Hiệu lực của Kinh Kính Mừng qua Tràng Chuỗi Mân Côi
Giáo hội Công Giáo dành riêng Tháng Mười hàng năm để giúp cho con cái của mình có nguyên một tháng hầu bày tỏ tấm lòng yêu mến đối với Đức trinh nữ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và cũng là Mẹ thiêng liêng của mỗi người trong chúng ta, bởi vì Mẹ Maria cũng là Mẹ của Giáo hội tức là thân thể nhiệm mầu của Đức Giêsu Kitô.[1] Và Giáo hội khuyến khích các con cái của mình, đặc biệt trong Tháng Mười hãy siêng năng lần hạt Mân Côi,[2] nhằm đáp lại lời mời gọi của Mẹ Thánh Maria, khi Người hiện ra cùng 3 trẻ chăn chiên tại Fatima.[3] Ba trẻ chăn chiên trong thung lũng Cova da Iria (gần Fatima) là Luxia de Jesus 10 tuổi, Phanxicô Marto 9 tuổi, Giaxinta Marto 7 tuổi. Đó là ba trẻ hồn nhiên, thánh thiện và siêng năng lần hạt Mân Côi mỗi ngày.
Trước đây, trong một bài viết, tôi đã có dịp để chia sẻ với quý độc giả về Ý NGHĨA VÀ NGUỒN GỐC CỦA KINH MÂN CÔI.[4] Chuỗi Mân Côi kết bằng những hoa hồng tức là những kinh Kính mừng dâng lên Đức Mẹ Maria là Nữ Vương trên trời, để ngợi khen Người và xin Người ban xuống muôn ơn cho nhân loại.
Chuỗi Mân Côido chính Đức Mẹ hiện ra truyền cho Thánh Đôminicô vào cuối thế kỷ thứ 12 khi bè rối Albigeois nổi lên chống lại Giáo Hội Công Giáo và phá phách cả miền Nam nước Pháp. Nhờ lần chuỗi Mân Côi, Đức Mẹ đã cho chiến thắng bè rối ấy. Từ đó, trải qua nhiều thế kỷ, với nhiều phép lạ, nhiều ơn phước Mẹ đã ban, nhờ lần chuỗi Mân Côiliên tiếp. Các Giáo Hoàng Inoxentê III, Gregoriô thứ XIII, Clêmentê XI, Leo XIII đã không ngớt hô hào và khuyến khích các giáo hữu lần chuỗi Mân Côi. Và sau hết, năm 1917 khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại Fatima. Trong 6 lần hiện ra với 3 em: Đức Mẹ đã nói đến 12 lần về việc lần chuỗi Mân Côi. Người đã dạy phải siêng năng lần chuỗi Mân Côi và Người cũng đã tự xưng: “Ta là Đức Mẹ Mân Côi”.[5]
Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã đề xuất kinh Mân Côi như một vũ khí hữu hiệu tinh thần nhằm chống lại các tệ nạn đã gây nên đau khổ cho xã hội. Trong số các vị Giáo Hoàng gần đây, nhất là từ thời công đồng Vatican II, đã đóng góp vai trò tích cực trong việc thúc đẩy và ủng hộ việc lần chuỗi Mân Côi. Tôi muốn đơn cử một vài vị Giáo Hoàng có tên sau đây, như là những khuôn mặt cụ thể trong việc cỗ võ việc sùng kính Đức Mẹ và chuỗi Mân Côi: Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, Quan trọng hơn cả là ĐGH Phaolô đệ lục (Paul VI) trong Tông Huấn (Marialis Cultus – Marian Cultivation) của Ngài đã nhấn mạnh đến việc cổ võ và quảng bá lòng sùng kính Đức Mẹ, theo tinh thần của Công đồng Vatican II.
Đặc biệt hơn cả là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã thường khuyến khích việc đọc Kinh Mân Côi thường xuyên. Ngài đã tiết lộ với chúng ta rằng, “Từ những năm khi ngài còn là thiếu niên thì Kinh Mân Côi đã có một vị trí quan trọng trong đời sống cầu nguyện của Ngài. Đức cố Giáo hoàng Gioan Phalô II cho biết, chính Ngài cũng đã được nhắc nhở một cách mạnh mẽ về điều này trong chuyến thăm của Ngài tại Ba Lan, và đặc biệt là ở các đền thờ kính Đức Mẹ tại Kalwaria.
Đức cố Giáo hoàng Gioan Phalô II đã nói:
Kinh Mân Côi đã đồng hành cùng tôi trong những giây phút hân hoan, vui vẻ và cả trong những giây phút đầy khó khăn. Tôi đã phó mặc tất cả mọi nỗi âu lo cho Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi và tôi luôn luôn tìm thấy nguồn hoan lạc, sự ủi an và nguồn hy vọng từ lời kinh Mân Côi. 24 năm về trước, vào ngày 29 tháng 10 năm 1978, chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 tuần lễ sau khi tôi được đắc cử Giáo Hoàng, nối quyền thánh Phêrô, vị Tông Đồ Cả của Giáo Hội, Tôi đã thẳng thắn thừa nhận: “KINH MÂN CÔI, CHÍNH LÀ LỜI KINH MÀ TÔI YÊU QÚY. MỘT LỜI CẦU NGUYỆN TUYỆT DIỆU! TUYỆT DIỆU TRONG SỰ SỰ GIẢN DỊ VÀ TRONG CHIỀU SÂU CỦA NÓ. THẬT VẬY, LỜI KINH MÂN CÔI ĐƠN SƠ NHƯNG LẠI DIỄN TẢ VÀ GHI DẤU NHỊP ĐIỆU CỦA CUỘC SỐNG CON NGƯỜI.”[6]
Chuỗi Mân Côi được thêu dệt bởi những kinh kính mừng, khi chúng ta cùng nhau suy gẫm về những mầu nhiệm cốt yếu trong cuộc đời của Chúa Giêsu, từ khi Ngài được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, cho đến khi chào đời, rồi lớn lên và đi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người, hầu những ai nghe và tin nhận thì được lãnh nhận ơn cứu rỗi, được biểu lộ qua mầu nhiệm 5 sự Vui. Đó chính là sứ mạng mà Thiên Chúa Cha đã trao phó cho Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Nhập Thể và cũng là người con chí ái của Chúa Cha.
Cuộc đời rao giảng và mục vụ công khai của Chúa Giêsu đã được kết thúc một cách bi thương và ai oán trên thập tự giá – mầu nhiệm 5 sự Thương. Ngài đã bị treo lơ lững giữa hai tên trộm cướp. Đấng chí thánh, là con một của Thiên Chúa, giờ đây đã bị liệt vào hàng trộm cướp, bị sỉ vả và nhạo bang, bị khinh khi và chế diễu. Nếu mày thực sự là con của Thiên Chúa, thì hãy tự tháo đinh mà xuống đi! Nó đã từng cứu được khác, đã làm cho kẻ chết sống lại, người qùe được đi, người câm được nói, người mù được thấy… thì hãy tự mình mà cứu lấy mình đi. Đứng trước các lời ngạo mạn và ngông cuồng, đầy thách thức đối với quyền năng… Chúa Giêsu đã giữ một thái độ im lặng, ngài không nổi giận và ra tay trừng phạt kẻ lộng ngôn, dám phạm thượng đến Thiên Chúa. Âu đó cũng là bài học quý giá cho chúng ta. Chúa Giêsu đã từng nói: “Các con hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt 11:28-30)
Sau đó, trong tràng chuỗi mân, chúng ta cũng được mời gọi để suy gẫm về mầu nhiệm năm sự Mừng. Đây chính là niềm hy vọng của chúng ta, vì chính Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần. Sự chết và tội lỗi từ nay trở sẽ mãi mãi không còn ảnh huởng trên Ngài nữa, vì Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Sự chết đã bị Thiên Chúa triệt tiêu ngang qua sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, và quyền lực của ma qủy sẽ không thể nào làm gì được chúng ta, nếu chúng ta biết kết hiệp cùng với Chúa Giêsu Kitô phục sinh, nếu chúng ta biết từ bỏ con người cũ của mình để mặc lấy con người mới và sống theo tinh thần của Đức Giêsu Kitô.
“Đức Kitô, “trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại”(Cl 1,18), là nguyên lý sự sống lại của chúng ta: ngay trong hiện tại. Người công chính hóa linh hồn chúng ta (Rm 6,4),và sau này cho thân xác chúng ta được sống lại (Rm 8,11) (GLHTCG 658)
Do đó, chuỗi mân côi, giúp cho chúng ta suy gẫm một cách sâu xa về các mầu nhiệm chính trong đạo Công Giáo – Mầu nhiệm nhập thể (5 sự vui), mầu nhiệm tử nạn (5 sự thương) và sau cùng là mầu nhiệm phục sinh (5 sự mừng) - và nhờ vào việc thành tâm suy gẫm này mà chúng ta múc lấy được nguồn mạch ân sủng từ nơi TC làm cho đời sống đạo của chúng ta được trở nên sống động, linh hoạt và thánh thiện. Tôi xin phép được trích lại lời xác quyết của Đứccố Giáo hoàng Gioan Phalô II đã nói:
Kinh Mân Côi đã đồng hành cùng tôi trong những giây phút hân hoan, vui vẻ và cả trong những giây phút đầy khó khăn. Tôi đã phó mặc tất cả mọi nỗi âu lo cho Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi và tôi luôn luôn tìm thấy nguồn hoan lạc, sự ủi an và nguồn hy vọng từ lời kinh Mân Côi. 24 năm về trước, vào ngày 29 tháng 10 năm 1978, chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 tuần lễ sau khi tôi được đắc cử Giáo Hoàng, nối quyền thánh Phêrô, vị Tông Đồ Cả của Giáo Hội, Tôi đã thẳng thắn thừa nhận: “KINH MÂN CÔI, CHÍNH LÀ LỜI KINH MÀ TÔI YÊU QÚY. MỘT LỜI CẦU NGUYỆN TUYỆT DIỆU! TUYỆT DIỆU TRONG SỰ SỰ GIẢN DỊ VÀ TRONG CHIỀU SÂU CỦA NÓ. THẬT VẬY, LỜI KINH MÂN CÔI ĐƠN SƠ NHƯNG LẠI DIỄN TẢ VÀ GHI DẤU NHỊP ĐIỆU CỦA CUỘC SỐNG CON NGƯỜI.”[7]
Thuở còn bé, tôi không có cái may mắn được người khác, nhất là những người lớn mình, chỉ dạy cho tôi biết nhiều về ý nghĩa hay là sự hữu ích trong việc đọc kinh lần hạt mân côi. Tôi còn nhớ rất rõ, khi ấy tôi khoảng độ 9 tuổi, vô tình tôi lượm được một cỗ tràng hạt đã cũ, bằng nhựa, có màu đen, cây thánh giá thì đã bị gãy một 1/3. Nhưng dù cỗ tràng hạt ấy nhìn có vẻ hơi xấu xí và không mấy gì hấp dẫn cho lắm, nhưng tôi vẫn cứ thích mang lấy nó trong cổ của mình, và khi mang cỗ tràng hạt đó vào cổ của tôi, thì tôi cảm thấy nó như là một “lá bùa hộ mệnh” của tôi.
Hồi bé, tôi rất sợ ma, vì thỉnh thoảng tôi được nghe mấy chú lính kể cho tôi nghe về những chuyện ma mà mấy chú ấy biết. Tôi không biết là nó có thật hay không, nhưng với tuổi thơ non nớt, tôi tin vào những gì người lớn kể cho tôi, lẽ đó, mà mỗi khi dậy sớm đi lễ vào lúc 5 giờ sáng, tôi rất sợ mỗi khi đi ngang qua cái miếu ở chùa Dục Mỹ.
Tại điạ phương Dục Mỹ là nơi tôi lớn lên và theo học trường tiểu học Công giáo Tiến Đức. Ở đây vào năm 1969 chưa có đèn đường, nên buổi sáng sớm, trời vẫn còn tối đen như mực. Lẽ đó, mà khi đi tham dự thánh lễ sáng vào lúc 5 giờ, tôi rất sợ mỗi khi phải đi ngang cái Miếu, mà mấy chú lính kể cho tôi là có ma hiện ra ở đó và các chú mô tả cảnh ma hiện ra, mặc áo trắng, tóc phủ ngang bờ vai, đi hổng trên mặt đất… các hình ảnh đó ám ảnh trí ngây thơ non nớt của tôi khi còn bé, làm cho tôi vô cùng sợ hãi. Nhưng nếu sợ ma mà không dám dậy sớm để đi lễ sáng, thì tôi lại áy náy trong lòng, vì tôi rất muốn tham dự thánh lễ hằng ngày vào buổi sáng sớm, trước khi cắp sách đến trường, cho nên chuỗi tràng hạt là một cách thức để giải quyết vấn nạn khó khăn của tôi. Tôi tin là mỗi khi tôi có cỗ tràng hạt trong người thì ma quỷ sẽ không dám hiện ra nhát tôi, mặc dù lúc bấy giờ tôi chưa có hiểu rõ về sự hiệu lực của lời Kinh Kính Mừng, nhưng tôi tin là nếu có cỗ tràng hạt đeo ở trên cổ là tôi có thể an toàn đi lễ buổi sáng sớm mà không sợ bị ma nhát nữa. Thế nhưng, mỗi lần đi ngang qua cái Miếu là tôi phải nhắm mắt lại và cắm đầu chạy thật nhanh để có thể vượt qua cái Miếu đó một cách mau lẹ để có thể đến cổng nhà thờ.
Cho nên, tôi rất quý cái cỗ tràng hạt đó và tôi luôn luôn đeo nó ở trong cổ của tôi, nên ít có ai thấy. Một hôm mẹ tôi tắm cho tôi, và ở Việt Nam khi còn bé thì có lẽ qúy ông bà và anh chị cũng đã biết là đâu có phòng tắm riêng như ở bên này, mà hầu hết là tắm công cộng và ở truồng, nếu chưa đến tuổi dậy thì. Lúc đó, tôi mới có 9 tuổi, nên Mẹ tôi đặt tôi đứng trong một cái chậu nhuôm lớn, rồi lấy gáo dội nước tắm cho tôi, lẽ dĩ nhiên tắm như vậy thì Mẹ tôi bắi tôi cởi hết áo quần ra, thế là tôi bị sexy 100%, và rồi đứng vào trong chậu để cho Mẹ tắm. Mẹ tôi kì ghét cho tôi, có lẽ hồi còn nhỏ, tôi nghịch ngợm, vui chơi với các trẻ em hàng xóm, nên tôi hơi dơ bẩn, bởi vậy mà ghét bám đầy người, nhất là ở cổ. Cho nên, Mẹ tôi bắt tôi phải cởi cỗ tràng hạt ra, cho Mẹ kì ghét cho sạch ở cổ. Tôi nhất định không cho Mẹ tháo cỗ tràng hạt ra, nên Mẹ bực mình và phét vào mông tôi mấy cái đau điếng, tôi khóc… nhưng vẫn cương quyết không cho Mẹ tháo cỗ tràng hạt ra, cuối cùng Mẹ tôi cũng đành chịu thua. Có lẽ lúc đó, Mẹ tôi không hề hay biết gì về lý do tại sao tôi không cho Mẹ tôi cởi cái cỗ tràng hạt ra. Vì tôi không hề nói cho ai biết về bí mật này. Đây là lần đầu tiên mà tôi có dịp để viết thành văn bản và chia sẻ với quý ông bà và anh chị em. Tôi tin Mẹ tôi bây giờ trên thiên đàng cũng đã biết được bí mật này.
Vì mới có 9 tuổi nên lúc đó tôi vẫn chưa biết lần hạt mân côi là làm sao. Tôi chỉ biết đọc kinh kính mừng, chứ còn suy gẫm mầu nhiệm 5 sự Vui, Sự Thương và sự Mừng thì tôi không thuộc và cũng không có biết. Tuy nhiên, tôi xác tín là cỗ tràng hạt có một sức mạnh vô hình nào đó và tôi tin là ma quỷ sẽ sợ nó và không dám quấy phá tôi, nếu tôi mang nó trong người.
Bây giờ khi lớn lên và nhất là sau khi tôi nhập Đại Chủng Viện tại Việt Nam để đi tu, và nhất là khi tôi gia nhập DCCT tại Úc vào năm 1983, dần dà theo thời gian, tôi từ từ khám phá ra mối tình của tôi với Mẹ Maria. Tôi hiểu được phần nào lý do tại sao khi tôi lên 9 tuổi, Mẹ đã gởi cho tôi cỗ tràng hạt, dù đã cũ và hơi xấu xí, có thể nói đó là cách Mẹ tỏ tình với tôi, và cho tôi biết là Mẹ đã yêu thương tôi và chuẩn bị hành trình ơn gọi làm linh mục cho tôi khi tôi mới lên 9 tuổi.
Tưởng cũng nên chia sẻ với quý ông bà và anh chị em một chi tiết khá lý thú, đó là, sau khi tôi bị Mẹ tôi phát giác ra cỗ tràng hạt mà tôi luôn đeo trên cổ, thì anh rể của tôi là người Phật Giáo mà tôi đã có dịp chia sẻ với quý ông bà và anh chị em về đề tài: MẸ MARIA LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA, và trong bài chia sẻ đó, tôi đã đề cập đến niềm tin và lòng yêu mến Đức Mẹ của anh rể của tôi, nhất là trong thời gian, anh ấy bị đưa ra miền Bắc và bị giam trong trại cải tạo ở tỉnh Vĩnh Phú. Anh rể tôi một hôm nhân có buổi họp mặt khá đông đủ của tất cả mọi thành viên trong gia đình đã ứng khẩu phát biểu trước sự hiện diện của mọi người trong gia đình rằng: “Cậu Hùng không chừng lớn lên sẽ đi tu làm linh mục.” Lúc đó, tôi mới có 9 tuổi, thì làm sao mà biết chuyện đi tu là gì. Câu nói đó vẫn thường được nhắc lại mỗi khi có dịp gì vui hay quan trọng diễn ra trong gia đình, dù bây giờ tôi đã là linh mục hơn 20 năm. Tôi tin là Chúa Thánh Thần đã linh ứng cho anh rể của tôi nói lên điều đó, và chính bản thân tôi, mỗi khi có dịp để suy niệm về lời tiên báo này của anh rể tôi, tôi khám phá ra tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa và đặc biệt là của Mẹ Maria đã dành cho tôi. MẸ đã cho tôi khá nhiều dấu chỉ, tiên báo trước sứ mạng và hành trình tương lai của tôi. Sau này khi được lãnh nhận sứ vụ linh mục vào ngày 16.07.1994 tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Our Lady of Perpettual help) ở giáo xứ Maidstone, Melbourne, tôi liên tưởng đến lời tiên báo này và tôi thầm cảm tạ và tri ân Thiên Chúa cũng như Mẹ Maria, vì sau nhiều năm long đong, khổ sở với hành trình ơn gọi làm linh mục của chính mình, cuối cùng Chúa đã thương cho tôi được làm linh mục của Ngài và là người con yêu dấu của MẸ Maria, vì chính tôi đã tận hiến cho Mẹ vào ngày 15 tháng 9 năm 1979.
HIỆU LỰC CỦA KINH KÍNH MỪNG.
Mỗi khi chúng ta đọc Kinh Kính Mừnglà chúng ta cùng chia sẻ niềm vui trong trái tim của Mẹ Maria. Những lời chào đã được hình thành như rất nhiều bông hoa hồng tinh thần dâng cho Đức Trinh Nữ Maria như thể trang điểm cho Mẹ một chiếc vương miện hoành tráng, một vòng hoa đội trên đầu. Đổi lại, Mẹ của chúng ta sẽ đặt trên đầu của con cái Mẹ một vương miện bất khả chiến bại của hoa hồng, của ân sủng thiêng liêng. Và đó là ý nghĩa và mục đích của việc đọc Kinh Kính Mừng.
Đối với tôi, Kinh Kính Mừng là lời kinh mà tôi yêu thích nhất. Nó luôn luôn được thốt ra trên môi miệng của tôi và nó cũng chính là hơi thở của tôi. Tôi tập cho mình một thói quen tốt lành, là mỗi khi tôi bắt đầu làm việc gì, nhất là những việc quan trọng, tôi luôn đọc kinh kính mừng trước. Mỗi khi tôi lái xe, nhất là lái xe cho những chuyến đi xa. Khi tôi đi máy bay, cụ thể là khi máy bay cất cánh và khi hạ cánh.
Tôi làm như thế, vì tôi muốn có Mẹ che chở tôi và đồng thời, tôi cũng muốn cám ơn Mẹ đã gìn giữ tôi được bằng an trên các hành trình của mình. Nhưng có một điều mà có lẽ cho đến giờ này, tôi vẫn chưa thể hiểu thấu, đó là mỗi khi tôi gặp nguy hiểm, hay bị ma quỷ tấn công tôi, thường thì tôi thấy trong giấc mơ, nhưng có lúc, tôi cảm thấy mình rất ư là tỉnh táo và biết được những gì đang xảy ra. Có những khi tôi sợ hãi qúa, tôi kêu la để cầu cứu người bạn nằm ở phòng bên cạnh hay bất cứ ai, nghe được tiếng kêu của tôi, thì mau chóng đến giải cứu tôi, nhưng dường như tôi kêu không ra tiếng mà chỉ co ú ớ ở trong miệng. Những lúc sợ hãi quá như vậy, tôi còn chỉ biết cách là vói tay lên trên đầu giường của tôi và chụm lấy chuỗi mân côi, mà tôi thông thường treo trên phía đầu giường ngủ của mình, tôi nắm lấy chuỗi mân côi và tôi bắt đầu lấy lại can đảm và đọc kinh kính mừng. Khi tôi cất tiếng đọc kinh kính mừng, có khi ra tiếng được, có khi chỉ trong đầu, trong sự im lặng, nhưng mỗi lần tôi bắt đầu đọc kinh kính mừng, bằng tiếng rõ ràng, hay chỉ trong trí nhớ, thì ma quỷ dần dần bỏ đi và tôi được thoát nạn.
Tôi mạo muội xin được chia sẻ với quý độc giả về một giấc mơ khá kỳ bí và thật sự rất ư là đặc biệt đối với tôi, mà tôi đã ghi lại trong cuốn sổ nội tâm của tôi. Qủa tình, tôi vẫn chưa hiểu hết các ý nghĩa về giấc mơ này, nhưng dẫu vậy đi chăng nửa thì tôi cũng đã am tường được một phần nào về ý nghĩa của giấc mơ đó.
Cách đây cũng khá lâu, vào một buổi tối nọ, tôi nằm mơ và trong giấc mơ ấy, tôi thấy nhiều Quỷ dữ bay lượn trên không trung và chúng cố gắng rượt theo để đuổi bắt các linh hồn cũng đang bay lượn trên không trung. Hễ Quỷ đụng tới linh hồn nào, thì linh hồn đó thuộc về Quỷ. Tôi thấy vậy, tôi rất âu lo và tôi nói với Mẹ Maria, con muốn cứu và dành lại các linh hồn ấy cho Chúa, rồi tôi thấy mình cầm lấy chuỗi mân côi và bay một cách nhẹ nhàng trên không trung, giống như là người dơi Batman vậy. Tôi hết sức ngạc nhiên, tại sao tôi có thể bay như vậy, và tôi cố gắng bay thật lẹ, bay nhanh hơn các con Qủy để tôi có thể đụng vào các linh hồn trước, nếu tôi đụng vào linh hồn nào, thì linh hồn ấy được cứu và Qủy sẽ không có rượt theo nữa. Tôi nỗ lực bay thật nhanh và tranh giành với Qủy dữ để có thể cứu được nhiều linh hồn cho Chúa. Sau đó, tôi giật mình tỉnh dậy, và khám phá mình tôi ướt đẫm mồ hôi, có lẽ vì tôi quá sợ hãi, hay vì cố sức gắng bay chăng…???
Ngày hôm sau tôi đã cố gắng ghi lại đầy đủ chi tiết và những cảm giác mà tôi vẫn còn ghi nhớ sau cơn mơ trong cuốn sổ nội tâm của tôi, vì tôi biết, đây không phải là một giấc mơ bình thường. Đây có thể là một thị kiến mà Chúa đã mặc khải cho tôi, và Chúa cho tôi biết đó chính là sứ mạng của tôi, với thiên chức linh mục. Tôi cần phải cứu các linh hồn và đem nhiều linh hồn về cho Chúa và cách thức để tôi có thể cứu được các linh hồn là tôi hãy dùng và cầm lấy chuỗi mân côi, như thể là một khí cụ lợi hại để đấu tranh với ma qủy, hầu có thể đem lại chiến thắng cho Chúa. Tôi thiết nghĩ, nếu tôi hiểu được ý nghĩa của giấc mơ như vậy thì nó cũng đã làm cho tôi mãn nguyện phần nào, còn những gì mà tôi chưa hiểu nổi, thì tôi tin là Chúa sẽ từ từ mặc khải cho tôi, khi mà Ngài thấy thời gian chín mùi và tôi có sức để lãnh hội những gì mà Ngài muốn dạy bảo tôi.
Một điều mà tôi luôn ý thức, đó chính là mỗi khi tôi gặp nguy hiểm và có nguy cơ đến tánh mạng, tôi luôn đọc kinh kính mừng và khi tôi cất tiếng đọc kinh kính mừng, thì sau đó, tôi lấy lại được sự bình an và dường như tôi được Mẹ Maria thêm sức mạnh cho tôi. Có thể nói kinh kính mừng là vũ khí lợi hại và sắc bén nhất và ma quỷ rất sợ kinh kính mừng, vì mỗi khi chúng ta nhắc đến tên của Mẹ - THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI, và tên cực trọng của Chúa GIÊSU – và GIÊSU, con lòng bà gồm phúc lạ. Mỗi khi nghe tên cực thánh của Maria và Giêsu. Ma quỷ thất đảm kinh hồn và tán loạn bỏ chạy. Điều này cũng đã được các thánh tổ phụ và các thánh trong thời trung cổ, ngay cả các vị thánh có lòng sùng kính và yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt cũng sẽ xác nhận như vậy.
Đối với hành trình ơn gọi làm linh mục và với tất cả những gì mà tôi đã trải qua, từ khi còn tấm bé cho đến khi tôi khôn lớn, trưởng thành rồi đi tu, rồi chịu chức linh mục. Nói vắn ngọn cho đến nay, một điều mà tôi không thể nào phủ nhận, đó chính là: NẾU KHÔNG CÓ TÌNH YÊU VÀ SỰ CHE CHỞ CỦA MẸ MARIA, TÔI SẼ KHÔNG CÓ NGÀY HÔM NAY. Sự bao bọc và chở che, nâng đỡ của Mẹ đã giúp tôi vượt qua không biết là bao nhiêu khó khăn. Có những khó khăn mà lắm lúc, tôi tưởng chừng sẽ không bao giờ vượt qua nổi. Đã nhiều lần tôi thối chí, vì qúa tuyệt vọng, những lúc như thế, tôi muốn buông xuôi và bỏ cuộc, tôi muốn trốn chạy và tôi muốn để mặc cho dòng đời đưa đẩy…, nhưng Mẹ Maria không bao giờ bỏ rơi tôi. Mẹ không để tôi phải tuyệt vọng. Mẹ đã đến và giải cứu tôi, giúp tôi vượt qua tất cả mọi nỗi khó khăn để tôi có thể tiếp tục hành trình ơn gọi làm linh mục của chính mình cho đến ngày hôm nay.[8] Lẽ đó, mà tôi nguyện suốt đời không dám quên những ơn Mẹ Maria đã ban, nhưng ngược lại sẽ mãi mãi tri ân Mẹ Maria và Thiên Chúa, chính là người Cha nhân từ và giàu lòng nhân ái.
Trong cuộc đời tôi, có hai người phụ nữ mà tôi yêu quý nhất, đó là Mẹ Maria, người Mẹ tinh thần và là Mẹ thiêng liêng của tôi. Người Mẹ đã tạo cho tôi hình hài giống Giêsu, bằng các ân sủng của MẸ.
Người thứ hai, đó là người Mẹ đã cưu mang và sanh ra tôi, đã nuôi tôi khôn lớn và dạy cho tôi biết kính sợ Chúa và yêu mến tha nhân, cũng như anh em ruột thịt của mình.
Đời tôi, thực sự hạnh phúc vì tôi có Mẹ Maria và Mẹ sẽ mãi mãi là mùa xuân của đời sống thánh hiến của tôi. Có thể nói: Mẹ Maria là tất cả đối với tôi, bởi lẽ đó, tôi rất thích LỜI KINH TẬN HIẾN VẮN TẮT do chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sáng tác. Lời kinh này đã được tôi lập đi, lập lại mỗi ngày:
TOÀN THÂN CON THUỘC VỀ MẸ,
VÀ TẤT CẢ NHỮNG GÌ CON CÓ LÀ CỦA MẸ,
XIN MẸ HƯỚNG DẪN CON TRONG MỌI SỰ.
Tôi ước ao quý độc giả và các giáo hữu Công Giáo hãy tận hiến cho Mẹ Maria bằng cách lập lại LỜI KINH TẬN HIẾN VẮN TẮT do chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II soạn. Để như thế, chúng ta sẽ thành các chiến sĩ của MẸ, mang thánh giá và chuỗi mân côi chiến đấu cho chương trình của MẸ, chuẩn bị cho Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Amen.
Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng
Copyright©2024
[1] . Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ; “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. Xem Gioan 19: 26-27.
[2] . Mân Côi, Mân Khôi, Mai Khôi đó là danh từ Hán có nghĩa là Hoa Hồng lớn (Rose, Rosa) và Chapelet hay là Rosaire, Rosary là tràng Hoa Hồng ta thường gọi là Tràng hạt, Tràng chuỗi.
[3] . Đức Mẹ đã hiện ra 6 lần cùng với 3 em bé chăn cừu làng Fatima (Bồ Đào Nha) là Luxia, Phanxicô và Giaxinta (Lúcia dos Santos, Francisco Marto và Jacinta Marto) từ ngày 13 tháng 5 tới ngày 13 tháng 10 năm 1917. Fatima là một địa danh thuộc nước Bồ Đào Nha được thế giới nhắc đến rất nhiều trong thế kỷ 20 này. Fatima cách Lisbone, thủ đô Bồ Đào Nha 130 cây số, cách đường xe lửa 15 cây số, gần ga Coimbra (trong dãy núi Sierra và Aire, phía Bắc của Lisbone). Tài liệu nầy dựa trên bản phúc trình của Lm Montélo, người có trách nhiệm điều tra về Fatima, Lm Phan Văn Thăm thuộc giáo phận Sài Gòn, nay đã qua đời, đã dịch và xuất bản trước 1975.
[4] . Xem Linh mục Trần Mạnh Hùng, Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Kinh Mân Côi
http://xuanbichvietnam.net/trangchu/nguon-goc-va-y-nghia-cua-kinh-man-coi/ (Truy cập, ngày 22.10.2024).
[5] . Ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi 7 tháng 10 mỗi năm là để kỷ niệm chiến thắng Lapente ngày 7-10-1571 chống lại sự tấn công của quân Hồi Giáo lúc ấy đang đe dọa Giáo Hội Công Giáo và toàn thể Âu Châu. Chiến thắng đó là nhờ vào chuỗi Mân Côi.
[6] . Xem Linh mục Trần Mạnh Hùng, Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Kinh Mân Côi
http://xuanbichvietnam.net/trangchu/nguon-goc-va-y-nghia-cua-kinh-man-coi/ (Truy cập, ngày 22.10.2024).
[7] . Xem Linh mục Trần Mạnh Hùng, Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Kinh Mân Côi
http://xuanbichvietnam.net/trangchu/nguon-goc-va-y-nghia-cua-kinh-man-coi/ (Truy cập, ngày 22.10.2024). Cf., An Epic: From Marian Salutations to the Ave Maria.
[8] . Đến ngày 16 tháng 7 năm 2024 vừa qua, tôi đã lãnh nhận sứ vụ linh mục được 30 năm.