày vấn đề này qua năm cách, hay còn gọi là ngũ đạo – năm con đường dẫn người ta tới việc nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Nguyên nhân tác thành đầu tiên là nguyên nhân không có nguyên nhân của mọi hiện hữu nơi các sự vật. Điều này có nghĩa là mọi sự vật đều nhờ Ngài mà hiện hữu, nhưng chính Ngài lại là Đấng Tự Hữu, tự mình hiện hữu không phải đón nhận sự hiện hữu từ cái gì đó ở ngoài Ngài. Ngài chính là Hiện Hữu. Từ đây có thể khẳng định rằng Ngài là Đấng Bất Biến vì Ngài là chính sự Hiện Hữu, do đó Ngài là Hiện Thể Thuần Tuý, nơi Ngài không có một chút gì là tiềm thể. Sự bất biến của Ngài nói lên sự vĩnh cửu của Ngài. Thiên Chúa phải là Đấng Vĩnh Cửu, vì thời gian là một phép đo của sự thay đổi, còn Ngài là Đấng không thay đổi. Điều này có nghĩa là thánh Tôma Aquinô đã đúng khi kết luận rằng cả quá khứ, hiện tại và tương lai đều hiện diện cùng một lúc nơi Thiên Chúa. Hay nói cách khác, vì Ngài là Đấng Vĩnh Cửu nên nơi Ngài không có quá khứ, hiện tại hay tương lai, nơi Ngài luôn là hiện tại. Vì Thiên Chúa là Đấng Vĩnh Cửu nên chắc chắn Ngài biết hết mọi sự vì Ngài biết mọi sự đã, đang và sẽ xảy ra cùng một lúc. Nơi Thiên Chúa chỉ có hiện tại, cho nên Ngài biết một cách không sai lầm tất cả những gì con người đã, đang và sẽ làm vì tất cả đều đang xảy ra trong Ngài vào mọi khoảnh khắc. Vì vậy, lý trí rút ra kết luận rằng: sự toàn tri của Thiên Chúa không cản trở hay hạn chế ý chí tự do của con người. Vấn đề chính yếu ở đây là quan niệm của con người về thời gian khác hoàn toàn với cái nhìn của Thiên Chúa đối với thời gian. Con người là tạo vật hữu hạn sống trong không gian và thời gian, còn Thiên Chúa là Đấng Vĩnh Cửu không lệ thuộc không gian và thời gian. Nơi con người hữu hạn thuộc vào cái có thời gian nên có “trước” và “sau”, còn nơi Thiên Chúa chỉ có “hiện tại” vĩnh cửu. Vì thế, không thể lấy khái niệm về thời gian của con người hữu hạn áp dụng cho Thiên Chúa là Đấng Vĩnh Cửu được.

Vì vậy, ban đầu câu hỏi “Liệu con người có ý chí tự do không khi Thiên Chúa là Đấng Toàn Tri?” có vẻ khiến cho các Kitô hữu cảm thấy bối rối, khó khăn, nhưng khi tìm hiểu, ta thấy chỉ cần dùng lý trí thôi cũng có thể lý giải được điều đó một cách rõ ràng. Vì thế, người Kitô hữu đừng ngần ngại trả lời câu hỏi đó. Với sự giúp đỡ của thánh Tôma Aquinô, chúng ta thấy điều chúng ta tin và xác tín không phải là sự tin tưởng mù quáng, không phải là chấp nhận một lập luận mâu thuẫn về mặt logic. Trái lại, cả đức tin và lý trí đều đi đến cùng một kết luận đó là sự toàn tri của Thiên Chúa không có gì mâu thuẫn hay không tương hợp với việc con người có ý chí tự do. Thiên Chúa biết trước tất cả mọi sự con người sẽ làm trong thời gian, nhưng không phải Ngài đã định trước mọi sự, khiến con người không có tự do quyết định lựa chọn và thực hiện điều mình lựa chọn. Thiên Chúa biết con người sẽ làm gì vì mọi hành động của con người đều hiện diện trong sự vĩnh cửu của Ngài. Vì vậy, lý trí đi đến cùng một chân lý mà đức tin xác tín. Vì Thiên Chúa ở ngoài thời gian, nên không có mâu thuẫn giữa sự toàn tri của Ngài với tự do ý chí của con người.


Bài viết: Can there be free will with an all Knowing God?

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Đình Dương

Nguồn: wordonfire.org