Chúa không chỉ tỏ mình ra cho chúng ta qua dấu hiệu rõ ràng như ơn nước mắt trong cầu nguyện hay ước mơ thánh thiện, mà còn qua những cảm nhận tự nhiên từ cơ thể. Nhưng để nhạy bén với sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống, bên cạnh việc trung tín cầu nguyện, chúng ta cần có người đồng hành thiêng liêng đáng tin cậy để cùng chúng ta phân định sự hiện diện của Chúa. Gia tăng đức tin, hy vọng, bình an là dấu hiệu quan trọng trong tiến trình phân định. Qua cầu nguyện liên lỉ và mở lòng với vị đồng hành, chúng ta có thể sẵn sàng đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời mình.
Là một nhà linh hướng, câu hỏi tôi thường gặp nhất là: “Làm sao để con nhận ra đó là Chúa?” Đúng vậy, làm sao để con người chúng ta nhận ra được tiếng nói thánh thiêng của Thiên Chúa? Cũng giống như những thám tử nghiệp dư, chúng ta thường chạy theo những manh mối rời rạc, và rồi chẳng mấy chốc ta nhận ra rằng Thiên Chúa bày tỏ chính Ngài cho ta bằng vô vàn cách thức khác nhau.
Ví dụ, ơn nước mắt trong cầu nguyện là một dấu chỉ rõ ràng cho thấy Thiên Chúa đang hiện diện với bạn. Hoặc ơn có một ước mơ thánh thiện để trở nên giống như Đức Kitô. Hoặc có thể bạn có những soi sáng về Thiên Chúa khi suy niệm về Ngài. Phải thừa nhận rằng, có rất nhiều cách thức kỳ diệu mà qua đó người ta có thể khám phá ra bóng dáng của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ.
Lần kia, một thao viên đến gặp tôi và nói: “Con không thể thấy Chúa, con không hình dung ra được Ngài, nhưng khi cầu nguyện, con cảm nhận như có một bàn tay ấm áp đang đặt lên vai của con.” Tôi tự nhủ, phải chăng bàn tay ấy là cách mà Chúa đang tỏ bày và trao ban ơn bình an cho bạn ấy. Với sự phân định, tôi nhận thấy bạn ấy đã cảm nhận được sự hiện diện thiêng liêng nào đó của Thiên Chúa.
Trên thực tế, việc phân định thiêng liêng này đòi hỏi chúng ta cần có một người đồng hành đáng tin cậy, bởi lẽ người ta thường không biết, hoặc dễ dàng phớt lờ những cảm nhận tự nhiên từ nơi cơ thể mình vốn cũng là cách mà Thiên Chúa có thể dùng để gặp gỡ con người và trao cho họ sứ điệp của Ngài.
Một lần nọ, một người đã đến với tôi, và sau khi chia sẻ về cuộc sống bức bách đến bất lực của mình, cô ấy nói: “Mãi đến khi tôi buông xuôi và đành phải thưa với Chúa rằng: “Vâng, Chúa ơi, đây là con, mọi sự, con chỉ có nhiêu đó thôi!” thì lúc đó tôi có một cảm nhận rất đặc biệt nơi cơ thể mình. Mọi áp lực nặng nề như thể được nhấc bổng. Nó giống y như cảm giác tôi đã từng có trước đây, cũng trong một lần cầu nguyện và khi thừa nhận sự bất lực của mình, tôi cảm thấy mọi gánh nặng như được cất đi khỏi lồng ngực. Từ đó trở đi, tôi đã có thể buông bỏ những tổn thương sâu sắc ở trong lòng vốn đã đeo đẳng tôi trong suốt bao năm qua.”
Câu chuyện này cho tôi hiểu rằng người ta thực sự có thể nhận ra Chúa qua những cảm nhận từ chính cơ thể của mình.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cảm nhận đó cũng dịu dàng như vậy, vì có những lúc, chúng ta lại nhận ra tiếng Chúa đang nhắc nhở mình ngang qua những cảm nhận không mấy dễ chịu của cơ thể. Tôi nhớ có một lần tôi cảm thấy rất khó chịu và buồn nôn trong khi đang cân nhắc một chọn lựa không mấy khôn ngoan lắm. Tôi đã có chọn lựa sai lầm, và đó là một sai lầm tai hại; bất chấp việc tôi đã nhận thấy những biến chuyển khó chịu trong cơ thể mình. Cũng phải thôi! Lúc đó, làm sao mà tôi có thể nhận ra được cảm giác đó lại là lời cảnh báo của Chúa cơ chứ!
Đối với tôi, thường mỗi khi thấy mình không chắc chắn để đưa ra một quyết định nào đó thì tôi sẽ dựa vào cuốn Kinh Thánh. Đó là một công cụ rất hữu ích. Ví dụ, tôi có thể đo lường và phân định về những cảm xúc của mình bằng cách suy niệm về câu Kinh Thánh: “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng.” (Gr 29,11) Qua câu này, tôi hiểu rằng, Thiên Chúa luôn có những kế hoạch diệu kỳ dành cho tôi, và Ngài muốn ban cho tôi (và tất cả chúng ta) một tương lai tràn đầy hy vọng. Đó chính là ý muốn của Thiên Chúa. Do vậy, khi một cảm giác khó chịu nào đó xuất hiện, thì tôi sẽ càng dành nhiều thời gian hơn để cầu nguyện và phân định xem nó thực sự đến từ Chúa hay từ nơi khác. Liệu có những cảm xúc nào khác đang nổi lên nữa không? Hoặc có hình ảnh hay ý tưởng nào khác nổi lên không? v.v…
Chính sự gia tăng về đức tin, đức cậy, hoặc ơn bình an sẽ cho chúng ta nhận ra con đường đúng đắn cần phải đi. Tuy vậy, cũng cần hiểu rằng chỉ vì Chúa dẫn dắt không có nghĩa là con đường ấy bằng phẳng.
Cũng trong Kinh Thánh, tôi tìm thấy một bài học rất ý nghĩa để củng cố đức tin cho mình. Đó là lời trong sách Khabacuc:
“Đức Chúa nói với tôi: ‘Hãy viết lại thị kiến và khắc vào tấm bia cho ai nấy đọc được xuôi chảy. Đó sẽ là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định. Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành, chứ không làm ai thất vọng. Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu.’” (Kb 2:2-3)
Qua câu Kinh Thánh này, tôi tin tưởng về một viễn cảnh mà Chúa muốn ban cho tôi trong tương lai. Điều đó mời gọi tôi đặt bút viết lại và để tâm chú ý. Từ đó, tôi lưu tâm hơn đến việc viết nhật ký thiêng liêng, tập lắng nghe tiếng Chúa, và kiên nhẫn chờ đợi vì tin tưởng rằng ý định của Chúa chắc chắn sẽ được thực hiện.
Cũng nhờ đó, tôi kinh nghiệm rằng Thiên Chúa vẫn đang luôn làm việc trên cuộc đời tôi. Từng bước, ngài xua tan những mây mù trong tôi, để đến một ngày, chính Ngài sẽ đến, vì Ngài đã phán:
“Hãy tin vào Ta, nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu.” (Kb 2,3)
Thật không dễ để tôi biết rõ được điều gì là đến từ Thiên Chúa? Phải mất rất nhiều thời gian để nhận ra được Ngài. Vì thế, viết lại và hồi tưởng lại con đường tôi đã và đang đi có lẽ là cách hữu hiệu nhất để tôi chắc chắn được đó là tiếng Chúa hoặc là con đường Chúa mời gọi tôi.
Ngoài ra, để nhận ra Chúa, bạn cũng hãy nhớ đến những con người Chúa gửi đến cho bạn. Thiên Chúa ban cho chúng ta những khả năng của lý trí để phân định và lựa chọn, và hẳn Ngài sẽ can thiệp khi thấy cần thiết. Có lần khi tôi lỡ đưa ra một quyết định không mấy sáng suốt nếu không muốn nói là sai lầm, thì có một người đã ngăn cản quyết định đó của tôi. Giờ đây, khi nhìn lại, tôi mới nhận ra rằng chính Chúa đã sử dụng người đó để can thiệp và hướng dẫn cho tôi.
Như vậy, chúng ta hiểu rằng có rất nhiều cách thức, nhiều “manh mối” khác nhau giúp chúng ta lần mò ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Do đó, tôi thiết nghĩ có thể gói gọn những kinh nghiệm ấy của mình bằng hai điều rất thiết yếu: thứ nhất là đời sống cầu nguyện nhất quán, liên lỉ mỗi ngày; và thứ hai là sự chân thành mở lòng với vị linh hướng. Hai điều, hai hành động sẽ là những khí cụ giúp chúng ta luôn đặt mình trong tâm thế sẵn sàng để gặp gỡ Chúa. Đó là một sự chờ đợi chủ động, để đến một lúc nào đó, chính Chúa sẽ đến và gặp gỡ chúng ta vào lúc chúng ta không ngờ, nhưng con tim thì đã luôn sẵn sàng.
Anh Quân chuyển ngữ theo Ignatian Spirituality
Tác giả: Loretta Pehanich
Nguồn: dongten