Từ ngữ “dân Thiên Chúa”, được dùng trong Công đồng Vatican II, có ý nghĩa rộng hơn thuật ngữ “Hội thánh,” nhất là khi chúng ta nói về Hội thánh Công giáo.
Kiểu nói này có nguồn gốc từ trong Cựu Ước: dân Israel thường được gọi là dân Thiên Chúa, một nhóm người được Thiên Chúa dành riêng như là những người lãnh nhận các phúc lành đặc biệt của Người.
Trong Tân Ước, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, và hoạt động loan báo biến cố vĩ đại này bằng việc rao giảng Tin Mừng đã làm phát sinh kiểu nói “dân mới của Thiên Chúa”.
Nếu hiểu Hội thánh là những người lãnh nhận công trình cứu chuộc của Thiên Chúa qua Đức Kitô, thì có thể nhìn Hội thánh ở nhiều góc độ khác nhau. Cũng như bất cứ một mầu nhiệm nào khác, chỉ riêng một kiểu diễn tả, một định nghĩa mà thôi thì không thể chuyển tải được toàn bộ ý nghĩa. Chẳng hạn, kiểu nói “thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô” là một ẩn dụ mà thánh Phaolô đã sử dụng trong tư tưởng thần học của ngài về Chúa Kitô và dân Chúa. Tuy nhiên, kiểu nói này nhấn mạnh nhiều hơn đến những đòi hỏi đặc biệt để một cá nhân có thể kết hiệp với Chúa Giêsu, chẳng hạn như bí tích rửa tội, hoặc trở thành phần tử trong Hội thánh “cơ chế”, hoặc niềm tin rõ rệt vào một số giáo lý, v.v…
Kiểu nói “dân Thiên Chúa” chú trọng đến những đòi hỏi tổng quát hơn, cho con người quyền lãnh nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và những ân phúc khác, như việc nhập thể, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Có lẽ đây là lý do khiến cho kiểu nói này được sử dụng nhiều kể từ Công đồng Vatican II.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành,OP
Nguồn: daminhvn