KINH THÁNH DO THÁI GIÁO - KINH THÁNH CÔNG GIÁO - KINH THÁNH TIN LÀNH

 Tác giả: Nữ tu Agnès Cảnh Tuyết, O.P

Từ “Kinh Thánh” được dùng trong Tân Ước

Trong Tân Ước, từ Kinh Thánh, hay Sách Thánh, được nhắc đến thường xuyên, chẳng hạn: “Vậy khi Ngài từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Ngài đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói” (Ga 2,22), hoặc: “Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Ngài giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,27). Từ “Sách Thánh” ở đây được hiểu là Cựu Ước; còn với Kitô hữu chúng ta thời nay, từ Sách Thánh hiểu là Kinh Thánh trọn bộ.

Kinh Thánh của Do Thái giáo trở thành Cựu Ước cho Kitô hữu kể từ khi họ có phần Tân Ước.

Cựu Ước và Tân Ước có nghĩa là giao ước cũ và giao ước mới. Vậy Thánh Kinh là toàn bộ những sách viết về Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với Israel qua trung gian của ông Môsê (giao ước cũ) và được hoàn tất trong Đức Giêsu (giao ước mới)[1].

 

Kinh Thánh: một cuốn sách như một thư viện

Chúng ta gọi là cuốn Kinh Thánh, nhưng thực   ra đó không phải chỉ là một cuốn sách nhưng là cả một thư viện, vì những lý do sau:

Thứ nhất, Kinh Thánh gồm nhiều cuốn sách: (sách Sáng Thế, sách Xuất Hành... Cựu Ước gồm 46 cuốn; Tân Ước gồm 27 cuốn).

Thứ hai, Kinh Thánh được viết qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ cuốn đầu tiên được viết ra cho đến cuốn  cuối  cùng  cách  nhau  khoảng  10  thế kỷ.

 

Những đoạn Kinh Thánh được coi là cổ nhất nằm trong sách ngôn sứ Hôsê và Amốt[2], được viết vào khoảng thế kỷ thứ VIII trước Công Nguyên[3]; còn Sách Khải Huyền, được coi là cuốn sách được viết sau cùng của thời Tân Ước, có lẽ vào khoảng những năm 90-100 sau Công Nguyên[4].

Thứ ba, Kinh Thánh có nhiều ngôn ngữ (ba ngôn ngữ) và có nhiều thể loại văn thể khác nhau được dùng trong Kinh Thánh: trình thuật, thơ phú, lời cầu nguyện, châm ngôn, ngụ ngôn và có cả những đoạn theo lối văn huyền thoại...

 

Bản Kinh Thánh Hypri được dịch sang tiếng Hy Lạp

Cựu Ước được viềt bằng tiếng Hypri, và một vài  đoạn  hiếm  hoi  bằng  tiếng  Aram  (Đn  2-7; một phần trong Er 4-7). Hypri và Aram là hai ngôn ngữ Semit khá gần nhau (ngôn ngữ Semit là ngôn ngữ bắt nguồn từ Trung Đông).

Chữ viết Hypri được viết từ phải sang trái, chữ viết có dạng hình vuông; nó chỉ được viết bằng các phụ âm, không có nguyên âm; người đọc phải đoán ra nguyên âm theo nghĩa họ hiểu (Chẳng hạn, Giêsu, chỉ được viết với hai phụ âm: G và S; người ta có thể đọc là Giêsu, Giuse và Giôsuê). Mãi đến khoảng thế kỷ VIII thời Công Nguyên, những học giả Do Thái đã ghi thêm những nguyên âm dưới hình thức những dấu chấm vào bên trên hoặc bên dưới các phụ âm trong nguyên bản. Người ta gọi những người Do Thái làm công việc thêm những nguyên âm này là Massoretes (nghĩa là dịch giả); từ đó bản Kinh Thánh Cựu Ước có ghi thêm nguyên âm được gọi là những bản văn massorétiques[5].

Khoảng thế kỷ thứ III trước Công Nguyên, Cựu Ước được dịch sang tiếng Hy  Lạp  tại  Alexandria (Ai Cập). Theo một huyền thoại, có 70 ký lục làm việc riêng rẽ nhưng đều dịch đúng y như nhau. Ý nghĩa của huyền thoại này là bản dịch được Thiên Chúa linh ứng. Vì vậy người ta gọi bản Hy Lạp này là “Bản Bảy Mươi” (viết tắt là LXX)[6].

Ngoài việc dịch những sách từ Hypri sang Hy Lạp, Bản Bảy Mươi có thêm 7 cuốn sách khác được viết bằng tiếng Hy Lạp, hoặc được lưu lại bằng tiếng Hy Lạp (chẳng hạn sách Huấn ca có bản gốc Hypri, nhưng bị thất lạc, chỉ còn lưu lại bản dịch Hy Lạp).

Tân Ước, 27 cuốn, được viết bằng tiếng Hy lạp. Những nhà chuyên môn sẽ dịch Kinh Thánh từ bản gốc, tức Hypri cho Cựu Ước và Hy Lạp cho Tân Ước.

Việc hình thành Quy Điển Hypri của người Do Thái

Trước đó người Do Thái vẫn đọc cả những cuốn Sách Thánh viết bằng tiếng Hy Lạp, chỉ  mãi  đến năm 70 thời Công Nguyên,  sau biến  cố Giêrusalem bị bình  địa bởi quân  Rôma,  các Rabbi  họp nhau   ở Jamia, nhằm tìm cách duy trì sự hiệp nhất  dân tộc Do Thái, và họ đã ấn định quy điển Kinh Thánh của họ. Theo đó, người Do Thái chỉ giữ lại những sách viết bằng tiếng Hypri. Trong khi những người Do Thái ở Alexandrie, họ công nhận thêm nhiều sách khác nữa được viết bằng tiếng Hy Lạp hoặc đang được lưu trữ với hình thức chữ viết Hy Lạp[7].

Cuốn Kinh Thánh Do Thái giáo

và Kinh Thánh Kitô giáo/Công giáo

Kitô giáo nhìn nhận cuốn Kinh Thánh của Do Thái là Lời Chúa, và coi đó là phần thứ nhất, phần Cựu Ước, trong bộ Kinh Thánh của mình.

Cuốn Kinh Thánh của Kitô hữu gồm hai phần: Cựu Ước và Tân Ước. Tân Ước là phần riêng của những Kitô hữu; còn Cựu Ước chung cho cả người Do Thái giáo và Kitô hữu.

Trong khi phần Cựu Ước của Do Thái giáo chỉ có 39 cuốn và viết bằng tiếng Hypri, thì với Kitô giáo, ngoài 39 Sách Thánh viết bằng tiếng Hypri   còn thêm 7 cuốn viết bằng tiếng Hy Lạp. Tất cả là 46 cuốn của Cựu Ước. Bảy cuốn sách bằng tiếng Hy Lạp được thêm vào là: Tobia, Giuditha, 1 và 2 Macabe, sách Khôn Ngoan, Huấn Ca (riêng sách Huấn ca, có bản gốc Hypri, nhưng thời đó bị thất lạc, nay đã được tập hợp được 1/3 bản văn Hypri)[8], và sách Baruc.

Về Cựu Ước, anh em Tin Lành chọn theo cách của Do Thái giáo, chỉ nhận 39 cuốn bằng tiếng Hypri; còn phần Tân Ước giống Công giáo, gồm 27 cuốn[9].

Kinh Thánh Do Thái giáo thường được gọi là Quy Điển Hypri, và của Kitô giáo là Quy Điển Hy Lạp.

Cách sắp xếp thứ tự các sách của hai Quy Điển Hypri và Hy Lạp

Quy Điển Cựu Ước Hypri

Quy Điển Hypri được chia làm ba phần:    Torah (Luật), Neviim (Các Ngôn Sứ) và Kituvim (Các Sách Khác). Người Do Thái lấy ba chữ cái đầu tiên của ba từ trên, ghép lại thành TNK, đọc là TaNaK, để gọi tên cuốn Kinh Thánh của họ.

Quy Điển Cựu Ước Hy Lạp

Quy điển Hy Lạp chia làm bốn phần: Ngũ Thư, Các Sách Sử, Các Sách Giáo Huấn (hay còn gọi là Thơ Phú), và Các Sách Ngôn  Sứ.

Thứ tự các trong Quy Điển Hy Lạp hẳn là do các Kitô hữu sắp xếp lại (vào khoảng thế kỷ IV thời Công Nguyên). Vì rằng, việc xếp các Sách Ngôn Sứ vào cuối phần Cựu Ước muốn cho thấy, Cực Ước kết thúc bằng việc loan báo về Tân Ước qua các Ngôn Sứ.

Đối với Kitô hữu, lịch sử dân Chúa và những lời loan báo của các ngôn sứ được hoàn tất nơi Đức Giêsu Nazaret. Nhờ Ngài mà Thiên Chúa quy tụ loài người của mọi nước, mọi dân để làm nên một dân bởi Giao Ước mới.

 

Phân chia chương và câu trong Kinh Thánh[10]

Kinh Thánh, Cựu Ước và Tân Ước, khi được viết, không có phân chia chương và câu.

Để giúp việc tìm kiếm trong Kinh Thánh được dễ dàng, vào năm 1226, Étienne Langton có sáng kiến phân mỗi cuốn thành những đoạn và đánh số đoạn. Đến năm 1551, nhà in Robert Estienne trong một chuyến đi từ Lyon tới Paris, đã đánh số hầu như mỗi câu của các đoạn Kinh Thánh.

Cách phân thành đoạn và câu như trên không phải luôn luôn khớp với ý nghĩa của bản văn (chẳng hạn Mc 6,6a và 6b). Tuy nhiên việc phân chương và câu rất tiện dụng, nên các ấn bản Thánh Kinh đều  đã theo cách đó. Muốn chỉ một chỗ nào trong Thánh Kinh thì chỉ cần cho biết cuốn nào, chương mấy, câu mấy (chẳng hạn  St 2,4).


ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA VÙNG TRUNG ĐÔNG

 

Bản đồ địa lý của nước Israel hiện tại khác nhiều với niềm đất mà lịch sử thánh Israel nói đến trong thời Thánh Kinh.

Israel nằm giữa một hành lang nhỏ hẹp

Israel nằm giữa hành lang chật hẹp giữa biển Địa Trung Hải và sa mạc Syria và Arabie. Vị trí địa lý của Israel sẽ cho thấy tình hình địa lý chính trị của nước này.

Về phía Nam, Israel gần Ai Cập, nơi có dòng sông Nil bảo đảm sự phồn thịnh của Ai Cập. Nhờ đó mà Ai Cập trở thành cường quốc[11].

 

Về phía Đông, Israel gần với miền Lưỡng Hà, với hai con sông lớn Tigre và Euphate. Trong niềm Lưỡng Hà này, ba cường quốc nối tiếp và thay nhau: Assyria, Babylon và Ba Tư. Theo địa lý hiện nay, chúng ta gọi những nước này là phía đông, nhưng trong Kinh Thánh lại gọi họ là các nước phương Bắc (x.  Gr 1,12-14).

Phía Tây, có hai cường quốc kế tiếp nhau: Hy Lạp và Roma. Khi các cường quốc sống cạnh nhau thì điều gì xảy ra? Dĩ nhiên là họ sẽ đánh nhau! “Khi mùa Xuân trở lại, các vua lên đường chinh chiến...”   (2 Sm 11,1), Thánh Kinh đã viết như thế. Nhưng để đánh nhau thì phải gặp nhau hoặc đi gặp đối phương, và do đó phải dùng hành lang giữa Địa Trung Hải và sa mạc Arabia.

Dân tộc nhỏ bé mà chúng ta quan tâm, dân Israel, lại ở ngay hành lang nhỏ hẹp đó. Và chúng ta hiểu vì sao cuộc sống của họ phải lệ thuộc rất nhiều vào sức mạnh của các dân tộc khác. Họ nằm giữa những thế lực lớn, họ được dùng làm tiền đồn khi thì cho thế lực này, khi thì cho thế lực khác, và do đó họ cũng thường xuyên bị cám dỗ thỏa hiệp với nước này nước khác.

Chung quanh Israel còn có bốn nước láng giềng nhỏ. Từ Bắc xuống Nam có Aram, Ammon, Moab và Edome. Xung đột vẫn xảy ra giữa Israel với các nước láng giềng nhỏ bé này, có lúc họ lại liên minh với nhau để chống lại các cường quốc.

 

Tên gọi Canaan và Palestine

Trong Thánh Kinh (và trong những bản văn ngoài Thánh Kinh), chữ “Canaan” có khi là một xứ, có khi là một dân.

Khoảng thế kỷ XII trước Công Nguyên, dân Philitin chiếm cứ vùng duyên hải Địa Trung Hải    ở mạn Nam. Vài thế kỷ trước Công Nguyên, người Hy Lạp lấy tên của dân ấy mà đặt cho xứ này: xứ Palestine, nghĩa là “xứ của dân Philitinh”. Như thế tên Palestine có muộn; thời Hy Lạp, trước đó trong Cựu Ước, tên gọi quen thuộc là xứ Canaan.

Xứ Canaan đại khái là miền Palestina ngày nay.

Nó được cắt dọc thành nhiều vùng:

-  Dọc theo bờ Địa Trung Hải là vùng duyên hải có ngọn núi Carmel cắt ngang.

-  Vùng ở giữa gồm nhiều cao nguyên ở miền Galilêa; và nhiều đồi núi ở Samaria và  Giuđa.

-  Vùng phía Tây là lưu vực sông Giođan. Sông này bắt nguồn ở chân núi Hermon ở mức 200m trên mực nước biển, chảy tới hồ Hulê thì nó còn 68m, nhưng khi tới hồ Tibêria thì đã là - 212m dưới mực nước biển và khi đổ vào Biển Chết thì độ thấp là - 392m.




35.  [1] Etienne Charpentier, Pour Lire l’Ancien Testament. Paris:Cerf, 2006 (1er 1980), trang6.

 

[2]Gérard Billon & Philippe Gruson, Pour Lire l’AncienTestament.

Paris: Cerf, 2007, trang 81.

[3]Thomas RÖMER, Jean-Daniel MACCHI, Christophe NIHAN, Introduction à l’Ancien Testament. Genève: Labor et Fides, 2004, trang393.

[4] Daniel Marguerat, Introduction au Nouveau Testament, Genève: Labor et Fides, 2000, 20012, 20043, trang395.

 

[5]Gérard Billon & Philippe Gruson, Pour Lire l’AncienTestament. Paris: Cerf, 2007, trang 13.

[6]Etienne Charpentier, Pour Lire l’Ancien Testament. Paris:Cerf, 2006 (1er 1980), trang7.

[7]Regis Burnet, Pour Lire Le Nouveau Testament. Paris: Cerf, 2010, trang20.

[8]Maurice GILBERT, Les cinq livres des Sages. Paris: Cerf,2003, trang 15.

[9] Gérard Billon & Philippe Gruson, Pour Lire l’AncienTestament.

Paris: Cerf, 2007, trang 7-9 & 13.

 

[10] Etienne Charpentier, Pour Lire l’Ancien Testament. Paris:Cerf, 2006 (1er 1980), trang7.

 

36.  [11] Gérard Billon & Philippe Gruson, Pour Lire l’AncienTestament.

Paris: Cerf, 2007, trang 18;

Etienne Charpentier, Pour Lire l’Ancien Testament. Paris: Cerf, 2006 (1er 1980), trang 16.