Mùa Phục Sinh là cơ hội để sống lại trong tâm hồn những biến cố cứu độ như thể chúng ta là những người ở cùng thời với Chúa Giêsu trong cuộc sống trần thế của Người. Trong phụng vụ của Giáo hội, các mầu nhiệm trở nên hiện diện tựa như chúng trải qua nhiều thế kỷ. Đây là một ân sủng mà chúng ta sẽ có lỗi nếu bỏ qua. Vì vậy, vào Thứ Năm Tuần Thánh, để bước vào sự hiệp thông với Chúa Giêsu và Giáo Hội sơ khai, chúng ta phải trở về trong tinh thần với phòng tiệc ly với Nhóm Mười Hai. Ở đó, quanh bàn tiệc ly, chúng ta hãy cầu xin ơn được sống lại từ bên trong mầu nhiệm đã diễn ra ở đó hơn hai ngàn năm trước. Ba đặc điểm chính của Thứ Năm Tuần Thánh sẽ hiện ra với chúng ta: tính nghiêm trang, tính thân mật và tính bí ẩn.

Tính nghiêm trang của Thứ Năm Tuần Thánh

Trong bầu khí nặng nề quanh bàn ăn, Chúa Giêsu vừa mới loan báo rằng một người trong Mười Hai Môn Đệ sẽ phản bội Người. Phêrô yêu cầu người môn đệ được Chúa yêu mến nói cho Thầy biết danh tính của kẻ phản bội. Nhưng không chỉ có Giuđa trao nộp Chúa Giêsu, mà chính Chúa Giêsu cũng tự hiến chính mình bằng cách thiết lập Bí tích Thánh Thể. Các môn đệ không hiểu hết mọi sự, ngay cả khi họ cảm thấy tình hình nghiêm trọng. Và sự nghiêm trang này được truyền lại, đối với các tín hữu của thế kỷ 21, trong nghi lễ Thứ Năm Tuần Thánh. Vào cuối Thánh lễ, chúng ta cùng nhau rước Chúa Giêsu đến nhà tạm, nơi chúng ta sẽ cùng Người canh thức suốt đêm trong khi Người bước vào cơn hấp hối. Ngày này bắt đầu với bầu không khí lễ hội, giống như mọi bữa tiệc Phục Sinh khi khách dự tiệc cảm tạ Chúa vì những ơn lành của Người. Thánh Vịnh 115 trong thánh lễ có nói: "Biết lấy chi đền đáp CHÚA bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho?" Nhưng rất nhanh chóng trọng tâm sự nghiêm trọng sẽ chiếm ưu thế. Đây là bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu trong cuộc sống trần thế của Người! Làm sao tâm hồn không thể nghẹn ngào? "Thầy những khao khát mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa. " (Lc 22:15-16)

Giờ phút thân mật

Tuy nhiên, sự ghi nhận tính nghiêm trang này không làm lu mờ đi chiều kích thân mật của buổi tối đặc biệt này. Bởi vì Chúa Giêsu, ngoài việc trao ban Mình và Máu Người, còn tự hiến mình trong sự tin tưởng hơn bao giờ hết. Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, Chúa gửi trao các môn đệ về những điều mặc khải cao cả nhất mà Người không bao giờ chia sẻ với họ. Đêm nay, Người mở lòng mình với họ hơn bao giờ hết. Lời nói của Người cũng được so sánh với lời nói của những người quan trọng thời cổ đại khi họ sắp qua đời và trong dịp này, họ đã truyền đạt di chúc thiêng liêng của mình cho những người thân yêu.

Vào Thứ Năm Tuần Thánh, là giờ phút thân mật giữa Chúa Giêsu và Mười Hai Môn Đệ. Họ không còn là những môn đệ của Người nữa mà là những bạn hữu của Người, như chính Người đã tuyên bố điều đó. Cuối cùng, qua lời cầu nguyện hiến tế được ghi lại trong chương 17 của Tin Mừng thánh Gioan, Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha cho chính mình, cho các môn đệ và cho những ai sẽ tin vào Người. Chúa Giêsu trao hiến trọn vẹn trái tim mình. Các nhà thờ ít đông đúc hơn vào Thứ Năm Tuần Thánh so với Ngày Phục Sinh, nhưng bầu không khí lại sôi động hơn. Và sự mãnh liệt này, phụng vụ có được là nhờ bầu không khí thân mật cũng như sự nghiêm trang của buổi tối hôm đó.

Điều bí ẩn vẫn còn đó

Cuối cùng, sự thánh thiêng của Thứ Năm Tuần Thánh sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi bầu không khí nhiệm mầu nó thấm nhuần trong suốt ngày lễ. Chắc chắn là Chúa Giê-su đã tự trao hiến chính mình theo cả hai nghĩa của từ này. Người không bao giờ thổ nộ những điều thầm kín như vậy với các môn đệ và bạn bè của mình. Qua Bí tích Thánh Thể, bí tích của Mình và Máu Người, nghĩa là của toàn thể con người và cuộc sống của Người, Người không giữ lại điều gì và hoàn toàn hiến dâng chính mình. Tuy nhiên, bí ẩn vẫn còn đó. Người ấy là ai? Lời nguyện hiến tế đã vén bức màn che giấu danh tính của ngài một chút. Ngài là Con của Chúa Cha… Tuy nhiên, có điều bí ẩn nào ẩn sau danh tính như vậy! Mặt khác, cơn hấp hối tiếp theo trong Vườn Ôliu sẽ là vực thẳm sâu nhất trong cuộc đời Ngài, trong khi Ngài cầu nguyện với Cha mình và gọi Ngài là "Abba". Vì vậy, giờ phút hấp hối lan tỏa hiệu lực đến toàn bộ Ngày Thứ Năm Tuần Thánh.

Cuộc Khổ Nạn sắp xảy ra. Chúa Cha trao nộp Chúa Con, Chúa Con vâng lời Chúa Cha vì yêu  và vì chúng ta là những kẻ tội lỗi... Làm thế nàoThứ Năm Tuần Thánh không được bao trùm bởi mầu nhiệm, bắt đầu với mầu nhiệm không thể hiểu thấu, của thánh ý Thiên Chúa?


Bài viết: Comment entrer dans le mystère du Jeudi saint ?

Tác giả: Jean-Michel Castaing

Chuyển ngữ: Lm. Gioakim Nguyễn Xuân Văn

Nguồn: https://fr.aleteia.org/2025/04/16/comment-entrer-dans-le-mystere-du-jeudi-saint