Bí tích Rửa tội không chỉ được sánh ví như cánh cửa đức tin để dẫn đưa chúng ta đến với mọi nguồn ân sủng của Thiên Chúa; nhưng đồng thời cũng mời gọi chúng ta có trách nhiệm tham gia vào đời sống Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô như chính Ngài đã tham gia vào dòng người, bước xuống dòng sông Giođan để chịu phép rửa, bắt đầu đời sống công khai như một khởi đầu của hành trình tham gia vào đời sống nhân loại để yêu thương, thánh hóa và cứu chuộc chúng ta. Ngài tham gia vào đời sống nhân loại như “một Người Hành Hương của hy vọng” vì Ngài luôn tin tưởng vào sự đồng hành của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần vào sứ mạng của Ngài.
Thiên Chúa vô tội mà lại phải chịu phép rửa tội sao?
Đó chắc hẳn là thắc mắc của rất nhiều người. Nếu ý nghĩa của phép rửa được hiểu theo nghĩa đơn thuần là để rửa tội thì một Thiên Chúa vô tội chắc chắn sẽ không cần đến phép rửa của Gioan. Ngài bước xuống dòng sông Giođan như là điểm thấp nhất của trái đất để hạ mình tới tận cùng của sự khiêm nhường như một phàm nhân, hòa mình vào dòng người tội lỗi để được rửa và trở nên xứng đáng là "Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha". Ngài bước xuống dòng sông Giođan không phải để được rửa nhưng là nhờ Ngài mà dòng nước được thánh hóa và dòng người được thanh tẩy. Ngài bước xuống dòng sông Giođan để cúi xuống dìm mình vào dòng nước và rồi trỗi dậy như một Đấng được tuyển chọn là Tiên Tri, Ngôn Sứ và Vương Đế của Thiên Chúa. Ngài bước xuống dòng sông Giođan để bắt đầu công khai tham gia vào đời sống và cứu chuộc nhân loại.
Hy vọng không làm Ngài thất vọng.
Thiên Chúa đã tham gia vào đời sống của gia đình nhân loại với xuất phát điểm của sự khiêm hạ và khó khăn tột cùng. Ngài giáng sinh trong hang bò lừa, máng cỏ nghèo hèn và khốn khó. Ngài bị truy bắt một cách vô cớ và bất công khi mới lọt lòng như một tử tội. Ngài không thể “an cư lạc nghiệp” khi phải cùng gia đình chạy trốn, nay đây mai đó mà không có chốn nương thân ổn định. Ngài bước đến với dòng sông Giođan như một người vô danh; không ai biết Ngài là ai ngoại trừ Gioan. Ngài cũng chẳng có nhiều thời gian để rao giảng, chỉ có ba năm vỏn vẹn. Cuối cùng, Ngài bị kết án như một tử tội và chịu chết trên thập giá. Ngài sinh ra trong cơ bần, sống trong khốn khó và chết trong tủi nhục.
Với tất cả những giông tố của cuộc đời như vậy cũng không làm Ngài thất vọng nhưng luôn hy vọng tràn trề để tham gia và đồng hành với nhân loại. Tất cả niềm hy vọng mà Ngài có là bởi vì Ngài tin tưởng tuyệt đối vào sự đồng hành của Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
“Hy vọng không làm ta thất vọng” để sống ơn gọi của Bí tích Rửa tội.
Bí tích Rửa tội không chỉ dìm chúng ta vào nguồn ân sủng của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng mời gọi chúng ta trỗi dậy và lên đường tham gia vào đời sống Giáo hội như chính Đấng thiết lập Bí tích này là Chúa Giêsu Kitô.
Để sống ơn gọi của Bí tích Rửa tội, chúng ta phải như “những người hành hương của hy vọng”; nghĩa là luôn hy vọng dù cho những bối cảnh xã hội, những mưu sinh cuộc sống, những yếu tố chủ quan và khách quan có thể đang khiến chúng ta đôi khi rơi vào tình trạng thất vọng.
Để luôn “hy vọng không làm ta thất vọng” đòi hỏi chúng ta phải có ơn đức tin bởi lẽ hy vọng là trông chờ và tin tưởng vào điều sẽ xảy ra. Chúng ta phải có đức tin vào Thiên Chúa thì chúng ta mới có niềm hy vọng nơi Ngài. Ngài chắc chắn sẽ chẳng bỏ rơi nhưng luôn chăm sóc và gìn giữ chúng ta như “những người hành hương của hy vọng”
Hãy nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu để chúng ta thấy những đau thương trong cuộc đời của Ngài nhưng không khiến Ngài thất vọng bao giờ. Hãy noi gương Ngài, hít một hơi thật sâu, dìm mình xuống; thở ra một hơi thật dài, trỗi dậy trong sự tươi mát của dòng nước; lên đường với hành trang là hy vọng và niềm tin vào Thiên Chúa để tham gia vào đời sống của Giáo hội là ngôi nhà chung của chúng ta.
Lm. Jos Nguyễn Huy